Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Cố đấm ăn...” golf!

Hiệu quả đầu tư của các dự án có mục tiêu sân golf hiện nay chủ yếu là từ việc kinh doanh bất động sản, thông qua việc bán và cho thuê biệt thự trong khu vực dự án. Lợi nhuận mang lại từ hoạt động golf chỉ là việc bán thẻ hội viên với khoảng 100 USD/ngày/lượt. Số tiền này chỉ đủ chi phí cho những người... vác gậy

 

 

Việc đánh giá một cách đầy đủ những tác hại của hoạt động golf ở nước ta hiện nay tuy vẫn còn nằm trong “lộ trình” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao cho các bộ, ngành để báo cáo chi tiết vào đầu năm 2009, nhưng những thống kê sơ bộ gần đây cũng cho thấy rất rõ một bức tranh về golf Việt Nam với đầy đủ tính... hài hước của nó.

 

Một xã... 3 sân golf

Không ít những chuyên gia đã phân tích đầy đủ những mặt lợi, hại từ hoạt động golf. Thậm chí thế giới còn chọn ngày 29-4 hằng năm làm “Ngày thế giới nói không với golf” (World No-golf day) vì những tác động tiêu cực của nó đến môi trường. Có lẽ ngoại trừ những đại gia đang tìm cách “đua” những khu đất đẹp thông qua các dự án được khoác bằng màu xanh sân golf “đất rộng- giá rẻ”, thì không ai không ý thức được việc tốn gần 50.000 ha đất để phục vụ nhu cầu chơi golf của khoảng 5.000 người như Việt Nam hiện nay là hoang phí và vượt quá xa so với nhu cầu thực tế. Nhưng xem chừng, những dự án sân golf vẫn còn xếp hàng rất dài để chờ được cấp phép.

 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cả nước hiện nay có khoảng 144 dự án trên 39 tỉnh, thành, có mục tiêu kinh doanh sân golf đã được cấp phép hoặc cấp chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện dự án. Trong đó, dự án kinh doanh golf thuần túy chỉ khoảng hơn 20, còn 123 dự án khác là kết hợp giữa golf - kinh doanh bất động sản và du lịch. Tổng diện tích đất cho các dự án này lên đến 49.000 ha, nhưng chưa đến 15.000 ha dành cho golf, diện tích còn lại là kinh doanh bất động sản, nhà nghỉ, biệt thự, nhà hàng...

 

Có những địa phương, dự án sân golf được cấp dày đặc. Chỉ riêng xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã có 3 dự án được cấp chủ trương và ngay xã Vân Trung bên cạnh cũng có thêm một dự án nữa. Hoặc ngay trên cùng một phường của quận Long Biên giữa Hà Nội cũng có đến 2 dự án sân golf. Ngay cả một tỉnh là vựa lúa như Long An thì cũng đã có thời, chính quyền địa phương định biến đất trồng lúa thành 20 dự án sân golf!

 

Kiểu gì cũng cấp phép được

Dù một xã nghèo có 3 sân golf được cấp phép thì cũng không có gì trái pháp luật, đó chính là chuyện cần bàn trong chính sách quy hoạch. Nhìn số lượng dự án sân golf được cấp phép hoặc duyệt chủ trương trong khoảng thời gian từ năm 2006 - 2008 lên đến 106 dự án, cao gấp 3 lần so với... 16 năm trước cộng lại, cũng đủ hình dung “kiểu gì cũng cấp phép được”.

 

Theo quy định của Luật Đầu tư và các nghị định của Chính phủ liên quan, phần lớn các dự án được phân cấp về cho địa phương, ban quản lý khu kinh tế, khu thương mại, khu công nghiệp... xem xét. Kinh doanh sân golf lại không thuộc nhóm các danh mục các dự án cấm hay hạn chế đầu tư và cũng không thuộc diện nhóm các dự án phải tuân thủ quy họach ngành, cũng như, cho đến nay vẫn chưa có quy hoạch phát triển sân golf, do đó không cấm được các nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này.

 

Lập luận trên được Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra như một sự lý giải cho việc sân golf được cấp phép tràn lan. Thế nhưng, một số địa phương như TPHCM, Hà Nội, Bắc Giang, Long An... khi xét duyệt hồ sơ cấp giấy phép cho các dự án sân golf có diện tích trên 5 ha, đều có gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của các bộ Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, KH-ĐT... nhưng số lượng các dự án sân golf được cấp phép cũng rất nhiều.

Riêng TPHCM, nơi luôn khan hiếm quỹ đất thì hiện giờ vẫn còn đến 7 dự án đã được cấp giấy phép, với tổng diện tích trên 1.400 ha. Mặc dù trong số đó chỉ có một dự án là hoạt động bình thường, những dự án còn lại, có dự án đã treo hơn 15 năm, nhưng vẫn chưa thấy ai tính đến chuyện thu hồi đất. Mà ngay cả khi có ý định thu hồi thì cũng khó lòng thực hiện được.

 

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã từng giao Sở KH-ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ tiến độ triển khai dự án, kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm triển khai. Tuy vậy, Chủ tịch UBND TPHCM cũng khó có thể thu hồi giấy phép của các dự án này, vì phần lớn các dự án sân golf tại TPHCM đều do các cơ quan cấp cao hơn cấp phép.

Báo cáo của Sở KH-ĐT cho thấy, cả 6 dự án đầu tư sân golf đều đã được cấp giấy phép đầu tư, quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ hoặc văn bản chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

 

Bản chất “sức hút” golf

Hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp “đính kèm” bên cạnh sân golf trong mỗi dự án mới chính là mục tiêu mà các chủ đầu tư nhắm đến. Trong thời điểm đất đang là vàng thì không có dự án gì có thể lấy được nhiều đất đẹp hơn lập dự án sân golf. Một quan chức tỉnh Lâm Đồng thừa nhận với chúng tôi như vậy khi giải thích về việc Lâm Đồng có hơn chục sân golf được cấp phép.

 

Mặc dù các nhà đầu tư luôn lý luận, trong điều kiện mở cửa kinh tế, hội nhập giao lưu với nước ngoài, hoạt động golf giúp thu hút đầu tư... Nhưng thực chất ở các giải golf được xem là “hoành tráng” trong nước hiện nay thì vận động viên chính cũng chỉ là... những người phục vụ trong sân golf! Uy tín của giải thường được các công ty PR tạo lập bằng việc cố gắng mời một vài quan chức, hoặc một vài cán bộ cao cấp nhưng đã về hưu, cộng với một vài vị khách nước ngoài cùng tham gia.

Suy cho cùng, hoạt động này chủ yếu cũng chỉ là “đánh bóng thương hiệu” cho các nhà tài trợ, đơn vị tổ chức thì thu được chút ít tiền quảng cáo, thực chất không thể có lợi nhuận từ hoạt động đánh golf. Theo tính toán, khoản tiền nộp vào ngân sách thu được từ hoạt động golf trong năm 2007 và 2008, trung bình mỗi năm chỉ vào khoảng trên 150 triệu đồng/ha diện tích đất kinh doanh sân golf. Ngay cả sân golf Đồi Cù chiếm trên 40 ha, đẹp lộng lẫy giữa lòng TP Đà Lạt đã hoạt động hàng chục năm nay, vẫn bị thua lỗ, khách đến chơi golf vẫn cứ lèo tèo. Nguồn thu chính để nuôi sân golf này vẫn phải trông chờ vào hệ thống khách sạn cao cấp Sofitel Dalat Palace, Novotel Dalat.

 

Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư thừa nhận, bất động sản mới là mục tiêu chính. Vì rằng nếu đầu tư vào sân golf thì không thể thu hồi vốn, chưa nói đến việc thu lợi nhuận. Số liệu quy hoạch từ các dự án cũng cho thấy, tổng diện tích của 9 dự án sân golf đang triển khai tại Lâm Đồng lên đến trên 4.200 ha, trong đó chưa đến 20% diện tích được dành cho sân golf. Phần diện tích còn lại chủ yếu được sử dụng vào mục đích xây nhà nghỉ, biệt thự cao cấp để bán và cho thuê. Nếu so sánh với năng lực các sân hiện có và sự phát triển của bộ môn thể thao này thì mười năm nữa, số sân golf hiện có vẫn đủ để phục vụ cho người chơi golf.

 

Cân nhắc lợi và hại

Ngoài việc nông dân mất đất, đồi chè, ruộng rau, vườn hoa... có giá trị kinh tế cao bỗng dưng biến thành đồi cỏ của sân golf khiến nông dân điêu đứng, thấp thỏm, mất phương kế sinh nhai thì những tác hại về môi trường do sân golf mang lại là điều không thể không cân nhắc.

 

Những con số thống kê của Bộ KH-ĐT trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, trung bình một sân golf 18 lỗ ngốn 5.000 m3 nước mỗi ngày cho việc tưới và duy trì bảo dưỡng mặt sân. Lượng nước này thường được khai thác từ nguồn nước ngầm, nên sau một thời gian, việc lún đất, sụt đất do nước ngầm bị lấy đi quá nhiều là chuyện không thể tránh khỏi.

Ngoài ra các sân golf đều sử dụng một lượng lớn các hóa chất để nuôi cỏ và diệt trừ nấm, sâu bệnh... Đây là các loại hóa chất thuộc nhóm hòa tan và ngấm theo đường nước thải xuống đất và nguồn nước ngầm, dẫn đến nhiễm độc nguồn nước sinh hoạt của khu vực dân cư xung quanh dự án. Mối nguy hại này đã được nhiều nước trên thế giới cảnh báo, tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa được đánh giá cụ thể.

 

Một thực trạng khác là phần lớn các dự án sân golf đã đi vào hoạt động hiện nay không có khu vực xử lý nước thải riêng mà thải trực tiếp ra môi trường sau khi được xử lý sơ qua ở các hồ lắng nội bộ. Ngay cả những sân golf đẹp như sân golf đồi Cù- Đà Lạt, sân golf Phan Thiết cũng nằm trong diện này, vì rằng đây là những dự án được xây dựng trong giai đoạn chưa có quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường.

 

Và một chuyện đáng buồn là khoảng cách giữa sân golf và thế giới bên ngoài, tuy chỉ là một làn ranh nhưng lại rất xa. Đối tượng phục vụ của các dự án sân golf bao giờ cũng là những người có thu nhập cao và người nước ngoài, nên tuy là khu vui chơi, giải trí thể thao, nhưng cộng đồng dân cư không được hưởng thụ.

(Theo báo Người lao động )

  • Cần 15 tỷ USD để hoàn chỉnh hệ thống giao thông
  • Cảnh tỉnh với “số đẹp” GDP
  • Chính phủ ban hành 5 giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế, Ưu tiên xuất khẩu và kích cầu
  • Quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu bia
  • Cà phê rơi giá: Nông dân cần hỗ trợ
  • Kích cầu và thông tin
  • Tọa đàm về ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế
  • 12 giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi