Cho dù bức tranh kinh tế năm 2011 của chúng ta còn nhiều gam màu xám nhưng cũng phải thừa nhận rằng năm qua Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng vượt khó trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa qua cơn suy thoái.
Với Nghị quyết 11, lần đầu tiên Chính phủ đưa ra một thông điệp rõ ràng nhất về mục tiêu chính sách là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đáng nói ở đây là lâu nay Chính phủ chọn cùng lúc hai mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát vừa đẩy mạnh tăng trưởng, nhưng lần này rõ ràng sự chọn lựa ưu tiên là hạ nhiệt lạm phát.
Mặc dù phải chấp nhận sự thua thiệt trong tăng trưởng kinh tế, nhưng những giải pháp tương đối đồng bộ và toàn diện bao gồm cả việc thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, cắt giảm đầu tư công, giảm áp lực trên thị trường ngoại hối đã dần dần cho thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.
Một điểm cũng cần nói đến là bên cạnh nghị quyết này, Chính phủ bây giờ cũng khẳng định việc ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là câu chuyện của năm nay mà đấy là câu chuyện sẽ đi cùng với quá trình cải cách và phát triển trong trung và dài hạn.
Trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam năm 2011. Điều này chỉ thuyết phục nếu nhìn vào các chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu hay cán cân thương mại có vẻ khả quan, dự trữ ngoại hối có khá hơn hồi đầu năm. Thế nhưng, điểm mấu chốt chưa khắc phục được là lạm phát vẫn đang ở mức cao và diễn biến khó lường, khi các động lực cho tăng trưởng trong năm tới không còn mạnh như kỳ vọng.
Mục tiêu đề ra cho năm tới là tăng trưởng GDP ở mức 6 - 6,5%, đây là mục tiêu không cao vì phải ưu tiên kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng các doanh nghiệp, khu vực đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng thì có thể thấy việc thực hiện mục tiêu này hoàn toàn không dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với khó khăn, với lạm phát và lãi suất, cũng như chi phí đầu vào tăng quá cao.
Kinh tế Việt Nam sắp bước sang năm 2012 trong bối cảnh bên ngoài chưa thuận lợi, như khó khăn của kinh tế Mỹ, khủng hoảng nợ công châu Âu và khu vực
Eurozone, biến động chính trị ở Bắc Phi và Trung Cận Đông... Các dự báo, các chỉ tiêu kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới đều điều chỉnh theo xu hướng giảm xuống. Tất cả đều tác động trực tiếp đến nền kinh tế chúng ta, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đồng vốn đầu tư của nước ngoài.
Trong tình hình đó, kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ diễn ra theo chiều hướng nào?
Tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khóa thắt chặt để kiềm chế lạm phát là những biện pháp đã được Chính phủ khẳng định. Tuy nhiên, khi kiềm chế lạm phát chúng ta cũng phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư, cơ cấu tín dụng hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp xuất khẩu, bởi trong những năm qua, khu vực SME và khu vực xuất khẩu là khu vực có mức tăng trưởng cao.
Thời gian gần đây chúng ta có nhiều cơ hội xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu như nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giày dép..., nên khả năng xuất khẩu vẫn tốt, nhất là gạo khi mà sản xuất của Thái Lan còn khó khăn do hậu quả nghiêm trọng của lũ lụt. Đó là chưa kể có thể những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tương tự Thái Lan sẽ có khả năng tăng mạnh, nhất là sáu tháng đầu năm 2012. Do khó khăn tại châu Âu và Mỹ vẫn còn đó nên ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động thương mại của Việt Nam là khó tránh khỏi vì đây là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc, vẫn tiếp tục tăng nên tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới được dự báo vẫn tốt hơn khu vực.
Giới doanh nghiệp hy vọng rằng để nền kinh tế vượt khó, chính sách tiền tệ trong năm sau sẽ phải linh hoạt hơn, doanh nghiệp có khả năng sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn hơn. Đồng thời, Chính phủ cũng đã có chủ trương giảm, dãn thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, đây cũng là một phương thức hỗ trợ để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn hiện tại, đồng thời bảo đảm việc làm, an sinh xã hội qua việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đầu tư nước ngoài cũng là một lĩnh vực cần được khai thông. Theo các chuyên gia, bất ổn kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Âu và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong nước, tiếp tục gây tâm lý e dè cho các nhà đầu tư.
Nhưng đó cũng không phải là lý do duy nhất khiến tình hình đầu tư tại Việt Nam trở nên đình trệ. Việc giảm đầu tư và hạn chế kế hoạch đầu tư một phần còn là do khả năng tiếp cận vốn vay luôn rất khó khăn suốt nhiều tháng qua. Trong hoạt động thu hút đầu tư, cải cách hành chính thiếu cương quyết được xem là một trong những rào cản chính.
Để đảm bảo được sự bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ và các ban ngành liên quan cần phải có sự lưu tâm giải quyết các vấn đề và các hạn chế vừa nêu trên. Khi điều này được thực hiện, Việt Nam sẽ cảm nhận được sớm hơn các lợi ích ấy: nhiều định chế quốc tế đã từng góp ý với chúng ta như vậy.
Khi bàn về những thách thức của kinh tế Việt Nam năm 2012, các nhà phân tích trong cũng như ngoài nước đều cho rằng tình hình lạm phát vẫn là một ẩn số có tính quyết định đối với sự ổn định vĩ mô. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á của Standard Chartered Bank, ông Tai Hui, cho rằng mối quan ngại lớn nhất đối với Việt Nam trong năm 2012 vẫn sẽ là vấn đề lạm phát. Áp lực của sự phá giá đồng tiền, giá điện và giá xăng dầu tăng và nhu cầu nội địa mạnh mẽ là những nhân tố góp phần làm cho lạm phát vẫn ở mức cao. Trong khi mức lạm phát dự báo cho Việt Nam ở cuối năm nay vào khoảng 18,7%, tức là gần tương đương với mức dự báo của Chính phủ Việt Nam, thì con số này cho năm tới có thể giảm đáng kể nhờ các biện pháp dứt khoát của Chính phủ. Theo kỳ vọng của chuyên gia ngân hàng này, lạm phát ở Việt Nam chỉ giảm mạnh từ mức 17% cho quý I năm sau xuống mức 10,9% cho quý II, xuống còn 8,9% cho quý III và cuối cùng là mức 7,9% cho quý IV. Có thể đây là một nhận định lạc quan nhưng không phải thiếu cơ sở, bởi Việt Nam vẫn được đánh giá là đất nước có tiềm năng, nhưng chậm phát triển là do mắc phải những sai lầm trong điều hành vĩ mô.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, xét về tiềm năng phát triển kinh tế thì Việt Nam được đánh giá là khá cao. Thứ nhất ở vào khu vực năng động, thứ hai là nền kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm khá thấp, ngoài ra Việt Nam còn có ít nhiều kinh nghiệm của quá trình 20 năm đổi mới. Thứ ba là Việt Nam có dân số tương đối trẻ khá là năng động và điều quan trọng nữa là người ta cũng tin rằng chính trị Việt Nam tương đối ổn định.
Ông Thành nói: "Tiềm năng lớn nhất ở chỗ quá trình cải cách ở Việt Nam là không thể đảo ngược được. Nó có thể lúc chậm lúc nhanh nhưng nó sẽ tiếp tục, đấy là nhân tố cơ bản nhất. Theo tôi mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam còn hơi dưới mức tiềm năng một chút, xét về góc độ tiềm năng thì có lẽ nền kinh tế Việt Nam không phải quá nóng".
Vào những tháng cuối năm 2011, rõ ràng Chính phủ đang thể hiện quyết tâm của mình nhằm phát huy tiềm năng lâu nay bị nhiều rào cản che chắn, bao gồm:
- Cơ cấu lại nền kinh tế đang là một chủ trương lớn đòi hỏi cái nhìn thực tế và khách quan về thế mạnh của chúng ta. Đó là một khu vực tư nhân nhiều năng động đang đóng góp vào 48% GDP trong điều kiện chưa được các chính sách hợp lý trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn.
- Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để tận dụng nguồn vốn trong xã hội, tăng nhịp đập khỏe mạnh của trái tim ngân hàng đưa máu vào nền kinh tế bằng hoạt động lành mạnh.
- Hợp lý hóa và làm lành mạnh thành phần kinh tế nhà nước bằng cách rà soát và chỉnh đốn hoạt động của các tập đoàn kinh tế, đồng thời cổ phần hóa nhanh chóng các doanh nghiệp nhà nước theo đúng kế hoạch mà nay đã quá chậm trễ.
- Cải cách hành chính triệt để nhằm lấy lại lòng tin ở các nhà đầu tư nước ngoài.
Đó là những điều kỳ vọng trước mắt vào năm 2012.
----------------
Tác giả: Hoàng Hải // Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com