Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cận cảnh đời sống công nhân giáp Tết

Cận cảnh đời sống công nhân giáp Tết
 Ai đó bảo rằng, hãy đến các khu công nghiệp vào giờ tan tầm để thấy hàng nghìn công nhân nam, nữ đổ ra cổng nhà máy rồi trở về khu nhà trọ sau giờ làm việc. Qua ánh mắt, gương mặt của họ sẽ cảm nhận được ít nhiều về đời sống của người công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất này. 

Dù nghe kể nhiều về nỗi khó khăn, vất vả của người công nhân, nhưng giữa những ngày rét đậm đầu năm 2013, chúng tôi vẫn lên đường để tận mắt chứng kiến đời sống của các lao động tại khu công nghiệp, chế xuất quanh Hà Nội vào dịp năm hết Tết đến...

Từ Trung tâm Hà Nội theo đường cao tốc hướng về cầu Thăng Long, mất khoảng một giờ xe máy giữa cái rét như càng thấm sâu vào da thịt, chúng tôi đã có mặt tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Đây là khu công nghiệp do Liên doanh Công ty Sumitomo Corp. (Nhật Bản), Công ty Cơ khí Đông Anh làm chủ đầu tư và cũng là khu công nghiệp có tiếng thơm ở đất Hà thành.

Nhom nhem nhà trọ, tan ca vắng người

Ai đó bảo rằng, hãy đến các khu công nghiệp vào giờ tan tầm để thấy hàng nghìn công nhân nam, nữ đổ ra cổng nhà máy rồi trở về khu nhà trọ sau giờ làm việc. Qua ánh mắt, gương mặt của họ sẽ cảm nhận được ít nhiều về đời sống của người công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất này. 

Hơn 4 giờ chiều, chúng tôi đã có mặt ở cổng khu công nghiệp Bắc Thăng Long nhưng chờ hơn nửa tiếng chỉ mới thấy lác đác những tốp công nhân vội vã ra về. Lạ trước cảnh này, chúng tôi quyết định tới các khu nhà trọ của công nhân xung quanh khu công nghiệp để tìm hiểu...

Rẽ vào thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, may mắn khi gặp và hỏi chuyện một nữ công nhân tên là Minh, 25 tuổi đang làm việc cho một nhà máy chuyên sản xuất linh kiện tivi từ trong thôn đi ra. Thì ra giờ tan tầm thiếu vắng công nhân đi về bởi nhiều nhà máy trong khu công nghiệp không đủ việc làm đã phải cho công nhân nghỉ. 

Hỏi Tết Dương lịch năm nay có khá không? Không ngần ngại, cô thổ lộ: “Tết Dương lịch năm ngoái, bọn em còn được thưởng chút ít chứ năm nay, công ty không có tiền thưởng. Mấy tháng vừa rồi, chẳng riêng gì công ty em, mấy công ty quanh đây đều không đủ việc làm cho công nhân. Nghe nói là do ảnh hưởng của suy giảm, suy thoái kinh tế...”. 

Thấy Minh mua vài bìa đậu phụ với mớ rau của một quán hàng nhỏ ở chợ cóc thôn Bầu, tôi hỏi: “Bữa tối chỉ chừng này thì hôm sau lấy sức đâu đi làm”? Cô cười: “Mai vẫn chưa có việc nên chỉ ăn thế này thôi. Quê em xa không về được nên phải cầm cự ở đây, chờ có việc thì làm, may ra còn có tiền về Tết nguyên đán”. 

Định theo Minh về khu nhà trọ nhưng bất chợt cô gặp bạn nên chúng tôi đành tạm biệt và tiến sâu vào thôn Bầu để hỏi thêm.

Từ khi đường cao tốc Hà Nội - Nội Bài chạy qua và khu công nghiệp Bắc Thăng Long đi vào hoạt động, thôn Bầu đã thay da, đổi thịt khá nhiều. Đường ngõ trong thôn hầu hết đều được bê tông hóa, nhiều nhà cao tầng kiên cố, dáng dấp đô thị khá khang trang đã được xây dựng lên. 

Các nhà mặt đường ngõ, thôn hầu như đều trở thành các hiệu tạp hóa, gội đầu, dịch vụ điện thoại... Nhờ giá đất lên cao nên nhiều nhà ở đây đã bán đất để có tiền xây dựng nhà, mua sắm các vật dụng. Rảo qua chợ tạm họp dọc đường làng dẫn đến khu công nghiệp, nhìn các mặt hàng thực phẩm bày bán, phần nào chúng tôi hiểu được bữa ăn của công nhân hàng ngày. Chẳng hề thấy bóng dáng hàng thịt, cá tươi sống mà chỉ lác đác vài quầy hàng khô với trứng gà, trứng vịt, cá khô, đậu phụ cùng rau quả... giống cảnh chợ chiều một vùng quê xa xôi nào đó.

Chẳng cần phải hỏi thăm, chỉ đi một quãng ngắn trong thôn, chúng tôi đã dễ dàng phát hiện ngay mấy khu nhà trọ mà đặc trưng nổi bật nhất là thấp lè tè, dây phơi quần áo chăng như mạng nhện trước hiên nhà. Đa phần chủ của các ngôi nhà này đều là người dân ở nội thành đầu tư mua đất rồi xây nhằm mục đích cho công nhân thuê. 

Xem ra, đây cũng là một hình thức đầu tư hợp lý bởi số lượng công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long có lúc cũng lên trên 60 nghìn người. Trong khi đó, nhà chung cư mà khu công nghiệp dành cho công nhân thuê mới chỉ đáp ứng cho khoảng 20 nghìn người. Trừ một số công nhân người địa phương, số còn lại đều phải thuê nhà của dân các khu vực quanh đây để ở.

Tiếp cận một khu nhà có gần 20 phòng trọ, nhìn quanh chỉ thấy 4-5 phòng cửa khép hờ. Quanh hiên nhà, các dây phơi đầy quần áo chờ khô. Gõ cửa một phòng trọ, chúng tôi bắt chuyện với một người phụ nữ chừng trên dưới 50 tuổi. Hỏi chuyện mới biết, bà là mẹ của bạn Đặng Thanh Xuân, 25 tuổi quê Vĩnh Phúc, là bà ngoại lên trông cháu gái vừa mới 5 tháng tuổi. 

Vốn người hay chuyện, bà vừa kể chuyện lên trông cháu rồi chỉ cho chúng tôi xem nào rau, nào gạo mà bà mới mang từ quê lên tiếp tế cho con. “Khổ lắm, tưởng nó có việc làm nên hôm nay tôi tất tả lên trông con cho nó đi làm. Ấy vậy mà chưa có việc, nghe nói còn phải nghỉ 10 ngày nữa nên tôi lại chuẩn bị về đây”.

Nhìn phòng trọ của Xuân, chỉ vừa đủ kê một chiếc giường hay là hai tấm phản gỗ ghép lại với nhau thì đúng hơn. Con còn nhỏ nên chăn, màn có lẽ suốt ngày được sử dụng mà không gấp lại. Bên dưới cửa sổ, ngay cạnh cửa ra vào có đặt một bếp ga và những thực phẩm mà bà ngoại vừa mang từ quê lên. Đáng chú ý nhất có lẽ là hộp sữa bột ngoại loại nhỏ dành cho trẻ con đang dùng dở. Tôi tấm tắc khen, lương mẹ được bao nhiêu mà có tiền mua sữa cho con thế này, thật giỏi. Bà cười to, bố mẹ cháu phải nhịn ăn mua sữa cho con thôi các bác ạ.

Các phòng trọ ở đây chật hẹp, hầu như có cùng diện tích khoảng 8 m2, nền nhà được lát bằng gạch 30x30 đỏ quạch. Qua thời gian sử dụng do lún không đều nên mặt nền đã võng xuống, đầy mùi ẩm thấp. Chồng Xuân trước cũng là công nhân ở đây, do khó khăn quá nên đã xin đi làm nơi khác để có tiền mua sữa nuôi con. Giá thuê một căn phòng như thế này là 500.000 đồng/tháng. Nếu thuê căn hộ khép kín thì đắt hơn rất nhiều. 

Xuân bảo, “Bọn em cũng muốn thuê chỗ khá hơn nhưng lấy tiền đâu bù vào. Con nhỏ, nếu gửi mẫu giáo thì với mức lương của mẹ dù đủ công, đủ ngày cũng không thể kham nổi. Đành nhờ bà mang gạo lên trông giúp”.

Ly nông vẫn chưa hết khổ

Những năm vừa qua, Tp.Hà Nội đã tạo điều kiện cho các công ty trong khu công nghiệp có thêm đất xây nhà cho công nhân thuê song chỉ một số ít công ty tham gia đầu tư nên vấn đề nhà ở hầu như vẫn do công nhân phải tự xoay sở. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn chính là việc làm, chất lượng việc làm và thu nhập của họ bởi nó liên quan đến ăn, ở, đời sống văn hóa của người công nhân.

Khu nhà trọ giáp Tết sau giờ tan tầm vắng đìu hiu là do phần đông công nhân không có việc làm đã phải khóa phòng trọ để về quê kiếm việc khác. Hỏi chuyện Đặng Thanh Xuân mới biết, cô đang làm tại Công ty Nissei chuyên sản xuất các trục roller của máy in và sản xuất cáp quang dùng cho máy tính cá nhân, máy điện thoại di động, bộ cảm biến sensor... Tổng thu nhập của Xuân khoảng 2,8 triệu đồng/tháng. Công ty ít việc nên tết dương lịch cô vẫn được nghỉ 4 ngày và nay lại nghỉ tiếp nhưng công ty cho hưởng 70% lương.

Ở phòng kế bên là bạn Nguyễn Thị Nhung, quê Phú Thọ hiện làm việc cho Công ty TNHH FCC Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện xe máy của Nhật tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Lương của Nhung khoảng 3 triệu đ/tháng. Từ đầu năm tới giờ, công việc ít nên thường phải nghỉ và hưởng 70% lương. Nhung ở lại khu nhà trọ vừa chờ công việc và cũng là để theo học lớp trung cấp kế toán.

May mắn hơn cả là Trần Thu Phương, quê ở Vĩnh Phúc, 22 tuổi đi làm được 7 tháng tại Công ty Hoya, chuyên sản xuất nền đĩa thủy tinh dùng trong ổ cứng máy tính xách tay. Lương của Phương chỉ khoảng 2,8 triệu nhưng nếu cộng thêm tiền chuyên cần thì cũng được 4,8 triệu/tháng. Phương kể, nhiều công nhân làm việc ở đây từ 2 năm trở lên đều có thu nhập đến 6 triệu đồng/ tháng. 

Hiện Công ty đang có đơn hàng nên công việc rất đều đặn, không được nghỉ. Công ty còn sắp xếp, bố trí hợp lý cho công nhân làm thêm để tăng thu nhập mà không vi phạm Luật Lao động. Dường như tại khu nhà trọ này, chỉ có Phương mới tậu được xe máy, thậm chí trong phòng còn có nối mạng Internet và một bộ loa nghe nhạc. Hỏi Phương có hay đọc báo, xem TV không? Cô cười, lắc đầu. Lân la sang chuyện tình yêu, Phương cho biết, do điều kiện làm việc ở đây nên trai, gái có rất ít cơ hội gặp gỡ tìm hiểu. 

Chuyện trò với nhau cả tiếng đồng hồ, khi biết chúng tôi làm báo mấy cô lại tỏ ra lo lắng dặn đi dặn lại, đừng đưa tên các cô lên báo kẻo công ty lại làm khó. Nhất là cả hai mẹ con Xuân cứ nằn nì “để cho em thanh toán tiền thai sản (con mới đẻ được 5 tháng) vì sợ nói chuyện thế người ta không thanh toán cho”...

Ra vậy, những tưởng ly nông để đổi đời, thêm hiểu biết ai dè vẫn thế. Lợi thế nhân công giá rẻ của một thời là như thế này chăng? Đến khi nào và bao giờ nhận thức cũng như đời sống vật chất tinh thần của công nhân Việt Nam sẽ khá lên khi mà đã có rất nhiều nghị quyết xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh. 

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

(Theo vneconomy)

  • Bơ vơ 4,5 vạn người Việt: Mong Angola sớm ký hiệp định
  • “Gần một nửa số người thất nghiệp từ 15 đến 24 tuổi”
  • Lao động Việt Nam rẻ hay đắt?
  • Kế toán trưởng thất nghiệp hàng loạt
  • “Tìm cửa” sang Angola mưu sinh
  • Thất nghiệp: Nỗi ám ảnh toàn cầu 2013
  • Thị trường lao động 2013: “Suy thoái kinh tế là một sự điều chỉnh”
  • Nghỉ thai sản 6 tháng: Người mừng, kẻ lo
  • Xuất khẩu lao động 2013: Làm việc ở đâu nhiều tiền?
  • Nhân viên kinh doanh được tuyển nhiều nhất năm nay
  • Sang châu Phi lao động hưởng lương “nghìn đô”
  • Quý I-2013, mở rộng đưa lao động sang Libya
  • Dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Mất gần một tỷ USD/năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Từ 1-7: Lao động tu nghiệp tại Nhật được làm 120 loại việc
  • Có nên nhập khẩu lao động phổ thông?
  • Xu hướng việc làm năm 2010: Vẫn thiếu tính bền vững
  • Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu việc làm bền vững?
  • Năm 2010, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 12.500 lao động Việt Nam
  • Sử dụng nhân lực cao cấp nước ngoài: Có phải đáp án hay ?
  • Hơn 41.000 tỷ đồng cho dạy nghề từ nay đến năm 2020
  • 4,3 triệu việc làm do doanh nghiệp tư nhân tạo ra
  • Lao động tại doanh nghiệp tư nhân tăng hơn 20% mỗi năm
  • Thị trường lao động Canada: Cửa vào không dễ!
  • Năm 2010 sẽ đào tạo nghề cho gần 2 triệu lao động
  • 1,6 triệu việc làm mới trong năm 2010
  • Xuất khẩu lao động: Tiếp tục thời của thị trường “vàng”?
  • Cung - cầu lao động đang mất cân đối nghiêm trọng
  • Xuất khẩu lao động 2010: "Khai phá" thị trường nào?
  • Nhân sự Việt Nam: Vừa thiếu vừa yếu