Nhiều dự án đầu tư lớn của các quỹ nước ngoài phải đi kèm việc đào tạo CEO người bản địa, hoặc thuyết phục cán bộ những Cty mới cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn nắm quyền điều hành.
Thử thách cho khu vực kinh tế tư nhân
Jetstar Pacific, hãng hàng không mà Qantas Airways của Australia đóng góp một phần vốn, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ở Việt Nam. Ngành hàng không tại đây dường như được thống trị bởi Vietnam Airlines – một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Tháng 4/2008, Jetstar gặp rắc rối về vấn đề đảm bảo an toàn trong vận chuyển nhiên liệu từ Vinapco – công ty độc quyền nhà nước nằm dưới sự quản lý của Vietnam Airlines.
Một ví dụ khác trong lĩnh vực bán lẻ, chuỗi siêu thị Lotte của Hàn Quốc thuộc công ty Lotte Shopping mở chi nhánh đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2008. Tuy nhiên họ phải chờ rất lâu mới được cấp phép mở siêu thị thứ hai tại thành phố này, nơi mà hãng bán lẻ Saigon Co.op Mart – một doanh nghiệp quốc doanh khác – vẫn cố gắng níu giữ thị phần của mình.
Fred Burke, đồng quản lý hãng luật quốc tế Baker & McKenzie, nhận định tất cả những trường hợp trên thể hiện một điều: Việt Nam chưa qua được bài kiểm tra kinh tế cần thiết sau khi họ được chấp thuận gia nhập WTO năm 2007. Burke cho rằng trên thực tế, đó thuần túy là chính sách bảo hộ.
Còn Pincus đưa ra ý kiến: “Các doanh nghiệp nhà nước nhìn nhận việc này như dấu hiệu cho thấy họ có ưu thế lấn át trên thị trường”
Những khoản đầu tư mạnh vào khu vực kinh tế quốc doanh đã làm suy giảm mạnh nguồn tài chính công và khiến tình hình lạm phát lên cao. Chi tiêu nhiều, kết hợp với thực trạng sử dụng vốn thiếu hiệu quả dẫn đến năng suất vốn càng thấp và giá cả hàng hóa càng cao. Những ưu đãi về mặt tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng cho doanh nghiệp nhà nước chỉ khiến mọi việc xấu hơn.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã quyết định đặt nhiệm vụ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thành ưu tiên hàng đầu trong bốn năm tới, sau khi đã có 144 công ty thực hiện thành công chào bán cổ phần ra công chúng năm ngoái.
Đó là tin tức tốt đối với Andy Ho, giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital – công ty quản lý quỹ lớn nhất ở Việt Nam.
Ông nói: “Chúng tôi chú ý đến những công ty đã suy sụp, nơi có thể tạo nên sự khác biệt. Chúng tôi rất thích các SOE (doanh nghiệp Nhà nước) như thế và đã đầu tư vào nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ cho thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh chóng tại đây.”
Tuy nhiên, quá khứ đem đến một số trở ngại đặc thù cho khu vực kinh tế tư nhân. Những năm tháng dưới bom đạn chiến tranh và chế độ kế hoạch hóa tập trung đã xóa sạch cả một thế hệ doanh nhân. Nhiều dự án đầu tư lớn của các quỹ nước ngoài phải đi kèm với việc đào tạo CEO người bản địa, hoặc thuyết phục những cán bộ trong trường hợp đó là những công ty mới cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn nắm quyền điều hành.
Ông Ho kể: “Chúng tôi ngồi xuống cùng họ và nói ‘nếu muốn công ty tăng trưởng, các ngài cần phải thay đổi nhiều thứ.” Có khoảng 75% số công ty nghe theo Ho.
Còn Freund, vốn là người gốc Chicago đồng thời là nhà nghiên cứu tôn giáo tốt nghiệp đại học California ở Santa Cruz, có cách làm khác. Ông mở lớp học dành cho các giám đốc và dạy họ suy nghĩ như Đức phật.
Freund nói: “Nếu tôi đến và bảo họ rằng ‘những bậc thầy về quản lý của Mỹ khuyên các bạn nên làm thế này, thế này...” thì những điều đó sớm muộn cũng vào tai này ra tai kia mà thôi. Nhưng nếu tôi giảng giải rằng trong trường hợp Đức phật là một nhà lãnh đạo thì ngài sẽ làm những gì, họ sẽ nhập tâm và thực hành ngay”.
Nhìn qua thị trường cổ phiếu Việt Nam, chúng ta có thể thấy sự cần thiết những nhà lãnh đạo doanh nghiệp sáng suốt đến nhường nào.
Năm ngoái, dòng vốn toàn cầu đổ về khắp các thị trường mới nổi trên thế giới nhưng bỏ qua Việt Nam. Sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm 3% trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, trong khi đó thị trường chứng khoán Thái Lan và Indonesia đều đạt mức tăng hơn 40%.
Ông Ho nói khi đó các khách hàng của công ty ông cảm thấy rủi ro ở thị trường Việt Nam quá lớn. Nhưng giờ đây họ đang xem xét lại việc gia nhập thị trường, một phần bởi nhiều cổ phiếu được định giá thấp đến đáng ngạc nhiên – rẻ nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ số VN Index đã sụt giảm 59% kể từ đỉnh năm 2007.
“Chúng tôi đã thấy một số nhà đầu tư quay trở lại” – Ông Ho cho biết và nhấn mạnh vào việc quỹ ETF của VinaCapital niêm yết trên thị trường London đang trên đà đi lên. Cụ thể, quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity đã tăng 9% kể từ giữa tháng 11, hơn hẳn so với mức tăng 2% của thị trường Thái Lan trong cùng khoảng thời gian.
“Có nhiều tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang hứng thú với Việt Nam.”
Hệ thống giáo dục kém chất lượng
Tổng giám đốc IDG Henry Nguyễn (Nguyễn Bảo Hoàng – ND) rất tin tưởng vào tương lai của Việt Nam nhưng cũng không thiếu cảnh giác với những nguy cơ.
Nền giáo dục mà Hoàng được hưởng tạo cho anh một cách nhìn riêng biệt. Năm 1975, khi Việt Nam thống nhất, Hoàng theo gia đình di cư ra hải ngoại. Khi đó, anh mới hai tuổi. Sau bảy tháng đầu sống trong một trại tị nạn Philippines, Hoàng chuyển tới định cư ở Virginia. Đây chính là nơi anh trưởng thành với rất ít hiểu biết về quê hương mình, luôn trả lời những câu hỏi tiếng Việt của bố mẹ bằng tiếng Anh, rồi sau đó theo học tại trường đại học Harvard danh tiếng.
Hoàng chỉ quay trở lại quê hương một cách miễn cưỡng vào giữa những năm 90, với vai trò ký giả cho loạt sách hướng dẫn du lịch Let’s Go của những sinh viên Harvard. “Lúc đó, tôi cảm thấy mình đã yêu đất nước này” – Nguyễn Bảo Hoàng chia sẻ.
Sau khi hoàn thành hai chương trình y học và kinh doanh, anh làm chuyên viên chọn lọc cổ phiếu công nghệ cho Goldman Sachs ở New York dưới quyền Rick Sherlund - chuyên gia phân tích nổi tiếng. Tuy nhiên, Hoàng đã sớm bị hấp dẫn trở lại với Việt Nam.
Tháng 9/2001, anh quay lại đất nước này đúng vào ngày Trung tâm thương mại thế giới tại New York bị tấn công. Vừa theo dõi hậu quả của vụ khủng bố, anh vừa cố gắng liên lạc với bạn bè.
“Có gì đó nghẹn lại trong tôi, và tôi đã nghĩ rằng có lẽ không sống ở Mỹ cũng chẳng phải điều gì quá tồi tệ” – Hoàng kể lại. Ba năm sau, anh nhận được một lời mời từ người sáng lập IDG Pat McGovern, Pat muốn anh mở quỹ IDG tại Việt Nam. Kết quả là đến nay, Hoàng đang giám sát hai quỹ - một trị giá 100 triệu USD và quỹ kia trị giá 150 triệu USD.
Song, anh cũng rất rõ ràng về những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt:
Anh tâm sự: “Có ba vấn đề khiến tôi trăn trở từ lâu.”
Đầu tiên là cơ sở vật chất – một điểm yếu bấy lâu nay của Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XX cho đến thời kỳ phát triển kinh tế những năm 1990, yếu tố nền tảng này liên tục chịu sự tàn phá của chiến tranh và sự kìm hãm của chính sách tập thể chưa sáng suốt.
“Dù tôi đã nhận định rằng Việt Nam hiện nay giống như Trung Quốc những năm ‘97-’98, nhưng thực tế chúng ta còn lạc hậu hơn nếu so sánh về cơ sở hạ tầng” – Hoàng nói. Những bến cảng hiện có của Việt Nam đang hoạt động quá tải, hệ thống đường quốc lộ nghèo nàn, còn điện năng thì thường xuyên thiếu hụt gây nên tình trạng cúp điện tràn lan.
Vấn đề thứ hai là điều hành chính sách và nạn tham nhũng.
Cuối cùng là giáo dục – đây dường như là chủ đề được giới chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư than phiền nhiều nhất. Hoàng nhấn mạnh vào việc mỗi năm có gần 2 triệu thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy nhưng chỉ có 750.000 chỉ tiêu trúng tuyển.
Thêm vào đó, chất lượng giáo dục bậc đại học của Việt Nam đang ngày càng đi xuống. Anh tâm sự: “Thật đáng xấu hổ khi chúng ta có những con người mang đầy hoài bão, họ muốn được nỗ lực, muốn được lao động hết mình nhưng đang phải tiếp thu một nền giáo dục không tốt.”
Tất cả những rào cản trên khiến cho rất nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang đứng ngoài thị trường Việt Nam đầy tiềm năng – từ McDonald's cho đến Starbucks, Wal-Mart, trong khi tất cả các công ty này đều đã có bước xâm nhập mạnh mẽ vào Trung Quốc.
Tháng 7 vừa rồi, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Starbuck Howard Schultz có đề cập đến việc ông muốn “tìm ra cơ hội” để tiến vào thị trường Việt Nam. Nhưng thủ tục hành chính rườm rà rất có thể sẽ khiến cho chuỗi cửa hàng bán cà phê lớn nhất thế giới này chọn giải pháp nhượng quyền thương mại – cách mà họ ít khi dùng đối với các quốc gia.
Theo lời Burke, chuyên gia thuộc Baker & McKenzie, thì thủ tục hành chính là “rào cản phi thương mại lớn nhất của Việt Nam”.
Ông nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách đã tỏ ra quá sợ hãi trước áp lực cạnh tranh, bao gồm cả nỗi lo ngại về việc những công ty Trung Quốc sẽ thâu tóm nguồn cung gạo của Việt Nam nếu họ mở cửa mậu dịch tư nhân quá nhanh.
Burke – người đồng thời là thành viên sáng lập phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam – nhận xét: “Tư tưởng bảo hộ vẫn là trở ngại lớn.” Tuy nhiên, ông cũng nhìn thấy tín hiệu đáng khích lệ từ kế hoạch cải tổ trong ba năm tới mang tên Đề án 30 với mục tiêu cắt giảm 30% số thủ tục hành chính .
“Báo cáo về hoạt động kinh doanh” năm 2010 của Ngân hàng thế giới viết: tính bình quân cần 44 ngày và thực hiện 9 thủ tục để thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam, còn ở các quốc gia châu Á khác, trung bình những con số này chỉ là 39 và 8.
Trong khi Starbucks còn băn khoăn về kế hoạch tương lai tại Việt Nam thì Highlands Coffee – chuỗi cửa hàng cà phê nội địa – đang giành lấy các địa điểm tốt và chiếm lĩnh thị phần trong nước.
David Thái – Việt kiều Mỹ, người gây dựng nên Highlands Coffee – đã quan sát sự trỗi dậy của Starbucks từ vùng Seattle, nơi anh từng sinh sống, cho đến khi nó trở thành một thế lực khổng lồ trong ngành cà phê quốc tế. Anh cảm nhận được cơ hội tại Việt Nam và cho đến nay đã có trong tay 40 tiệm cà phê.
Trở lại với vấn đề chính, Freund, chuyên gia của Mekong Capital, nhận định: “Hiện tại, các hãng bán lẻ lớn của nước ngoài chưa có ý định tham gia thị trường Việt Nam. Ví dụ như Wal-Mart, nếu họ muốn xây dựng một chuỗi siêu thị đồ sộ, đồng thời làm thay đổi tương lai của ngành bán lẻ ở Việt Nam thì sẽ phải vượt qua vô số những chướng ngại.”
Phát ngôn viên của tập đoàn cũng đã khẳng định Wal-Mart không có kế hoạch xâm nhập vào thị trường này. Trong khi đó, họ đã mở tới 189 chi nhánh tại Trung Quốc với hơn 50.000 nhân công.
Hoàng Sơn
Theo Reuters//CafeF
(Special Report: Vietnam capitalist roaders follow China's trail)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com