Năm đầu tiên VN gia nhập WTO khá thuận lợi. Từ năm thứ hai (2008), bão táp bắt đầu nổi lên. Sang năm thứ ba (2009), bão táp dữ dội hơn, làm chao đảo cả những con thuyền lớn nhất của nền kinh tế thế giới. VN như một con thuyền nhỏ, lại mới ra biển, không thể tránh khỏi những tác động.
Vững tay chèo
Hội nhập đem lại cho VN nhiều cái “được”. Thứ nhất là thị trường. VN là nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 70% GDP, nếu không hội nhập, ta khó mở rộng được thị trường để giữ được mục tiêu xuất khẩu. Thứ hai là thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Thứ ba là thông qua hợp tác và thương mại thế giới, các doanh nghiệp VN được cọ xát để trưởng thành.
Tinh thần chấp nhận cạnh tranh ngày càng thể hiện rõ trong các doanh nghiệp, các ngành kinh tế. Các ngành chấp nhận cạnh tranh tốt thì tận dụng được thị trường tốt hơn như: dệt may, thủy sản, nông sản, thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu cao. Đây là điều mà chưa gia nhập, doanh nghiệp VN chưa làm được.
Trong hai năm 2008 và 2009 xảy ra nhiều biến động rất lớn nhưng Chính phủ đã có phản ứng tốt hơn với biến động trong và ngoài nước. Tuy tăng trưởng năm 2009 không cao so với các năm trước nhưng trong số những nước tăng trưởng dương, mức tăng trưởng của VN là cao, trong khi điều kiện của VN kém hơn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở quy mô vừa qua được đánh giá là 80 năm mới có. Việc VN vượt ra tương đối ổn so với các nước khác chứng tỏ tính năng động của nền kinh tế VN, tự thân đã có sức chống đỡ nhất định.
Hội nhập nhưng chưa cải cách
Hội nhập cũng cho VN cơ hội nhận thấy những điểm yếu của nền kinh tế. Trước hết là hiện tượng nhập siêu tăng cao và tăng nhanh, vượt ngoài dự báo. Điều đó cho thấy cơ cấu kinh tế VN bất ổn và kém cạnh tranh. Các ngành công nghiệp không cung ứng được nhu cầu phát triển sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong sự phát triển nhanh và sự nôn nóng muốn nắm các cơ hội, công tác điều hành chưa tốt dẫn đến nhiều quy hoạch ngành, vùng miền, địa phương bị phá vỡ, thiếu trật tự cần thiết. Đặc biệt có sự đua tranh quá lớn giữa các địa phương để giành dự án đầu tư bằng mọi giá, không tính đến lợi ích kinh tế cũng như các vấn đề bảo vệ môi trường, tài nguyên, gây ra nhiều vấn đề mới đáng lo ngại.
Là một nước kế hoạch hóa tập trung, vận hành nền kinh tế thành một thể thống nhất nhưng ngay khi mới hội nhập, tính thống nhất không còn. Đối mặt với khủng hoảng năm 2009, Chính phủ mới có điều kiện yêu cầu rà soát, loại bỏ những dự án không phù hợp.
Hội nhập WTO, vấn đề của VN hiện nay là gì? Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá 3 năm gia nhập WTO, VN đều tụt hạng trong xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia, từ thứ 68 xuống 70 và xuống 75. Những chỉ số khác cũng tụt hạng. Nghĩa là VN hội nhập nhưng chưa đi liền với cải cách.
Những ngành có năng lực thực sự không có đủ nguồn lực để phát triển, ngành được rót nhiều nguồn lực lại không lớn lên được trong môi trường kinh doanh méo mó. Và hậu quả là cả nền kinh tế bị thấp xuống về năng lực cạnh tranh.
Bài học lớn nhất về hội nhập của VN với tư cách là nước đang chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, tham gia WTO chính là phải phát triển thể chế thị trường, chấp nhận luật cạnh tranh chung. Muốn vậy, phải thúc đẩy sự đổi mới ở nước mình đi theo hướng hoàn thiện thể chế thị trường.
Cân bằng lợi ích Doanh nghiệp VN phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện chống bán phá giá khi vào WTO. Không chỉ ở mặt hàng có kim ngạch cao, ngay cả mặt hàng có kim ngạch chưa đáng kể cũng đã bị đối phương chặn lại. Khi chưa được công nhận thị trường đầy đủ, doanh nghiệp phải cố gắng tối đa minh bạch hóa hoạt động để lúc nào cũng sẵn sàng tự chứng minh được mình hoạt động trên cơ sở cạnh tranh.
|
(Theo Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế cao cấp) // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com