Lao động nông thôn thiếu việc làm tập trung tại các khu đô thị tìm kiếm việc làm.
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) - Bộ NN&PTNT vừa công bố những ảnh hưởng của suy giảm kinh tế đến lao động, việc làm và đời sống nông dân với 68% số hộ nông dân bị tổn thương.
Ảnh: Thái Hiền
Lao động nông thôn mất việc làm hàng loạt
Cơn "bão" khủng hoảng kinh tế diễn ra từ cuối năm 2008, không chỉ tác động xấu đến các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chứng khoán, du lịch, xuất khẩu mà còn tác động lớn đến khu vực nông thôn. Điều đó dẫn tới nông dân mất việc làm, phải cắt giảm các khoản chi tiêu về cả sinh hoạt và đầu tư vào sản xuất. Thực tế này đã và đang xảy ra ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Ông Trần Minh Thụ, Trưởng phòng Công thương huyện Mỹ Đức cho biết, từ cuối năm 2008 đến nay, tình hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện trì trệ, nhiều cơ sở sản xuất đã đóng cửa tạm dừng sản xuất, lao động tại các làng nghề mất việc hàng loạt. Hầu hết các làng nghề đều bí trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở nào thoi thóp sống được thì sản xuất cũng cầm chừng hoặc bù lỗ duy trì sản xuất để giữ chân người lao động. Đến nay, trong số 7 làng được cấp Bằng công nhận làng nghề thì duy nhất làng nghề dệt Phùng Xá còn sản xuất, 6 làng nghề khác vắng bóng cả thầy lẫn thợ. Nguyên nhân vẫn là do khó khăn đầu ra, thiếu vốn và nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Thực tế, làng nghề dệt Phùng Xá vẫn duy trì được sản xuất là do người dân làng nghề chỉ dệt khăn mặt, mặt hàng mà thị trường trong nước vẫn có nhu cầu, nhưng lời lãi không cao. Một số làng nghề chế biến nông sản, lâm sản, sản xuất đồ gốm sứ mỹ nghệ, mây, tre, giang đan xuất khẩu… trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đang trong tình trạng tương tự. Điều tất yếu sẽ xảy ra, theo ông Thụ, là lao động nông thôn sẽ bị giảm thu nhập, các làng nghề sẽ "vơi" dần tỷ phú và thay vào đó là nhiều lao động thiếu việc làm. Theo kết quả nghiên cứu mới đây của IPSARD, từ đầu năm 2009 đến nay, đã có tới 15,4% số cơ sở sản xuất nhỏ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở các tỉnh, thành phải ngừng hoạt động, 8% số cơ sở phải giảm qui mô hoạt động kể cả về sản xuất và lao động. IPSARD cũng nhận định, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế đã tác động mạnh đến lao động việc làm ở nông thôn. Qua khảo sát tại 4 tỉnh cho thấy, 4 tháng đầu năm 2009, có tới 21,7% lao động di cư mất việc quay trở về địa phương tìm kế sinh nhai; 17,2% lao động xuất khẩu mất việc làm trở về nước trước thời hạn. Điều đáng nói, sau khi lao động trở về nông thôn cũng khó tìm việc làm, số tìm được việc làm chỉ khoảng 11,3%. Ngay tại các trang trại sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, tỷ lệ lao động mất việc làm cũng chiếm tới 85,3%, cao gấp 9,7 lần lao động mất việc tại các xí nghiệp.
Tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều tỉnh gia tăng
Khảo sát ảnh hưởng suy giảm kinh tế đến lao động, việc làm tại 584 xã thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Nam Định, Bình Thuận và An Giang, IPSARD nhận định, bị ảnh hưởng nhiều nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, nhất là lĩnh vực xuất khẩu có tính thương mại lớn như cá tra, ba sa. Trong số 42,3% số xã được khảo sát, có tới 21% giảm đầu tư vào lĩnh vực này. Không chỉ vậy, suy giảm kinh tế còn kéo giá các sản phẩm nông sản xuống thấp. Trong số các xã khảo sát, có 71,6% số xã báo cáo sản phẩm nông sản bán với giá thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm trước; 14% sản phẩm nông sản không có đầu ra, tập trung ở một số tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi. Hệ quả là tỷ lệ đói nghèo ở những tỉnh này có xu hướng tăng so với năm 2008. Theo IPSARD, con số này lên tới 8,8%, điển hình như tỉnh Lạng Sơn, số xã có hộ đói tăng 8,9%, nhiều nhất là tỉnh An Giang lên tới 27,2%...
Ưu tiên hơn cho trụ đỡ nền kinh tế
Trước sự suy giảm kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã có gói "kích cầu" cho khu vực nông thôn thông qua việc hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kích cầu thế nào cho hiệu quả vẫn là việc cần bàn. Trên thực tế, việc tiếp cận với những gói hỗ trợ lãi suất của nông dân còn rất khó khăn. Ông Thụ đưa ra dẫn chứng, mặc dù làng nghề dệt xã Phùng Xá vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, nhưng bà con vẫn khó tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi. Tuy ngân hàng đã rất tạo điều kiện để nông dân vay vốn sản xuất, nhưng đây là cho vay theo hình thức tín dụng thông thường, do đó nông dân muốn vay được vốn phải đầy đủ thủ tục giấy tờ thế chấp kèm theo. Để được hưởng hỗ trợ lãi suất cũng không dễ. Tại làng nghề dệt Phùng Xá, một số cơ sở thu mua nguyên liệu cung cấp cho làng nghề thường thiếu hóa đơn đầu vào, còn người dân mua lại nguyên liệu để sản xuất thì càng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nên không được hỗ trợ lãi suất vốn vay. Khó khăn hơn, bà con nông dân thường vay vốn ngắn hạn nên không dám mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp thường thu hồi vốn chậm. Theo một số chuyên gia kinh tế, chúng ta nên nới lỏng và đặc biệt ưu tiên việc cho nông dân vay vốn hoặc khoanh nợ, giãn nợ để từng bước giúp nông dân phát triển sản xuất, tạo sự tăng trưởng cao trong sản xuất nông nghiệp. Tăng trưởng cao và ổn định trong nông nghiệp cũng là trụ đỡ quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế. Điều cần làm trong lúc này là nên có cơ chế, chính sách thích đáng đầu tư cho khu vực nông thôn.
(Theo Hữu Hoài // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com