Phát biểu đề dẫn tại cuộc Tọa đàm, đồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Báo
Nhân Dân đề nghị các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp phát biểu ý kiến tập trung vào một số vấn đề như: Phân tích, dự báo những biến động của tình hình
kinh tế thế giới và đánh giá tác động của suy thoái kinh tế thế giới tới nền kinh tế nước ta trong thời gian tới. Làm rõ những cơ hội trong khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và những bài học kinh nghiệm về tranh thủ thời cơ trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Ðề xuất các giải pháp tranh thủ, tận dụng thời cơ, ứng phó linh hoạt, hiệu quả trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như tái cơ cấu nền kinh tế; tranh thủ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; thúc đẩy cải cách hành chính; cơ cấu lại lao động; thúc đẩy xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng ở khu vực nông thôn theo hướng hiện đại; phát triển thị trường nội địa; cải cách doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực...
Những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới
Theo PGS, TS Ðặng Văn Thanh, chuyên gia cao cấp của Quốc hội, tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến
kinh tế Việt Nam ngày càng rõ rệt: Sản xuất, kinh doanh giảm sút, sức tiêu thụ giảm, hàng hóa ứ đọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh có xu hướng thu hẹp trong nhiều lĩnh vực; chỉ số giá tiêu dùng giảm; nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài giảm... ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và đời sống của nhân dân. Thực tế cho thấy: Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I - 2009 chỉ đạt 3,1%, là mức thấp nhất trong nhiều năm qua; thu ngân sách thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4% so với cùng kỳ...
Mô hình phát triển của nền kinh tế nước ta trong nhiều năm qua là mô hình hướng ngoại, dựa nhiều vào xuất khẩu (khoảng 60 - 70% GDP), khiến nền kinh tế và nền tài chính, tài khóa trong nước dễ bị tổn thương khi kinh tế thế giới có sự biến động và lâm vào tình trạng bất ổn. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng. Theo tính toán, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1998 - 2002 là 6,2% thì yếu tố năng suất tổng hợp chỉ đóng góp 1,4%; giai đoạn 2003 - 2008 có tăng hơn cũng chỉ đạt 2,07% trong mức tăng trưởng kinh tế bình quân 7,89%/năm. Ðiều đó chứng tỏ chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa tăng trưởng theo chiều sâu. Sự gia tăng của chất lượng lao động, chất lượng máy móc, công nghệ, vai trò quản lý và tổ chức sản xuất chưa tương xứng trong mức tăng trưởng kinh tế.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên UBKT Quốc hội, Phó trưởng đoàn Ðại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong hai thập niên qua, các cuộc khủng hoảng lớn nhỏ trên thế giới đều có nguyên nhân từ "bong bóng" của thị trường bất động sản. Thị trường tài chính Mỹ sụp đổ bắt nguồn từ thị trường tín dụng bất động sản dưới chuẩn, tạo ra "bong bóng" từ các công cụ chứng khoán hóa BÐS. Ðầu năm 2008, thị trường thế giới đã hình thành "một cơn bão lửa" là sự tăng giá bất thường của ba nhóm hàng hóa chính: nhiên liệu, thực phẩm và kim loại. Trong khi đó thị trường tài chính bắt đầu dấu hiệu "đóng băng" của giai đoạn tiền khủng hoảng. Nền kinh tế Việt Nam chịu sức ép giữa "băng" và "lửa" cùng với những tồn tại của cơ cấu kinh tế, những nhược điểm trong quản lý điều hành đã gây nên những khó khăn cực điểm trong nửa đầu năm 2008. Thực tế trên đòi hỏi chúng ta phải đánh giá nghiêm túc về vai trò của Nhà nước trong quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, cả nội dung lẫn phương thức quản lý.
Từ cuộc khủng hoảng này, đã bộc lộ những nhược điểm trong mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. GS Michel Porter, cha đẻ của lý thuyết cạnh tranh, lần đầu tiên đến nước ta gần đây, cho rằng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đạt đến đỉnh. Nếu càng thúc đẩy tăng trưởng nhanh dựa vào động lực mở rộng quy mô vốn, giá trị gia tăng thấp và sự khai thác qua đặc điểm lao động rẻ, thì không thể cạnh tranh và càng ngày càng khó khăn. Mô hình tăng trưởng mà chúng ta đang theo đuổi chính là cái bẫy của sự phát triển thiếu bền vững. Ðây là bài học lớn cần được rút ra, "cái phúc" chứa đựng trong "cái họa". Tức là lúc chúng ta có thể "chuyển thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc nền kinh tế". Tiến hành một cuộc "đại phẫu thuật" nền kinh tế, chứ không chỉ dừng lại việc "sơ cứu" bằng các biện pháp tình thế, mặc dù các biện pháp đó rất cần thiết để ngăn chặn suy giảm tốc độ tăng trưởng trước mắt.
Trong khủng hoảng có cơ hội
Tại cuộc tọa đàm, các ý kiến phát biểu đều cho rằng: Chính trong khủng hoảng này, chúng ta có cơ hội để đánh giá, nhìn nhận lại mình một cách rõ nét và khách quan hơn.
Theo TS Lê Ðình Ân, Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, thời điểm này Việt Nam đứng trước một cơ hội lớn, nếu không tận dụng để tái cơ cấu, khắc phục những yếu kém nội tại của nền kinh tế thì Việt Nam rất khó có thể phát triển nhanh và bền vững.
Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới là cơ hội để Chính phủ có những quyết sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà, đào tạo lại, đào tạo theo hướng gắn liền với nhu cầu thị trường lao động. Nếu không tận dụng tốt cơ hội, hoặc không được quy hoạch (tổng thể và chi tiết) có chất lượng nhằm nâng cao chất lượng lao động, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng dàn trải, lãng phí nguồn lực, dẫn tới tụt hậu xa hơn so với các quốc gia khác. Hiện nay, chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều điểm bất cập, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa, và hội nhập kinh tế quốc tế. Ðối với vấn đề môi trường, Tiến sĩ Lê Ðình Ân cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam quan tâm giải quyết, bảo đảm kinh tế tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Nếu không có giải pháp bảo vệ môi trường thích hợp, thì cứ tổng sản phẩm quốc nội tăng gấp đôi, mức độ ô nhiễm môi trường sẽ tăng từ ba đến bốn lần. Ô nhiễm môi trường là một thách thức lớn đối với quá trình phát triển của Việt Nam, không chú ý đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường thì nền kinh tế dù giàu có đến đâu cũng sụp đổ và chi phí cho môi trường có thể làm triệt tiêu thành quả của tăng trưởng.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước Trần Văn Tá phân tích: Giai đoạn khủng hoảng hiện nay cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nước ta tái cơ cấu đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Ðây cũng là lúc giá nguyên vật liệu, thiết bị trên thị trường quốc tế giảm đến 30 - 40%. Nếu tranh thủ nhập thiết bị, công nghệ, thì doanh nghiệp có cơ hội giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ta hiện nay nguồn lực rất mỏng. Vì vậy, cần tập trung nguồn lực để tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vốn vào các ngành sản xuất, kinh doanh chính, không ham rẻ, không đầu tư dàn trải, thu hẹp dần các lĩnh vực đầu tư rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, tài chính...
Theo TS Nguyễn Ðình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong khủng hoảng có cơ hội. Trước hết là chúng ta phải nhìn nhận lại nền kinh tế, nhận diện những yếu kém, khiếm khuyết một cách khách quan. Phân tích nguyên nhân, tìm ra các giải pháp, phương án khắc phục cho phát triển ngắn hạn và dài hạn. Ðối phó với suy giảm kinh tế, chúng ta đã hỗ trợ lãi suất vốn vay, giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế... giúp doanh nghiệp giảm chi phí, bớt khó khăn. Vấn đề cốt yếu là khi đã có giải pháp đúng thì cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết tâm, đồng thuận để đạt hiệu quả cao, không để mất cơ hội.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tận dụng cơ hội khủng hoảng phát huy nội lực là cách đầu tư phát triển của Viettel trong những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước. Năm 1997, khi các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài gặp khó khăn co lại, giảm đầu tư, thị trường, thậm chí rao bán công nghệ, thiết bị, Viettel đã mua được với giá rẻ nhiều so với khi các doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, lại được đối tác cho trả chậm sau bốn năm. Lúc đó, Viettel đã mua một lúc bốn nghìn trạm BTS, phát triển mạnh mạng lưới điện thoại di động tại thị trường nông thôn. Với sự đầu tư đó, những năm qua tốc độ tăng trưởng của Viettel luôn ở mức cao. Năm 2009 dự kiến đạt doanh thu tăng 30%. Viettel luôn chủ động trong chiến lược kinh doanh của mình. Tận dụng cơ hội trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này,Viettel cũng đang hướng đầu tư ra nước ngoài.
Ðề xuất những giải pháp tận dụng thời cơ
Theo TS Phan Ðăng Tuất, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp Bộ Công thương, với sản xuất công nghiệp, về tổng thể cần hướng sự kích thích vào các vấn đề sau: Thứ nhất là tái cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việc này cần được thực hiện theo hai hướng: Thực hiện đồng bộ các chính sách từ thu hút đầu tư, các chính sách tài chính tiền tệ, chính sách lao động tiền lương ... đều tập trung cho việc khuyến khích các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ít sử dụng tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm. Ðồng thời, tập trung quyết liệt việc phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ. Thứ hai là phát triển nhân lực cho các ngành CN mới để bảo đảm phát triển mạnh sau khủng hoảng. Ðây là giải pháp để hạn chế tình trạng dư dôi lao động, đồng thời là sự chuẩn bị chiến lược cho các năm sau khủng hoảng. Cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành CN mới, đáp ứng nhu cầu của các ngành theo từng giai đoạn phát triển và có chính sách hỗ trợ các chương trình đào tạo nguồn nhân lực do các DN công nghiệp.
TS Vũ Ðình Ánh cũng cho rằng, bài học kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nếu như chúng ta tranh thủ được thời cơ, nhanh chóng tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu bản thân các DN, đất nước sẽ vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng và phát triển bền vững. Hiện nay, giá vật tư, thiết bị đang ở mức thấp, nếu DN tận dụng đầu tư dây chuyền, thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất thì chi phí đầu tư sẽ giảm. Tuy nhiên, cũng cần phải có tầm nhìn trong tái cấu trúc, cần rà soát kỹ danh mục đầu tư, tập trung xem xét đối với các doanh nghiệp để tránh đầu tư dàn trải. Về tỷ giá hối đoái, cần có chính sách mềm dẻo, linh hoạt và có cân nhắc thật kỹ lưỡng để tránh nguy cơ tái lạm phát.
TS Nguyễn Quốc Huy, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lại tập trung làm rõ chủ đề về hỗ trợ giảm nghèo cho 61 (hiện nay là 62) huyện nghèo trong cả nước đến năm 2020. Khi chương trình hoàn thành, sẽ giải quyết cơ bản vấn đề đói nghèo ở Việt Nam. Tuy chưa có số liệu cụ thể, nhưng theo ước tính, tổng nguồn vốn có thể lên 8 - 10 tỷ USD (bình quân mỗi huyện 2 - 3.000 tỷ đồng). Chương trình sẽ được thực hiện lồng ghép để tránh lãng phí và chồng chéo. TS Nguyễn Quốc Huy cho rằng, chống suy giảm kinh tế ở nước ta trong điều kiện lạm phát và lãi suất còn cao, việc áp dụng biện pháp kích cầu cũng giống như đi thăng bằng trên dây, đòi hỏi cách xử lý tình huống mềm dẻo, linh hoạt.
Ở khía cạnh khác, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Ðầu tư, Bộ Giao thông vận tải Trương Tấn Viên nhận định, năm nay, nhu cầu giải ngân vốn xây dựng cơ bản của ngành giao thông vận tải sẽ tăng mạnh (khoảng 30 nghìn tỷ đồng), qua việc Chính phủ đồng ý ứng vốn các năm sau cộng với nguồn trái phiếu và giải ngân thêm. Ngành giao thông sẽ gỡ "nút thắt cổ chai" bằng cách tập trung xây dựng các tuyến cao tốc, cảng biển và cảng hàng không, các công trình giao thông đô thị quan trọng và giao thông nông thôn...
TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội thông qua các nghiên cứu, đề xuất: Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay chứng tỏ rằng, các khiếm khuyết của thị trường tự do phải được sửa chữa bằng sự can thiệp chủ động và tích cực của Nhà nước, để các quy luật kinh tế khách quan vận động có lợi nhất cho xã hội. Thế giới đang cần một hướng đi mới trong hành trình tìm kiếm vai trò, xác định liều lượng và các công cụ can thiệp của mô hình Nhà nước kiểu mới, mang tính đại diện cao hơn cho các lợi ích chung của nhân loại. Trong đó, sẽ có yêu cầu cao hơn về tăng cường vai trò của luật pháp, chế tài, điều tiết Nhà nước, kiểm soát các thể chế thị trường và cho vay tín dụng, thiết lập hệ thống thông tin công khai, minh bạch, phát triển các công cụ dự báo, cảnh báo và trừng phạt các sai trái và gian lận..., sao cho vừa tuân thủ các yêu cầu và lợi ích thị trường, vừa không làm xấu đi sự ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hòa các lợi ích trong quá trình phát triển, nhất là không lạm dụng sức chịu đựng và đổ gánh nặng khủng hoảng lên người dân, người tiêu dùng.