Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kích cầu tiêu dùng nông thôn: Trao cho nông dân "chiếc cần câu"?

 

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Ảnh: ANH KHOA

Tiếp theo chủ trương kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 497/2009/QĐ-TTg (QĐ 497) về hỗ trợ lãi suất mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là chủ trương giúp nông dân mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất để tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Gỡ vướng cho nông dân


Nếu Quyết định 131/2009/QĐ-TTg và Quyết định 443/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất (HTLS) tập trung chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp (DN) thì ở QĐ 497 đối tượng là nông dân, nông thôn. Trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn HTLS của DN cũng rất nhiêu khê, do thủ tục, chứng từ để được vay vốn theo cơ chế tín dụng thông thường đã làm khó nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Đối với nông dân, việc xác định nhu cầu và phải có chứng từ, hóa đơn mua bán hàng hóa để bổ sung thủ tục vay vốn càng khó hơn. Lâu nay, nông dân chưa có thói quen sản xuất tập trung mà vẫn mạnh ai nấy làm.

QĐ 497 có hiệu lực từ 1-5-2009. Các khoản vay ngắn, trung hạn bằng đồng Việt Nam (trừ các khoản vay đã được hỗ trợ lãi suất theo QĐ 131 và QĐ 443) đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và máy vi tính sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tổng mức vay (riêng máy vi tính mức vay tối đa không quá 5 triệu đồng/cái); vật tư nông nghiệp được hỗ trợ lãi suất 4% và số tiền cho vay không quá 7 triệu đồng/ha và vật liệu xây dựng nhà ở được hỗ trợ 4% nhưng số tiền không quá 50 triệu đồng. Thời hạn cho vay 24 tháng và 12 tháng. Các chuyên gia cho rằng, với mức HTLS 4%/trên tổng mức vay 7 triệu đồng/ha ở sản phẩm vật tư nông nghiệp là không đáng kể. Nếu thủ tục vay rườm rà sẽ làm nản lòng nông dân, khi đó họ chấp nhận vay bên ngoài và vật tư nông nghiệp nông dân mua theo thời vụ ở các đại lý theo hình thức gối vụ. Thêm vào đó, mức vay 50 triệu đồng mua vật tư làm nhà ở khu vực nông thôn với thời gian tối đa 12 tháng, thì nông dân nghèo khó có khả năng hoàn vốn cho ngân hàng.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, nói: “Việc HTLS cho nông dân vay vốn mua máy móc, vật tư nông nghiệp là chủ trương đúng đắn. Nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư, đồng thời khuyến khích hàng hóa sản xuất trong nước phát triển, nhưng cũng chỉ mới giải quyết được phần ngọn. Muốn giải quyết phần gốc phải hỗ trợ các cơ sở sản xuất cơ khí trong nước để có sản phẩm đồng nhất, chất lượng tốt và sản xuất hàng loạt với giá thành cạnh tranh. Hiện nay, nhiều DN lớn đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế tạo máy, xe ô tô, đóng tàu... nhưng ở lĩnh vực cơ khí, DN nhỏ chiếm đa số với công nghệ lạc hậu”. Theo tiến sĩ Bảnh, nông dân mua máy không chỉ phục vụ sản xuất của họ mà trở thành nhà đầu tư và mua máy làm dịch vụ, nên đòi hỏi chất lượng máy phải tốt để họ có thể thu hồi vốn nhanh. Tiến sĩ Bảnh cho rằng, hiện máy gặt đập liên hợp sản xuất trong nước có nhiều điểm độc đáo, thích hợp với vùng đất, lúa đổ ngã, nhưng công nghệ chế tạo kém, chưa thể sản xuất hàng loạt và chất lượng hạn chế. Hơn nữa, một cơ sở chỉ sản xuất được vài trăm cái máy một năm, trong khi đến mùa vụ, nông dân cần hàng ngàn cái và không thể xếp hàng chờ được. Trong khi đó, máy do Trung Quốc sản xuất dù chất lượng không hơn cơ sở sản xuất trong nước bao nhiêu, nhưng khi nông dân cần chỉ đặt hàng vài ba ngày là có.

Các chuyên gia cho rằng, chủ trương kích cầu tiêu dùng nông thôn của Chính phủ đưa ra trong giai đoạn này là khá nhanh nhạy và cũng là giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, để chủ trương này thật sự đi vào cuộc sống cần phải có chiến lược cụ thể đi kèm nhằm giải quyết những tồn tại ở khu vực nông thôn- tự sản tự tiêu, đồng thời thúc đẩy quá trình cơ giới hóa, công nghiệp hóa nền nông nghiệp.

Cần sự hợp lực

Tại cuộc họp triển khai QĐ 497 do UBND TP Cần Thơ tổ chức mới đây, các sở ngành cho rằng để quyết định nhanh chóng đi vào cuộc sống và hỗ trợ kịp thời cho người nông dân, cần sự hợp lực từ các ngành chức năng. Theo giám đốc một ngân hàng thương mại, QĐ 497 chủ yếu hỗ trợ cho nông dân và khu vực nông thôn nhưng đa số nông dân đã có hợp đồng tín dụng với ngân hàng và việc tháo gỡ vấn đề này sẽ khó khăn. Cũng theo vị này, cán bộ ngân hàng đã từng khảo sát một số hộ nuôi cá tra tại Thốt Nốt, những hộ này trong diện được hỗ trợ lãi suất nhưng đã vay vốn ngân hàng, với số vốn khá lớn. Do vậy, để được hưởng chính sách HTLS, họ phải trả nợ ngân hàng và tránh chuyện đáo nợ, thì thời gian làm thủ tục vay vốn phải cách thời gian trả vài ba ngày. Nếu vay nóng bên ngoài để trả nợ cũ cho ngân hàng trong thời gian chờ ngân hàng giải ngân, với lãi suất vay nóng 3%/ngày trên số tiền cả tỉ đồng là cả vấn đề nan giải đối với những hộ dân này.

Trước đây, UBND TP Cần Thơ đã ban hành chính sách HTLS cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008-2010. Theo đó, trong 2 năm (2008-2009) sẽ đầu tư 200 máy gặt đập liên hợp cho nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, người mua phải đầu tư 30% giá trị máy, còn lại vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố hỗ trợ 100% lãi suất trên tổng mức vay. Mức lãi suất tối đa là 1,1%/tháng, nếu cao hơn người mua phải chịu phần vượt; thời hạn vay trong 3 năm (2008- 2010), dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất trên 4,8 tỉ đồng, áp dụng tại Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và Cờ Đỏ. Tuy nhiên, để được vay vốn, nông dân phải có tài sản thế chấp tương ứng với số tiền vay và phải có tay nghề (điều khiển và sửa chữa được máy). Theo thống kê của ngành nông nghiệp thành phố, đến nay trên địa bàn, số máy được HTLS chỉ mới 40 máy với tổng số tiền phát vay trên 5,6 tỉ đồng. Trên thực tế, con số đăng ký của nông dân đến 162 máy, nhưng chỉ mới giải quyết được 40 hồ sơ do vướng ở những vấn đề trên.

Bà Ngô Hồng Yến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Vay thế chấp sẽ khó cho nông dân, bởi nhiều nông dân không đủ tài sản thế chấp khi vay vốn mua thiết bị. Thời gian qua, thành phố đã triển khai hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy gặt đập liên hợp nhưng con số này không đáng kể. Năm 2008, số tiền hỗ trợ chỉ trên 200 triệu đồng, do vậy cần có sự thống nhất về chính sách hỗ trợ để có thể triển khai QĐ 497 đến người dân một cách hiệu quả”. Đồng tình với ý kiến này, bà Hoàng Kim Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho rằng phải có hướng dẫn cụ thể về thủ tục vay, đối tượng vay, những sản phẩm nào được HTLS và việc ký xác nhận của địa phương cho đối tượng vay để tránh phiền hà cho nông dân. Việc vay thế chấp đã khó, còn việc thuyết minh nhu cầu, chứng minh hồ sơ, chứng từ để được vay vốn sẽ khó hơn đối với nông dân.

Thông tin từ Sở Tài chính TP Cần Thơ, năm 2009, ngân sách thành phố dành 2,4 tỉ đồng để bù lãi suất cho nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Cùng với việc triển khai QĐ 497 của Thủ tướng Chính phủ sẽ trao cho nông dân “chiếc cần câu” để đẩy mạnh sản xuất, kích cầu tiêu dùng nông thôn. Nhưng để “chiếc cần câu” này phát huy hiệu quả và tác dụng thực sự, rất cần sự hợp lực từ các sở ngành cùng ngân hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
 

(Theo GIA BẢO // Báo Cần Thơ Online)

  • Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hài hòa với phát triển công nghiệp và đô thị
  • Hiện đại hóa nền hành chính TP Cần Thơ Nhiều việc đang chờ!
  • An ninh lương thực và xuất khẩu gạo: không nên mơ hồ
  • Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 6,8% so với cùng kỳ
  • Dự báo 3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2009
  • Cần một tham vọng đột phá
  • Khủng hoảng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu các ngành công nghiệp
  • HSBC dự báo Việt Nam tăng trưởng 6% trong quý IV
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi