Báo cáo nhanh của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/4/2012 đạt 4,267 tỷ USD, bằng 68,5% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này đã thay đổi đáng kể trong tuần cuối của tháng 4.
Trong số 4,267 tỷ USD vốn đăng ký mới theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký của 169 dự án được cấp phép mới đạt 3,099 tỷ USD, bằng 44,1% số dự án và bằng 72,6% số vốn cùng kỳ năm 2011, trong khi vốn đăng ký bổ sung của 73 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 1168,1 triệu USD.
Một chỉ số quan trọng khác là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 3,6 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong tuần cuối của tháng 4, đã có một loạt dự án lớn được cấp phép và nếu thống kê chính xác con số của tháng 4, tổng lượng vốn FDI đăng ký sẽ tăng lên đáng kể.
Chiều 24/4, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Wintek Việt Nam. Đầu năm 2011, Wintek Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên), thực hiện dự án sản xuất các loại màn hình điện thoại di động với tổng số vốn đăng ký 250 triệu USD.
Tuy nhiên, với giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, nhiều đối tác đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài với doanh nghiệp nên Wintek đã quyết định bổ sung, mở rộng dự án tại Bắc Giang, trong đó tập trung sản xuất màn hình hiển thị tinh thể lỏng (LCD), tấm cảm ứng (TP), module hiển thị tinh thể lỏng (LCM). Dự án sau khi được điều chỉnh sẽ có tổng số vốn đăng ký 1,12 tỷ USD, dự kiến sử dụng 51.000 lao động và trở thành dự án FDI lớn nhất tại Bắc Giang.
Ngày 23/4, UBND thành phố Hải Phòng cũng đã gấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Nipro Pharma (Nhật Bản) thành lập Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam và triển khai dự án xây dựng nhà máy Nipro Pharma Việt Nam chuyên sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế tại khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP tại huyện Thủy Nguyên, với tổng số vốn đầu tư 250 triệu USD.
Nhà máy được xây dựng với mục tiêu chuyên sản xuất các loại thuốc tân dược có chất lượng cao với giá thành rẻ để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Khi đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất được 20 triệu túi dịch truyền, 40 triệu ống thuốc tiêm, 40 triệu lọ thuôc tiêm, 2 tỷ viên thuốc uống, 1 tỷ miếng cao dán... Chủ đầu tư cho biết nhà máy sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 8/2012 và chính thức đi vào sản xuất trong tháng 5/2015.
* Trong tổng vốn đăng ký của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành 4 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,374 tỷ USD, bao gồm: 1,623 tỷ USD của 82 dự án cấp phép mới và 750,9 triệu USD vốn tăng thêm; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1,576 triệu USD, bao gồm: 1,2 tỷ USD của 2 dự án cấp phép mới và 376,4 triệu USD vốn tăng thêm; ngành vận tải, kho bãi đạt 180 triệu USD của 1 dự án cấp phép mới.
Cả nước có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong bốn tháng đầu năm, trong đó Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 1264,3 triệu USD, chiếm 40,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hải Phòng 612,6 triệu USD, chiếm 19,8%; Quảng Ninh 347,4 triệu USD, chiếm 11,2%; Ninh Bình 184,4 triệu USD, chiếm 6%; Khánh Hòa 180 triệu USD, chiếm 5,8%; Tiền Giang 152,6 triệu USD, chiếm 4,9%; Hưng Yên 79,5 triệu USD, chiếm 2,6%...
Trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam bốn tháng đầu năm, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 2360,7 triệu USD, chiếm 76,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hồng Kông (Trung Quốc) 349,9 triệu USD, chiếm 11,3%; Hàn Quốc 200,1 triệu USD, chiếm 6,5%; Hà Lan 46,1 triệu USD, chiếm 1,5%; Singapore 38,3 triệu USD, chiếm 1,2%...
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com