Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tư tưởng đổi mới kinh tế đã được kiểm chứng

PGS.TS Đặng Văn Thanh nhận Huân chương Quốc công do Chính phủ Pháp trao tặng. - tinkinhte.com
PGS.TS Đặng Văn Thanh nhận Huân chương Quốc công do Chính phủ Pháp trao tặng. Ảnh: S.T
Kế hoạch đến năm 2010, Việt Nam có 500.000 doanh nghiệp mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đưa ra, khi còn đương nhiệm sẽ trở thành hiện thực bởi sự thông thoáng, cởi mở của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Một cách xây dựng luật đúng đắn

“Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới kinh tế, quyết tâm hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam với thông điệp đưa ra hết sức rõ ràng: Việt Nam tạo môi trường kinh doanh bình đẳng đối với tất cả các thành phần kinh tế và không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư”, PGS. TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách (KTNS), người được giao nhiệm vụ cùng với nhiều thành viên của Ủy ban trong nhóm kinh tế tổng hợp chủ trì thẩm định Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2005 khẳng định.

Nhận  thức được đây là hai luật mới, phức tạp được xây dựng trên những quan điểm mới thay thế Luật Doanh nghiệp (1999). Luật Doanh nghiệp nhà nước (2003), Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987, 1996, 2000), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1997), nên trong quá trình tham gia xây dựng và thẩm tra Luật đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo là xây dựng Luật Doanh nghiệp chung, Luật Đầu tư chung, xóa bỏ sự phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các nhà đầu tư, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền chủ động quyết định của nhà đầu tư, của doanh nhân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

PGS. TS. Đặng Văn Thanh nhớ lại, thành quả mà 2 luật này mang lại ai cũng nhìn thấy,  nhưng trong quá trình xây dựng, soạn thảo, trình và thuyết phục Quốc hội thông qua, Ban soạn thảo (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội) đã dành nhiều thời gian, công sức để giải trình, thuyết phục và vượt qua không ít tư tưởng muốn duy trì nếp nghĩ cũ, tư tưởng ngại đổi mới, sợ mất đặc quyền, đặc lợi…”.

Ông Đặng Văn Thanh kể, thời gian xây dựng hai luật này (năm 2004) cũng là lúc Việt Nam đang tích cực đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nên chỉ cần một vài điều khoản nào đó chưa thực sự phù hợp hoặc còn hơi hướng bảo hộ, phân biệt đối xử, quá xa với các thông lệ và nguyên tắc thương mại quốc tế sẽ trở thành cái cớ để các nước gây khó việc gia nhập WTO của nước ta.

Trong khi đó, ở trong nước, mặc dù tiến trình đổi mới kinh tế; cải cách, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đã diễn ra được 10 năm, nhưng vẫn còn không ít nhận thức, quan điểm chưa hoàn toàn thông suốt, tư tưởng níu kéo tiến trình đổi mới, nặng lòng với doanh nghiệp nhà nước, chưa thật yên lòng với độ mở ngày càng lớn của nền kinh tế. Có không ít lãnh đạo các cấp còn tâm lý e ngại, lo lắng, cân nhắc giữa cái được và cái mất của một nền kinh tế mở cửa, của sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài, của những khó khăn cho doanh nghiệp trong nước và chủ quyền quốc gia…

“Ý thức được tính chất quan trọng của hai dự án luật và khó khăn, phức tạp sẽ gặp phải nên Chủ nhiệm Ủy ban KTNS chủ trương phải tham gia với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay từ đầu chứ không chờ đến khi có dự thảo của Chính phủ trình sang  Quốc hội. Đây cũng là cách làm khác với quy trình thông thường xây dựng luật. Sau này nghĩ lại, có thể nói đó là quyết định rất đúng đắn và cần thiết.

Tuy nhiên, để Quốc hội biểu quyết thông qua lại là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Thậm chí, ngay cả vài ngày trước thời gian trình Quốc hội “bấm nút” thông qua 2 luật này (ngày 29/11/2005), vẫn còn không ít ý kiến chưa hoàn toàn đồng thuận về một số quy định của Luật, như quy định giải quyết tranh chấp có liên quan hoạt động đầu tư, về cổ phần chi phối của nhà nước; về phân loại dự án và các thủ tục liên quan từng loại dự án; về thủ tục giải quyết ưu đãi…

Trong buổi sáng Chủ nhật trước ngày biểu quyết thông qua Luật, Quốc hội đã tổ chức họp riêng với các đại biểu Quốc hội là nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp, là chuyên gia kinh tế, các luật gia để trao đổi và giải trình thêm một số vấn đề về quan điểm và thủ tục xử lý trong các quy định có hai, ba phương án khác nhau và rất mừng là đã tìm được phương án có sự đồng thuận cao”, ông Thanh kể.

Tìm tiếng nói chung

Như đã nói, đây là hai luật khá phức tạp, bởi đây không chỉ là “luật mẹ” của các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, mà có tác động đến toàn bộ hoạt động đời sống kinh tế của đất nước trong tương lai và có ảnh hưởng rất lớn trong việc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Tuy nhiên, khi đi vào thiết kế những điều khoản cụ thể và thể hiện chính sách Luật thì vấn đề không hoàn toàn đơn giản. Trong không ít quy định và chế tài của Luật đã không dễ tìm được tiếng nói chung ngay từ đầu.

PGS.TS Thanh kể, trong các cuộc làm việc, rất nhiều lần các thành viên của Ủy ban KTNS và Ban soạn thảo phải làm việc liên tục hai, ba ngày, đã không ít lần “nóng mặt, đỏ tai” để bảo vệ quan điểm, bảo vệ chính kiến. Không chỉ làm việc ở Hà Nội, có khi còn làm việc ở một số nơi ngoài Hà nội, thậm chí rất xa Hà Nội để các thành viên tập trung hơn và có điều kiện hiểu nhau hơn, bình tĩnh hơn khi thuyết phục và lắng nghe nhau. Kết quả nhiều buổi làm việc được đánh giá là có hiệu quả và chất lượng dự án Luật đã tốt hơn nhiều, các thành viên hiểu và gắn bó với nhau hơn.

Với thành viên của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, những người tham gia xây dựng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như anh Cao Viết Sinh, Nguyễn Bích Đạt, Đinh Văn Ân, Nguyễn Bá, Nguyễn Đình Cung, Võ Trí Thành… và đặc biệt là Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, sau những buổi làm việc trực tiếp đã trở thành những người thân thiết, trân trọng, quý mến và hiểu nhau hơn rất nhiều. Đây có lẽ là hiệu quả ngoài ý tưởng mà Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp tặng riêng cho những người tham gia trong quá trình xây dựng nên 2 luật này.

Người trong cuộc

Không biết các anh Võ Hồng Phúc, anh Cao Viết Sinh và anh Nguyễn Bích Đạt (chủ trì xây dựng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư) thế nào, còn tôi, trong quá trình được giao nhiệm vụ  tham gia thẩm tra 2 luật này đã nhận được không ít những câu hỏi, những điện thoại “chất vấn”, kể cả có cuộc điện thoại vào ban đêm hỏi về doanh nghiệp nhà nước, cổ phần chi phối của nhà nước, về nghĩa vụ bảo lãnh vốn vay, về thủ tục giải quyết ưu đãi…

Có những câu hỏi khá gay gắt: “Vì sao trong Luật quy định chỉ có 4 loại hình doanh nghiệp, không còn loại hình doanh nghiệp nhà nước? Tính chất xã hội chủ nghĩa thể hiện như thế nào? Vì sao lại không phân biệt đối xử, không dành ưu ái trong đầu tư nhiều hơn cho doanh nghiệp trong nước? Có ý kiến còn nói thẳng, vậy thì theo quy định của Luật vai trò chủ quản của các bộ, ngành, của chính quyền đối với doanh  nghiệp thế nào…

Tôi luôn quan niệm rằng, những người đặt ra các câu hỏi, thậm chí hơi gay gắt đều là người có tâm huyết và luôn lo lắng, quan tâm tới tương lai của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập và mở cửa, hay nói xa hơn là họ rất quan tâm đến vận mệnh của đất nước, dân tộc nên dù trong bất cứ thời gian nào, hoàn cảnh nào  cũng dành thời gian trả lời, giải thích thoả đáng, cặn kẽ, tranh thủ sự đồng tình và cũng lắng nghe thêm ý kiến đóng góp. Kết quả là, sau khi được giải trình, người hỏi đã hài lòng, đồng tình ra và không ít ý kiến đề xuất rất giá trị, rất cụ thể để thể hiện đầy đủ hơn, rõ hơn các chính sách trong Luật.

(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)

  • Nỗ lực kiềm chế lạm phát
  • Việt Nam hướng tới kinh tế thị trường với tốc độ cao nhất
  • Để đảo chiều đi của hạt muối
  • Tăng giá điện 2010: Tác động có thể lớn hơn dự báo
  • Hạn chế tối đa yếu tố phát sinh lạm phát
  • WB tin tưởng sự phát triển bền vững của Việt Nam
  • Đến năm 2011 phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên cả nước
  • Yên Bái: Vì đâu đàn bò có xu hướng giảm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi