Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Có xóa được đặc quyền?

Trong doanh nghiệp nhà nước thì người làm chủ cuối cùng không ai khác chính là người dân

Chính phủ đang nỗ lực tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả của lực lượng được cho là các đầu tàu kinh tế này. Tuy nhiên, khi mà hai từ “nhà nước” vẫn luôn được sát cánh cùng các doanh nghiệp thì sự công bằng, bình đẳng trong cơ chế lẫn hoạt động liệu có được tạo lập so với các doanh nghiệp khác với nghĩa là cùng chung một sân chơi.

Theo TS. Phạm Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, trong nhiều năm qua, mặc dù Chính phủ luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp để các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. Thế nhưng, thực tế các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự được bình đẳng khi tiếp cận các nguồn lực, thị trường,vốn và nhất là đất đai.

Kết quả thống kê của cơ quan này trong những năm qua cho thấy, tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước (tập đoàn, tổng công ty...) trong tổng vốn của nền kinh tế hàng năm luôn chiếm cao nhất, song tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu luôn thấp hơn so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (31,4%/ 47,26%).

Đặc biệt, tỷ lệ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đã tạo ra số việc làm với tỷ lệ gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và sự chênh lệch này đang có xu hướng gia tăng.

Thế nhưng, cũng theo thống kê, có đến 89% doanh nghiệp nhà nước có địa điểm kinh doanh ở địa điểm cố định khác, hay nói cách khác là mặt bằng dành cho các doanh nghiệp này gần như được cấp sẵn. Trong khi đó, có tới 51% doanh nghiệp ngoài nhà nước phải sử dụng nhà ở của mình và 31% phải đi thuê lại địa điểm để kinh doanh.

Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp ngoài nhà nước “mon men” đến được các khu công nghiệp hay cụm công nghiệp chỉ là 2%, trong khi tình trạng khu công nghiệp được lập rồi bỏ hoang là khá phổ biến.

Một trong những thiệt thòi của doanh nghiệp ngoài nhà nước là vấn đề tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp này hầu như không có khái niệm tiếp cận thị trường công nghiệp hay mua sắm công. Do những bất cập trong cơ chế nên nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đã áp dụng hình thức khép kín trong việc sản xuất các thiết bị, vật liệu phụ trợ, dẫn đến việc các doanh nghiệp ngoài nhà nước hầu như không có cơ hội trở thành nhà cung ứng hay trở thành nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp nhà nước.

Theo PGS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng việc chiến lược Công nghiệp, nếu Việt Nam không sớm xóa bỏ tình trạng các doanh nghiệp lớn khép kín trong sản xuất thì còn lâu chúng ta mới tiến lên được công nghiệp hóa.

Ông Tuất dẫn chứng, ở Hàn Quốc họ đã nhận ra sai lầm này nên Tổng thống đã ban hành nên một đạo luật “Các doanh nghiệp lớn không được làm chi tiết nhỏ”. Chính điều này đã đưa Hàn Quốc trở thành một nước công nghiệp, một con rồng châu Á chỉ trong mấy năm.

Còn nếu nói về mua sắm công hay tham gia đấu thầu, các doanh nghiệp nhà nước luôn là những đối tượng được lựa chọn xét duyệt, thậm chí là chỉ định trực tiếp. Còn các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì hầu như vẫn đứng ngoài cuộc.

Được hưởng nhiều đặc lợi như vậy nhưng thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy,  trong năm 2009, tăng trưởng của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt thấp hơn tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
 
Tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2009 ước đạt 1.164.469 tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch nhưng chỉ tăng 2,9% so với năm trước đó. Nếu so với mức tăng trưởng 5,2% của nền kinh tế thì con số này thấp hơn nhiều, trong khi lực lượng này góp 40% vào GDP của cả nước.

Còn theo TS Nguyễn Gia Hảo (chuyên gia tư vấn độc lập), trong doanh nghiệp nhà nước thì người làm chủ cuối cùng không ai khác chính là người dân vì vốn liếng, tài sản... dù dưới hình thức nào thì cũng là từ các khoản thuế của người dân đóng góp. Do đó, điều mà họ mong muốn phải là hiệu quả cuối cùng mạng lại cho nền kinh tế, cho người dân chứ không phải là chuyện ai là nòng cốt, ai là hỗ trợ.

“Tôi đã có dịp hỏi một nghị sỹ của một quốc gia được xem là có nền dân chủ nhất toàn cầu rằng ông ta sợ nhất lực lượng nào trong xã hội thì câu trả lời là người đóng thuế vì họ luôn kiểm soát những khoản họ đóng góp có được sử dụng hiệu quả hay không, nếu không sẽ bị họ lên tiếng đòi cách chức, không bầu nữa”, ông Hảo cho hay.

(NDHMoney)

  • Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Nghiên cứu đường sắt cao tốc dưới dạng báo cáo khả thi
  • Điểm nóng tuần qua: “Bi kịch” của công nghệ Việt
  • Tránh “sốc” CPI
  • Thu nhập quốc gia bình quân đầu người đang giảm
  • Tháng 11, CPI dự báo tăng 0,8%
  • Chờ đợi gì ở năm 2011?
  • CPI tháng 11 cao đến mức nào?
  • Thiệt vì đô la hóa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi