CPI và lạm phát cao có tác động cộng hưởng của nhiều lý do, vừa do tác động từ bên ngoài như giá vàng thế giới tăng cao, khả năng khôi phục nền kinh tế thế giới chậm lại, không đều ở các nền kinh tế, tác động từ chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước bằng cách sử dụng biện pháp tiền tệ, tỷ giá và gói kích thích Mỹ vừa tung ra.
TS Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đã nhận định như vậy về tình hình lạm phát tính đến tháng 11, đã vượt cả chỉ tiêu cả năm (đến hết tháng 11, CPI tăng 9,58% so với tháng 12/2009).
TS.Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng có các nguyên nhân từ trong nước:
Đầu tiên là thiên tai dịch bệnh dồn dập làm tăng giá lương thực, suy giảm nguồn thực phẩm, rau xanh. Trong khi, giá lương thực - thực phẩm, chiếm tới 39% trong rổ hàng hóa tính CPI, nên CPI bị "kích" lên rất nhanh.
Thứ hai là tác động tâm lý do việc để lãi suất theo thị trường, lãi suất tăng cao do đó đẩy vào chi phí, vào giá thành, các mặt hàng lại kích giá lên.
Thứ ba là việc điều chỉnh một số loại giá, vừa rồi giá USD cũng tăng lên.
Cuối cùng là do các yếu tố như kinh tế đang đà khôi phục, cần đầu tư, yếu tố thời vụ cuối năm làm tăng sức mua.
Phải nói thêm là thời gian vừa qua, việc tăng giá không hoàn toàn do yếu tố cung cầu, chắc chắn có những người vì lợi ích cục bộ, lợi dụng tranh thủ tình thế tung tin, đầu cơ, tăng giá, thậm chí "chưa mưa đã té nước". Ví dụ, trong TP.HCM, có thời điểm hàng hóa, rau quả rất sẵn nhưng, giá cả chợ đầu mối rẻ, nhưng khi những chợ bán lẻ bán giá cao, gây tâm lý thiếu thốn giả tạo.
Theo TS.Cao Sỹ Kiêm, xét toàn diện, Chính phủ vừa rồi đã có nhiều cố gắng, chính sách ra tương đối kịp thời, toàn diện, khá sát với tình hình, đặc biệt giải quyết tốt những vấn đề tình thế. Tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể ở cấp thực thi, hoặc các địa phương triển khai cụ thể thì một số chỗ còn chưa có sự phối hợp đồng bộ.
Hiện tại, việc nắm thông tin chính sách của các DN còn chưa đồng đều, mỗi chính sách đều có tác động hai mặt, có thể ảnh hưởng đối với những nhóm khác nhau. Do đó, trước khi triển khai chính sách cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền để các doanh nghiệp, người dân hiểu rõ chính sách là vì lợi ích chung, đồng thời có khoảng thời gian cần thiết để các doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị.
Ngoài ra, các cấp chính quyền, các ngành cần triển khai quyết liệt kiểm soát, kiểm tra, xử lý việc đầu cơ, tăng giá tùy tiện, tạo tâm lý bất ổn để trục lợi.
Theo đánh giá của ông TS Cao Sỹ Kiêm, lạm phát cao thì lãi suất cao, nhiều DN vay vốn gặp khó khăn, những DN yếu thế sẽ bị phải thu hẹp sản xuất, thu nhập thực tế người lao động giảm...
Tuy nhiên, các DN ở Việt Nam thường có phản xạ ứng phó khá tốt để giảm thiểu được tác động xấu, tuy nhiên để doanh nghiệp phát triển vững mạnh trở lại là một vấn đề dài hạn.
Chúng ta đã có kinh nghiệm từ lạm phát cao và khủng hoảng trong 2 năm 2008 và 2009, tình hình thậm chí còn phức tạp hơn bây giờ. Các DN phải căn cứ tình hình cụ thể, phân tích tác động khách quan, chủ quan, tiềm năng thế mạnh để tìm mọi cách thích nghi.
Nhà nước cũng cần phải có những xử lý đặc biệt, thể hiện ở việc có chính sách và điều hành sát thực tế, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó.
Về các giải pháp hỗ trợ DN,TS Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh, giải pháp quan trọng hơn cả là phải kìm giữ lạm phát bằng sự phối hợp thực sự giữa các chính sách với nhau: chính sách tài khóa, tiền tệ, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế… Không thể chỉ sử dụng giải pháp tiền tệ mà cần áp dụng thêm chính sách tài khóa, như điều chỉnh chi tiêu ngân sách, giảm bội chi ngân sách.
Trong bối cảnh tỷ giá, lãi suất và lạm phát có tác động tiêu cực đến hoạt động của DN, thì nên có chính sách hỗ trợ khác cho DN.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com