Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh việc phân bổ và các cơ chế giám sát trong quá trình phân bổ “gói” kích cầu 1 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết khoản tiền này được trích từ nguồn dự trữ của Chính phủ và được sử dụng để hỗ trợ lãi suất cho vay và ưu tiên các khoản vay ưu đãi này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Việc phân bổ gói kích cầu nói trên sẽ được thực hiện công khai, minh bạch qua hệ thống ngân hàng.
Ngoài khoản tiền trên, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết nguồn vốn kích cầu là một gói gồm năm giải pháp, bao gồm: Các chính sách giảm, giãn thuế (từ 10 – 15 nghìn tỷ đồng), nguồn vốn năm 2008 sử dụng không hết sẽ chuyển sang năm 2009 (thay vì “cắt” như các năm trước.)
Ngoài ra, Chính phủ đã có kế hoạch báo cáo Quốc hội đề nghị cho phép phát hành trái phiếu (khoảng 100 nghìn tỷ đồng) để đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện.
“Gói kích cầu 1 tỷ USD sẽ hỗ trợ cho nhiều DNVVN, trong đó sẽ ưu tiên cho các DN xuất khẩu.” – Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cam kết. Theo ông Hoàng, để nguồn vốn trên được sử dụng hiệu quả, trong năm 2009, Chính phủ sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường tiềm năng khu vực châu Phi, châu Mỹ La tinh, các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. “Chính phủ sẽ đổi mới phương thức hỗ trợ cho các DN xuất khẩu, chẳng hạn như sẽ thúc đẩy các đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương để giúp các DN trong nước được hưởng các ưu đãi về thuế suất.
“Việt Nam và Nhật Bản ký kết hiệp định thương mại vào ngày 25/12. Hiệp định này giúp các DN xuất khẩu nông sản, dệt may vào Nhật được hưởng thuế suất ưu đãi.” – Ông Vũ Huy Hoàng cho biết.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết Nghị quyết số 30 ngày 11/12 vừa qua của Chính phủ đã đề ra liệu pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu của thị trường. Tuy tình hình kinh tế, tài chính gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay, dự trữ ngoại hối vẫn đảm bảo và đạt mức tương đương so với năm 2007 (20,3 tỷ USD).
“Từ 25/12, NHNN sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá giao dịch bình quân do NHNN công bố hàng ngày lên thêm 3% nhằm đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, lâu dài” - Ông Giàu nói.
Về việc một số DNVVN phàn nàn khó tiếp cận với nguồn vốn vay của hệ thống NH, ông Giàu nói sau khi nhận được phản ánh trên, NHNN đã tổ chức rà soát. Kết quả rà soát vào tháng 10/2008 cho thấy ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, hồ sơ vay vốn của 88% DNVVN được các NH chấp nhận. Kiểm tra hồ sơ các DN bị từ chối, NHNN nhận thấy hầu hết đều không đảm bảo các điều kiện vay vốn theo quy định.
“NHNN đã cùng lãnh đạo TPHCM và Hà Nội tiếp xúc với một số hiệp hội, ngành nghề để tìm hướng tháo gỡ. Mới đây, tôi đã thành lập hai tổ giúp việc cho Thống đốc NHNN tiếp cận với các hiệp hội, ngành nghề ở hai địa phương trên để tìm hiểu nguyên nhân vì sao không tiếp cận được với nguồn vốn vay của NH nhưng quả thực là việc tháo gỡ gặp rất nhiều khó khăn bởi NH thực chất cũng là DN, các điều kiện vay vốn phải đảm bảo mới được giải quyết cho vay. Nếu nới lỏng các quy định, có thể sẽ gây hại cho nền kinh tế” - Ông Giàu khẳng định
Theo thống kê của NHNN, cả nước hiện có 163 nghìn DN được NH cho vay vốn. So với con số 379 nghìn DN của cả nước thì tỷ lệ DN được vay vốn chiếm trên 43%.
(Theo báo Tiền phong)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com