Giám đốc công ty tư vấn VAFM Việt Nam Vũ Xuân Tiền vẫn cảm thấy lo ngại về nguy cơ bất ổn vĩ mô kinh tế rình rập trong sáu tháng cuối năm, cho dù ông đã nghe nhiều giải thích của các quan chức Chính phủ phụ trách kinh tế trước Quốc hội. Ông nói: “Tôi đang rất thất vọng. Câu hỏi rất cấp thiết là kinh tế cuối năm 2009 và 2010 sẽ như thế nào? Lạm phát sẽ ra sao? Tôi cần có lời khuyên để có những giải pháp cho chính doanh nghiệp mình”.
Yêu cầu của ông Tiền thể hiện nguyện vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp, những người chịu tác động mạnh và trực tiếp nhất từ hai cuộc khủng hoảng nóng và lạnh đang diễn ra từ đầu năm ngoái đến nay.
Nhưng, thật không dễ trả lời câu hỏi của ông giám đốc thậm chí vào thời điểm này khi nửa năm đã trôi qua. Thông điệp đưa ra trên báo chí là tương phản. Các quan chức nhà nước cho rằng kinh tế đang phục hồi tốt và là thời cơ đầu tư chứng khoán; trong khi các nhà kinh tế vẫn còn hoài nghi về sự bất ổn leo thang.
“Đang xuất hiện kỳ vọng lạm phát. Vậy là chúng ta có thể lại quay lại vòng xoáy nguy cơ lạm phát – suy giảm kinh tế – kích cầu – lạm phát cao”, giám đốc trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCEIF) Lê Đình Ân nhận xét. Ông Ân đưa ra đánh giá như vậy sau khi tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 lên tới 0,55% so với tháng 5, một trong những dấu hiệu cho thấy đà giảm phát đã chậm lại. Tuy nhiên, theo ông Ân, CPI bình quân nửa đầu năm nay đã tăng 10,27% so với cùng kỳ năm ngoái là một mức khá cao.
Ông Ân nói, nguy cơ lạm phát đang phát sinh từ chính sách tiền tệ nới lỏng và nhu cầu tiêu dùng. Một lượng tiền lớn khoảng 10% GDP đã đưa vào lưu thông như là hệ quả của chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, các yếu tố đầu vào như xăng, dầu, điện, nước, tăng lương tối thiểu và giá nguyên vật liệu thế giới tăng cũng gây áp lực lạm phát rõ rệt.
Tuần trước, NCEIF đã công bố hai kịch bản kinh tế cho Việt Nam từ nay đến cuối năm. Theo kịch bản 1, mà ông Ân cho là khả thi hơn, tăng trưởng sẽ khoảng 4,5% và chỉ số CPI là 7,51%. Còn kịch bản 2 lạc quan hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khá trên 5,5%, và đổi lại, chỉ số CPI ở mức cao hơn 9%. Ông Ân nói: “Đến nay không loại trừ khả năng lạm phát có thể ở mức cao hơn nếu những biện pháp kiểm soát giá không được chú ý”.
Đây chính là điểm đáng lo ngại của nền kinh tế này, mà những người như giám đốc Tiền bày tỏ. Lạm phát phi mã của nửa đầu năm ngoái vẫn còn ám ảnh nhiều doanh nghiêp như ông đến nay, trong khi dấu hiệu xuất hiện của nó vào thời điểm này sẽ phanh ghì lại những nỗ lực kích thích kinh tế đang triển khai. Nếu thắt chặt tiền tệ quá sớm, nền kinh tế chưa kịp phục hồi lại có nguy cơ đi xuống, và ngược lại, vào một chu trình như ông Ân đã mô tả.
Nhưng, những người như ông Tiền muốn thấy một bức tranh thực. Tiến sĩ Võ Trí Thành, viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói thẳng, vấn đề đáng lo nhất hiện nay là lạm phát, được dự báo là từ 7 – 9% trong năm nay. “Nếu không kiểm soát thì lạm phát sẽ quay lại, khi đó chi phí điều chỉnh sẽ phải cao hơn năm 2008”.
Ông Thành nhận xét, tình thế hiện nay đang rất tiến thoái lưỡng nan cho các nhà quản lý vĩ mô. “Chính sách kích cầu đã có tác dụng hay chưa, thì đã phải tính đến thắt chặt tiền tệ. Hiện nay có hai câu hỏi rất lớn: phải làm gì, và phải làm như thế nào. Hai câu hỏi đó thực sự đang rất đau đầu các nhà quản lý”.
“Triển vọng của chúng ta là thế nào? Việt Nam có 50% phụ thuộc vào kinh tế thế giới, 50% còn lại là chính chúng ta”, ông Thành nói.
Nhưng nhìn ra ngoài thì bức tranh cũng còn rất bi quan. Ông Thành nhận xét, ngân hàng Thế giới đưa ra kịch bản thậm chí tồi hơn hai tháng trước. Chỉ số tiêu dùng hộ gia đình ở Mỹ vẫn còn thấp và muốn quay lại hoạt động bình thường thì phải mất từ 2 – 3 năm. Phần nhiều gói kích cầu của Mỹ và EU là tuyên bố chứ chưa phải hành động.
Trong lời khuyên với giám đốc Tiền, ông Thành nói rằng, các doanh nghiệp hiện nay phải học cách thích nghi với những thay đổi không lường từ cả bên trong, lẫn bên ngoài. “Trong dài hạn, doanh nghiệp phải học cách sống với các cú sốc về giá, về chính sách, về khủng hoảng bên ngoài. Vượt qua được giai đoạn này cũng là bài học để doanh nghiệp trưởng thành hơn”.
(Theo Tư Giang // Báo Sài Gòn tiếp thị)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com