Ông Nguyễn Quang A: "Đây là một tình huống mà các doanh nghiệp cần hơn bao giờ hết một tiếng nói của hiệp hội". |
Đầu tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy định về màu sơn vỏ tàu, cánh buồm và thiết kế cơ sở các tàu du lịch tại Hạ Long, theo đó các tàu bắt buộc phải sơn màu trắng phần thân vỏ và màu nâu phần cánh buồm trước ngày 30/4/2012.
Phát biểu trong một cuộc hội thảo chuyên đề về kinh tế vĩ mô của Việt Nam mới đây tại Hà Nội, TS. Nguyễn Quang A nói quyết định này là một hành động “vi phạm Luật Doanh nghiệp và các quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật” của tỉnh Quảng Ninh.
Vụ “sơn tàu” tại Quảng Ninh, cùng với vụ tranh chấp tại Tiên Lãng (Hải Phòng), được ông A dẫn chứng như là những ví dụ điển hình của tình trạng ban hành các văn bản trái luật.
Dẫn số liệu từ hội nghị tổng kết mới đây của Bộ Tư pháp, ông A nói qua kiểm tra gần 44.600 văn bản quy phạm pháp luật thì đã phát hiện tới 3.600 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình thức, nội dung, thẩm quyền ban hành, trong đó có khoảng 1.000 văn bản có nội dung trái pháp luật.
Vị chuyên gia này bày tỏ sự lo lắng khi tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật đang diễn ra phổ biến và làm xấu đi môi trường pháp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. “Không có gì hủy hoại niềm tin của dân chúng vào nhà nước, phá hoại uy tín của nhà nước, tức là cản trở sự phát triển của đất nước bằng sự vi phạm luật của các cán bộ, quan chức và cơ quan nhà nước. Người càng cao vi phạm luật thì tác động càng tồi tệ”, ông nhấn mạnh.
"Cà phê cuối tuần" kỳ này, VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang A.
Thưa ông, vì sao ông lại quyết định lên tiếng phản đối vụ UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu sơn trắng tàu du lịch?
Ngay sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định về việc quy định màu sơn vỏ tàu và cánh buồm đối với các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, tôi nhận được phản ánh từ một số anh em doanh nghiệp ngay trên địa bàn Quảng Ninh. Họ gọi điện thoại cho tôi bày tỏ sự bức xúc và sau đó gửi các văn bản, tài liệu đề nghị tôi có ý kiến.
Tôi đã nghiên cứu một cách hết sức cẩn thận về quyết định này này cũng như các văn bản mà căn cứ vào đó UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định, bao gồm Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
Điều đáng tiếc là việc viện dẫn các nội dung trong các văn bản này là không phù hợp. Hơn nữa, vì đây là một quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp nên nó cần phải tuân thủ cả Luật Doanh nghiệp, nhưng điều này cũng không được đảm bảo.
Ông có thể phân tích rõ hơn về khía cạnh pháp lý của quyết định này, vì sao nó được coi là vi phạm pháp luật?
Quyết định này vi phạm quyền của các doanh nghiệp được nêu rõ trong Luật Doanh nghiệp. Chẳng hạn, Điều 161 của Luật Doanh nghiệp về nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp không có nội dung nào cho phép bất cứ cơ quan nhà nước nào được can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp như quyết định này.
Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cũng không có nội dung nào cho phép các tổ chức này ra các quyết định như quyết định này.
Trong khi đó, quy trình ra quyết định thì rõ ràng là có vấn đề. Cụ thể, ngày 5/12/2011, UBND Quảng Ninh có thông báo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh; đến ngày 14/12/2011, UBND tỉnh đưa ra dự thảo quyết định và gửi cho các sở liên quan và đến ngày 4/1/2012 có thông báo ý kiến chỉ đạo của của Ban thường vụ Tỉnh ủy là coi như đã đủ cơ sở để ngày 5/1/2012 UBND tỉnh ra quyết định.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân hiện hành quy định rằng trong trường hợp tương tự, cần phải lấy ý kiến các đối tượng chịu trách nhiệm trực tiếp và dành ít nhất 7 ngày để ghi nhận các ý kiến góp ý vào dự thảo. Việc tổ chức họp với các doanh nghiệp vào ngày 9/1/2012, tức là 4 ngày sau khi quyết định, đã cho thấy sự vi phạm trong quy trình ban hành quyết định.
Ông có bình luận gì về việc quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh đã được ban hành chỉ một ngày sau khi có sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Ninh?
Đúng là quyết định này đã được ban hành sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 491-TB/TU ngày 4/1/2012, chỉ một ngày trước khi quyết định được ban hành. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Một thông báo chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy lại được coi là căn cứ pháp lý để ra quyết định là không phù hợp trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang nỗ lực xây dựng một nhà nước pháp quyền trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Qua tìm hiểu, tôi được biết nhiều sở, ban, ngành đã có các văn bản “tán dương, phụ họa” cho ý kiến của Tỉnh ủy Quảng Ninh và đó cũng là cơ sở để ra quyết định.
Thưa ông, sự bất hợp lý của quyết định này có thể gây khó cho nhiều doanh nghiệp tại Quảng Ninh, tuy nhiên trên thực tế, quyết định này vẫn đang có hiệu lực và đang được thi hành?
Tôi cảm nhận được sự bức xúc của nhiều doanh nghiệp qua phản ánh của họ. Một doanh nghiệp nước ngoài đang có kế hoạch mở rộng đội tàu, sau khi xem quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh như thế thì họ tuyên bố “nghỉ chơi”, họ nói sang Biển Hồ làm còn khỏe hơn.
Cái khó cho các doanh nghiệp hiện nay là họ không thể nói lên tiếng nói của họ vì tương lai của công việc kinh doanh; họ không thể ra mặt phản đối, thậm chí bề ngoài vẫn phải ủng hộ. Vì không có tiếng nói phản đối một cách chính thức và mạnh mẽ nên quyết định này vẫn được thi hành.
Đây là một tình huống mà các doanh nghiệp cần hơn bao giờ hết một tiếng nói của hiệp hội. Hội Doanh nghiệp Quảng Ninh có thể không lên tiếng được, nhưng lúc này Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Vận tải… và cao hơn hết là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần lên tiếng, vì điều này có thể làm tổn hại đến lợi ích lâu dài của Quảng Ninh và của đất nước.
Những lúc này mà không lên tiếng thì sự tồn tại của các hiệp hội, cũng như của VCCI, là vô nghĩa!
Từ sự việc này, ông có thể đưa ra những nhận xét gì?
Vụ sơn tàu chỉ là một biểu hiện, một ví dụ cụ thể về sự vi phạm luật của các cán bộ, quan chức và cơ quan nhà nước. Điều tôi cảm thấy buồn nhất là một sự việc như vậy nhưng lại được chấp nhận một cách bình thường? Chúng ta đang “làm quen” với nhiều điều bất hợp lý, tới mức thấy nó… hợp lý?
Vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng mới đây cho chúng ta thấy, quyền lực đã được chính quyền địa phương “biểu diễn” như thế nào. Cứ mỗi một vụ việc như vậy, niềm tin trong dân chúng lại sút giảm. Vụ việc này cũng cho thấy vai trò của báo chí, của phản biện xã hội là rất quan trọng, sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề tiêu cực mà nhà nước khó có thể một mình giải quyết.
Về lâu dài, sự phát triển bền vững của nhà nước cần phải dựa vào ba trụ cột: một nhà nước hiệu quả, một nền kinh tế thị trường năng động và một xã hội dân sự với các tổ chức xã hội dân sự hoạt động tận tâm. Những nội dung này cần được coi như những mục tiêu quan trọng trong quá trình cải cách tiếp theo của Việt Nam, trong đó đặc biệt là phát triển xã hội dân sự. Thiếu xã hội dân sự mạnh, sự phát triển của đất nước khó có thể hài hòa và những bất ổn xã hội có thể trở nên trầm trọng hơn, gây tổn hại cho phát triển kinh tế.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com