Tính chung 3 tháng đầu năm, CPI đã tăng 2,39%, thấp thứ hai so với CPI 3 tháng đầu năm từ năm 2004 đến nay. |
CPI tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2013 thuộc loại thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Tuy vẫn nằm trong thông lệ CPI thường giảm sau hai tháng có Tết Dương lịch, Tết Âm lịch (CPI tháng 3 trong 20 năm trước có 12 năm giảm, chỉ có 8 năm tăng) nhưng diễn biến của giá tháng 3 vẫn hàm chứa nhiều yếu tố đáng lưu tâm...
Thứ nhất, từ bảng số liệu trên, có thể nhận diện CPI tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2013 dưới các góc độ sau.
Một, CPI tháng 3 đã giảm, lần đầu tiên sau 7 tháng tăng liên tục trước đó (tính từ tháng 8/2012, với tốc độ tăng bình quân 1%/tháng) và sau khi tăng cao hơn trong 2 tháng đầu năm (tháng 1 tăng 1,25%, tháng 2 tăng 1,32%).
Hai, CPI tháng 3 năm nay giảm, trong khi tốc độ tăng bình quân của tháng 3 cùng kỳ trong 20 năm trước (là 0,05%).
Ba, tính chung 3 tháng đầu năm, CPI đã tăng 2,39%, thấp thứ hai so với CPI 3 tháng đầu năm từ năm 2004 đến nay (bình quân 3 tháng trong 9 năm trước đây tăng 4,2%, trong đó của 2009 tăng 1,32%).
Bốn, CPI tháng 3 năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hơn con số tương ứng của 7 tháng trước đó.
Năm, CPI bình quân 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 6,91%. Đây là con số được dùng để loại trừ khi xác định tốc độ tăng tổng mức bán lẻ, thu nhập, lãi đầu tư...
Sáu, CPI 3 tháng đầu năm trong 13 nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, có 3 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung, trong đó thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất chủ yếu do tăng từ tháng 1 khi có 10 tỉnh cùng điều chỉnh tăng; nhóm thực phẩm tăng cao thứ hai do nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết Nguyên đán và ăn uống ngoài gia đình tăng cao thứ 3 do đang mùa lễ hội, du lịch.
Thứ hai, từ diễn biến trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý để đánh giá, xác định nguyên nhân và dự báo về CPI trong thời gian tới. Có một số yếu tố tác động đến tốc độ tăng thấp này.
Yếu tố quan trọng nhất tác động là tổng cầu đã co lại. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện đạt rất thấp so với kế hoạch cả năm (hai tháng đầu năm mới đạt 10,5% kế hoạch cả năm) và giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước (hai tháng giảm 8,1%, trong đó do Trung ương quản lý giảm tới 29,9%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm sâu hơn nữa.
Nguồn vốn của khu vực dân doanh cũng tăng chậm, thậm chí có thể còn bị giảm khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp cũ bị ngừng hoạt động, giải thể (tương ứng là 8.000 so với 8.600); đó là chưa kể xu hướng thu hẹp nhiều hơn là mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tiêu thụ trong nước, biểu hiện chủ yếu ở chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân hai tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,6% - tốc độ tăng thấp hiếm thấy trong nhiều năm qua. Tốc độ tăng tồn kho vẫn còn cao, vẫn còn phổ biến ở nhiều ngành, lĩnh vực,từ sản xuất nông, lâm nghiệp - thuỷ sản, công nghiệp - xây dựng đến lưu thông, tiền tệ - tín dụng, đặc biệt là bất động sản.
Một yếu tố quan trọng là giá lương thực tăng thấp so với cuối năm trước và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, lại diễn ra trong 2 năm liền, ngay cả vào dịp Tết Nguyên đán, vào thời kỳ giáp hạt khá dài ở các tỉnh miền Bắc - một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Có hai nguyên nhân làm cho giá lương thực giảm. Sản lượng lương thực năm trước tăng cao, vụ đông xuân năm nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ có diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng tăng. Giá gạo xuất khẩu giảm (2 tháng này giảm tới 13,5% so với cùng kỳ năm trước) giảm do xuất khẩu gạo vào một số thị trường bị suy giảm, do sự cạnh tranh với giá thấp hơn của một số nước có lượng gạo tồn kho lớn như ấn Độ chẳng hạn.
Có yếu tố về tăng trưởng tín dụng- yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát- tuy tháng 2 đã tăng lên, nhưng tính chung 2 tháng vẫn còn mang dấu âm (giảm 0,28%).
Ngoài ra, cũng phải kể đến việc tạm dừng thực hiện tăng giá theo đề xuất của các doanh nghiệp xăng dầu, điện... cũng góp phần hãm tốc độ tăng giá tiêu dùng.
Tuy chỉ số giá cả 3 tháng đầu năm tăng thấp nhưng vẫn chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát. Trước mắt vẫn có những yếu tố làm cho lạm phát có thể tăng cao hơn mục tiêu (lạm phát thấp hơn năm trước), thậm chí có thể tăng cao trở lại.
Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đang được thực hiện với liều lượng cao hơn, cường độ mạnh hơn, tốc độ nhanh hơn. Hơn nữa, phạm vu nay còn rộng hơn để thực hiện mục tiêu mới đề r trong năm nay là cơ cấu lại ngân hàng, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện 3 đột phá chiến lược...
Riêng về tài chính, ngoài các biện pháp giãn, hoãn, nếu khẩu trương thực hiện giải pháp giảm thuế suất từ 25% xuống còn 20% là động thái tích cực cứu trợ doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng sẽ không còn giảm lớn và kéo dài như cùng kỳ năm trước mà sớm tăng trở lại từ tháng 2. Lãi suất cho vay sẽ giảm xuống và lãi suất huy động cũng giảm xuống ít nhất 1%, sẽ không còn sức hấp dẫn đối với người gửi tiền.
Tỷ giá sẽ “nhúc nhắc” tăng và sẽ có tác động kép đến lạm phát cả về chi phí đẩy, cả về tâm lý. Giá thực phẩm, giá sữa tiếp tục tăng. Một số mặt hàng tạm dừng tăng giá theo lộ trình giá thị trường, khi CPI tăng thấp sẽ lại được tiếp tục; nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, nếu không có sự cẩn trọng về liều lượng, thời gian... thì sẽ tác động đến lạm phát.
Thứ ba, với tác động của các yếu tố trên, với diễn biến của 3 tháng, có thể dự báo, CPI từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay sẽ không cao, nhưng so với cùng kỳ năm trước sẽ cao hơn (từ tháng 4 đến tháng 8 năm trước CPI chỉ tăng 0,31% - bình quân 1 tháng tăng 0,06%). Trong khi 3 tháng đầu năm đã cao hơn...
Đây là điểm cần lưu ý, bởi mục tiêu đề ra cho năm nay là lạm phát thấp hơn năm trước (6,5% so với 6,81%). Như vậy, với tốc độ tăng của 3 tháng đầu năm, 9 tháng còn lại CPI sẽ chỉ còn "được" tăng 4,01%.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com