Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nông nghiệp: trụ đỡ trong cơn suy thoái

Năm 2008, người nông dân trồng lúa đã khó tiêu thụ được lúa gạo tại thời điểm giá xuất khẩu lên cao. Ảnh tư liệu.

Trong khi khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng năm 2008 thấp hơn so với năm 2006 và 2007 thì khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn có tốc độ tăng trưởng cao hơn (3,79% của năm 2008 so với 3,4% của năm 2007 và 3,69% của năm 2006).

Năm 2008, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, nền kinh tế Việt Nam suy giảm tốc độ tăng trưởng, các ngành công nghiệp xuất khẩu giảm mạnh, duy nhất ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì được tăng trưởng, trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế. Trong ba khu vực lớn của nền kinh tế, khu vực nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng nhỏ (năm 2007 là 20,3% và 2008 là 21,99%) và có tốc độ tăng trưởng thấp hơn hai khu vực còn lại nhưng tăng trưởng lại ổn định hơn.

Trong tình hình xuất khẩu tụt giảm, chính sách kích cầu thông dụng bơm tiền vào đầu tư công qua các tổng công ty nhà nước sẽ đem lại hiệu quả kém do hệ số ICOR của nền kinh tế đã quá lớn và mỗi đồng chi tiêu sẽ chỉ có tác động lan tỏa yếu do thất thoát đáng kể vào dòng nhập khẩu, vốn là đặc điểm của cấu trúc hiện có của kinh tế Việt Nam. Ngược lại, mỗi đồng chi tiêu vào khu vực nông nghiệp hay giới công nhân có thu nhập thấp sẽ có tác động lan tỏa cao qua tác động kích cầu lớn hơn với các hàng sản xuất nội địa.

Nông nghiệp trong hội nhập - những thách thức mới

Xuất nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp giai đoạn 2001-2008 (triệu USD). Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tiến trình hội nhập, quá trình phát triển nông nghiệp có tính hai mặt. Thứ nhất, khu vực nông nghiệp nông thôn liên hệ, kết nối ngày càng chặt hơn vào thị trường nội địa và quốc tế, do vậy những biến động của thị trường sẽ lan truyền trực tiếp và mạnh hơn, dễ dẫn đến những tổn thương và rủi ro lớn hơn. Thứ hai, quá trình hội nhập mở ra những cơ hội phát triển mới đối với nông nghiệp nông thôn. Sự tiếp cận với thị trường, các công cụ thông tin liên lạc hay khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông thôn trở nên hiệu quả hơn.

Năm 2008, thương mại nông sản của Việt Nam tăng mạnh so với các giai đoạn trước đó. Mức tăng trưởng kim ngạch chủ yếu do đóng góp của yếu tố tăng giá nông sản trên thị trường quốc tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2008 ước đạt 16 tỉ đô la Mỹ, tăng 28,4% so với năm 2007.

Cạnh tranh chiếm thị trường trong và ngoài nước sẽ diễn ra quyết liệt từ lĩnh vực hàng hóa sang dịch vụ và đầu tư. Thời kỳ đầu cải cách và mở cửa đã làm cho một bộ phận lớn dân chúng thoát khỏi nghèo đói và trở nên khá giả. Tuy nhiên, càng về sau nhiều minh chứng cho thấy có một số xu hướng đáng lo ngại.

Thứ nhất, quá trình giảm nghèo đói không còn dễ dàng như trước đây. Thứ hai, sự rủi ro của quá trình mở cửa và phát triển kinh tế thị trường như biến động về cầu, sản xuất dư thừa, giá giảm, đô thị hóa. Quá trình mở cửa và hội nhập tạo ra những cơ hội mới, tuy nhiên không phải ai cũng có thể biến cơ hội thành hiện thực. Có thể thấy rằng một số nơi đã xuất hiện hiện tượng tái nghèo đói do giá cả lên cao trong mấy năm vừa qua, hoặc hiện tượng nghèo đói mới phát sinh từ chuyện nông dân mất đất do đô thị hóa.

Khủng hoảng tài chính và xuất khẩu nông sản 

Thay đổi tỷ giá của một số đồng tiền so với đô la Mỹ năm 2008. Ghi chú: Thời điểm thay đổi so giữa tháng 10-2008 với tháng 1-2008. Nguồn: www.yahoo.com

Từ tháng 6-2008 đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh so với đồng euro, dẫn đến một số tác động làm giảm giá hàng nông sản như sau:

• Giá hàng nông sản xuất khẩu tính theo đô la trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực giảm giá xuất khẩu, đặc biệt với các mặt hàng chủ lực của Mỹ như thịt, lúa mì, dầu ăn, lúa gạo, bông...

• Các quỹ đầu tư chuyển sang nắm giữ đô la thay vì đầu tư vào hàng hóa trong đó có nông sản cũng gây áp lực giảm giá.

Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam càng về những tháng cuối năm 2008 càng giảm mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu là nguyên nhân căn bản dẫn đến suy giảm xuất khẩu.

Tuy nhiên, nếu so sánh số liệu xuất khẩu của Việt Nam và nhập khẩu của thế giới lại không phản ánh nhận định này. Ví dụ đối với thị trường Mỹ, giai đoạn 2004-2007 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm của 49 mặt hàng nông sản chủ lực Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt mức 34%/năm, trong khi nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này đạt 14%/năm. Trong khi chín tháng năm 2008 so với cùng kỳ 2007, con số tương ứng là 21% và 13%.

Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ đang có xu hướng giảm mặc dù nhu cầu của thị trường Mỹ chỉ giảm nhẹ. Có nhiều khả năng, một số ngành hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã tăng trưởng đến giới hạn ngưỡng, việc tăng kim ngạch trở nên khó khăn hơn, trong khi đó số liệu thống kê cũng cho thấy một số ngành hàng nhỏ nhưng có tiềm năng đang bắt đầu có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn.

Như vậy, ý kiến cho rằng xuất khẩu nông sản Việt Nam suy giảm do cung lớn hơn cầu có thể hợp lý, nhưng chưa đủ. Bên cạnh đó là những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong năm 2008 như lãi suất tăng đột biến hay khan hiếm tín dụng và một trong những yếu tố quan trọng khác nữa là tỷ giá hối đoái.

Số liệu cho thấy các nước xuất khẩu nông sản lớn trên thị trường thế giới, có cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam ở các mặt hàng nông sản mũi nhọn như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Brazil, Colombia… đều giảm giá mạnh đồng tiền nước mình so với đồng đô la Mỹ (khoảng 13-33%), trong khi đó con số này với Việt Nam chỉ ở mức 5%. Như vậy, sự giảm giá đồng tiền đã vô hình trung hạn chế thiệt hại của nhiều nước do sự giảm giá của thị trường thế giới, đẩy hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam ở vào thế khó cạnh tranh hơn.

Tương quan cánh kéo giá


Sản xuất và thương mại nông sản năm 2008 được hưởng lợi từ sự tăng mạnh của giá cả. Tuy nhiên, xu hướng này không đảm bảo lợi nhuận của người nông dân cũng tăng tương ứng. Đối với người dân trồng lúa, tốc độ tăng giá vật tư đầu vào “phi mã” trong suốt vụ hè thu đã khiến cho giá lúa dù tăng, nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng giá vật tư đầu vào. Ngay cả tại thời điểm tháng 5-2008, thời điểm giá lúa đạt tốc độ tăng cao nhất trong cả năm 2008, giá lúa tăng 100% so với đầu năm, thì khi tốc độ tăng giá phân DAP là 300%, gấp ba lần.


Đối với người chăn nuôi, việc giá nguyên liệu trên thế giới tăng cao trong năm 2008 cũng đã kéo giá thành trong nước tăng theo. Xu hướng giá trong nước và quốc tế còn cho thấy có độ trễ giữa biến động giá trong nước và quốc tế. Khi giá quốc tế giảm mà giá trong nước không giảm theo tương ứng thì người sản xuất bị ảnh hưởng bất lợi.
 

Xuất khẩu trong một thị trường biến động - trường hợp ngành lúa gạo

Khối lượng xuất khểu gạo Việt Nam và Thái Lan năm 2008 (1.000 tấn). Nguồn: AGROINFO-www.agro.gov.vn

Trong ba tháng đầu năm 2008, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh về lượng và kim ngạch do liên tục ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Tuy nhiên, đến ngày 25-3-2008 do chỉ đạo tạm dừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới cho đến tháng 6-2008 nhằm đảm bảo an ninh lương thực, số lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh so với quí 1-2007.


Từ tháng 4 đến tháng 6-2008, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,487 triệu tấn gạo, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2008 lên 2,506 triệu tấn, đạt mức xấp xỉ mức xuất khẩu của cùng kỳ năm 2007.

Số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn này Thái Lan đã tăng cường xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới và thu được lợi nhuận lớn.


Sau khi vụ lúa đông xuân được mùa trên cả nước, Chính phủ cho phép doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu gạo trở lại từ 1-7-2008 và ngay trong tháng này, Việt Nam đã xuất khẩu 496.600 tấn gạo, thu về 430,9 triệu đô la. Hết tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 3 triệu tấn gạo, trị giá đạt 1,9 tỉ đô la Mỹ.


Tuy nhiên, từ tháng 8 đến tháng 11-2008, lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm do nhu cầu tiêu thụ và giá gạo thế giới giảm mạnh. Cộng với tác động của chính sách áp dụng mức thuế tuyệt đối xuất khẩu đối với mặt hàng gạo (*) đã phần nào tác động đến khả năng cạnh tranh về giá trong hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong bốn tháng (từ tháng 8 đến tháng 11-2008), xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ đạt 1,4 triệu tấn, trị giá đạt 826,3 triệu đô la.


Trước tình hình đó, Việt Nam đã điều chỉnh chính sách và bãi bỏ biện pháp đánh thuế tuyệt đối vào tháng 12-2008. Động thái tốt từ chính sách, cộng thêm với nhu cầu khách hàng tăng trở lại đã làm tăng mạnh kim ngạch và số lượng gạo xuất khẩu trong tháng 12-2008. Tại thời điểm này, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn gạo 5% tấm cho Malaysia; 60.000 tấn gạo 5% tấm sang Iraq và nhu cầu nhập khẩu gạo từ châu Phi tăng đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tháng 12-2008, Việt Nam xuất khẩu được 436.500 tấn gạo, trị giá 180 triệu đô la, tăng 51,8% về lượng và gần 34% về giá trị so với tháng 11-2008.


Khi nhìn lại hoạt động xuất khẩu gạo năm 2008, thực tế cho thấy, người nông dân trồng lúa đã khó tiêu thụ được lúa/gạo tại thời điểm giá xuất khẩu lên cao. Chính điều này đã dẫn đến tồn đọng lúa hàng hóa trong dân, cộng với sản lượng lúa thu hoạch đạt cao đã khiến giá lúa xuống thấp. Tình hình chỉ được cải thiện khi xuất khẩu gạo được cho phép trở lại, kết hợp với các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp mua lúa trong dân. Tuy nhiên, cơ hội từ việc xuất khẩu khi giá gạo lên cao đã trôi qua và chính phủ phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ cho việc hỗ trợ mua lúa hàng hóa trong dân, chủ yếu thông qua các công ty lương thực quốc doanh.

_____________________________________________________


(
*) Ngày 21-7-2008, Chính phủ ban hành Quyết định số 104/2008/QĐ-TTg về việc áp dụng mức thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gạo và phân bón xuất khẩu. Có tám mức thuế được áp dụng được tính vào giá gạo xuất khẩu, thấp nhất giá từ 600 đô la Mỹ/tấn đến dưới 700 đô la Mỹ/tấn chịu mức thuế tuyệt đối là 500.000 đồng/tấn và cao nhất trên 1.300 đô la Mỹ/tấn được áp dụng mức thuế 2.900.000 đồng/tấn. Mức thuế này sẽ tăng lũy tiến theo mức tăng của giá gạo xuất khẩu.

(Theo ThS. Phạm Quang Diệu - TS. Phạm Đỗ Chí - Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
  • Việt Nam: Vai trò mới ở châu Á ?
  • Khủng hoảng toàn cầu và ứng phó của Việt Nam
  • Niềm tin kinh doanh có sút giảm?
  • Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ:Tập trung đầu tư, mở rộng thị trường
  • Kinh tế Việt Nam: Nhiều 'nút cổ chai' cần tháo gỡ
  • Tương lai của chính sách giải quy
  • Diễn biến mới của suy thoái kinh tế toàn cầu - tác động đến Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi