Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sao không vì một nền kinh tế xanh?

Tại sao không đặt nông nghiệp làm động lực phát triển, thay vì cứ phải phát triển công nghiệp? Ảnh: Hồng Văn

Bài viết này không có tham vọng đưa ra những đánh giá, nhận định toàn diện, chỉ xin đóng góp vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 một vài phân tích liên quan đến tư duy phát triển kinh tế để đưa đất nước phát triển trong tình hình mới.

Chậm đổi mới tư duy kinh tế

Mặc dù từ sau Đại hội X, đã có rất nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhằm khắc phục những yếu kém của nền kinh tế, nhưng đến hết nhiệm kỳ đại hội, nhìn lại chúng ta thấy những yếu kém đó vẫn tồn tại, chưa có chuyển biến. Năm năm trôi qua, nhưng đến thời điểm này những đề án quan trọng của Chính phủ để triển khai các nghị quyết vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu như Đề án đổi mới chức năng, nhiệm vụ và phương thức quản lý nhà nước về kinh tế hay Đề án những giải pháp, chính sách để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Việc điều hành của Chính phủ chủ yếu tập trung vào các giải pháp ngắn hạn, giải quyết những vấn đề trước mắt của tăng trưởng, chống lạm phát, ổn định kinh tế, đối phó với khủng hoảng kinh tế, tài chính, còn các giải pháp trung hạn và dài hạn chưa được quan tâm đúng mức.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đưa ra nhiều giải pháp nhưng thực chất đó chỉ là các giải pháp có tính bề nổi, nhằm giải quyết các bất cập hiện nay. Dự thảo chưa xác định được trình độ phát triển của nước ta đến đâu, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đang ở mức độ nào, có gì mâu thuẫn và cần giải quyết như thế nào là phù hợp. Dự thảo cũng không cho thấy thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được định hướng cụ thể như thế nào, mô hình tăng trưởng ra sao là hợp lý...

Trong rất nhiều mục tiêu mà dự thảo nêu ra vẫn thiếu vắng định hướng phát triển kinh tế dựa trên sự phát triển của nền khoa học, giáo dục, nền văn hóa, vị trí địa lý... của nước ta. Việc chắt lọc những kinh nghiệm phát triển của thế giới và tìm ra con đường phát triển riêng, phát huy tối đa những lợi thế quốc gia cũng không được làm rõ trong dự thảo.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng thẳng thắn thừa nhận một trong những nguyên nhân của hiện trạng yếu kém về kinh tế là do tư duy phát triển kinh tế - xã hội và phương thức lãnh đạo của Đảng chậm đổi mới, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển đất nước. Nguyên nhân từ tư duy là nguyên nhân chủ quan, nhưng cũng là nguyên nhân khách quan, bởi vì nước ta có xuất phát điểm thấp, đặc biệt là chưa có nền tảng phát triển nghiên cứu các lĩnh vực khoa học, trong đó có kinh tế học. Chính vì thiếu nền tảng nghiên cứu khoa học và lý thuyết phát triển nên chính sách phát triển trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Có thể nói, chiến lược phát triển kinh tế những năm vừa qua nhằm thu hút đầu tư “nóng” vào các ngành kinh tế như xi măng, thép, đóng tàu, khai thác tài nguyên, khoáng sản, năng lượng, ngân hàng, bất động sản, du lịch... Chiến lược này đã mang lại kết quả nhanh, tăng trưởng theo đúng mong muốn. Song chiến lược đó cũng đang và sẽ để lại những hậu quả không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cả thế hệ tiếp theo phải gánh chịu, đó là ô nhiễm môi trường nặng nề do phải sử dụng công nghệ lạc hậu, đó là sự biến mất nguồn tài nguyên, là năng lực cạnh tranh yếu, là sự bất ổn về xã hội...

Đã đến lúc cần xem lại chiến lược phát triển kinh tế. Tư duy về tăng trưởng cũng cần được chuyển hướng, không nên chạy theo tốc độ tăng trưởng (7% hay 8% không phải là chỉ tiêu pháp lệnh hàng đầu, mà chỉ là cái đích để phấn đấu), mà nên đặt trọng tâm phát triển về chất một số lĩnh vực then chốt, làm tiền đề cho một số ngành kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả. Không nhất thiết phải phát triển đồng đều tất cả các ngành kinh tế vì chúng ta đang phát triển trong một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa, sự phát triển khác biệt hay đặc thù sẽ đem lại nhiều lợi nhuận, lợi ích hơn.

Về công nghiệp, dự thảo chiến lược đề ra các mục tiêu cụ thể như: tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP, giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP, giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, với lĩnh vực nông nghiệp, dự thảo chỉ xác định là sẽ có bước phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tại thời điểm này, tại sao chúng ta không đặt vấn đề theo một cách khác là làm sao để nông nghiệp trở thành động lực phát triển của nền kinh tế, thay vì cứ phải phát triển công nghiệp và dịch vụ không ngừng như vậy. Cách đặt vấn đề như vậy xuất phát từ ba lý do.

Thứ nhất, trước khi đưa ra các mục tiêu phát triển cho đất nước cần nghiên cứu đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh tế, xã hội, về tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa để chứng minh rằng đạt được các mục tiêu này là hiệu quả nhất. Chẳng hạn, đánh giá về hiệu quả của 254 khu công nghiệp tập trung, chiếm 68.800 héc ta đất, nhưng diện tích được đưa vào sử dụng có 60%, mỗi năm nước ta mất 40.000 héc ta để xây dựng khu công nghiệp, đường cao tốc và đô thị. Tuy công nghiệp hóa mang lại tăng trưởng nhanh nhưng những hệ quả để lại cũng rất lớn, ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã thấy rõ, cũng nên tính đến “điểm chết” của công nghiệp hóa (bởi vì công nghiệp hóa có giới hạn, đến thời điểm nào đó nó sẽ không còn phát huy tác dụng).

Thứ hai, nước ta có lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp. Với vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên, lực lượng lao động như nước ta, nếu được đầu tư bài bản về khoa học, công nghệ, đào tạo, thương mại thì chắc chắn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao không kém gì công nghiệp, dịch vụ và đó là sự phát triển bền vững của một nền kinh tế xanh. Để phát triển nền kinh tế xanh cần có chính sách thúc đẩy phát triển nông sản giá trị cao, không chỉ bằng phát triển công nghệ chế biến hỗ trợ cho nông sản, mà còn bằng công nghệ sinh học, kỹ thuật bảo quản và cả những hỗ trợ về chính sách đất đai, khả năng tiếp cận thị trường cho nông dân, doanh nghiệp.

Vấn đề của Việt Nam hiện nay là giá trị nông sản thấp, do chủ yếu là xuất thô, hàm lượng qua chế biến thấp. Theo GS.TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đối với mặt hàng nông sản, giá trị thu được từ sản phẩm sau khi chế biến thường cao gấp 10 lần so với sản phẩm xuất thô. Ngoài ra, cơ cấu nông sản xuất khẩu của nước ta còn đơn giản, chỉ loanh quanh ở vài mặt hàng: gạo, tiêu, cà phê, cao su, thủy sản... chưa đáp ứng được nhu cầu rất đa dạng của thị trường thế giới, trong khi tiềm năng của thị trường này cực kỳ lớn, có thể nói là phát triển không ngừng theo nhu cầu của con người.

Thứ ba, việc phát triển sản xuất thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng sạch cũng mang lại lợi ích kinh tế rất lớn và lâu dài chứ không nhất thời như các giải pháp công nghiệp hóa đang được thực hiện. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tác động xấu đến môi trường sống và khả năng phát triển kinh tế, trong những năm gần đây nhiều quốc gia cũng đã nhận ra những tác động bất lợi của công nghiệp hóa và chuyển dần sang phát triển kinh tế xanh và sạch, như các nước EU, Mỹ, Nhật...

Như vậy, chúng ta đang có cơ hội để phát triển kinh tế một cách hiệu quả dựa trên các tiêu chí bền vững chứ không dựa trên những con số tăn trưởng. Song cơ hội đó cũng buộc chúng ta phải vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, mà khởi đầu là vượt qua tư duy của chính mình.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Đề xuất công bố lộ trình khí thải Euro 3 vào năm 2011
  • Phát triển đất nước: Việt Nam học được gì từ Hàn Quốc?
  • Cho phép cá cược bóng đá, đua ngựa?
  • Sóng thần có thể vào Việt Nam
  • Nâng cấp hệ thống báo tin động đất và sóng thần
  • Có thể 'thả' giá điện, than trong năm 2011
  • Hãy tin tưởng trọng dụng cán bộ trẻ
  • Ổn định vĩ mô: Cần thông minh gỡ bỏ "vòng kim cô"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi