Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhận diện để “thoát hiểm”

Kết quả sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài… trong tháng 1/2009 đã báo hiệu một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.

Điều này mặc dù đã được cảnh báo từ lâu, song khi các con số thống kê về tình hình kinh tế tháng 1/2009 được công bố, không ít băn khoăn, lo ngại được đặt ra. Do vậy, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về Hợp tác và đầu tư, việc lường trước tình hình là yếu tố hết sức cần thiết để chúng ta tìm ra con đường "thoát hiểm", cho dù công việc này sẽ không thật dễ dàng.

Cũng có một phần là do trùng vào tháng có tới hai ngày Tết (Dương lịch và Âm lịch), nên giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2009 đã giảm mạnh, chỉ ước đạt 50.600 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2008 (cùng kỳ tăng 18,2%) và giảm 8,6% so với tháng 12/2008.

Mặc dù vẫn có thể nhìn thấy một số điểm sáng, như một số sản phẩm chủ yếu vẫn giữ được mức tăng trưởng khá (dầu thô - tăng 20,6%, biến thế điện - tăng 15,2%, điện sản xuất - tăng 13,8%…) và một số địa phương cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao (Bà Rịa - Vũng Tàu - tăng 13,9%, Hải Phòng - tăng 11,4%, Khánh Hoà - tăng 12,1%), song không thể không thừa nhận sự sụt giảm của khu vực kinh tế quan trọng bậc nhất này. Hơn thế, TP.HCM, đầu tàu công nghiệp của cả nước, chiếm gần 30% tỷ trọng công nghiệp toàn ngành, lại chỉ tăng 0,3%.

Trong khi đó, xuất khẩu - một trong hai nỗi lo lớn nhất do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu - cũng có sự sụt giảm khá mạnh. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2009 ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm 19% so với tháng 12/2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ 2008. Ngoại trừ xuất khẩu gạo đạt 300.000 tấn, tăng 2,3 lần về lượng và tăng 2,5 lần về kim ngạch, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đều có sự sụt giảm.

Chỉ tính 19 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu (chiếm gần 80% kim ngạch), kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2009 đã giảm so với tháng 1/2008 là 1,14 tỷ USD. Trong đó, giảm do yếu tố lượng là 478 triệu USD, giảm do yếu tố giá là 661 triệu USD. Giảm mạnh nhất về lượng là thủy sản, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, hàng giày dép... Nguyên nhân của việc giảm sút trên được cho là do giá cả các mặt hàng này trên thị trường thế giới đều giảm và việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ rất khó khăn.

Còn mối lo thứ hai, thu hút đầu tư nước ngoài, cũng đã bắt đầu trở thành hiện thực, khi trong tháng 1/2009, tổng vốn đầu tư của các dự án được cấp giấy phép mới và vốn đăng ký tăng thêm chỉ ước đạt 185 triệu USD, bằng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư đăng ký mới là 160 triệu USD, vốn tăng thêm là 25 triệu USD. Nếu so với con số 1,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút được trong tháng 1/2008, thì rõ ràng, đã có một sự sụt giảm đáng kể trong thu hút nguồn vốn này.

Song, vẫn còn điểm đáng mừng, khi trong tháng này, đã có 300 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân. Mặc dù chỉ bằng 78,9% so với cùng kỳ năm 2008, song trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, đã có thể coi con số này là một tín hiệu vui. Việc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2009 này, theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vẫn có thể đạt bằng mức năm 2008, mức giải ngân cao nhất từ trước tới nay, nếu đạt được thì cũng có thể coi là một thành tựu.

Ba trong số các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp trong tháng đầu năm đã có sự sụt giảm mạnh. Mặc dù không hoàn toàn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, mà cũng có yếu tố tác động bởi tháng Tết và theo thông lệ vào tháng đầu năm, ít khi có sự tăng trưởng mạnh mẽ, song đúng như ông Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhận định, chúng ta sẽ không thể "thoát hiểm" một cách nhanh chóng. "Điều này khiến chúng ta phải nỗ lực hơn nữa", ông Thiên nói.

Nỗ lực này, có lẽ phải xuất phát từ việc thực hiện các biện pháp tổng lực để ngăn chặn suy giảm kinh tế, như ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, kích thích sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp…

Cùng với sự nỗ lực chung, kinh tế Việt Nam 2009 dù khó khăn, vẫn có những thuận lợi để tạo đà cho phát triển, như ổn định chính trị - xã hội, thị trường nội địa rộng lớn, năng lực sản xuất năm 2009 được đưa vào nhiều hơn… Và mặc dù vẫn có những yếu tố khiến lạm phát có thể quay trở lại, song ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, lạm phát năm 2009 chỉ ở mức một con số.

Theo ông Ánh, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2009 chỉ ở mức 0,32% là hoàn toàn hợp lý, bởi tháng 1 trùng vào tháng Tết. Sang tháng 2, CPI có thể tiếp tục tăng nhẹ, sau đó sẽ có những tháng âm.

( Theo báo Đầu tư )

  • Sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2009 giảm 4,4%
  • 'Kinh tế năm nay sẽ khó khăn hơn 2008'
  • Niềm hy vọng năm Kỷ Sửu 2009
  • Kinh tế Việt Nam trước cơn bão lớn...
  • Trợ lực để doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh
  • Dự cảm 2009
  • Nền kinh tế thực bị sụt giảm
  • Tăng trưởng kinh tế: Ba tín hiệu đáng lưu ý đầu năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi