Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 8 tháng: Bức tranh đang sáng


Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng mạnh là một bằng chứng cho thấy kinh tế có biểu hiện phục hồi - Ảnh: Anh Quân

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm 2009 của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Những cuộc khảo sát của VnEconomy thời gian gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp sau khi được tiếp vốn từ chính sách kích cầu của Chính phủ đã phục hồi lại sản xuất và đạt kết quả kinh doanh tốt hơn hẳn những tháng đầu năm.

Một biểu hiện cho đà phục hồi của sản xuất và kinh doanh là điện sản xuất đã tăng 10,5%, nước máy thương phẩm tăng 9,5% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa qua một số cảng lớn cũng đạt tương đương 8 tháng đầu năm 2008. Vận tải hàng hóa ước tính đạt 422,3 triệu tấn, tăng 3,1% và 125,7 tỷ tấn/km, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước...

Sản xuất phục hồi nhờ lực cầu tăng

Nền sản xuất quốc dân đang được hậu thuẫn bởi hai lực cầu kéo chính là tiêu dùng trong nước (bao gồm cả một phần chi tiêu công) và xuất khẩu.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 742,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2009 còn tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Về phía xuất khẩu, lực cầu ngoại (chỉ tính về lượng) thậm chí còn tăng mạnh mẽ hơn cùng thời kỳ năm 2008. Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, trong một lần trả lời VnEconomy gần đây cho biết, mức tăng trưởng xuất khẩu về lượng vẫn đạt khoảng 20 - 25%.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2009, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu đạt 37,3 tỷ USD, tuy giảm tới 14,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008, nhưng khá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tăng mạnh về lượng: Cà phê giảm 17,7% về kim ngạch, lượng tăng 16,8%; gạo giảm 1,4% về kim ngạch, lượng tăng 43%; dầu thô giảm 48,1% về kim ngạch, lượng tăng 8%; cao su giảm 41,4% về kim ngạch, lượng tăng 8,2%...

Dưới tác động của lực cầu mạnh, sản xuất trong nước đang tăng nhanh gia tốc. Sản xuất công nghiệp đang tạo đà với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8/2009 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2008 (đã loại trừ yếu tố giá).

Trong khi đó, thủy sản vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng. Trong 8 tháng đầu năm 2009, sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 3.200,6 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định từ 4 - 5,5%.

Do sản xuất đã dần phục hồi, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu cũng đạt 42,4 tỷ USD, tính chung 8 tháng đầu năm 2009. Tuy có giảm 28,2% so với cùng kỳ, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do giá thế giới giảm ở hầu hết các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Đầu tư tiếp tục tạo đà cho tăng trưởng

Động lực tăng trưởng cũng đến từ các nguồn tài chính lớn, vẫn tiếp tục chảy vào nền kinh tế.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2009 ước tính đạt 6,5 tỷ USD, trong đó vốn từ nước ngoài khoảng 5,5 tỷ USD. Tuy số vốn này có giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng đây vẫn là lượng vốn tương đối lớn so với nhiều năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI- Foreign Portfolio Investment) đã giải ngân vào cổ phiếu tại Việt Nam đã lên khoảng 5 tỷ USD trong vòng 9 năm qua, theo tính toán của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI). Giá trị khớp lệnh từ nguồn vốn này trong giai đoạn hiện nay tính bình quân đạt gần 8 triệu USD/ngày.

Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện 8 tháng năm 2009 tuy có giảm tốc độ giải ngân nhưng ước tính vẫn đạt 82,9 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% kế hoạch năm.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tính từ đầu năm đến 15/8/2009 ước bằng 57,9% dự toán năm (cùng kỳ năm 2008 đạt 66,7% dự toán). Nhưng tính riêng chi đầu tư phát triển thì vẫn xấp xỉ con số của năm 2008, bằng 58,9% dự toán (so với 58,8%).

Cũng có những yếu tố khác hỗ trợ tích cực tâm lý nhà đầu tư, doanh nhân và người tiêu dùng, dẫn tới những quyết định mạnh dạn hơn trong đầu tư, kinh doanh và mua sắm.

Giá tiêu dùng vẫn tương đối ổn định ở nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2009 tăng 0,24% so với tháng trước; so với cùng kỳ năm 2008 tăng 1,97%; so với tháng 12/2008 tăng 3,47%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2009 tăng 8,31% so với 8 tháng năm 2008.

(Theo Anh Quân // VnEconomy)

  • Mục tiêu chính sách tiền tệ hậu suy thoái: Kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng
  • Kinh tế "bơi" qua khủng hoảng nhờ nông nghiệp
  • Tiếp tục kích cầu để tăng trưởng
  • Hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Dự kiến năm 2010, tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,5%
  • Thóc nhiều, nhưng khó nhặt
  • Kinh tế tháng 8 có nhiều chuyển biến tích cực
  • Vĩnh Long: Mở rộng thị trường xuất khẩu bưởi Năm Roi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi