![]() |
Tình hình suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. |
Đây là con số được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra khi trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/3.
Mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết: đây là lần thứ ba trong vòng một năm qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Sau kỳ họp thứ tư đã có 14 chất vấn của 8 vị đại biểu gửi về. Các vị đại biểu này đã được mời về dự phiên chất vấn hôm nay.
Trong thời gian một ngày, bộ trưởng các bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ trả lời chất vấn một số vấn đề bức xúc của cuộc sống, được cử tri cả nước quan tâm.
Thực hiện chất vấn theo nhóm vấn đề nên ngoài ba vị bộ trưởng trên, một số thành viên Chính phủ khác cũng được mời tham dự để cùng trả lời những vấn đề có liên quan.
“Ít cán bộ lấy tiền của dân để ăn lắm”
Sai phạm trong trợ cấp đối với hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua là vấn đề đầu tiên các vị đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi với Bộ trưởng Kim Ngân.
Và câu trả lời “đã cơ bản kiểm tra và xử lý xong các sai phạm và cấp đủ tiền cho các hộ nghèo" dường như chưa đủ làm hài lòng người chất vấn.
Đại biểu Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội đặt câu hỏi: việc tham mưu của Bộ có kịp thời hay không mà triển khai trong thời gian gấp như vậy?
Cận tết, nhưng không thể nói là không kịp thời, Bộ trưởng Kim Ngân khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh kịp thời “chia lửa”: "Chúng tôi đã hướng dẫn đơn giản và ứng vốn ngay, căn cứ danh sách tổ chức đưa tiền đến tận tay cho người nghèo. Theo đó thì việc triển khai rất là nhanh, chỉ việc đưa xuống và ký nhận chứ không phải lập dự toán".
Hai bộ đã thành lập 12 đoàn kiểm tra và đang tổng hợp những nơi có sai phạm. Qua đây thì phương thức xác định hộ nghèo cũng phải rút kinh nghiệm nhiều. Hiện chúng tôi đang yêu cầu các địa phương quyết toán, ông Ninh cho biết.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng đề nghị Bộ trưởng Kim Ngân khẳng định lại trách nhiệm đến đâu trong việc để xảy ra chuyện bớt xén, xà xẻo tiền tết của người nghèo và tham mưu quá gấp gáp.
Cũng theo vị đại biểu này, phần giải trình của Bộ trưởng Kim Ngân có số liệu còn chung chung. Vi phạm xảy ra ở bao nhiêu tỉnh, bao nhiêu xã, đã xử lý kỷ luật đến cấp nào, hình thức cao nhất là gì, thấp nhất thế nào đề nghị công khai cho nhân dân biết.
Bà Ngân tiếp tục khẳng định sai là khâu tổ chức thực hiện, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Hơn 10 tỉnh có sai phạm, nhiều nhất là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang, Trà Vinh..., có tỉnh đã phê bình, kỷ kuật 4 chủ tịch UBND nhân dân huyện, chủ tịch huyện lại kỷ luật chủ tịch xã... là một số thông tin cụ thể hơn được vị bộ trưởng này dẫn chứng.
Bà Ngân khẳng định "cán bộ lấy tiền của dân mà ăn thì ít lắm", sẽ bị xử lý ngay, còn chia cho người khác thì cân nhắc hơn.
Vị nữ bộ trưởng này cũng nhấn mạnh: Bộ có tăng cường kiểm tra cách mấy cũng không thể bằng địa phương, không thể nói là Bộ có thể giám sát cả 11 ngàn xã được.
Vì thế, trả lời câu hỏi của một vị đại biểu hiện còn bao nhiêu người đáng được hưởng tiền hỗ trợ tết mà không được hưởng, bà Kim Ngân cho rằng chỉ có địa phương mới trả lời chính xác được.
10.000 lao động có thể phải về nước trước thời hạn
Tình hình mất việc làm và chính sách đối với người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế là nhóm vấn đề thứ hai được Bộ trưởng Kim Ngân trả lời tại phiên họp sáng nay.
Theo báo cáo của Bộ, số lao động mất việc làm vẫn tiếp tục tăng trong 2 tháng còn lại của quý 1 và quý 2/2009. Dự báo, trên phạm vi toàn quốc trong năm có khoảng 300.000 lao động bị mất việc làm, tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, đặc biệt trong các doanh nghiệp dệt may, sản xuất linh kiện điện tử, thủ công mỹ nghệ…
Trong khi đó, tình hình suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Tính đến 15/3/2009 đã có 6.195 lao động phải về nước trước thời hạn (Đài Loan 2.082 người, Malaysia 1.388 người, Qatar 834 người)… Dự báo cả năm nay, số lao động phải về nước trước thời hạn có thể trên 10.000 người.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn.
Theo đó, người lao động bị mất việc làm trong năm 2009 (bao gồm cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn) được ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm thuộc chương trình quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi để tự tạo việc làm; được vay vốn để học nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm và được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tuy nhiên, điều mà nhiều đại biểu băn khoăn và đề nghị Bộ trưởng Kim Ngân có giải pháp là số lao động mất việc ở ngoài doanh nghiệp. Vì cả nước hiện nay có tới 46 triệu lao động.
Bộ trưởng Kim Ngân cho biết rất khó có thể quản lý được lao động tự do, bà cũng đã trực tiếp đi kiểm tra ở một số làng nghề và thấy rằng khi không có nghề phụ thì lao động ở đây còn có ruộng để làm.
Nhà nước không thể trợ cấp hết cho 46 triệu lao động. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Quốc hội, Chính phủ bố trí tăng ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm (khoảng 600 tỷ đồng) để đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo và tự tạo việc làm của người lao động nói chung và người lao động mất việc làm nói riêng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận chưa hài lòng về câu trả lời này. Nắm lao động trong doanh nghiệp thì dễ, nhưng trong quản lý Nhà nước thì quản lý doanh nghiệp cũng chỉ là 1 kênh, nếu không quản lý được các khu vực khác thì Bộ có cách gì, ông nói.
“Cái khó nhất là nắm được sự dịch chuyển lao động. Tôi sẽ cố gắng hơn trong vấn đề này, để có số liệu chứng minh khá hơn. Đúng là thực tế chưa tốt thì tôi không thể nói là tốt được, nhưng sắp tới sẽ làm tốt hơn”, Bộ trưởng Ngân giãi bày.
Tiếp theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trả lời chất vấn về một số vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và các giải pháp kích cầu nền kinh tế.
( Theo VnEconomy )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com