Những việc cần làm sau Nghị quyết 11 là xây dựng chuỗi bán hàng, kho dự trữ để tránh sốc giá đối với các mặt hàng nông nghiệp…
Trong sáu tháng triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, đến nay chúng ta đã đạt được nhiều thành công bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại và thách thức lớn mà cụ thể là lạm phát vẫn ở mức rất cao, bội chi ngân sách có giảm nhưng vẫn chưa phải xuống thấp, lãi suất là một trong những công cụ để giảm lạm phát hiện nay chưa thực sự giảm. Điều này ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối quốc gia trong tương lai. Chính vì thế, giờ đây sản xuất đình đốn, hàng hóa tồn kho cao, thất nghiệp gia tăng, giá lương thực thực phẩm tăng…
Cần những thông điệp mới sau Nghị quyết 11
Câu hỏi đặt ra là tại sao Nghị quyết 11 được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao nhưng vẫn tồn tại những hạn chế lớn đó?
Nguyên nhân khách quan vì bị ảnh hưởng lớn từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. Trong đó phải kể đến cuộc khủng hoảng ở châu Âu, Mỹ và những bất ổn từ Bắc Phi, Trung Đông, Nhật Bản. Đặc biệt hơn là khủng hoảng lương thực thực phẩm thế giới đã tác động không nhỏ đến chúng ta. Bên cạnh đó là lạm phát của các nước trong khu vực trong năm nay đều tăng gấp đôi so với năm trước.
Nhưng tất cả các nước nêu trên cũng đều chịu ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan. Song lạm phát của họ thấp hơn rất nhiều so với chúng ta. Điều đó thể hiện những nguyên nhân bên trong của nền kinh tế khiến chúng ta bị ảnh hưởng rất sâu sắc, tạo thành tác động kép khiến lạm phát tăng cao.
Cụ thể, một chính sách khi vừa đưa ra cần có độ trễ khi ban hành và chúng ta phải mất một thời gian triển khai. Thứ hai, khi chúng ta thực hiện nghị quyết lại rơi đúng vào thời điểm cuối nhiệm kỳ nên ít hay nhiều cũng mất một thời gian chuyển tiếp. Điều này đã tạo một khoảng lặng trong chính sách. Thứ ba, chúng ta chưa có những đợt tổng kết cụ thể sau khi đưa ra nghị quyết. Chẳng hạn, phải tổng kết ba tháng hoặc sáu tháng một lần. Bởi nền kinh tế luôn biến động, những giải pháp đưa ra đúng nhưng cần linh hoạt với từng thời điểm. Thứ tư, hiện nay vấn đề đầu tư công chưa rõ thế nào, điều đó thể hiện thiếu tính quyết liệt.
Vì thế, Chính phủ cần phải nhanh chóng đưa ra những thông điệp rõ ràng và minh bạch. Kiên định tinh thần mục tiêu của Nghị quyết 11, đó là ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế.
Mạnh tay bơm vốn sản xuất trong bốn tháng cuối năm
Trong tình hình lạm phát tăng cao như vậy, một trong những điều người dân mong đợi nhất là giá cả phải giảm. Vậy chúng ta phải làm gì?
Trước hết, Ngân hàng Nhà nước phải bơm tiền để hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh. Nên chia tín dụng thành hai loại: tín dụng tiêu dùng và tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Hoặc là tín dụng cho cá nhân và tín dụng cho doanh nghiệp. Bởi vì, dư địa của chính sách tiền tệ của chúng ta còn rất lớn. Cụ thể, theo Nghị quyết 11, Chính phủ đã xác định chỉ tăng cung tiền ở mức 16%/năm, trong khi tám tháng đầu năm cung tiền của chúng ta mới chỉ là 4%. Như thế, còn những 12% mới đến mốc quy định.
Thứ hai, Nghị quyết 11 nêu rõ dư nợ tín dụng không quá 20%/năm. Nhưng trong tám tháng đầu năm dư nợ của chúng ta mới 7,5%, vậy còn 12,5% nữa mới đến mốc quy định.
Bên cạnh đó, Chính phủ phải có thông điệp rõ ràng về việc kêu gọi toàn dân tiết kiệm là quốc sách hàng đầu. Mặt khác, cần cắt giảm những lễ hội không cần thiết. Ở nước ngoài, họ chỉ tập trung vào những lễ hội lớn, trọng đại của đất nước.
Một nguyên nhân khác nữa, đang là điểm yếu của chúng ta so với các nước trong khu vực là việc mua và bán không có hóa đơn, chứng từ. Chúng ta có nhiều ban bệ kiểm tra, thanh tra, quản lý thị trường nhưng giá cả vẫn bị đẩy lên vù vù.
Hỗ trợ nông nghiệp là hỗ trợ cho 70% dân số
Chúng ta có thể bị sốc giá về công nghệ điện tử hay là một lĩnh vực nào khác chứ không thể để một nước mạnh về nông nghiệp mà vẫn bị sốc giá về lương thực thực phẩm. Đã có nhiều tin đồn nhảm nhằm làm giá, làm ảnh hưởng đến thực phẩm của chúng ta. Điều này chứng tỏ đã và đang có sự đầu cơ lũng loạn trong lĩnh vực này. Vì thế, Chính phủ phải có những gói giải pháp chỉ dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp. Vì đây chính là một mũi tên trúng nhiều mục đích.
Hỗ trợ nông nghiệp nghĩa là chúng ta hỗ trợ 70% dân số cả nước đang sống ở nông thôn. Trong đó, 48,6% lao động của cả nước làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản… Trong đó lương thực thực phẩm, ăn uống chiếm 39,9% trong tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Như vậy mới là góp phần ổn định đời sống, an sinh xã hội. Mặt khác, chúng ta là một nước có lợi thế về nông nghiệp. Ngành này đang xuất siêu, xuất càng nhiều thì sẽ giảm được nhập siêu.
Muốn vậy phải ưu tiên cho thủy lợi, đường sá, vận chuyển, cung vốn, khoa học công nghệ, giống, đặc biệt phải hình thành các kho bãi trong việc lưu trữ thực phẩm. Chúng ta đã có kho dự trữ lúa, vậy tại sao không có kho dự trữ thịt heo, thịt gà, rau, củ, quả… Phải đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, đưa công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp.
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN
Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(Pháp luật TPHCM Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com