Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngộ nhận do bệnh thành tích

Nếu tổng hợp số liệu báo cáo của các tỉnh, thành thì tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước vào năm 2009 là 8,68% trong khi con số chính thức của Tổng cục Thống kê chỉ là 5,32%. Chênh lệch giữa hai con số này lên đến gần 8 tỉ đô la (tính theo giá thực tế). Chính bệnh thành tích đã đẻ ra con số ảo này.

Hơn 20 năm trước, Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) đã giúp Việt Nam một dự án về vận dụng Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA - System of National Accounts). Đây là hệ thống hạch toán vĩ mô tương đối toàn diện được hầu hết các nước thành viên Liên hiệp quốc sử dụng trong thống kê các chỉ số vĩ mô của một quốc gia.

Hệ thống SNA phản ánh luồng chu chuyển sản phẩm và tiền tệ thông qua các tài khoản dựa trên quan điểm kinh tế thị trường. Một số ý niệm và định nghĩa của SNA khác với Hệ thống các bảng cân đối vật chất (MPS) thường được dùng nhiều năm ở nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa trước đó.

Quá trình chuyển đổi từ MPS sang SNA được từng bước thực hiện bắt đầu từ năm 1989, đến năm 1993 được sử dụng chính thức.

Và cũng từ đó, khái niệm về tổng sản phẩm quốc nội GDP (là một chỉ số sơ cấp trong nhiều chỉ số vĩ mô của hệ thống SNA) dần dần được sử dụng phổ biến ở nước ta.

Do một thời gian dài sử dụng hệ thống MPS, người ta đã giải thích và hiểu về chỉ tiêu GDP như là tổng cung (mặc dù về phương pháp tiếp cận thông tin và tính toán có thể tính bằng ba phương pháp), tức là coi như cộng giá trị gia tăng của các ngành trong nền kinh tế và thuế nhập khẩu. Đó là hệ quả khiến nhiều người đã không hiểu đúng bản chất của GDP theo kinh tế thị trường.

Mặt khác, trong điều kiện phân cấp khép kín, người ta lại đã “chia” GDP cả nước thành GDP của từng địa phương. Và từ đó bắt đầu một “làn sóng” phấn đấu tăng GDP không phải chủ yếu từ đẩy mạnh cầu nói chung, là căn cứ gốc để tăng sản xuất, mà là tính sao cho được “nhiều GDP” từ phương pháp sản xuất (có gốc từ hệ thống MPS).

Và GDP của các địa phương bắt đầu một quá trình “thăng hoa”, nhưng dường như ít hoặc không ảnh hưởng tới cuộc sống thực tế của người dân.

Tình trạng này có thể do trình độ non yếu, có thể là lỗi “nghiệp vụ” do thiếu cân đối qua lại (thực ra cũng không thể biết cơ quan thống kê trung ương có tính toán tốt hơn cơ quan thống kê địa phương hay không).

Nhưng một khi để xảy ra các sai số mang tính hệ thống như những dẫn chứng dưới đây thì có thể nói cơ bản đó là do bệnh thành tích.

Bảng 1 và 2 cho thấy sự sai số giữa GDP theo giá thực tế và giá so sánh từ các tỉnh/thành phố cộng lên với GDP do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố! Từ đó, việc tính toán mức sống của các địa phương cũng có thể bị “đội” lên nhiều so với mức bình quân chung cả nước!

Một cách để khắc phục tình trạng này là tính GDP xuất phát từ quan hệ cung cầu, tức là từ các cuộc điều tra tiêu dùng, tích lũy và đời sống nhân dân. Thực ra điều này cũng rất khó thực hiện đối với các tỉnh/thành phố vì ở cấp địa phương đã bỏ (không phải báo cáo) các chỉ tiêu về cầu như tiêu dùng, tích lũy từ nhiều năm nay. Hơn nữa, ngay cả ở cấp trung ương cũng khó tính chỉ tiêu tích lũy một cách tương đối chính xác.

Theo bảng 3 có thể thấy trong mỗi kỳ năm năm, có ít nhất hai năm, số liệu tốc độ tăng trưởng tổng hợp từ các địa phương sai với tính toán cả nước do Tổng cục Thống kê công bố trên 50% (sai số tương đối), trong đó có năm như năm 2008, sai số tốc độ tuyệt đối lên tới 5,3 điểm phần trăm, còn sai số tương đối đến 84%! Và bình quân 10 năm sai số đến 44%.

Còn trong từng năm năm thì thời kỳ năm năm gần đây 2004-2009 sai số là 48%, lớn hơn sai số trong năm năm trước đó là 43%, nhưng đều theo xu hướng tăng cao hơn số tổng hợp.

Chính trên cơ sở này, báo cáo của các tỉnh đều nhận định “lạc quan” về địa phương mình, gấp rưỡi cả vùng, hay thường cũng là trên trung bình! Từ nhận định lạc quan đó, đã đi tới quyết sách đưa chỉ tiêu cao, và điều này lại gây “áp lực” khó cho các chi cục thống kê địa phương đưa ra các chỉ tiêu khách quan.

Đó là chưa nói tới số liệu GDP lại tiếp tục được điều chỉnh tăng lên trong các “văn kiện” trình đại hội Đảng ở nhiều địa phương khi tiến tới đại hội Đảng các cấp, mà điều này có lẽ không phản ánh cuộc sống thực vì nó lại tôn cao thêm các số liệu của các cục thống kê địa phương đã tính toán và in sách những năm trước khá nhiều! Thành ra, mọi người đều vui vẻ, mà thực tế cuộc sống thực lại là vấn đề khác (tuy có cải thiện, nhưng không hoàn toàn như vậy)! Các số liệu tính cho vùng cũng thường bị tính cao hơn cả nước 1-2%, cũng gây khó khăn cho công tác quy hoạch chung.

Điều lạ lùng đối với thống kê về nguồn vốn ngân sách. Những năm trước thống kê ngân sách các tỉnh thấp hơn cả nước là điều dễ hiểu, vì ngân sách trung ương còn có những khoản chi khác, không tính hết một số khoản chi không gộp vào số liệu của địa bàn.

Nhưng từ mấy năm nay, tổng số vốn của ngân sách địa phương lại cao hơn của cả nước thì không thể giải thích được, vì đâu có thể tổng chi trên địa bàn các tỉnh lại cao hơn cả nước? Sai từ trung ương hay các địa phương. Có thể ở trung ương chưa tính một số khoản, hay địa phương tính trùng? Vậy nên chăng có những nỗ lực lớn hơn để khắc phục tình trạng đã biết nhiều năm nay!

____________________________________________________

Ghi chú: Những số liệu trong bài viết này được nhóm tác giả tính toán từ thống kê chính thức của 63 tỉnh, thành trong 10 năm qua, 1999-2009.

Trong Hệ thống tài khoản quốc gia thì nguyên tắc thường trú và không thường trú là một nguyên tắc quan trọng để xác định phạm vi của chỉ tiêu GDP. Trong cuốn SNA chính thức xuất bản bởi Liên hiệp quốc không đề cập đến GDP tỉnh, tuy nhiên một số nước đang phát triển vẫn tính toán chỉ tiêu này ở cấp tỉnh.

Thực ra, có thể tính toán chỉ tiêu tổng giá trị gia tăng trong địa bàn tỉnh (thường gọi là GRP (gross regional product) hoặc GRDP (gross regional domestic product), ở ta thì vẫn gọi nôm na là GDP tỉnh).

Chẳng hạn một công ty văn phòng đóng tại TPHCM, sản xuất ở Bình Dương và xuất khẩu qua cảng Cần Thơ thì TPHCM chỉ được tính phần giá trị tăng thêm của cái văn phòng đóng trên địa bàn thành phố, phần giá trị tăng thêm của khâu sản xuất phải tính cho Bình Dương, và xuất khẩu tại cảng Cần Thơ nhưng cũng phải tính cho Bình Dương vì sản phẩm được sản xuất ở Bình Dương.

Những vấn đề này thực ra đã được cơ quan thống kê trung ương giải quyết về mặt nguyên tắc và cả vấn đề số liệu thông qua điều tra doanh nghiệp hàng năm. Nguyên tắc này cũng được Tổng cục Thống kê hướng dẫn cho các cục thống kê các tỉnh/thành phố thực hiện. Nhưng thực tế thì sai số vẫn cứ diễn ra.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Phòng chống lũ lụt ở miền Trung: Cần giải pháp quy hoạch tổng thể
  • Kẻ khổng lồ bên cạnh ta: Trung Quốc coi trọng phát triển hệ thống Think Tank
  • Bauxite và Vinashin
  • Quyền lợi của dân còn xa
  • Đẩy nhanh rà soát, điều tra cơ bản tài nguyên biển
  • Bàn tròn kinh tế: Giám đốc WB cắt nghĩa "cơn say" tăng trưởng của VN
  • EuroCham khuyến nghị Việt Nam giảm sự độc quyền của EVN
  • VN trong vùng bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nhất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi