Chúng ta không nên gọi các bộ tiêu chuẩn là “tiêu chuẩn quốc tế”, bởi có chữ “quốc tế” khiến nông dân sợ.
Ngày 17-12, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã ký biên bản ghi nhớ về sự hợp tác, phát triển việc phát triển cá tra theo hướng bền vững. Liên quan đến câu chuyện WWF đưa cá tra từ danh mục da cam vào danh mục đỏ rồi lại đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh mục này, PV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.
“Chúng ta chưa hiểu gì về nó”
. Thưa ông, biên bản ghi nhớ giữa phía Việt Nam với WWF cụ thể là gì?
+ Đây là biên bản ghi nhớ sự đồng thuận giữa hai bên chứ ta không có nghĩa vụ với phía WWF và ngược lại. Trong biên bản ghi nhớ, WWF sẽ giúp đỡ Việt Nam tiếp cận phương pháp mới do WWF xây dựng. Đó là chứng chỉ ASC về việc nuôi thủy sản theo hướng bền vững. WWF chưa tổ chức việc đánh giá công nhận ASC. Họ mới có bộ tiêu chuẩn ASC vào ngày 30-10. Khi chưa có việc đánh giá thì cũng chưa có việc công bố giá cả cho việc áp dụng ASC.
. Tiến trình hợp tác sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
+ Lúc đầu họ nghĩ chúng ta áp dụng ngay các tiêu chuẩn ASC, trong khi chúng ta chưa hiểu gì về nó. Hai bên thống nhất giai đoạn khởi động trong sáu tháng. Trong thời gian này, WWF sẽ trình bày cho chúng ta hiểu về ASC. Chúng ta sẽ có những nhà khoa học, nhà quản lý, người nuôi trồng… nghe để nhận thấy chúng ta có cần đến ASC hay không, chúng ta muốn điều chỉnh chỗ nào... Nếu các bên tìm được sự đồng thuận, họ sẽ hỗ trợ tài chính để mở các khóa đào tạo. Bởi WWF nhận được sự tài trợ của các nước và nhiều tổ chức do mục đích của họ là bảo vệ môi trường hoang dã. Việc có dùng ASC hay không là quyền của nhà chế biến và người nuôi.
. Vậy việc này hoàn toàn tự nguyện?
+ Nếu nhà nhập khẩu yêu cầu thì bên xuất khẩu phải thực hiện chứng chỉ ASC, nếu không thực hiện thì họ không mua hàng. Do đó sẽ có một số nhà xuất khẩu và nhập khẩu thỏa thuận lấy tiêu chuẩn ASC. Khi ta đã hợp tác với WWF, nếu nhà nhập khẩu yêu cầu ASC thì lúc đó ta cũng có cái để đáp ứng, giúp nhà xuất khẩu bán được hàng.
Không tổ chức nào rảnh để đi vận động người dân mua hàng của mình. Quan trọng là họ có thể vận động và phối hợp và yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam phải theo tiêu chuẩn nào đó của họ. Các tiêu chuẩn đặt ra chỉ là sự giao kèo giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Người tiêu dùng không hề biết.
Nông dân sợ “tiêu chuẩn quốc tế”
. Theo ông, hiện tiêu chuẩn quốc tế nào có uy tín với cá tra nói riêng và thủy sản nói chung?
+ Thú thật là tôi cũng chẳng biết thương hiệu nào là có uy tín. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không nên gọi các bộ tiêu chuẩn là “tiêu chuẩn quốc tế”, bởi có chữ “quốc tế” khiến nông dân… sợ.
. Có quy trình cụ thể nào trong việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn không, thưa ông?
+ Tôi chỉ xin kể một câu chuyện liên quan đến việc đưa ra các bộ tiêu chuẩn trong việc phát triển, nuôi trồng thủy sản. Năm 2001-2003, một tổ chức phi chính phủ ở Thụy Sĩ đưa chứng nhận cho việc nuôi tôm sinh thái đến Việt Nam. Họ bảo chúng ta phải nuôi sinh thái theo cách của họ, giá sẽ tăng. Tôi hỏi: “Có quy định nào của châu Âu buộc chúng tôi phải nuôi theo quy định này không?”, họ không có mà chỉ đưa ra tài liệu hướng dẫn việc nuôi sinh thái. Họ “biếu” chúng ta 250.000 USD để hướng dẫn dân nuôi theo tiêu chuẩn của họ. Họ bảo sẽ tăng giá xuất khẩu 15%-20% nếu nuôi theo tiêu chuẩn của họ.
Họ chỉ cho ta khách hàng mua tôm với mức giá tăng thêm 15%-20% bằng cách đưa vào Green Shop (cửa hàng xanh) tại Thụy Sĩ. Tôi đã đi Thụy Sĩ vài lần và biết có vài cửa hàng Green Shop nhưng rất ít khách mua. Ở Amsterdam (Hà Lan) là nơi tiêu thụ nhiều thủy sản và cũng rất hiếm khách vào mua tại loại cửa hàng này, trong khi tại cửa hàng khác, khách phải xếp hàng. Thế thì làm sao bán tăng thêm được 15%-20% như họ mách nước. Trong khi thực hiện theo tiêu chuẩn của họ, ta phải mất 200 USD cho mỗi container hàng xuất. 200 kg trở lên cũng gọi là… một container. Tóm lại, họ chỉ “chứng” cho mình, rồi mình bán đi đâu thì bán. Như thế thì làm sao mà có giá cao được.
. Theo ông, có tình trạng bát nháo về tiêu chuẩn nên khiến người nuôi trồng thủy sản hoang mang và chúng ta phải chạy theo để… “an tâm”?
+ Những tiêu chuẩn chỉ là lệ và mang tính “nhập gia tùy tục”. Ví như mình bán hàng cho hệ thống bán lẻ, mình không đáp ứng tiêu chuẩn của họ thì họ không cho hàng của mình vào hệ thống của họ. Tổ chức phi chính phủ muốn biến quy định của mình thành hiện thực phải thông qua nhà bán lẻ để ép nhà xuất khẩu. Hiện người nuôi cá tra cũng như doanh nghiệp Việt Nam đang bị bội thực các loại chứng chỉ mà nhiều khi chính chúng ta cũng không rõ nó từ đâu, ai ban hành.
. Xin cảm ơn ông.
Theo Ông NGUYỄN VĂN TRỌNG, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN&PTNT):Chất lượng là do nước nhập khẩu quy định
Hiện cá tra của Việt Nam xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Do đó chất lượng của cá tra do chính thị trường nhập khẩu quy định. Về phía doanh nghiệp, trước khi xuất khẩu đều nghiên cứu để có hướng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Hiện châu Âu, Mỹ là nơi có quy định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Khu vực Đông Âu, Trung Đông tuy ít khắt khe hơn nhưng lại có những quy định riêng về chất lượng.
Dù mục đích và tên gọi khác nhau nhưng tiêu chí chung của các bộ quy chuẩn là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường. Để thống nhất về quy chuẩn chung thì nhiều tổ chức trên thế giới khuyên doanh nghiệp nên áp dụng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tuy nhiên, với điều kiện sản xuất, nuôi trồng nhỏ lẻ của Việt Nam thì việc áp dụng tiêu chuẩn này hết sức khó khăn.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com