Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sức khỏe nền kinh tế, nhìn từ một con số “lạ”

Báo cáo 9 tháng năm 2011 của Tổng cục Thống kê xuất hiện một con số “lạ”. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/9/2011 giảm mạnh, lên tới 5,5% so với cùng kỳ năm trước, và so với cách đó một tháng thì thậm chí giảm tới 17,1%.

“Chỉ số tồn kho gần đây đã thể hiện những thăng trầm, thiếu ổn định của nền kinh tế”, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), Phạm Đình Thúy nói với VnEconomy.

“Từ khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số tồn kho đến giờ, đây là lần đầu tiên có hiện tượng giảm so với cùng kỳ”, ông Thúy cho hay.

Qua theo dõi số liệu về chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mấy năm nay, điểm đáng chú ý là đang có những diễn biến hết sức bất thường, có khi tăng gần 40% so với cùng kỳ, nay thì lại giảm. Điều này cho thấy đang có những áp lực gì đối với sản xuất và nền kinh tế, thưa ông?

Về nguyên tắc, tồn kho luôn tăng theo quy mô sản xuất mở rộng để đảm bảo tỷ lệ cân đối giữa sản xuất và tồn kho, đồng thời là ổn định cung cầu giai đoạn sau đó. Nó phải có tính “gối đầu” như vậy.

Với một nền sản xuất bình thường vào thời điểm hiện nay, chỉ số tồn kho tăng khoảng 12-15% so với cùng kỳ là vừa. 

Trường hợp tồn kho tăng cao, hay giảm thấp đều là không tốt, bất thường đối với nền kinh tế. Nếu tăng cao thì có nguy cơ đình trệ sản xuất. Nếu thấp thì có hai vấn đề: một là khó đảm bảo cân đối cung cầu liên tục; hai là báo hiệu một số ngành công nghiệp có thể có hiện tượng doanh nghiệp phá sản, rút vốn, hay phải chuyển đổi lĩnh vực sản xuất…

Như giải thích của ông, với chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo  giảm 5,5% so với cùng kỳ tại thời điểm 1/9/2011 sẽ tác động lớn đến sản xuất của doanh nghiệp, sau đó là tăng trưởng công nghiệp thời gian tới có thể bị ảnh hưởng?

Có khả năng hiện tượng đó xảy ra. 

Chỉ số tồn kho gần đây đã thể hiện những thăng trầm, thiếu ổn định của nền kinh tế. Cụ thể là số liệu về doanh nghiệp giải thể, phá sản… cũng cho thấy đã tăng hơn năm trước.

Ví dụ như theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 48,7 nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng năm nay, thì các doanh nghiệp này phải có chuyện bán tài sản, thanh lý nhanh hàng hóa tồn đọng, chấp nhận lỗ… tác động làm giảm tồn kho. 

Cũng có nguyên nhân những doanh nghiệp khó khăn, tồn kho lâu, nay muốn chuyển ngành nghề khác thì cũng phải giải tán tồn kho để thu hồi vốn. Thì những diễn biến đó làm cho chỉ số tồn kho giảm.

Nhưng nhiều báo cáo gần đây vẫn nhìn nhận, công nghiệp tăng trưởng khá, thưa ông? 

Với tình hình hiện nay, tăng trưởng công nghiệp vẫn khá nhất so với các ngành khác. Cụ thể là cao nhất so với các ngành dịch vụ và nông nghiệp. Nhưng sản xuất công nghiệp, theo con số thống kê của chúng tôi, cũng có những khó khăn. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2010 so với 2009 tăng 9,3%, trong khi đó 9 tháng năm nay so với cùng kỳ chỉ tăng có 7,8%. Tức là, công nghiệp cũng khó khăn hơn so với năm ngoái. Hay so với con số của 9 tháng năm ngoái là 8,8% thì năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp đã thấp hơn 1 điểm phần trăm.

Theo dõi dữ liệu chỉ số này từ trước tới này, mức thấp hơn 1 điểm phần trăm cũng là tương đối chứ không phải ít. 

Nếu phân tích theo tình hình sản xuất như thế, năm 2009 là tác động khủng hoảng lên sản xuất rất lớn, năm 2010 đã phục hồi được một phần, nhưng năm nay lại rơi vào tình trạng khó khăn hơn.

Nhưng điểm chú ý là trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp giảm và tăng thấp mấy tháng gần đây, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo lại ít ảnh hưởng. Cụ thể là giảm trong tháng 7 nhưng sau đó tăng trở lại ngay. 

Có thể hiểu là những khó khăn về giá đầu vào sản xuất tăng cao hơn giá bán đầu ra, hay tiêu thụ không tăng tương ứng năng lực sản xuất… chỉ tác động mạnh đến một số ngành, còn số khác thì ít bị ảnh hưởng?

Với các ngành công nghiệp cấp 1 (bao gồm khai thác mỏ, sản xuất và phân phối điện, gas, nước - PV), chỉ số sản xuất ngành khai thác mỏ thường là thấp, nhưng riêng năm 2009 so với 2008 rất cao vì năm ấy chúng ta đẩy mạnh khai thác dầu thô để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế. Đến năm 2010 bắt đầu giảm và sang năm nay thì tiếp tục giảm.

Trong phân tích của chúng tôi, khai thác mỏ - chủ yếu là dầu thô và than đá - những năm nền kinh tế khó khăn, Chính phủ kỳ vọng ngành khai thác mỏ cứu cánh cho ngành công nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh công suất khai thác, thì nó cao. Nhưng đến những năm sau đấy, khi các ngành công nghiệp khác phục hồi được thì ngành khai thác chững lại, do trữ lượng các tài nguyên có hạn, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn, đồng thời Chính phủ cũng quản lý chặt, không cho phép khai thác ồ ạt để bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước. 

Chỉ số ngành công nghiệp khai thác lâu nay chỉ xoay quanh 97-100% so với cùng kỳ, tức là tăng rất thấp, thậm chí giảm. Rõ ràng, các ngành công nghiệp khác luôn phải gánh cho ngành này, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo do toàn bộ khu vực này chiếm khoảng 27% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp.

Hay nói cách khác, những năm khủng hoảng, ngành công nghiệp khai thác gánh cho các ngành khác, tăng tới trên 11%. Ngược lại, những năm ổn định thì các ngành khác lại phải gánh cho ngành công nghiệp khai thác. Đó là do chính sách điều hành kinh tế của mình. Điều này cũng cảnh báo ngành khai thác mỏ sắp tới còn giảm. 

Cụ thể, tỷ trọng ngành này cũng ngày càng giảm, trước đây thường chiếm khoảng 12% giá trị sản xuất thì nay chỉ khoảng 5-6%. Một cảnh báo là sản xuất ngành này đang dần đi xuống. 

Vì sản lượng ngành khai thác mỏ không dễ tăng thêm được, kể cả dầu và than điều kiện khai thác đều ngày càng khó khăn hơn, chỉ trông chờ vào những mỏ mới để tăng sản lượng nhưng cũng khó khăn lắm. Đây là điều trông thấy trước mắt.

Tiếp theo là ngành điện, rõ ràng ngành này đang có những hạn chế hơn về tăng trưởng sản lượng. Những năm trước, sản lượng điện lúc nào cũng tăng so với cùng kỳ xoay quanh khoảng 14%, nhưng 9 tháng đầu năm nay chỉ còn tăng dưới 10%. Tức là đã giảm mức tăng cỡ gần 1/3 rồi. 

Nguyên nhân tăng thấp hơn mọi năm chủ yếu vì những khó khăn trong đầu tư, vì xây dựng được một nhà máy điện là rất lâu, nhất là thủy điện. Gần đây nhất là đưa vào hoạt động được thủy điện Sơn La, còn chủ yếu là nhiệt điện chạy than ở Quảng Ninh, một số nhà máy nhiệt điện chạy gas của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. 

Hai nữa, vừa qua do những khó khăn về kinh tế nên những nhà máy điện không được cung cấp đủ vốn để đầu tư, cũng ảnh hưởng đến tiến độ. Số nhà máy mới đưa vào phát điện chậm, không đảm bảo đúng như kế hoạch.

Với khu vực công nghiệp chế biến, chiếm đến gần 90% giá trị sản xuất toàn ngành nhưng do chủ yếu là gia công, tỷ lệ nguyên, nhiên vật liệu đầu vào lớn nên giá trị tăng thêm chỉ chiếm khoảng trên 60%. 

Đây là khu vực quyết định phần lớn tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp thì năm nay tốc độ tăng trưởng cũng giảm so với năm ngoái. Chỉ số sản xuất ngành này 9 tháng năm nay tăng 10,6% so với cùng kỳ thì năm ngoái tăng tương ứng 11,7%. Tức là có khó khăn hơn năm ngoái nhưng ít chịu tác động hơn hai ngành kia.

Theo dõi con số ước của Tổng cục Thống kê về chỉ số sản xuất công nghiệp, nhiều tháng lúc đầu ước tính thực hiện cao, nhưng thực tế thực hiện lại thấp hơn. Cụ thể là tháng 6 và 7 đều giảm so với tháng trước. Ở đây có gì cần lưu ý?

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Tổng cục Thống kê tập hợp từ báo cáo của các doanh nghiệp lên, trong đó tháng sau cùng là ước tính của doanh nghiệp. 

Nhìn chung các tháng trong quí II, từ khoảng tháng 4-6/2011, các doanh nghiệp kì vọng tăng trưởng công nghiệp còn cao nên thể hiện trên con số ước tính rất khả quan. Nhưng trong khoảng 3 tháng gần đây, con số ước tính từ doanh nghiệp bắt đầu giảm, cho thấy kỳ vọng của doanh nghiệp không còn lạc quan như trước. 

Tháng 6, con số ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7%, giảm xuống 8,8% trong tháng 7, rồi hiện tại là 7,8%. Tức là nó cứ giảm liên tục như vậy. Trong khi đó, thực tế sản xuất cũng không được như kỳ vọng của doanh nghiệp, quý 3 tình hình còn khó khăn hơn quý 2. 

Đó cũng là cảnh báo cho thấy tình hình trước mắt sản xuất công nghiệp sẽ còn khó khăn nhất định.

  • Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần cách làm mới?
  • Thiếu minh bạch, nguy cơ tha hóa quyền lực nhà nước
  • Lương công chức: Bao nhiêu thì đủ?
  • Vì sao quỹ ngại rót vốn vào Việt Nam ?
  • TS. Vũ Thành Tự Anh: 3 rủi ro lớn từ nợ công của Việt Nam
  • Việt Nam: Cảnh giác với phần chìm của nợ công
  • Hai kịch bản kinh tế và các cân đối lớn của 2012
  • Tái cấu trúc kinh tế phải bắt đầu từ hiệu quả sử dụng vốn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi