Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Australia: Chìa khóa cân bằng chiến lược trước Trung Quốc?

Đối mặt với một người láng giềng hùng mạnh vượt trội, Việt Nam ngoài việc tự tăng cường năng lực của mình cũng đã tìm cách kết nối với các cường quốc bên ngoài nhằm ít nhất có thể răn đe, ngăn chặn xu hướng hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu như không phải là để cân bằng lại sức mạnh áp đảo của nước này ở khu vực.

Cuộc Đối thoại Chiến lược Hỗn hợp Ngoại giao Quốc phòng Australia - Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức ở Canberra vào ngày 21/2/2012 vừa qua. Đây vừa là một bằng chứng cho thấy mức độ quan trọng ngày càng tăng mà hai nước giành cho nhau với tư cách là những đối tác khu vực, vừa là một cơ chế hữu hiệu giúp hai nước nâng cao hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác vì các lợi ích chiến lược chung, đồng thời góp phần củng cố hòa bình và ổn định ở khu vực.

Đối với Việt Nam, cuộc đối thoại là một bước đi mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Biển Đông khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra cương quyết trong việc đòi hỏi chủ quyền của mình. Đối mặt với một người láng giềng hùng mạnh vượt trội, Việt Nam ngoài việc tự tăng cường năng lực của mình cũng đã tìm cách kết nối với các cường quốc bên ngoài nhằm ít nhất có thể răn đe, ngăn chặn xu hướng hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu như không phải là để cân bằng lại sức mạnh áp đảo của nước này ở khu vực.

Mỹ rõ ràng là một trong những đối tác được yêu thích của Việt Nam, và bất chấp quá khứ thù nghịch, Việt Nam đã quan tâm phát triển quan hệ với Mỹ trên tất cả mọi lĩnh vực. Tuy nhiên với quyết định của Mỹ "chuyển hướng" chiến lược sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vốn đã làm Trung Quốc phật lòng, một mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Việt Nam và Mỹ có thể gây nên những căng thẳng không mong muốn trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chính vì vậy quyết định chiến lược của Việt Nam tăng cường quan hệ với các cường quốc hạng trung như Australia là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Trong khi Bắc Kinh tỏ ra ít nhạy cảm hơn đối với những thay đổi trong quan hệ giữa Việt Nam với những quốc gia như Australia, thì những mối quan hệ này cũng mang lại những lợi ích không kém phần quan trọng cho Việt Nam.

Ví dụ, Australia đã cung cấp các chương trình đào tạo, huấn luyện sĩ quan cho quân đội Việt Nam. Liên quan đến Biển Đông, Australia đã lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, qua đó gián tiếp bác bỏ các yêu sách quá mức của Trung Quốc.

Quyết định gần đây của Chính phủ Australia cho phép luân chuyển 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ qua một căn cứ ở Darwin cũng cho thấy Australia có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cả ở Biển Đông.

Quan hệ gắn bó hơn với Australia mang lại cho Việt Nam không chỉ các lợi ích chiến lược. Thương mại song phương năm 2010 đã đạt 4,1 tỉ đô-la Mỹ, và Australia giờ đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Australia cũng là một nhà cung cấp viện trợ quan trọng của Việt Nam. Trong năm tài chính 2011-12, Australia đã cung cấp cho Việt Nam hơn 145 triệu đô-la Mỹ viện trợ phát triển chính thức (ODA).

Ở chiều ngược lại, Australia cũng có những lợi ích thiết thực trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Là một cường quốc hạng trung đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Australia có thể tìm thấy ở Việt Nam một đối tác giá trị để hợp tác nhằm thúc đẩy lợi ích của mình.

Việt Nam từ lâu đã mong muốn nhìn thấy Australia đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực và coi sự tham gia của Australia vào các thể chế khu vực là một yếu tố có lợi cho ổn định và hòa bình khu vực. Ví dụ, sự ủng hộ của Việt Nam đóng góp một phần không nhỏ vào việc Australia được chấp thuận trở thành thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Việt Nam cũng có thể mang lại cho Australia một nguồn hỗ trợ và một kênh thông  tin - phối hợp chính sách hữu hiệu trong các dàn xếp do ASEAN lãnh đạo. Và đặc biệt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Việt Nam với vị trí địa chiến lược quan trọng của mình cần được Australia tính tới trong bất cứ cấu hình an ninh khu vực nào mà quốc gia này muốn hình thành trong tương lai.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều mà Việt Nam và Australia có thể làm để tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác của mình. Trong lĩnh vực chính trị, hai nước cần tiếp tục tham vấn chính sách chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các tổ chức quốc tế, bao gồm cả việc ứng cử vào các tổ chức, cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Trong lĩnh vực an ninh, hai nước cần tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng thông qua đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược và trao đổi tin tức tình báo, thúc đẩy hợp tác cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, cũng như trao đổi kinh nghiệp về công tác gìn giữ hòa bình và an ninh hàng hải.

Trong lĩnh vực kinh tế, hai nước vẫn còn nhiều không gian để tăng cường thương mại song phương.  Việc Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả Việt Nam và Australia đều là thành viên có thể hoàn tất trong năm nay sẽ tạo một đòn bẩy để giúp hai nước củng cố hơn nữa nền tảng kinh tế của mối quan hệ song phương.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn có những thách thức mà hai nước phải vượt qua. Trước tiên đó là áp lực từ Trung Quốc, một quốc gia quan trọng mà cả Việt Nam và Australia đều muốn duy trì quan hệ tốt. Cả hai nước có thể phải nỗ lực lớn để chứng minh rằng một mối quan hệ Việt Nam - Australia vững mạnh hơn sẽ đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực, đồng thời không phải là một điều mà các bên thứ ba phải e ngại.

Thứ hai, vẫn còn tồn tại những khác biệt giữa hai nước liên quan đến một số vấn đề như nhân quyền. Trong khi các cuôc đối thoại về nhân quyền nên là một công cụ hữu hiệu nhằm tiếp tục nâng cao hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Australia không nên để vấn đề này phủ bóng đen lên triển vọng lâu dài của mối quan hệ chiến lược song phương. Sự hợp tác và can dự với Australia về lâu dài có thể sẽ giúp Việt Nam cởi mở hơn và từ từ áp dụng các chuẩn mực và giá trị quốc tế.

Các nghiên cứu đã cho thấy vai trò của các cường quốc hạng trung thường lớn nhất khi quan hệ giữa các siêu cường không rõ ràng, nghĩa là không quá thù nghịch và cũng không quá hợp tác.

Với điều kiện hiện tại của quan hệ Mỹ - Trung, đây chính là thời điểm phù hợp để những cường quốc hạng trung như Australia phát huy vai trò. Việt Nam cũng cần tận dụng thời cơ để tăng cường quan hệ với Australia. Cuộc Đối thoại Chiến lược Hỗn hợp Ngoại giao Quốc phòng Australia - Việt Nam lần thứ nhất là một bước đi nhỏ nhưng đúng hướng, góp phần củng cố mối quan hệ song phương, phục vụ cho lợi ích lâu dài của cả hai quốc gia.
--------------------------
Tác giả: Lê Hồng Hiệp  // Nguồn: Tuần Việt Nam

Lê Hồng Hiệp là Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM, và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học chính trị tại Đại học New South Wales, Australia. Bản tiếng Anh của bài viết này đã đăng trên East Asia Forum.

  • Bất ổn kinh tế do “ba nguyên nhân chính”
  • Đại gia giấu mặt: Tầng lớp siêu giàu xuất hiện?
  • Tại sao CPI tháng 3 lại “đột ngột” tăng thấp?
  • Phân cấp đầu tư: Hết thời dễ dãi!
  • Từ casino nghĩ về 'bác thằng bần'
  • Thu hút FDI: Khéo nói, chưa khéo làm
  • Thu hút FDI: Vì sao địa phương “thích” dự án tỷ USD?
  • Hướng đi nào cho ngành đóng tàu Việt Nam?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi