Cơn bão khủng hoảng tài chính đang đòi hỏi chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia phải có những phản ứng linh loạt hơn, nhằm đối phó với thất nghiệp, nạn nghèo đói gia tăng. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Cuối năm 2008, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra con số lao động mất việc trong quý IV tại 11 tỉnh, thành phố là 29.400 người và ước tính con số của cả năm là 300.000 người. Năm 2009, Cục Việc làm của bộ này ước tính, số lao động mất việc lên tới khoảng 400.000 người. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số ước tính theo mức suy giảm của GDP, chưa phải là con số điều tra thực tế trên thị trường lao động.
Đặc điểm cơ bản của thị trường lao động Việt Nam là 75% số người lao động làm việc trong ngành nông nghiệp và khu vực phi chính thức không có hợp đồng lao động, chỉ có 25% còn lại làm việc trong khu vực chính thức có hợp đồng lao động. Khi kinh tế suy giảm, số lượng lao động mất việc trong khu vực chính thức sẽ gia nhập lao động ở khu vực phi chính thức.
Theo đó, công nhân các nhà máy, xí nghiệp bị mất việc có thể trở về làm nông nghiệp hoặc buôn bán nhỏ… Đây là khác biệt rất lớn của thị trường lao động Việt Nam so với những thị trường phát triển hơn, bởi ở đó người lao động thất nghiệp khó tìm được kế sinh nhai khác khi hầu hết việc làm nằm ở khu vực chính thức.
Để đảm bảo an sinh xã hội, mới đây, Chính phủ đã ban hành chính sách cho vay không lãi suất với doanh nghiệp không còn khả năng để trả nợ lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc cho người lao động. Đồng thời, Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm cũng được bổ sung một số quy định. Theo đó, với một khoản vay hỗ trợ cần thiết, người lao động khi mất việc làm ở khu vực chính thức có thể tự tạo việc làm cho mình ở khu vực phi chính thức. Như vậy, về cơ bản, người lao động vẫn có việc làm và thu nhập, nhưng thị trường lao động phải chấp nhận chuyển dịch cơ cấu lao động chậm hơn.
Cuối tuần trước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể về thủ tục vay và cách thức cho vay các khoản hỗ trợ trên. Những khoản vay này sẽ được thực hiện trong 1 năm, với hy vọng trong lúc chờ nền kinh tế tốt hơn vào năm tới, chúng sẽ làm tròn sứ mệnh của mình, trở thành “chiếc cần câu” thực sự có ý nghĩa khi người lao động khó khăn.
Thêm vào đó, với chính sách kích cầu hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, việc làm tại khu vực chính thức sẽ được tạo ra nhiều hơn. Về lâu dài, thực hiện nghiêm túc chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ tạo được “lưới đỡ” tốt với người lao động khi họ bị mất việc làm. Chính sách này sẽ hỗ trợ trực tiếp người lao động với việc được trợ cấp hàng tháng, học nghề không mất tiền và giới thiệu việc làm miễn phí.
Tuy nhiên, ngay cả khi được tất cả chủ sử dụng và người lao động tham gia thì độ bao phủ của chính sách cũng chỉ là 25% lực lượng lao động đang làm việc tại khu vực chính thức. Với 75% lao động khu vực phi chính thức, dường như vẫn thiếu một chính sách an sinh xã hội dài hơi, khi họ không có bảo hiểm thất nghiệp, không có lương hưu và các khoản trợ cấp ngắn hạn như thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
( Theo báo Đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com