Sau hơn nửa năm thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, đầu tháng 12 này, Chính phủ đưa ra gói 5 giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, dành 1 tỷ USD để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Về gói giải pháp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi ý kiến với ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban nghiên cứu và chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ trong những năm 1993-2006, hiện là nhà nghiên cứu độc lập tại Viện Nghiên cứu phát triển (IDS).
PV: Thưa ông, liên tục mấy tháng gần đây, chỉ số giá tiêu dùng giảm âm. Vậy có thể hiểu các giải pháp chống lạm phát đã thành công?
* Ông TRẦN ĐỨC NGUYÊN: Chính phủ đã có những giải pháp đúng, đem lại chuyển biến tích cực. Đến thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chuyển sang chiều âm, song cần phải thấy đó là do tác động của nhiều mặt chứ không chỉ nhờ các giải pháp của Chính phủ. Trong rổ hàng hóa để tính CPI, có 3 loại giảm khá mạnh (vật liệu xây dựng, nhà ở; phương tiện đi lại và cước vận tải; lương thực) làm đổi chiều chỉ số giá chung.
Chính sách thắt chặt tiền tệ tác động rõ nhất là thu hẹp đầu tư làm giảm giá vật liệu xây dựng, nhà ở. Còn giá vận tải giảm chủ yếu là do giá xăng dầu thế giới xuống nhanh; giá lương thực giảm là điều không mong muốn, vì giá gạo xuống quá là không tốt, rất bất lợi cho nông dân. Ngoài 3 loại này ra, giá các thứ khác vẫn tăng nhẹ. Nên đừng nhìn vấn đề một cách đơn giản, mà phải đi sâu vào các khía cạnh của việc giảm lạm phát.
* Vậy các giải pháp chống lạm phát của Chính phủ trong năm qua còn thiếu mặt nào?
* Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đã nêu bài học về chất lượng tăng trưởng kinh tế, phải chú trọng các yếu tố phát triển theo chiều sâu, thể hiện từ tăng hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất để nâng cao được giá trị gia tăng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế... Nhưng hiện nay các yếu tố này đều bất cập. Tôi chỉ lấy một ví dụ dễ thấy: Nông sản là một thế mạnh của Việt Nam, chúng ta đã coi trọng thâm canh, sử dụng sức lao động, đạt được năng suất cây trồng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực.
Nhưng sản xuất, chế biến, dự trữ, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản của ta vẫn bị trục trặc, chưa hình thành được chuỗi liên kết các khâu với sự phân phối lợi ích hợp lý để tăng sức cạnh tranh. Việt Nam xuất khẩu gạo đã gần 20 năm rồi, nhưng đến nay vẫn lúc được giá thì thiếu hàng, khi được mùa thì rớt giá và người chịu thiệt nhất vẫn là nông dân. Đó là vấn đề rất lớn và rất cấp bách có thể tìm cách gỡ từ những mô hình tốt ở trong nước và nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài.
* Theo ông, gói giải pháp chống suy giảm, kích cầu đầu tư và tiêu dùng mà Chính phủ vừa đưa ra liệu đã đủ mạnh chưa?
* Bây giờ, suy giảm không còn là nguy cơ mà đang diễn ra trong thực tế rồi. Rõ ràng là sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đình đốn, thu hẹp, đầu tư cũng giảm, xuất khẩu mấy tháng nay đã giảm liên tiếp, việc làm thì bớt đi, sức mua cũng kém trước. Với hàng loạt yếu tố như thế thì bây giờ biện pháp đầu tiên là phải kích cầu như Chính phủ đã đề ra. Nhưng kích cầu như thế nào cho đúng thì lại phải xem xét kỹ. Vì nếu kích cầu đầu tư mà vẫn đưa vào những lĩnh vực kém hiệu quả thì tình hình càng xấu đi. Các dự án đầu tư công phải soát xét chặt chẽ, thực sự cần thiết và có hiệu quả.
Chính phủ đã nhấn mạnh điều này nhưng điều quan trọng là phải có cơ chế giám sát để tránh sai lầm về chủ trương đầu tư, tránh tình trạng thi công kéo dài, không bảo đảm chất lượng công trình và bị rút ruột. Đi đôi với các biện pháp giãn thuế, giảm thuế, cần có chính sách tín dụng hỗ trợ cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh tế gia đình sản xuất kinh doanh những sản phẩm và dịch vụ đang có nhu cầu trên thị trường trong, ngoài nước.
Thứ hai, bên cạnh kích cầu đầu tư, cần có biện pháp hữu hiệu kích cầu tiêu dùng, kích hoạt thị trường trong nước. Phải tạo cho người dân có thu nhập thì dân mới mua hàng, có mua thì hàng mới chạy, hàng bán chạy sản xuất mới thông. Vì vậy, bên cạnh một số biện pháp của Chính phủ trợ giúp người nghèo, nơi bị thiên tai... không nên để quá lâu việc tăng lương, mà nên tăng sớm (thực ra chưa phải là tăng lương mà là bù đắp sự giảm sút do lạm phát).
Quốc hội đã quyết định từ 1-5-2009 mới tăng lương chung. Nhưng khi Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia họp với một số chuyên gia độc lập, nhiều ý kiến cho rằng trong khi chưa đến lúc tăng lương chính thức, có thể áp dụng cách trợ cấp cho người hưởng lương và thu nhập cố định, quan tâm trước hết đến đông đảo những người lương thấp. Tăng lương và trợ cấp lúc này không sợ kích giá.
* Theo ông, năm 2009, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tác động dến Việt Nam tới mức độ nào?
* Lúc đầu, có ý kiến cho rằng Việt Nam không chịu tác động mạnh của khủng hoảng tái chính và suy thoái kinh tế thế giới. Song nay đã rõ là tác động đó không nhỏ, đặc biệt là đối với xuất khẩu và đầu tư, kéo theo các vấn đề về cân đối xuất-nhập, cán cân thanh toán quốc tế, tỷ giá... Tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp chưa lường trước được.
Chúng ta đều biết, công tác dự báo vẫn còn nhiều bất cập; chưa thể đoán định được tình hình suy thoái này sẽ kéo dài bao lâu; nhiều nhận định cho rằng ít nhất đến hết năm 2009, sang đầu 2010. Khi có dấu hiệu phục hồi thì một số giá như xăng dầu sẽ tăng trở lại. Hoặc khi có thiên tai là giá lương thực lại lên. Lúc đó giá cả có thể lại có biến động xoay chiều. Vì vậy, các chính sách, biện pháp điều hành không thể yên tâm theo một chiều, mà phải hết sức linh hoạt.
(Theo báo Sài gòn giải phóng )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com