Nông dân Phúc Thọ chỉ trồng rau màu ngắn ngày trong vùng phân lũ, chậm lũ. Ảnh: Bá Hoạ
Bộ NN&PTNT đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xóa bỏ các vùng phân, chậm lũ nhằm giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là mong mỏi của chính quyền và nông dân ở nhiều địa phương, trong đó có vùng ngoại thành Thủ đô Hà Nội.
Không dám đầu tư phát triển kinh tế
Sông Hồng, sông Đáy ngoài việc đảm nhiệm cung cấp nước tưới cho khu vực Đồng bằng sông Hồng còn có chức năng thoát lũ. Cũng chính vì chức năng thoát lũ mà sinh ra các vùng phân lũ, chậm lũ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình. Ví dụ, trong nhiều năm qua vùng chậm lũ Tam Thanh (Phú Thọ) bao trùm lên 23 xã khiến cho người dân phải ở tạm bợ và không dám đầu tư sản xuất kinh tế. Các khu công nghiệp, du lịch nằm trên địa bàn này như: khu công nghiệp Trung Hà, Thanh Thủy, khu du lịch suối khoáng nóng... rất khó thu hút các DN vào đầu tư vì nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ.
Tương tự, vùng chậm lũ Lập Thạch (Vĩnh Phúc) rộng 44km2 cũng chết chẹt, khó phát triển kinh tế thu hút đầu tư mặc dù địa phương đã có nhiều chính sách trải thảm đỏ mời gọi các DN. Thủ đô Hà Nội mở rộng, vùng phân lũ, chậm lũ hiện đang chiếm 1/2 diện tích đất tự nhiên đang gây cản trở, kìm hãm phát triển kinh tế, xã hội tại các huyện ngoại thành. Đơn cử như huyện Phúc Thọ (Hà Nội) có 8 xã gồm Cẩm Đình, Xuân Phú, Vân Phúc, Vân Nam, Thượng Cốc, Thanh Đa, Hát Môn, Tam Thuấn với diện tích 3.714ha và 10.557 hộ/44.566 nhân khẩu đang sinh sống trong vùng bụng chứa phân lũ, chậm lũ hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng không dám đầu tư sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ khẳng định, đất nông nghiệp ở các xã vùng bụng chứa phân lũ, chậm lũ này rất màu mỡ thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng, nhưng ngược lại bà con nông dân ở nơi đây rất băn khoăn không dám đầu tư để phát triển kinh tế. Bởi vì vào mùa mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, để bảo vệ Thủ đô, nếu như Trung ương ra lệnh phân lũ thì toàn bộ cây trồng của người dân coi như mất trắng. Nhiều năm qua, huyện Phúc Thọ cũng chỉ dám chỉ đạo nông dân các xã sản xuất nông nghiệp thuần túy với cây rau màu ngắn ngày là chủ đạo, chứ không dành ngân sách để đầu tư các cơ sở chế biến nông sản hay kêu gọi thu hút đầu tư vào vùng bụng chứa này.
Đủ cơ sở để xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ
Để tránh lãng phí tài nguyên đất và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã giao Viện Quy hoạch Thủy lợi và Trường Đại học Thủy lợi nghiên cứu về khả năng xóa các khu phân lũ, chậm lũ sông Hồng, sông Đáy. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thủy lợi thuộc Trường Đại học Thủy lợi, hiện nay chúng ta hoàn toàn có khả năng bỏ các vùng phân lũ, chậm lũ phía hạ du. Bởi nếu nâng cao tối đa hiệu quả điều tiết phòng lũ của các hồ chứa thượng nguồn trong giai đoạn vận hành thì ngay cả khi xảy ra lũ với chu kỳ 500 năm hoặc lớn hơn vẫn đủ sức điều tiết để hạ thấp mực nước tại Hà Nội và bảo đảm xả lũ an toàn cho công trình.
Riêng sức chứa phòng lũ của các hồ trên sông Đà tại Hòa Bình và Sơn La đã có 7 tỷ mét khối, chưa kể hồ chứa Thác Bà tại Yên Bái được 0,45 tỷ mét khối, hồ Tuyên Quang 1 tỷ mét khối. Đặc biệt về mùa lũ, dung tích bỏ trống của các hồ chứa nói trên đều rất lớn. Các hồ chứa trên sông Đà bỏ trống trung bình 11,644 tỷ mét khối, trong đó dung tích dành cho phòng lũ hạ du chỉ là 7 tỷ mét khối. Riêng Sơn La có tổng dung tích bỏ trống là 7,215 tỷ mét khối và dung tích chống lũ cho công trình là 3,21 tỷ mét khối. Khả năng chứa lũ của các đập thủy lợi còn rất lớn cho thấy chỉ cần có một quy trình mềm dẻo để sử dụng phần dung tích chống lũ cho công trình sẽ nâng cao được hiệu quả phòng lũ cho hạ du.
Trong trường hợp lũ vượt ngưỡng chu kỳ 500 năm, thậm chí tính đến chu kỳ lũ 1.000 năm được coi là thảm họa vẫn có thể tính đến phương án phân lũ vào sông Đáy để bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Còn nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi thì nghiêng về hướng cải tạo sông Đáy nhằm làm thông thoáng dòng chảy, tăng khả năng thoát lũ cho hệ thống. Phương án cải tạo sông Đáy của Viện sẽ mang lại hiệu quả tổng hợp về môi trường. Đích cuối cùng là biến sông Đáy trở thành dòng chảy tự nhiên có điều tiết nhằm đem lại hiệu quả tổng hợp về môi trường sinh thái. Việc đưa nước thường xuyên vào sông Đáy sẽ đáp ứng được cùng lúc nhiều mục tiêu, vừa phục vụ nước tưới cho nông nghiệp vừa cải tạo môi trường trong tương lai.
Tại cuộc họp đánh giá đề tài nghiên cứu về khả năng xóa các khu phân, chậm lũ sông Hồng, sông Đáy, sông Hoàng Long do Bộ NN&PTNT tổ chức vừa qua, 100% lãnh đạo Sở NN&PTNT thuộc các tỉnh trên lưu vực sông Hồng, sông Đáy đều cho rằng việc để khu phân, chậm lũ như hiện nay là không cần thiết. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cũng đồng thuận với ý kiến xóa bỏ vùng phân, chậm lũ để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.
(Theo Xuân Hiến - Thúy Nga // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com