Bà Sarah Cliffe, Giám đốc Ban chiến lược khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã hành động nhanh và quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp thích hợp.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề Hội nghị “Tương lai châu Á” lần thứ 15 vừa tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) về thuận lợi cũng như thách thức đối với Việt Nam hiện nay, bà Sarah cho rằng mặc dù Việt Nam chỉ là nước đang phát triển nhưng đã có những bước tiến dài hội nhập với thương mại thế giới, với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 70% GDP.
Bà Sarah lưu ý rằng gần một năm trước cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, tại Việt Nam đã xảy ra tình trạng “bong bóng giá cả” (chủ yếu trên thị trường chứng khoán), thâm hụt thương mại cũng tăng. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất quyết liệt, đã thể hiện sự quyết tâm và chỉ trong khoảng 6 tháng đã thành công trong việc ổn định nền kinh tế.
Theo bà, chính sách quyết liệt đó đã đặt Việt Nam vào một vị trí tốt hơn để vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Các ngân hàng thương mại của Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ hơn và từ cuối năm 2008 đã được yêu cầu nâng mức dự trữ vốn tối thiểu. Chính điều này đã tạo cho các ngân hàng có sức chống đỡ tốt hơn.
Đánh giá các biện pháp mà Việt Nam đã triển khai, bà Sarah nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã phản ứng một cách nhanh chóng và quyết liệt đối với sự phát triển nóng vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Chính phủ Việt Nam cũng đã hành động như vậy khi đối phó với sự suy giảm bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Bà phân tích, phản ứng đầu tiên là thông qua chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, khuyến khích các ngân hàng cho doanh nghiệp vay, thay vì giữ tiền một cách thận trọng như ở một số nước công nghiệp phát triển. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhanh chóng trợ giúp cho người nghèo vào dịp Tết Nguyên đán. Không nghi ngờ gì, việc triển khai những biện pháp đó hoàn toàn đúng hướng.
Tiếp sau đó, Chính phủ Việt Nam đi theo hướng chính sách thuế bao gồm cả hỗ trợ đầu tư vào những cơ sở hạ tầng thiết yếu và chi thêm cho các dự án xoá đói giảm nghèo. Bà Sarah khẳng định: “Và một lần nữa, đây là sự lựa chọn hợp lý. Nhiều nước khác trên thế giới đang triển khai các gói kích cầu theo tinh thần như vậy.”
Nhận định về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong tương lai gần, bà Sarah dự báo Việt Nam sẽ phát triển chậm lại đáng kể nhưng không xảy ra khủng hoảng. Kim ngạch xuất khẩu chiếm một tỷ trọng lớn trong GDP, nhưng các nhà sản xuất của Việt Nam cạnh tranh tốt và rất năng động. Bà Sarah nhấn mạnh rằng Việt Nam vượt qua giai đoạn suy giảm kinh tế tốt hơn các nước khác trong khu vực.
Bà đưa ra dẫn chứng là trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ biến động vài phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong khi ở khu vực châu Á, có những nơi tỷ lệ suy giảm xuất khẩu lên tới vài con số. Các tổ chức quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2009 của Việt Nam vào khoảng 3,5 - 5%. Bà Sarah kết luận “tốc độ này rõ ràng là một thành tích rất tốt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu”./.
(Theo TTXVN)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com