Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Việt Nam 2012-2013: Cơ hội xoay chuyển tình thế?

Cho dù tại thời điểm hiện nay, nếu đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam theo cách tiếp cận ngắn hạn, có thể nhận thấy sự cải thiện tích cực (theo hướng “quý sau tốt hơn quý trước”) ở một số khía cạnh quan trọng, thì nhìn tổng thể cả năm, không thể phủ nhận rằng kết quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012 kém sút rõ rệt so với năm 2011 (và so với cả những năm trước đó).

Đầu năm nay, tại cuộc tranh luận về thực trạng và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012, diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Mùa Xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức (tháng 3/2012), có hai luồng ý kiến khác nhau được nêu. Một luồng ý kiến cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn cả năm 2011 và những năm trước đó. Một luồng ý kiến khác cho rằng với việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ (từ tháng 2/2011), với tư tưởng chính là thắt chặt tiền tệ, tình hình kinh tế năm 2012 sẽ được cải thiện rõ rệt theo cả hai hướng: lạm phát được khống chế và kiểm soát, tăng trưởng sẽ phục hồi và đi dần vào thế ổn định.

Trong bối cảnh phức tạp của cả kinh tế thế giới và Việt Nam lúc đó, sự khác biệt của các ý kiến trong cuộc tranh luận, đến mức ngược nhau, không chỉ ở khía cạnh dự báo mà cả trong việc nhận diện tình hình, đánh giá thực trạng, là điều bình thường. Nó phản ánh tính chất khó khăn, phức tạp và khó dự báo của tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012.

Diễn biến kinh tế đất nước kể từ cuộc tranh luận đó đến nay, với ¾ chặng đường của năm 2012 đã đi qua, xác nhận rằng tình hình quả thật là khó khăn và phức tạp, lại theo xu hướng tăng lên, thậm chí đến mức đáng quan ngại, hơn là theo hướng được giải tỏa bớt. Cho dù tại thời điểm hiện nay, nếu đánh giá tình hình theo cách tiếp cận ngắn hạn (tính theo quý hay ngắn hơn – theo tháng), có thể nhận thấy sự cải thiện tích cực (theo hướng “quý sau tốt hơn quý trước”) ở một số khía cạnh quan trọng thì nhìn tổng thể cả năm, không thể phủ nhận rằng kết quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012 kém sút rõ rệt so với năm 2011 (và so với cả những năm trước đó). Sự kém sút thành tích không chỉ biểu hiện ở các con số định lượng – như tốc độ tăng trưởng GDP giảm, số lượng doanh nghiệp đóng cửa và tỷ lệ hàng tồn kho cao. Quan trọng hơn, sự yếu kém còn thể hiện đặc biệt rõ nét ở xu hướng gia tăng số lượng các biến cố - sự cố bất thường, là những tín hiệu chỉ báo mức độ rủi ro hệ thống tăng lên, các loại tin đồn có tác động gây rối dư luận, làm suy giảm mạnh lòng tin thị trường vốn đã bị suy yếu đáng kể sau mấy năm nền kinh tế gặp khó khăn.

Việc nhấn mạnh sự phù hợp của một luồng ý kiến đánh giá và dự báo được nêu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân tháng 3 cũng như ở nhiều chỗ khác, với diễn biến thực tế của nền kinh tế nhằm khẳng định một điều: những gì đã và đang xẩy ra trong nền kinh tế, nhất là trong các xu hướng lớn và vấn đề nền tảng, cũng như triển vọng cơ bản của kinh tế Việt Nam năm 2012, về nguyên tắc, đều đã được chỉ ra, đều đã được dự báo. Những dự báo đó, tuy có thể không chính xác đến từng chi tiết – đến các con số sau “dấu phẩy” của các chỉ tiêu kinh tế hay đến tên tuổi, ngày giờ xẩy ra sự kiện -, song nhìn chung đã chỉ ra đúng các xu hướng lớn, các vấn đề cơ bản mà nền kinh tế đang đối mặt, sẽ tiếp tục đối mặt, triển vọng giải quyết chúng và các kết quả chính – có ý nghĩa căn bản, chiến lược – mà nền kinh tế có thể đạt. Chỉ tiếc là những dự báo, dự tính như vậy ít khi được coi là cơ sở đáng tin cậy, cần được sử dụng trong việc xác lập các mục tiêu kế hoạch.

Nói như vậy có nghĩa là những vấn đề được đưa ra thảo luận hiện nay, hôm nay, tại diễn đàn này, nhìn chung đều không mới. Có mới chăng thì chủ yếu cũng chỉ là mới (đúng hơn, chỉ là khác) ở cấp độ gay gắt hay dịu đi của tình thế chứ không phải là mới về chất hay mới về xu hướng lớn (tình thế đã xoay chuyển hay đảo ngược).

Nhưng mặt khác, dễ nhận thấy rằng trong khuôn khổ của sự “không mới” đó, trong nỗ lực vượt thoát tình thế khó khăn mà nền kinh tế đang lâm vào, dường như những khác biệt đặc trưng, mang tính chất lượng của cách tiếp cận đánh giá tình hình, triển vọng kinh tế năm 2012 và các giải pháp tháo gỡ so với các năm trước vẫn chưa được chú ý đúng mức, chưa được đặt đúng tầm.

Cách đánh giá tình hình vẫn chủ yếu theo tinh thần là “nền kinh tế đang gặp một số khó khăn” mà chưa mổ xẻ, chưa thấy hết và định vị đúng mức độ gay gắt của những nguy cơ mang tính cơ cấu và hệ thống (nguy cơ khủng hoảng) đang đe doạ nền kinh tế.

Việc xác định triển vọng vẫn bị trói buộc nhiều, một là vào mức rất cụ thể của các chỉ tiêu định lượng, vốn ít thể hiện sự thay đổi chất lượng, hiệu quả phát triển và đáng ra chỉ nên được dùng như là gợi ý định hướng hơn là ràng buộc pháp lệnh1; hai là vào cách ứng xử ngắn hạn truyền thống, tức là tìm kiếm các giải pháp phản ứng nhanh và mang nặng tính hành chính. Cách tiếp cận cơ bản, hệ thống, mang tính chiến lược, nhắm tới mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu, tuy có được đề cập, song trên thực tế ít được vận dụng và triển khai.

Trong khi đó, thực tiễn lại trông đợi rất nhiều ở chính việc nhận diện đúng sự khác biệt của năm 2012 với các năm trước, để trên cơ sở đó, có cách tiếp cận mới đến các giải pháp, vượt qua lối mòn tư duy và hành động của các năm trước (vốn từng làm cho bất ổn và lạm phát cứ “khứ hồi hàng năm”, nhờ đó, có thể tạo ra bước ngoặt làm xoay chuyển tình thế.

Thực tế những năm qua cho thấy chính sự khác biệt này mới là điểm cần tập trung phân tích, mổ xẻ, làm rõ, thay vì nỗ lực một cách thiên lệch vào việc thảo luận, cân nhắc định lượng, đắn đo sự sai biệt định lượng nhỏ nhoi, kiểu như năm nay GDP tăng trưởng 5,3% hay 5,6% thì phù hợp hơn. Nếu không tạo ra sự khác biệt như vậy trong cách tiếp cận, sẽ khó có sự thay đổi tích cực căn bản nào trong các định hướng chính sách và giải pháp. Và khi đó, nền kinh tế lại “vui vẻ” chấp nhận sự “khứ hồi” của tình trạng lạm phát cao, bất ổn sâu sắc, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tụt giảm mạnh, như đã từng như vậy.

***

I.    NHẬN DIỆN VÀ ĐÁNH GIÁ TRIỂN VỌNG NĂM 2012

1. Tình huống nghịch lý và sự khác biệt đặc trưng


Có thể hình dung sự khác biệt quan trọng của năm 2012 với những năm trước ở 3 tình huống có phần lạ thường, mang tính nghịch lý.

Tình huống thứ nhất: trạng thái lạm phát hạ nhanh, nhập siêu giảm mạnh trong những tháng đã qua của năm 2012 - những mục tiêu mà trong mấy năm qua, nền kinh tế đã nỗ lực hết sức để đạt nhưng không thể đạt được – đang gây ra lo ngại với mức độ sâu sắc không kém tình trạng lạm phát cao và nhập siêu lớn của những năm trước.

Tình huống thứ hai: hệ thống ngân hàng thừa thanh khoản, nhưng một bộ phận rất lớn doanh nghiệp vẫn thiếu vốn đầu tư nghiêm trọng do không thể (do nợ xấu), hoặc do khó tiếp cận vốn vay (do lãi suất quá cao), thậm chí, hoặc do không muốn vay (do không tiêu thụ được sản phẩm, hàng tồn kho lớn). Sự ách tắc này đang đe dọa sự tồn vong của các doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng – hai lực lượng chủ thể - chủ lực của kinh tế thị trường.

Tình huống thứ ba: nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tuy đã được Đại hội Đảng XI ghi nhận là vấn đề chiến lược cấp bách hàng đầu, được nhiều nghiên cứu nhìn nhận là giải pháp “căn cơ” để đưa nền kinh tế thoát khỏi xu hướng khó khăn gay gắt kéo dài đang làm suy kiệt nền kinh tế, vậy mà cho đến nay, sau gần 2 năm, hầu như vẫn chưa được triển khai trên thực tế, trừ một vài công việc có tính khởi động (xây dựng dự án) ở một vài lĩnh vực. Hội nghị Trung ương 3, khóa XI, diễn ra cách đây gần một năm, yêu cầu triển khai thực hiện sớm tái cơ cấu nền kinh tế một cách quyết liệt và gay gắt hiếm thấy, với 3 tuyến nhiệm vụ ưu tiên được định rõ. Vậy mà sau một năm, trong khi tình hình kinh tế tiếp tục sa sút nhanh, vẫn chưa cảm nhận được tác động thực tiễn rõ ràng của Nghị quyết đó. Những hành động tái cơ cấu đang diễn ra phần lớn mang nặng tính tình thế, phản ứng ngắn hạn, chưa bài bản, hệ thống và triệt để, đủ để tạo sự xoay chuyển căn bản trong cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia.

Đặt năm 2012 trong tiến trình liên tục của quá trình phát triển, tình trạng nghịch lý nêu trên tự nhiên làm nẩy sinh câu hỏi: phải chăng tính “có vấn đề” của nền kinh tế đã trầm trọng đến mức không thể khơi thông dòng chảy cho các luồng vốn (dù đang có sẵn chứ không phải là thiếu thốn) lưu thông bình thường, rằng nền kinh tế “yếu” đến mức không còn đủ sức hấp thụ cả “nhân sâm”, không đủ sức thoát khỏi những vấn đề ngắn hạn để thực hiện một cú đột phá, dù chỉ mang tính cục bộ, để tạo sự xoay chuyển tình thế căn bản?2 

Nếu tình hình đúng là như vậy, có phải nền kinh tế đã lâm vào trạng thái mà hồi đầu năm, một số nhà kinh tế gọi là “tình thế đặc biệt”? Và khi đã lâm vào tình thế đặc biệt, để xoay chuyển tình hình, phải chăng cần có “liều thuốc đặc trị”, chứ không thể dựa mãi vào mấy bài thuốc đã dùng quen mấy năm qua nhưng không mấy tác dụng?

Cách tiếp cận vấn đề như vậy đòi hỏi thay đổi cách “chẩn bệnh” và tìm kiếm giải pháp cho nền kinh tế. Nếu công cuộc này vẫn tiếp tục cách thức đã làm trong mấy năm qua, nghĩa là vẫn tập trung chú ý đến các thành tích ngắn hạn, lo tìm kiếm các giải pháp “ăn ngay”, vẫn tiếp tục “quan tâm sâu sắc” đến sự lên xuống chi ly từng % của các chỉ tiêu vĩ mô – mà không dành sự quan tâm thực tiễn, sự ưu tiên sống còn cho những quyết sách lớn, cho các giải pháp chiến lược – thì chắc chắn, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới còn u ám, khó có thể tạo ra bước ngoặt thực sự để thoát khỏi nguy cơ vòng xoáy, thậm chí khủng hoảng, mà nền kinh tế có thể lâm vào.

2. Nhận diện sự “khởi sắc”


Xét về xu hướng và căn cứ chủ yếu trên các con số định lượng, có thể nhận thấy rằng nền kinh tế nước ta bắt đầu có những dấu hiệu được coi là “khởi sắc” sau khi tốc độ tăng trưởng trong Quý I rơi xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trong quý II và quý III, lạm phát giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP cao dần, nhập siêu thấp, dự trữ ngoại tệ tăng.

- CPI giảm thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2012 tăng chỉ 2,86% kể từ tháng 12/2011. Khả năng giữ lạm phát ở mức 7-8% cả năm là hiện thực. So với mức lạm phát hơn 18% của năm ngoái và so với mong mỏi nhiều năm là kéo được mức lạm phát xuống thấp, rõ ràng đây là một kết quả đáng kể.

- Tăng trưởng GDP: dự đoán đạt 4,8% cho 3 quý đầu năm và cả năm đạt 5,1%-5,3%, thấp đáng kể so với các năm trước3. Tuy nhiên, đối với mục tiêu luôn luôn dành được sự quan tâm hàng đầu này, theo “thông lệ”, sự chú ý đang được hướng tới khía cạnh khác: đó là nhấn mạnh xu hướng cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP qua từng quý: Quý I: GDP chỉ tăng 4%; quý II: nâng lên 4,66% và quý III dự đoán sẽ đạt 5,5%.

- Nhập siêu, mối quan ngại lớn của nhiều năm gần đây, căn bệnh kinh niên trầm kha của nền kinh tế bỗng nhiên được “xử lý gọn”, đảo ngược thành xuất siêu. Tính chung cuộc 9 tháng đầu năm, xuất siêu đạt 34 triệu USD. Đây là một thành tích thực sự hiếm hoi trong suốt mấy chục năm đổi mới. Nó đáng được coi là một “kỳ tích” nếu so với những con số nhập siêu cao ngất ngưởng 6-8 tỷ USD cùng kỳ của các năm trước.

- Dự trữ ngoại tệ được cải thiện đáng kể. Lượng dự trữ ngoại tệ đã tăng gấp đôi so với đầu năm, đạt mang lại một sự bảo đảm an toàn cao hơn cho nền kinh tế trong điều kiện nó đang gặp nhiều khó khăn và đối mặt với không ít rủi ro từ phía thị trường thế giới.

- Tổng cầu của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm tuy chưa thật sự mạnh nhưng đã có chuyển động tích cực. Xu hướng này thể hiện ở mức tăng 17,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng dần trong năm 2012, từ mức tăng 6,5% so với cùng kỳ của 6 tháng đầu năm, lên 6,8% qua 8 tháng đầu năm.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực về “lượng”, trong nền kinh tế cũng bắt đầu triển khai một số cải cách mạnh nhằm vào hệ thống thể chế. Tháng 4/2012, Quốc hội đã ra Nghị quyết không cho phép mở thêm Khu Công nghiệp mới. Đây là nỗ lực nhằm chống lại việc mở rộng tràn lan các Khu Công nghiệp, vừa lãng phí, vừa làm hư hỏng thể chế, gây bức xúc lớn trong xã hội, nhất là trong khu vực nông thôn, Tiếp theo đó, tháng Bảy, Chính phủ ra quyết định, trong số 15 Khu Kinh tế ven biển đã được thành lập, sẽ chỉ tập trung ưu tiên đầu tư cho 5 Khu thay vì dàn trải cho tất cả như trước đây.

Những nỗ lực cải cách nhằm thay đổi chất lượng thể chế như vậy vẫn còn ít, thậm chí, có thể nói quá ít nếu so với yêu cầu tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng – là những nhiệm vụ được xác định là cấp bách, rất cơ bản và mang tầm chiến lược. Thêm vào đó, những cải cách ít ỏi này vẫn mang đậm dấu ấn của cách phản ứng tình thế từ phía Chính phủ và khu vực kinh tế nhà nước trước áp lực thực tiễn gay gắt hơn là được diễn ra theo một chương trình hành động được thiết kế bài bản, hệ thống.

Nỗ lực và định hướng hành động là như vậy, song việc xác định nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chiến lược đó, ở hầu hết các địa phương, gần như trong mọi trường hợp, chỉ là áng chừng một cách cảm tính hoặc bị chi phối bởi các quan hệ lợi ích nhóm. Về nguyên tắc, nó cũng chưa lường được một cách thỏa đáng tổng chi phí điều chỉnh – một con số thường là không nhỏ.

Song vượt lên những nghi ngại mang tính kỹ thuật chuyên môn, vấn đề tái cơ cấu  đang được khởi động. Dù chưa thực sự “liền mạch”, chưa bảo đảm tính nhất quán, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, nó đã chứng tỏ công cuộc tái cơ cấu đầu tư công đang bắt đầu diễn ra “thật” và đúng hướng.

Công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang được triển khai. Tuy tiến độ và kết quả ít được công khai, song những gì được ghi nhận cho thấy đã có những nỗ lực thực tiễn và kết quả bước đầu, chứ không dừng lại ở các Chương trình hành động trên giấy và những cuộc tranh luận hội trường.

Đây là những tin tốt, những dấu hiệu tích cực đích thực của tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm. Không nghi ngờ gì, tình hình kinh tế – trên một số khía cạnh – đang được cải thiện so với đầu năm. Có vẻ như nền kinh tế Việt Nam đã qua “cơn nguy kịch” và đang bước vào quỹ đạo phục hồi. Và giống như nhiều năm trước, bài hát “lạc quan” lại bắt đầu được cất lên, tuy giọng điệu có phần nhẹ nhàng hơn.

Nhưng thực tiễn các năm trước cho thấy rằng bài hát đó thường gây ra sự lạc quan quá mức, để sau đó, nền kinh tế phải trả giá. Kinh nghiệm chỉ ra rằng những dấu hiệu tích cực như vậy vẫn còn là quá ít để bảo đảm cho dự báo về một xu hướng “chắc chắn tốt”, một sự phục hồi “mạnh mẽ và không thể đảo ngược”. Chúng cũng chưa đủ để tạo lập niềm tin về sự hình thành “một cơ sở lành mạnh” cho xu hướng vươn lên của nền kinh tế năm 2013 và những năm tiếp theo. Những dấu hiệu đó cũng là còn ít và có phần chậm trễ để báo hiệu một tiến trình cải cách có khả năng “xoay chuyển tình thế” diễn ra sớm và đạt hiệu quả mong đợi chứ không chỉ là “cải thiện tình hình”.

3. Tổng thể cả năm: Tình thế khó khăn hơn và xu hướng sa sút

Nhưng cho dù có những dấu hiệu tốt lên như vậy, nhìn tổng thể và trong quan hệ so sánh, xu hướng tích cực nêu trên không phải là trục chính phản ánh đúng và đủ diện mạo cơ bản của nền kinh tế 8 tháng qua.

Ở bình diện ngắn hạn, nhận định trên thể hiện rõ ở những điểm sau.

Thứ nhất, cho dù được cải thiện theo từng quý thì đà tụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP so với năm trước là rõ rệt. Với mức tăng trưởng GDP quý 3 là 5,35%, diễn biến kinh tế vẫn cho phép dự báo kế hoạch tăng trưởng 6,0-6,5% của năm nay sẽ không thể đạt được. Mức tăng trưởng GDP năm 2012 mà Chính phủ dự kiến đạt chỉ khoảng 5,2%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (nhưng có tính khả thi cao).

Thứ hai, lạm phát hạ nhanh, thậm chí nhanh hơn mức dự kiến, làm cho nền kinh tế liên tục mấy tháng bị “âm”. Xu hướng giảm nhanh như vậy gây lo ngại sự “lạnh đi” đột ngột của cơ thể kinh tế vốn đang bi suy yếu kéo dài. Đã có những ý kiến đề cập đến tình trạng thiểu phát, kéo theo đó là xu hướng trì trệ trong tăng trưởng GDP.

Cũng cần lưu ý đúng mức đến xu hướng CPI chuyển hướng nhanh từ “âm” sang “dương” trong tháng 8 và 9 trong khi các thao tác nới lỏng tiền tệ chỉ mới bắt đầu.

Đồ thị 1: CPI theo tháng năm 2011 và 9 tháng năm 2012


 
Đồ thị 1 cho thấy qua các tháng, CPI có biên độ dao động khá lớn và mức độ đảo chiều cao. Biên độ dao động CPI lớn chứng tỏ nền kinh tế nước ta trong 9 tháng qua vẫn trong trạng thái bất ổn cao. Đồng thời, hiệu ứng tâm lý và cách thức phản ứng chính sách trước động thái CPI (sử dụng hàng loạt các biện pháp hành chính với mong muốn đối phó nhanh với lạm phát, để dễ dàng và thuận tiện hơn cho bộ máy điều hành) cho thấy mức độ nhạy cảm rất cao của cơ thể kinh tế đối với các tác động đảo chiều, ngay cả khi tác động đó chưa mạnh.

Thứ ba, thành tích “đột ngột” chuyển nhập siêu thành xuất siêu phản ánh một thực trạng đáng lo ngại: năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế bị suy yếu nghiêm trọng. Nền kinh tế nước ta có một đặc điểm nổi bật là phụ thuộc nặng vào đầu vào nhập khẩu4. Vì vậy, thành tích giảm nhập siêu trong 9 tháng đầu năm so với các năm trước đồng nghĩa với một mặt, sản xuất trong nước gặp khó khăn nghiêm trọng, năng lực hấp thụ đầu vào yếu đi rõ rệt; hai là triển vọng tăng trưởng không mấy lạc quan trong những tháng còn lại của năm 2012 và cho cả năm 2013.

Gắn với “thành tích” giảm nhập siêu, còn một chỉ số khác cũng rất đáng quan tâm. Đó là số lượng đơn đặt hàng của nền kinh tế được ký kết qua các tháng. Đây là chỉ số phản ánh đầu ra của nền kinh tế, mang tính dự báo cao. Xu hướng đơn đặt hàng của nền kinh tế qua các tháng (đồ thị 2) cho thấy động thái đầu ra vẫn còn kém sáng sủa (chưa khôi phục mức trung bình 50 điểm), tương tự động thái đầu vào. Với xu hướng này, khó có thể trông đợi triển vọng cải thiện mạnh mẽ tốc độ tăng trưởng GDP trong các tháng cuối năm và cả trong năm 2012.

Đồ thị 2: Xu hướng đơn đặt hàng và đơn đặt hàng xuất khẩu mới


 
Thứ tư, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm rõ rệt trong khi đây là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung, là động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ bằng 61,5% mức tăng cùng kỳ năm trước (7,8%). Cần lưu ý rằng tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp thấp, trong khi tốc độ tăng chi phí trung gian cao lên, làm tốc độ tăng giá trị tăng thêm của công nghiệp thấp xuống, kéo theo sự sụt giảm của tốc độ tăng GDP.

Tổng hợp lại, cho đến hết quý III, tăng trưởng công nghiệp vẫn có xu hướng chậm lại, chưa “thoát đáy”; cũng chưa lộ ra những yếu tố mới cho phép dự báo một sự thay đổi mang tính đột biến trong công nghiệp để xoay chuyển xu thế tăng trưởng GDP. Đây thực sự là một tin “xấu” cho việc dự báo triển vọng kinh tế cuối năm 2012, năm 2013.

Thứ năm, tốc độ tăng tồn kho giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Đồ thị 3 dưới đây chỉ rõ động thái đó:

Đồ thị 3: Hàng tồn kho giảm chậm và vẫn ở mức cao
Nguồn: MPI



Hàng tồn kho, giống như nợ xấu, được coi là một “cục máu đông”, rất nguy hại cho lưu thông kinh tế. Ôm một khối lượng lớn hàng tồn kho, doanh nghiệp không thu hồi được vốn, không thể trả nợ ngân hàng, từ đó, nợ xấu gia tăng. Mặt khác, hàng tồn kho luôn là yếu tố triệt tiêu động lực sản xuất của doanh nghiệp. Năm 2012, tồn kho lớn kéo dài đang là yếu tố chính làm suy yếu hệ thống doanh nghiệp, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng phá sản hoặc đóng cửa. Trên bình diện vĩ mô, hàng tồn kho cản trở mạnh mẽ sự lưu thông trong nền kinh tế, đúng với tên gọi “cục máu đông”.
 

TỒN KHO BẤT ĐỘNG SẢN – “NGHIÃ ĐỊA” CHÔN VỐN

Trong cơ cấu hàng tồn kho, đáng lo ngại nhất là lượng tồn kho bất động sản đang chiếm một tỷ trọng rất lớn.

Theo tính toán của Bộ phận Nghiên cứu thuộc Dragon Capital, cả TP.HCM và Hà Nội hiện đều có khoảng hơn 35.000 căn hộ ở sẵn sàng để bán. Trong trạng thái thị trường đóng băng hiện nay, có thể coi đây chính là lượng hàng tồn kho bất động sản (chắc là chưa đầy đủ). Giả dụ giá trị mỗi căn hộ chỉ là 1 tỷ VNĐ (chắc là thấp xa so với mức giá đã từng được bán trong 2-3 năm trước), thì lượng vốn bị “chôn” trong số căn hộ “tồn kho” nói trên đã lên tới 70.000 tỷ VNĐ. Nếu mức giá là 2 tỷ VNĐ/căn, tổng số vốn “bị chôn” sẽ lên tới 140.000 tỷ đồng. Đây là con số khổng lồ và có lẽ nó không quá xa con số thực. Hệ lụy mà “cục máu đông” này gây ra cho nền kinh tế cũng như mức độ rủi ro mà nó đe dọa hệ thống ngân hàng chắc chắn còn vượt xa sự khổng lồ của chính nó.



 
Theo thống kê từ 69 công ty BĐS niêm yết, các công ty này đều phải đối mặt với vấn đề thanh khoản nghiêm trọng. Tỉ số thanh toán nhanh, phản ánh khả năng công ty có đủ tài sản ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn mà không cần phải bán hàng tồn kho hay không, giảm còn dưới 0,7 lần. Đến quý IV/2011, các công ty này đang gánh một khoản nợ vay khoảng 67.000 tỉ đồng và chi phí lãi vay mỗi năm là 13.400 tỉ. Đáng báo động là trong cơ cấu nợ vay, khoản vay ngắn hạn trong quý IV đã tăng lên 26.400 tỉ. Điều này có nghĩa, các công ty này phải có 39.800 tỉ để trả nợ vay đến hạn và lãi vay trong năm 2012.


Trong khi đó, lượng tiền mặt còn lại tại 69 công ty này là 915 tỉ đồng, chỉ đủ để trả 1/4 số nợ trên và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước lãi vay và thuế chỉ bằng 1/3 chi phí lãi vay mỗi năm. Mối tương quan này cho phép xác định lượng nợ xấu thực rất lớn đang và sẽ tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và hệ thống ngân hàng.


Cũng cần lưu ý thêm rằng đây mới là số liệu của 69 công ty bất động sản niêm yết trên sàn. Trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chắc chắn còn lớn hơn nhiều. Và với các công ty này, ít có cơ sở để tin rằng thực trạng tài chính của chúng lại đẹp hơn 69 công ty niêm yết trên sàn nêu trên – thường là những công ty có thực lực, hoạt động bài bản và hiệu quả hơn (niêm yết trên sàn là tiêu chuẩn xác nhận đẳng cấp).


Đồng thời, chính Báo cáo này cũng nhận định nếu không có giải pháp để kích cầu mua căn hộ, có lẽ cần ít nhất 7 năm mới tiêu thụ hết lượng căn hộ tồn kho hiện nay. Nghĩa là thời điểm đích cho việc giải quyết nợ xấu bất động sản hãy còn xa lắm.

Tồn kho cao là thực trạng phổ biến trong khu vực doanh nghiệp hiện nay. Nó là kết quả của sự giảm sút sức cầu trên thị trường mà nguyên nhân sâu xa, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nằm trong chính cơ cấu và hệ thống phân bổ nguồn lực “có vấn đề” của nền kinh tế. Một nền kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào vốn, cơ chế phân bổ vốn lại không hợp lý vận hành trong một thời gian dài, việc quản lý sử dụng vốn lại lỏng lẻo, làm cho hiệu quả đầu tư thấp, nhất là trong khu vực nhà nước, sẽ dẫn tới kết cục tất yếu là lạm phát cao kéo dài, sức cầu thị trường suy giảm liên tục.

Đối mặt với tình hình đó, hiện nay, khi sức khỏe của nền kinh tế - cả của khu vực doanh nghiệp lẫn của khu vực nhà nước – bị suy giảm mạnh thì nỗ lực “kích cầu” nhằm giải tỏa đống hàng tồn kho, từ đó vực dậy nền kinh tế thật sự là một bài toán khó, một thách thức lớn đặt ra cho Chính phủ.

Thứ sáu, ở mặt cung, trong mối liên hệ tương thông và tương thuộc với mặt cầu, tình hình cũng nghiêm trọng không kém.

Nền kinh tế nước ta có đặc điểm nổi bật là tăng trưởng lệ thuộc ngày càng nặng vào vốn đầu tư (đồ thị 4).

Đồ thị 4: Đóng góp của các yếu tố vào tăng trưởng GDP


 
Với một nền kinh tế đang “ốm yếu”, việc dư nợ tín dụng qua 9 tháng đầu năm chỉ tăng hơn 2% cho thấy một xu hướng bất bình thường đang diễn ra (không thể hấp thụ nổi vốn dù đang rất khát vốn). Tính bất thường này còn thể hiện rõ hơn qua sự kiện là cho đến hết tháng 6 thì tăng trưởng tín dụng vẫn chỉ đạt mức “âm”. Hoạt động cho vay mới bắt đầu phục hồi từ tháng 7, nhưng cũng rất yếu ớt. Nghĩa là quá trình “lưu thông máu” cho một cơ thể đang bị ốm nặng, đã bị đình trệ trong suốt nửa năm. Nên lưu ý thêm rằng điều này diễn ra sau khi nền kinh tế đã trải qua gần suốt một năm 2011 bị “đói vốn” (đồ thị 5).

Một nền kinh tế “nghiện nặng” vốn đầu tư mà bị cắt đứt khỏi dòng vốn – đó thực sự là một nguy cơ đe dọa. Nó cung cấp thêm một căn cứ thực tế để dự báo triển vọng.
Đồ thị 5 cho thấy mức độ trầm trọng của cú sốc tài chính mà nền kinh tế phải chịu khi chính sách thắt chặt tiền tệ được triển khai quyết liệt trong suốt gần hai năm qua.

Đồ thị 5: Tăng trưởng phương tiện và tăng trưởng tín dụng:



Cú sốc tài chính 2011-2012
 
Cần xem xét thêm một tương quan khác: Tính đến tháng 8, trong khi tổng huy động vốn tăng 11,23% thì dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,4% (sang tháng 9, con số này nhích thêm được gần 1%). Tương quan này phản ánh tình trạng ách tắc tín dụng và sự lệch pha trong cán cân huy động và cho vay. Việc tìm đáp án trả lời câu hỏi: vì sao tín dụng “lệch pha” (hay tại sao nền kinh tế không hấp thụ được vốn dù đang rất khát vốn) và làm thế nào để phá thế “đóng băng” tín dụng, tiếp tục là bức xúc không chỉ riêng đối với ngành ngân hàng.
Cũng từ đó, phát sinh một nỗi lo mới trong hệ thống, đó là: rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường từ sự mất cân bằng giữa huy động và cho vay; cũng như bất an đến từ việc tín dụng tăng thấp nhưng huy động vẫn tăng đang ngày càng hiện hữu. Điều này đang diễn ra và có thể còn kéo dài trong những tháng tới.

Thứ bảy, tình trạng khó khăn nghiêm trọng kéo dài của hệ thống doanh nghiệp.
Nợ lớn, lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều là “tam giác quỷ” đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Nó hình thành một cái “bẫy sụp đổ” mà nhiều doanh nghiệp không thể thoát ra.

II.    NĂM 2013: NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM VÀ DỰ BÁO KẾT QUẢ


1. Những việc phải làm.

Phần này có nhiệm vụ đề xuất những việc phải làm trong năm 2013 theo một trật tự ưu tiên cho phép giải quyết tình trạng “tồn kho, ứ đọng” lâu năm các vấn đề, để nền kinh tế khôi phục các cơ sở ổn định vĩ mô và tăng trưởng một cách bền vững, đồng thời tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng bằng các hành động tái cơ cấu thực sự.

Để giải quyết nhiệm vụ đó, cần thiết phải có cách tiếp cận mới đến việc phân bổ nguồn lực cho các nhiệm vụ phải được ưu tiên giải quyết.

Thực chất của cách tiếp cận mới này là: ưu tiên phân bổ nguồn lực cho việc giải quyết các nhiệm vụ tái cơ cấu đã được xác định, cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, sau đó (còn bao nhiêu) mới dành cho nhiệm vụ tăng trưởng GDP. Tương quan cuối cùng này sẽ là căn cứ để xác định (mục tiêu) GDP sẽ tăng bao nhiêu trong năm 2013.

Cách làm này “ngược” với trình tự xử lý mối quan hệ phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu vĩ mô của những năm trước, thường là xác định mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức “tiềm năng”, nghĩa là tập trung nguồn lực tài chính quốc gia cho mục tiêu tăng trưởng GDP sau khi đã trừ các khoản “chi thường xuyên” theo thông lệ, còn các nhiệm vụ khác như ổn định vĩ mô hay tái cơ cấu – như thực tế, dường như được quan niệm là những nhiệm vụ mà việc giải quyết chúng hầu như không cần đến nguồn lực tài chính nào.

Theo cách tiếp cận đó, xin đề xuất hệ nhiệm vụ kinh tế năm 2013 theo trật tự ưu tiên sau:

a/ “Trở lại” thực hiện những nhiệm vụ nền tảng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới ở tầm thế mới.

Những nhiệm vụ đó là: chuyển đổi cơ cấu sở hữu, chuyển dịch các quyền tài sản và phát triển cơ chế thực hiện sở hữu theo nguyên lý thị trường. Do quá trình cải cách thể chế bị “thả lỏng” để tập trung cho nhiệm vụ “đầu tư – tăng trưởng”, các vấn đề đất đai, doanh nghiệp nhà nước hay ngân sách nhà nước lại trở nên gay gắt trong mấy năm gần đây, tạo thành những ách tắc kinh tế - chính trị chủ yếu của quá trình phát triển kinh tế, là căn nguyên của tình trạng kém hiệu quả, mất cân đối vĩ mô và bất ổn ngày càng nghiêm trọng.
Đó là lý do để coi việc giải tỏa các ách tắc này là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của năm 2013.

Theo lập luận đó, việc tuyến nhiệm vụ cải cách thể chế ưu tiên năm 2013 là:

*   Giải quyết vấn đề ruộng đất: phát triển thị trường đất đai với những người chủ đích thực và phục vụ những người chủ đích thực (hàm ý chống các lực lượng hưởng lợi dựa trên đầu cơ và tham nhũng quyền lực). Trọng tâm là xây dựng Luật Đất đai đáp ứng các yêu cầu vận động của đất đai với tư cách là nguồn lực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế theo nguyên lý thị trường; mấu chốt là giá đất thị trường (chỉ có thể xác lập được đúng khi đất đai và các quyền đối với đất được chuyển hóa thành và được thừa nhận là quyền tài sản được thực hiện theo nguyên tắc thị trường).

*   Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước theo mục tiêu phát triển kinh tế thị trường (thúc đẩy cạnh tranh, xóa bỏ hay hạn chế độc quyền và thủ tiêu các ưu quyền, đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước), trong đó tập trung “tái cơ cấu” thành công các tập đoàn [định vị lại (vai trò) chức năng và thay đổi cơ chế điều hành – quản trị của chúng].

*   Cải cách Ngân sách Nhà nước – một loại tài sản quốc gia thuộc sở hữu toàn dân - để xác lập cơ chế phân bổ nguồn lực – quyền lực mới trong nền kinh tế. Định hướng cơ bản là áp dụng nguyên tắc “ràng buộc ngân sách `cứng`” đối với hệ thống NSNN thay cho hệ thống ngân sách “ràng buộc `mềm`” hiện nay. Nhiệm vụ này phải được thực hiện khẩn trương với việc sớm thay đổi Luật NSNN.

*    Công khai, minh bạch các thông tin, số liệu kinh tế. Sự “tù mù” số liệu thống kê đang gây tổn thất kinh tế lớn nhưng khó đo đếm chính xác, đồng thời tạo ra một rủi ro lớn bậc nhất trong phát triển: không có cơ sở để dự báo và hoạch định chính sách kinh tế đúng, nhất là tại những thời điểm “hiểm nguy” như hiện nay.

b/ Nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế

Đây là nhóm nhiệm vụ ưu tiên trực tiếp, vừa có tác dụng tạo cơ sở nền tảng để đổi mới mô hình tăng trưởng, vừa giúp xoay chuyển chăc chắn tình thế kinh tế hiện nay.

Nhóm nhiệm vụ này bao gồm những nội dung sau:

*  Cải cách hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó, khâu trọng tâm là xử lý tình trạng sở hữu chéo và liên kết nhóm lợi ích thao túng hệ thống ngân hàng và thao túng nền kinh tế.

*  Tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước: ưu tiên tái cơ cấu một số tập đoàn “mẫu” – Vinashin, Vinalines – theo nghĩa “làm tan những cục máu đông lớn” trong nền kinh tế. Sự tồn tại của những cấu trúc đã phá sản trên thực tế, nói khác đi, sự hiện diện của những “xác chết không chôn được” đang làm hao tổn đáng kể một khối lượng lớn nguồn lực quốc gia, vừa ngăn chặn quá trình lưu thông vốn bình thường trong nền kinh tế, lại chứng tỏ sự bất lực của Nhà nước trong việc giải quyết một cơ chế lỗi thời, qua đó, thúc đẩy xu hướng mất lòng tin vốn đang rất nghiêm trọng trong xã hội.

*   Tái cơ cấu đầu tư công: không nên hướng nỗ lực cao nhất cho nhiệm vụ “cắt giảm đầu tư công” – vốn là một giải pháp chỉ mang tính đối phó ngắn hạn và tỏ ra là bất khả thi hoặc chỉ làm tăng thêm tình trạng lãng phí và không hiệu quả trong đầu tư. Cần đặt trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công vào việc thiết kế một cơ chế phối hợp có sự chế tài nghiêm túc giữa việc xác định và phê duyệt các dự án đầu tư công và năng lực thực hiện, không chỉ năng lực vốn tài chính mà đồng bộ các loại năng lực khác (ví dụ năng lực giải phóng mặt bằng, năng lực quản lý dự án, v.v.). Thực chất của nhiệm vụ này là phối hợp chính sách và hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính. Lâu nay, vấn đề phối hợp chính sách hầu như chỉ được tập trung xem xét ở tuyến quan hệ giữa Ngân hàng Nhà nước (máy bơm tín dụng) và Bộ Tài chính (máy bơm tiền chi tiêu Chính phủ) nên kết quả đạt được trong việc kiểm soát đầu tư công không cao.

c/ Đề xuất một số giải pháp cấp bách – ngắn hạn:

*    Thay đổi tư duy kế hoạch. Hiện nay, việc bị trói buộc trong tư duy và tầm nhìn kế hoạch hàng năm đang gây nên những hậu quả to lớn. Thứ nhất, nó dung dưỡng “chủ nghĩa thành tích”5. Thứ hai, nó không giúp mở tầm nhìn để thiết lập một chương trình khôi phục các cơ sở ổn định và tăng trưởng bền vững cũng như thực hiện bài bản các nhiệm vụ tái cơ cấu – thường là những công việc đòi hỏi một thời gian dài hơn nhiều (3-5 năm).
Đây là cơ sở để nêu kiến nghị lên Chính phủ và Quốc hội: Trong thời gian tới, thay vì triển khai kế hoạch từng năm như trước đây, chuyển sang thực hiện một Chương trình Hành động 3 năm (2013-2015), với nội dung là Chương trình Phục hồi sau Khủng hoảng và Thúc đẩy Tái cơ cấu nền kinh tế.

Đi liền với khuyến nghị này, xin đề xuất thêm khuyến nghị: bỏ chỉ tiêu tăng trưởng GDP theo quý và tăng trưởng GDP cấp tỉnh. Đây là hai chỉ tiêu thiếu nội dung kinh tế độc lập, không có cơ sở để đo lường chính xác. Và chúng chính là công cụ nuôi dưỡng “chủ nghĩa thành tích” đáng bị loại bỏ nhất hiện nay.

*   Hành động khẩn cấp: Kiến nghị Chính quyền các cấp trả ngay cho các doanh nghiệp các khoản nợ đọng công trình xây dựng đầu tư công lên đến hàng trăm ngàn tỷ, coi đây là giải pháp cơ bản để “cấp cứu” doanh nghiệp mà không làm “vỡ trận”. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần giải tỏa hai “cục máu đông” lơn nhất hiện nay – nợ xấu và hàng tồn kho.

*    Áp dụng Luật Ngân sách năm (thường niên) để bảo đảm tính pháp lệnh và hiệu lực chế tài đối với các mục tiêu - chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.

2. DỰ BÁO 2013

Năm 2013 vẫn là năm khó khăn, thậm chí không kém năm 2012.

Lý do đầu tiên để nêu nhận định bắt nguồn từ tình trạng u ám, chậm được cải thiện và tiếp tục bất ổn (xét tổng thể) của nền kinh tế thế giới. Sóng gió kinh tế khu vực EU chưa lắng dịu, thậm chí còn bị đe dọa mạnh hơn. Kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề cơ cấu, không có cơ sở để giải quyết nhanh; làm cho xu thế giảm tốc độ tăng trưởng mạnh lên và chưa hãm lại được. Xung đột trên các vùng biển Đông Á, đặc biệt là xung đột Trung – Nhật, sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực khó lường. Các dự báo tổng thể về triển vọng kinh tế thế giới năm 2013 tiếp tục theo chiều hướng “ảm đạm” hơn.

Dự báo mới nhất (tháng 10/2012) về triển vọng kinh tế thế giới của ADB cho thấy xu hướng tăng trưởng GDP ảm đạm hơn của năm 2013 so với dự báo được nêu hồi tháng 5/2012 ở các trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới và của khu vực tăng trưởng kinh tế cao nhất và năng động nhất thế giới – châu Á. Cần lưu ý thêm rằng xung đột Trung – Nhật trên biển, nếu gia tăng cường độ, có thể làm u ám hơn các con số dự báo này ở mọi cấp độ - toàn thế giới và khu vực châu Á.

Lý do thứ hai để dự báo xu hướng tiếp tục khó khăn của nền kinh tế năm 2012 chính là các cơ sở tăng trưởng trong nước.

Những nguyên nhân để nêu dự báo trên nhìn chung là hiển nhiên và cơ bản đã được nêu ở các phần trên. Đó là:

-    Tốc độ tăng trưởng tín dụng quá thấp cho một nền kinh tế mà tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn, lại đang thời kỳ “đau yếu” nặng (đến hết tháng 9/2012, dư nợ tín dụng mới tăng 2,35%). Cũng khó kỳ vọng một sự gia tăng mạnh tín dụng trong thời gian tới vì cho đến nay, các yếu tố cản trở tăng tín dụng (các “cục máu đông” nợ xấu, hàng tồn kho và lãi suất cao) vẫn chưa có dấu hiệu được giải tỏa nhanh.

-    Xu hướng tổng cầu vẫn trì trệ, không thể cải thiện nhanh trong một nền kinh tế mà xu hướng “đi xuống” của tăng trưởng và nguy cơ lạm phát cao vẫn còn thường trực.

-    Tình thế phát triển đòi hỏi phải dành nguồn lực đủ lớn cho các hoạt động tái cơ cấu. Tuy cho đến nay vẫn chưa có cơ sở để xác định năm 2013 cần phải dành bao nhiêu vốn cho công cuộc này (tùy thuộc vào Chương trình hành động thực tế của Chính phủ nhằm mục tiêu tái cơ cấu), song nguyên tắc chung là cần ưu tiên cho nhiệm vụ này, và càng ưu tiên thực sự thì nền kinh tế càng có cơ hội thoát nhanh khỏi tình thế đầy nguy cơ hiện nay. Mà càng dành nhiều nguồn lực cho tái cơ cấu thì có nghĩa là phần vốn dành phục vụ tăng trưởng GDP trực tiếp càng ít đi.

Với khuyến cáo chỉ nên sử dụng chỉ tiêu tăng trưởng GDP như một chỉ tiêu định hướng, gợi ý thay vì tính pháp lệnh như hiện nay, trên cơ sở các lập luận nêu trên, trong năm 2013, Chính phủ và Quốc hội không nên quá chú trọng mục tiêu tăng trưởng GDP, càng không nên chú trọng đặt mục tiêu tăng trưởng cao (theo kiểu bám sát hoặc vượt “giới hạn tiềm năng”).

Việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng GDP, cho dù chỉ là chỉ tiêu định hướng, cần tuân thủ nguyên tắc: cần ưu tiên phân bổ các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính – ngân sách, cho các nhiệm vụ tái cơ cấu và ổn định kinh tế vĩ mô trước khi xác định mục tiêu tăng trưởng GDP.

Theo logic đó, xin mạnh dạn nêu dự báo – và cũng đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 (có thể và nên chỉ đặt) ở mức 3-4%.

Dường như bức tranh kinh tế 2013, với những đường nét vẽ ở trên, chưa có gì khởi sắc. Nhưng đó chỉ là bức tranh dựa trên những giả định “cứng” về các điều kiện “vật thể” – cả trong nước lẫn quốc tế - của quá trình tăng trưởng.

Nhưng bức tranh đó còn chừa lại một không gian cho sắc hồng: năm 2013 nếu được chọn là năm cho những hành động tái cơ cấu thực sự, mạnh mẽ và bài bản thì sự “tĩnh lặng”, thậm chí kể cả xu hướng “đi xuống”, của tốc độ tăng trưởng GDP vẫn báo hiệu một sự thay đổi có tính bước ngoặt theo hướng đi lên mạnh mẽ của nền kinh tế. Nếu điều đó xẩy ra – và có cơ sở để tin như vậy – thì triển vọng tạo một sự đột phá chiến lược sẽ trở thành hiện thực.

(Trích báo cáo cùng tên do Nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế Việt Nam PGS.TS. Trần Đình Thiên, Bùi Trinh, Phạm Sỹ An, Nguyễn Việt Phong thực hiện; các tiêu đề đã được đánh số lại)

---

1 Cách làm này dẫn tới chỗ các nhà hoạch định chính sách lẫn các chuyên gia kinh tế thường bị lôi vào cuộc tranh luận bất tận về mức độ tăng giảm GDP, chi li đến 0,1-0,2 điểm %, thực sự không có nhiều ý nghĩa

2 Mức độ nhạy cảm cao của nền kinh tế bắt nguồn từ tình trạng yếu kém kéo dài cũng đang được ghi nhận tại thời điểm hiện nay: sự “đảo chiều” của CPI trong tháng 8 và tăng vọt trong tháng 9 (2,2%). Ngoài một vài nguyên nhân thời vụ (giá cả một số mặt hàng tăng do bước vào năm học mới), sự “đảo chiều” mạnh như vậy được nhìn nhận chủ yếu do năng lực hấp thụ vốn quá yếu của nền kinh tế, làm lạm phát trở lại nhanh khi chỉ mới có sự thay đổi chưa đáng kể trong cung tín dụng (8 tháng tín dụng mới tăng 1,4%, trong đó, có 6 tháng đầu tín dụng tăng trưởng “âm”).

3 Tại cuộc họp Chính phủ tháng 8 vừa qua, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,3-5,5%. Nhưng nhiều tổ chức và nhà nghiên cứu cho rằng mức tăng trưởng GDP năm nay 5,1-5,3% là khả thi hơn. Hẳn chúng ta còn nhớ cuộc thảo luận sôi nổi tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua về mục tiêu tăng trưởng năm 2012. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Chính phủ “xin” Quốc hội cho hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ mức 6,0-6,5% (đã được Quốc hội thông qua cuối năm 2011) xuống mức 5,5-5,7% với nhiều luận cứ thuyết phục. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp thuận.

4 Giá trị kim ngạch nhập khẩu của nước ta tương đương 85-90% GDP. Trong cơ cấu nhập khẩu, có đến khoảng 90% là nhập khẩu đầu vào sản xuất.

5 Cách báo cáo kế hoạch theo từng 6 tháng và từng năm với lập luận chủ đạo “thành tích quý sau cao hơn quý trước” tạo cơ sở cho việc dễ dàng che lấp và biện minh cho thực tế yếu kém về chất lượng và hiệu quả - là những thứ chỉ được nhận diện đầy đủ qua dài hạn. Tệ hại hơn, như lập luận ở phần đầu công trình này chỉ ra, cách ứng xử đó còn giúp che lấp thực tế “năm sau đang xấu hơn năm trước”, gây ra ảo tưởng nguy hiểm về thực trạng và thực lực quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.

 Tác giả: Nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế Việt Nam
Nguồn: Tia Sáng

  • Mua rẻ tài sản nhà nước: Cơ hội thâu tóm mới?
  • Quản lý FDI: Phó thủ tướng sẽ chỉ đạo trực tiếp?
  • Tái cơ cấu nền kinh tế: Vì sao chưa có đột phá?
  • Liên minh lúa gạo: Việt Nam lỡ nhịp?
  • Doanh nghiệp nhà nước: Ai lãng phí, ai tiết kiệm?
  • Kinh tế Việt Nam: Từ 9 tháng nhìn đến cả năm
  • EIU: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại
  • Thế giới dự báo: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi