Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao quỹ ngại rót vốn vào Việt Nam ?

 Việt Nam, trong những câu trả lời của nhiều tổ chức đầu tư, được xếp hạng thứ 4 trong nhóm các thị trường mới nổi trên toàn cầu, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Nhưng, việc được xếp thứ hạng cao có hẳn là đồng nghĩa với việc các dòng vốn đầu tư tư nhân, mà có đến 75% vốn của khối đầu tư này đang ở các thị trường mới nổi, sẽ lập tức gia tăng phân bổ vào VN?  

Ông John Cook - Chủ tịch Rock Lake Associates đồng chủ tịch danh dự Trung tâm đầu tư tư nhân Thunderbird Thụy Sỹ đã chia sẻ một câu chuyện nhỏ, rằng: Có một nhà đầu tư Thụy Sỹ từng đến VN 30 lần, gặp mặt rất nhiều nhà quản lý quỹ nhưng hiện vẫn chưa tìm thấy cơ hội đầu tư nào. Dường như đây là một nghịch lý, trong khi VN đang gia tăng đẩy mạnh thu hút vốn và các quỹ cũng đã thừa nhận tiềm năng, triển vọng hấp dẫn của thị trường VN, với những lợi thế cạnh tranh về dân số trẻ, chi phí lao động thấp, cầu vốn tăng cao nhằm duy trì đà tăng trưởng của một nền kinh tế vừa bước vào ngưỡng thu nhập trung bình?

Quan ngại

Quy mô của thị trường vốn VN hiện nay có lẽ là một quan ngại được đặt lên hàng đầu, nhất là với những PE đầu tư thứ cấp. “Mấy trăm triệu USD là quá nhỏ, do đó các quỹ đầu tư tư nhân (PE) khó tìm kiếm được cơ hội trên thị trường này, mặc dù trong nhiều năm qua đã có một số dòng vốn thông minh chảy vào VN”, ông Kirk Beaton - Giám đốc Lexington Partner nói. Một sự thực mà các quỹ khảo sát thị trường VN đều đưa ra là sau hơn 10 năm thành lập, TTCK VN vẫn chưa có một những loại hàng hóa cao cấp, hấp dẫn, với hàng loạt thương hiệu lớn như Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai, Masan... Nhà đầu tư có lẽ sẽ phải mất thêm thời gian để đón đợi những loại “hàng hóa” từ các đại Cty, DN đang xếp hàng chờ IPO hoặc cổ phần hóa. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho các DN tăng trưởng và hướng đến IPO. Khoảng 5 triệu USD của chúng tôi đã sẵn sàng cho những cơ hội này”, một đại diện quỹ nói. Và cũng theo đại diện quỹ này, “họ chưa tìm thấy một cơ hội để giải ngân khoản vốn đó trên thị trường VN”.

Một vấn đề khác, cũng là vấn đề nội tại của TTCK, là hiện tại VN đang có quá ít các định chế tài chính trung gian, các Cty quản lý quỹ đủ lớn mạnh và “đủ sức chống đỡ, ứng phó với những biến động của thị trường”. Điều đó khiến các PE gặp khó khăn khi có nhu cầu rót vốn lẫn thoái vốn. Đây có thể cũng là một nguyên do quan trọng khiến từ năm 2004 đến nay, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn lực tư nhân vào tham gia xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Theo ông Kirk, trong nhiều năm từng trải từ thị trường Anh quốc tới Trung Quốc, kinh nghiệm cho thấy những tổ chức trung gian đã đóng vai trò lớn để thúc đẩy quy mô và sự phát triển của thị trường vốn, lẫn sự phát triển của nền kinh tế. Với Trung Quốc, khởi đi từ các tổ chức trung gian là một cách để thị trường tài chính lớn mạnh, và giờ đây đang hình thành những nhóm trung gian từ 530 Cty quản lý quỹ. 530, so với con số hơn 40 Cty quản lý quỹ của VN (Nguồn: SSC), đó quả là một con số mà hẳn còn rất lâu VN mới có thể đạt tới.

Quản trị DN, với hệ thống báo cáo tài chính kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế, sự công khai thông tin cũng như thái độ có mở cửa chào đón các nguồn vốn từ bên ngoài hay không, cũng là một vấn đề quyết định đối với hiện thực hóa triển vọng đầu tư. Ông Frank T.L.Pho  - Phó Giám đốc Đầu tư và quỹ Châu Á - Ngân hàng Phát triển DN Canada (BDS) chia sẻ, ông vào VN từ năm 2002. Thời điểm đó, các DN chưa hề có tâm thế chào đón các PE, những vấn đề thuộc về quản trị DN cũng ít được chú trọng. Sau gần 10 năm trở lại, ông dường như chưa thấy có nhiều thay đổi. Và điều đó khiến các nhà đầu tư khó xác định được mức độ rủi ro cho lợi nhuận, bên cạnh các vấn đề rủi ro từ môi trường đầu tư, thủ tục pháp lý, chất lượng nguồn nhân lực, đến những yếu tố vĩ mô hơn như lạm phát, biến động tỷ giá...

Dường như những quan ngại, rào cản cho việc rót vốn đầu tư đều là những vấn đề không dễ cải thiện trong ngày một ngày hai. “Hơn lúc nào hết, nếu muốn trở thành một con hổ Châu Á thực thụ, VN cần quan tâm hơn nữa đến những vấn đề mang tính hệ thống nhằm đẩy mạnh thu hút vốn, cởi mở với các nguồn vốn “ngoại” để giúp DN phát triển lên một tầm cao mới và sớm định vị mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, một nhà đầu tư nói.

Triển vọng ở... thì tương lai

Tại hội thảo “Vốn đầu tư Đông Nam Á lần thứ 2”, ông Frank T.L.Pho cho biết: Với chiến lược đầu tư theo nhóm, phân bổ nhiều lĩnh vực, nhưng tập trung vẫn là góp vốn cho các DN, BDS đã hỗ trợ cho các DN Canada kinh doanh và tăng trưởng, mở rộng trên toàn cầu. BDS cũng phân bổ vốn cho một số quỹ để đầu tư ra thị trường quốc tế, ví dụ như quỹ đầu tư toàn cầu với ¾ số vốn tập trung vào 4 thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, VN và Brazil. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là thị trường chiếm hầu hết nguồn vốn. “VN là một thị trường mới nổi, đầy hứa hẹn nhưng chưa trưởng thành và thiếu hoàn hảo. Phải tập trung hơn nữa thì mới có thể phát triển xa hơn. Chúng tôi vẫn đang tìm kiến các mối quan hệ và tôi nghĩ rằng các PE nên chú trọng xây dựng mối quan hệ tốt với Chính phủ để qua đó tìm hiểu chiến lược phát triển của quốc gia và có thể xác định được ý hướng đầu tư vào DN. Ngoài ra, điều này cũng tạo điều kiện cho các quỹ, với tư cách là những tài trợ vốn, có thể đề nghị các cơ quan quản lý xây dựng, hoặc cải thiện các hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh cũng như những vấn đề khác có liên quan đến đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư”. Ông Frank cũng cho biết, quỹ của ông đang tìm kiếm cơ hội sẵn sàng hỗ trợ các DN kinh doanh trong các lĩnh vực phát triển công nghệ đại dương, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, do thế mạnh của VN là một quốc gia trải dài dọc vùng biển và đây là một triển vọng đầy hứa hẹn cho tương lai kinh tế của VN, theo đánh giá của BDS.

Không chỉ riêng đại diện BDS là có quan điểm VN đang tiềm ẩn nhiều triển vọng đầu tư, nhưng vẫn phải cần cải thiện hơn nữa, mà nhiều đại diện các tổ chức tài chính quốc tế khác cũng bày tỏ sự đồng thuận trong nhìn nhận này.  Ông Kirk Beaton cho biết, với tổng vốn 20 tỷ USD, Lexington có danh mục đầu tư tại các thị trường toàn cầu và gần đây đã dành riêng một quỹ 7 tỷ USD để hoạt động tại Hồng Kong. 60% vốn của quỹ này là dành cho thị trường Châu Á. Nhưng Đông Nam Á chưa có cơ hội lớn để đón nhận nguồn vốn này. Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể mà Lexington đang nhắm tới là dành khoảng 10% vốn để đầu tư vào thị trường khu vực Đông Nam Á từ nay đến năm 2015.

10%, cũng là mục tiêu của một quỹ PE đến từ Thụy Sỹ, Ông Peter Matisek, chuyên gia đầu tư của Swiss Re Private Equity Partners cho biết quỹ đang hướng mối quan tâm đến thị trường Châu Á thông qua cả hai hình thức đầu tư trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, đặc biệt chú trọng đầu tư sơ cấp vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nhưng (lại nhưng) phần lớn vốn của quỹ thì đã và đang chủ yếu chảy vào hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.

(Theo Lê Mỹ \\ Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử )

  • TS. Vũ Thành Tự Anh: 3 rủi ro lớn từ nợ công của Việt Nam
  • Việt Nam: Cảnh giác với phần chìm của nợ công
  • Hai kịch bản kinh tế và các cân đối lớn của 2012
  • Tái cấu trúc kinh tế phải bắt đầu từ hiệu quả sử dụng vốn
  • Việt Nam: Kinh tế vĩ mô bất ổn đến mức nào?
  • Việt nam và rủi ro suy thoái!
  • Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan: Nhìn người lại ngẫm đến ta
  • Vì sao nhập siêu Việt Nam khó giảm ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi