![]() |
Chăm sóc rau sạch tại HTX Rau an toàn Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Ảnh: Phương Thanh |
Trước khi hợp nhất Hà Nội - Hà Tây, nhiều người e ngại vùng sâu, vùng xa sẽ bị lãng quên. Nhưng sự lo lắng đó đã được giải tỏa, hàng trăm tỷ đồng được đầu tư, hỗ trợ cho khu vực ngoại thành. Và đã có nhiều đổi mới trên từng cánh đồng, đổi mới cả trong tư duy và cách làm của chính quyền và nông dân.
Thay đổi cả tư duy và cách làm
Vị thế và đặc thù của Thủ đô đã đặt ra cho chính quyền và nông dân thành phố phải lựa chọn những hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp (NN). Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết, nếu như trước đây, Hà Tây đặt mục tiêu an ninh lương thực lên hàng đầu thì sau khi hợp nhất, Hà Nội lấy giá trị trên một đơn vị canh tác làm trọng.
Mục tiêu là xây dựng nền NN theo hướng hiện đại, gắn với đô thị sinh thái, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hài hòa và bền vững với môi trường. Việc đầu tư cho NN cũng có trọng tâm, trọng điểm. Chủ trương của thành phố là chỉ tập trung đầu tư cho các vùng chuyển đổi với quy mô lớn, vì vậy các vùng chuyển đổi đạt trên 30ha được hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng như đường điện, đường giao thông, tập huấn kỹ thuật…, từ đó giúp các hộ đầu tư phát triển sản xuất, tăng giá trị trên một héc-ta đất canh tác. Các vùng cây ăn quả lớn đều được cải tạo từ vườn tạp sang trồng các loại cây đặc sản và các giống cây chất lượng cao, hợp thị hiếu người tiêu dùng Hà Nội.
Bên cạnh đó, tư duy làm ăn có hiệp hội, có liên kết được tăng cường rõ rệt. Người nông dân Thủ đô nay không còn bó hẹp tư duy của mình trong làng, xã nữa mà đã biết mở rộng liên kết, nhất là khi phải đối mặt với những đợt giá cả bấp bênh, sản phẩm làm ra không bán được. Ông Đồng Văn Phúc ở xã Hương Sơn (Mỹ Đức) quả quyết: "Do chăn nuôi nhỏ lẻ, không liên kết nên trong tháng 6, tháng 7 này giá gà, lợn rớt thê thảm, gia đình tôi lỗ vài chục triệu đồng, nay thì "ngộ" ra rồi. Mình làm ăn thì phải có hội, có phường, có liên kết mới bền vững được".
Đồng ta đã mới hơn
Thực tế, mỗi đồng đất có tập quán canh tác riêng nên việc đưa về một mối trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không dễ. Vì vậy, việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được thành phố chỉ đạo sát sao. Nhiều năm qua, các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm… có tập quán cấy muộn và chỉ quen với phương pháp canh tác truyền thống nên cho năng suất thấp và rủi ro cao. Để khắc phục điểm yếu này, phương pháp sạ lúa hàng đã được đưa vào sản xuất ở các huyện này và bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế, là bước đầu tiên đổi mới canh tác ở đây. Đến nay, hơn 2.000ha diện tích cấy muộn, bỏ phí trong khu vực này đã được tận dụng hết, đẩy năng suất lúa của khu vực ngoại thành Hà Nội cũ vốn khá thấp trước đây lên cao, tạo sự đồng đều về năng suất trong các huyện ngoại thành.
Đặc biệt, học tập kinh nghiệm về trồng rau ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũ, các vựa rau lớn ở các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Hoài Đức... đã được tập trung củng cố, xây dựng thương hiệu rau an toàn và không ngừng mở rộng diện tích để phục vụ thị trường Hà Nội. Sau một năm hợp nhất, hàng loạt HTX được cấp chứng nhận sản xuất RAT như HTX Tiền Lệ (Hoài Đức), HTX Hòa Bình (Hà Đông)... tạo cho nông dân niềm phấn khởi, tin tưởng mở rộng vùng RAT.
Bên cạnh việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi là một hướng đi quan trọng mà NN Thủ đô tập trung củng cố. Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn cho biết, trong cơn "bão" mê-la-min, đàn bò sữa của Hà Nội không những không bị hao hụt mà tiếp tục tăng đàn. Chính sự đồng hành cùng nông dân, gắn bó DN với người chăn nuôi và những chính sách hỗ trợ thu mua sữa của UBND thành phố Hà Nội đã giúp nông dân vượt "bão".
Cần sự đầu tư tương xứng
Theo ông Trần Xuân Việt, hiện tổng mức đầu tư XDCB cho ngành NN từ khi hợp nhất đến nay khoảng trên 800 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2007. Tuy nhiên, so với thực tế thì vẫn rất khiêm tốn bởi Hà Nội vẫn còn tới trên 60% dân số là nông dân sống dựa vào nông nghiệp. Mặt khác, nhiều chủ trương, chính sách của thành phố rất có lợi cho dân nhưng chưa đi vào cuộc sống do vướng mắc các thủ tục hành chính. Hiện tại, hơn 800 tỷ đồng đầu tư cho NN mới chỉ tập trung cho sửa chữa đê, kè, nâng cấp các công trình thủy lợi… Trong khi những lĩnh vực khác hết sức quan trọng đối với đời sống dân sinh như đầu tư cho nước sạch, vệ sinh môi trường, đầu tư về vốn để mở rộng sản xuất thì vẫn còn rất ít. Công tác quy hoạch khu dân cư nông thôn, phát triển NN chậm, chất lượng thấp, chính sách ưu đãi thu hút DN chưa được nghiên cứu, triển khai có hiệu quả. Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tăng kinh phí khuyến nông, quỹ khuyến nông, có chính sách về phát triển vụ đông, kinh phí phòng, chống dịch bệnh; ban hành quy định cụ thể về phân cấp và quản lý đầu tư, cho phép chỉ định thầu các dự án dưới 5 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ các dự án nông nghiệp, nông thôn, đồng thời quy hoạch vùng cây, con hợp lý để bảo đảm cung ứng sản phẩm cho thị trường nội đô.
(Theo Bạch Thanh // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com