Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

CPI thấp chưa hẳn đã mừng

CPI thấp chưa hẳn đã mừng
Việc tăng giá xăng dầu thời gian qua cũng đẩy giá cả một số mặt hàng khác tăng, góp phần làm suy yếu sức mua trên thị trường.
Dù xăng dầu tăng giá, dịch vụ vận tải tăng theo, một số tỉnh thành cũng tăng giá dịch vụ y tế nhưng cả ba yếu tố này không đủ sức đối kháng với đà suy giảm của giá lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống.

Theo Tổng cục Thống kê, xăng dầu thuộc nhóm giao thông có quyền số chiếm tỷ trọng 8,87% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Những năm trước, mỗi khi xăng dầu tăng giá, CPI thường được dự báo khó lòng kiềm giữ ở mức thấp.

Sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 28/3, Bộ Công Thương cũng dự báo mức tăng này sẽ tác động trực tiếp đến CPI khoảng 0,127% và tác động gián tiếp là chưa thể tính toán. Ngay sau đó, một số hãng taxi và vận tải hàng hóa cũng thông báo tăng giá cước dịch vụ với mức tăng khoảng 7-8%.

Đợt giảm giá xăng dầu ngày 9/4 với mức giảm bù được gần 1/3 mức tăng trước đó đã góp phần làm suy yếu tác động của giá xăng dầu đối với sức tăng của CPI. Dù vậy, mặt hàng xăng dầu và dịch vụ vận tải chắc chắn có tác động đẩy chỉ số giá tiêu dùng đi lên.

Một yếu tố khác tác động đẩy CPI tăng là giá viện phí. Tuy nhiên, trong tháng 4, giá viện phí chỉ được tăng tại 4 tỉnh là Hải Phòng, Nam Định, Bình Thuận, Tây Ninh. Bên cạnh đó, dịch vụ y tế chỉ chiếm quyền số nhỏ trong rổ hàng hóa tính CPI. Do đó, mức tăng giá của dịch vụ này chỉ có sức đẩy rất yếu đối với chỉ số CPI của cả nước.

Nhóm mặt hàng có xu thế làm giảm mức tăng CPI chính là mặt hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Nhóm mặt hàng này tiếp tục kéo đà chững giá từ tháng 3 sang tháng 4. Thời điểm nhích nhẹ của nhóm mặt hàng này là kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ và Quốc tế Lao động lại diễn ra sau ngày 15/4 - ngày chốt giá tính CPI của tháng.

Trong khi đó, đây là nhóm có quyền số tính CPI lớn nhất, chiếm đến 39,93%, trong đó, mặt hàng lương thực chiếm 8,18%, thực phẩm chiếm 24,35% và ăn uống ngoài gia đình chiếm 7,4%. Tại hai thành phố lớn, nhóm mặt hàng này giảm gần 1% so với tháng trước là nhân tố chính khiến chỉ số giá chung tiếp tục giảm.

Liên quan đến mặt hàng này, Tổ điều hành thị trường trong nước cũng dự báo mặt hàng này sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần do thời tiết ngày càng nắng nóng hơn, nhu cầu tiêu dùng thấp, nguồn cung đủ đáp ứng cầu. Bên cạnh đó, thị trường giá cả hàng hóa thế giới cũng có xu thế chững giá là yếu tố khiến hàng hóa trong nước ổn định.

Nhận xét về tình hình giá cả trong nước tháng 4, Tổ điều hành thị trường trong nước cũng cho biết cân đối cung cầu hàng hóa dịch vụ tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động, giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm, các bộ ngành địa phương tiếp tục công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá về diễn biến CPI tháng này, TS.Vũ Đình ánh cho rằng hầu như chẳng nhúc nhích vì mọi lĩnh vực của nền kinh tế đều trong xu thế chững lại.

Cùng quan điểm không mấy tích cực về xu hướng này, TS.Ngô Trí Long nói: “CPI giảm nhưng mừng ít mà lo nhiều”. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng giảm có thể phản ánh giá cả hàng hóa giảm, đây là điều đáng mừng với hầu hết người tiêu dùng.

Thế nhưng, ở khía cạnh khác mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp phản ánh một phần bức tranh kinh tế ảm đạm. Đó là tình trạng tồn kho cao, thu nhập người lao động giảm sút nên sức mua rất yếu và niềm tin người tiêu dùng đang sụt giảm.

Việc tăng giá xăng dầu thời gian qua cũng đẩy giá cả một số mặt hàng khác tăng, góp phần làm suy yếu sức mua trên thị trường. Điểm đáng ngại khác là sự giảm giá này không phải nhờ ở cải thiện về năng suất lao động mà chủ yếu là do dư thừa hàng hóa so với nhu cầu.

Trong khi đó, các chính sách gỡ khó cho nền kinh tế vẫn chưa đi vào cuộc sống và quy mô chính sách là nhỏ bé so với khối lượng hàng tồn kho và sức ì của nền kinh tế.

Các thị trường bất động sản, chứng khoán và vàng đều chưa có dấu hiệu tốt, trong khi sản xuất kinh doanh trì trệ, điều này cho thấy nội lực nền kinh tế chưa có tín hiệu khởi sắc. “Mấy tháng vừa qua, màu ảm đạm của nền kinh tế là nguyên nhân chính khiến CPI giảm”, ông Long nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế này cũng cảnh báo rằng nếu không có các chính sách cải thiện thực sự hiệu quả, tạo điều kiện khoan sức dân thì nền kinh tế khó lòng khởi sắc và nguy cơ trì trệ đang hiện hữu.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

  • Chuyên gia "bắt mạch" những thách thức của kinh tế Việt Nam 2013
  • CPI tháng 4 tăng nhờ… quyết định hành chính
  • Chuyện “ngồi chơi xơi nước” và lương “ba cọc ba đồng”
  • Kinh tế vẫn chưa hồi phục
  • Kinh tế Việt Nam giảm tốc thời hậu gia nhập WTO
  • Kinh tế buồn, càng sôi... tranh cãi
  • Việt Nam liệu quay lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ?
  • Vẫn ẩn chứa những yếu tố lạm phát trở lại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi