Tại hội thảo xúc tiến đầu tư vào các khu công nghệ cao (KCNC) mới đây, nhiều chuyên gia đều nhận định, các địa phương hiện còn khá lúng túng trong định hướng phát triển lĩnh vực công nghệ cao.
Theo Tiến sĩ Trịnh Ngọc Ca, các địa phương cần có những bước đi bài bản, thích hợp mới phát triển được công nghệ cao theo từng lĩnh vực hợp lý...
Chưa có KCNC đúng nghĩa!
Theo Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ), qua khảo sát cho thấy 63 tỉnh, thành trong cả nước đều đã hình thành các khu công nghiệp. Tuy nhiên, các khu công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là các khu với tên gọi đầy đủ ý nghĩa là KCNC thì lại rất ít, hầu hết chưa đạt tiêu chí của một KCNC đúng nghĩa.
Ngoài 2 KCNC tại TP.HCM và Láng Hòa Lạc (Hà Nội) thì hiện nay chỉ mới có 4 địa phương xây dựng khu công nghiệp hoặc nông nghiệp công nghệ cao, gồm: Hải Phòng có khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô 7,4 ha; Khánh Hòa có trung tâm nông nghiệp công nghệ cao 65 ha; Sơn La có khu nông nghiệp công nghệ cao Mộc Châu 20 ha; Phú Yên có khu nông nghiệp công nghệ cao 460 ha. Các tỉnh như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương là những địa phương có khu công nghiệp phát triển và trong đó có những dự án mang yếu tố công nghệ cao. Theo đánh giá của tỉnh Bắc Ninh, dù các dự án có vốn đầu tư nước ngoài với công nghệ ở mức khá đi vào hoạt động chỉ chiếm 40% tổng số dự án nhưng đã đóng góp trên 86% giá trị sản xuất công nghiệp và 96% giá trị xuất khẩu.
Tiến sĩ Trịnh Ngọc Ca, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách nhận xét về hiện trạng phát triển các KCNC hiện nay là chưa thống nhất trong nhận thức như vai trò, loại hình và chức năng; chưa quan tâm đúng mức tới các điều kiện cần và đủ cho việc thành lập và hoạt động của các KCNC. Điều đáng quan tâm là đang có xu hướng thành lập KCNC tràn lan theo phong trào. Theo Tiến sĩ Trịnh Ngọc Ca, một số địa phương có khả năng phát triển khu công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, Hà Nội và các vùng lân cận tập trung vào các lĩnh vực CNTT-TT, cơ điện tử, tự động hóa, vật liệu mới và công nghệ sinh học. Hải Phòng có thể phát triển một số ngành như cơ điện tử, tự động hóa, đóng tàu và thủy sản. Đà Nẵng và Huế có khả năng phát triển CNTT-TT, công nghệ sạch, tự động hóa, hóa dầu, đóng tàu và thủy sản. Đồng Nai và Bình Dương có thể tập trung vào các lĩnh vực CNTT-TT, cơ khí chính xác, hóa chất và chế biến cao su. TP.HCM có thể phát triển hầu hết các lĩnh vực công nghệ cao nhưng nên ưu tiên cho CNTT-TT, công nghệ sinh học và cơ điện tử. Còn Bà Rịa - Vũng Tàu thì nên phát triển lĩnh vực năng lượng hóa dầu và cơ khí chính xác.
Về khu nông nghiệp công nghệ cao, một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng nên phát triển sản phẩm rau sạch, hoa, cây cảnh và dịch vụ du lịch sinh thái; Đà Lạt nên khai thác lĩnh vực công nghiệp trồng hoa, cây cảnh; Nha Trang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản...
Cần sẵn sàng nguồn nhân lực
Theo đánh giá của Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, mặc dù các địa phương đã có sự quan tâm và phát triển các lĩnh vực hoạt động công nghệ cao, nhưng vẫn còn nhiều lúng túng trong định hướng phát triển công nghệ cao, trong xác định mô hình hoạt động của từng khu chức năng, mô hình quản lý... Bên cạnh đó, chính sách kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao còn chưa phù hợp, thủ tục hành chính vẫn cần được cải tiến nhiều hơn.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới chậm trễ việc triển khai các mô hình công nghệ cao ở các địa phương là do thiếu hụt trầm trọng và chưa chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực. Phát triển công nghệ cao và ứng dụng các sản phẩm này là một bài toán khó. Vì thế, đòi hỏi việc quy hoạch và lựa chọn hướng phát triển các lĩnh vực phải phù hợp và cũng đang là một nhu cầu cấp thiết hiện nay đối với các địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, các địa phương nên chú trọng vào hoạt động chuyển giao và đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng để tiếp thu và thích nghi, phục vụ cho việc tạo ra một số sản phẩm công nghệ cao đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, phải chủ động trong huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia cùng đầu tư vào lĩnh vực này và có chính sách đào tạo nguồn nhân lực khoa học, nâng cao các thiết bị nghiên cứu... Về phía Chính phủ, theo tiến sĩ Luật cần có quy định tiêu chí cụ thể đủ điều kiện thành lập, lĩnh vực đầu tư, cơ chế hoạt động cho từng loại hình công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng...