Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năm năm WTO: Khó nhất là thay đổi chính mình!

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ngày 26/10/2006, người đứng đầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã vung tay, gõ búa chấm dứt quá trình đàm phán kéo dài suốt 9 năm, nếu kể cả thời gian chuẩn bị là 11 năm của Việt Nam. Từ thời khắc đó, cánh cửa vào sân chơi kinh tế thương mại lớn nhất hành tinh đã mở toang đối với Việt Nam.

Trao đổi với Vietnam+ bên lề Hội thảo “5 năm là thành viên WTO, Việt Nam đã và sẽ ở đâu trong hội nhập” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, sáng 29/2, tại Hà Nội, ông Lương Văn Tự, nguyên trưởng đoàn đàm phán thương mại của Chính phủ chia sẻ, tham gia sân chơi WTO cơ hội lắm nhưng thách thức cũng nhiều, cái khó khăn nhất là chúng ta có dám tự thay đổi để lớn hay không!

Là người tham gia từ vòng đàm phán đầu tiên, xin ông cho biết Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào sau 5 năm gia nhập WTO?

Ông Lương Văn Tự: Tôi nhớ rằng lúc bắt đầu đàm phán gia nhập WTO thì thu nhập trung bình của Việt Nam là 400 USD/người/năm và kết thúc đàm phán gia nhập WTO một thời gian đã nâng thu nhập bình quân ngang với các nước phát triển trung bình ở mức 1.000 USD/người/năm, đến bây giờ đã là trên 1.200 USD/người/năm.

Tất nhiên, không phải chỉ mỗi yếu tố mở cửa thị trường mà thu nhập nâng lên mà là sự cố gắng của toàn dân, đặc biệt là các doanh nghiệp đã tận dụng được sự mở rộng thị trường để tăng đầu tư phát triển.

Khi kết thúc đàm phán gia nhập WTO thì thu hút đầu tư nước ngoài cũng tăng vọt, lên trên 60 tỷ USD và là một đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Tiếp đến, việc gia nhập WTO đã tạo ra một hệ thống pháp luật mới để phục vụ cho chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Người dân và doanh nghiệp đều có tư duy mới, không chỉ bó hẹp ở thị trường nội địa mà là toàn cầu.

Điểm nổi bật nhất chính là xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục, sau 5 năm kim ngạch xuất khẩu tăng 97,7%, năm 2011 đã đạt 96,9 tỷ USD.

Dịch vụ phân phối, bán lẻ phát triển mạnh, sự ra đời của các siêu thị, trung tâm thương mại và hàng trăm cửa hàng tiện lợi đã làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ, thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội.

Ông nói nhiều đến cơ hội, vậy thách thức đặt ra trong thời gian tới sẽ như thế nào và doanh nghiệp cần phải quan tâm đến điều gì?

Ông Lương Văn Tự: Theo một cuộc thăm dò mới nhất của VCCI thì tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều có bước phát triển rất mạnh. 3/4 đưa ra ý kiến tốt, một nửa trong 1/3 không có ý kiến và phần còn lại cho rằng không có tác động lớn.

Như thế cho thấy đa số là tốt và hầu hết các doanh nghiệp đều tán thành việc gia nhập WTO tạo ra một sân chơi lớn cho chính mình. Tuy nhiên, cái khó nhất là trong thời kỳ mở và phát triển nhanh, mạnh hơn trước khiến trình độ quản lý của nhiều doanh nghiệp không theo kịp.

Còn với nền kinh tế vĩ mô, mỗi một biến động trên thế giới đều ảnh hưởng đến Việt Nam, do vậy việc quản lý điều hành cũng phải nhanh nhạy, gắn với thế giới chứ không phải như trước nữa.

Thứ hai, việc quản lý trong điều kiện mở cũng phải bằng luật và kiểm tra, kiểm soát chứ không thể dùng các biện pháp hành chính đơn thuần, đây cũng là cái khó vì việc thay đổi cách quản lý không thể chỉ làm một đêm là xong mà cần có thời gian.

Khó nữa là cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài cũng mạnh hơn, nhưng hiện nay đang có một xu hướng là nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh thì họ có vốn, có kinh nghiệm và quay sang mua lại các doanh nghiệp FDI. Đây là cuộc chơi không mới trên thế giới nhưng nó cũng là tín hiệu tích cực trong sự thay đổi chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Một điều cần phải lưu ý là, ta có được thị trường toàn cầu thì ta cũng phải mở cửa thị trường cho họ. Nhập siêu trong những năm qua vì vậy cũng tăng liên tục: Năm 2006 là 5,065 tỷ USD, năm 2007 là 14,121 tỷ USD, năm 2008 là 18,029 tỷ USD, năm 2009 là 12,853 tỷ USD và năm 2011 là 9,844 tỷ USD, giảm khoảng 22% so với năm 2010 và bằng 10,15% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập siêu tăng chủ yếu là nhập máy móc thiết bị và nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, nhập cho tiêu dùng chỉ chiếm 7%. Nhưng nếu phân tích sâu và tách tác động của việc gia nhập WTO với Hiệp định mậu dịch tự do Asean CEPT/AFTA và Asean + 6 thì nhập siêu tăng trưởng trong những năm qua chủ yếu là từ các nước này và do lộ trình cắt giảm thuế nhanh và sâu.

Việc giảm thuế nhiều mặt hàng ảnh hưởng đến việc cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, vậy doanh nghiệp nên tận dụng các cơ hội này như thế nào?

Ông Lương Văn Tự: Nếu theo lộ trình gia nhập WTO thì không có chuyện thuế bằng 0, do vậy thuế đang ở mức trung bình là 17,4% khi bắt đầu gia nhập và khi kết thúc hành trình đó rút xuống còn 13,4% thì mức giảm của thuế khi gia nhập WTO là không lớn.

Nhưng ta phải quan tâm đến chuyện mức thuế giảm trong AFTA và ASEAN mở rộng lúc đó thuế mới xuống 0%, sẽ là khó khăn và thách thức nhất đối với doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vì chúng ta đi sâu mà rút được kinh nghiệm để đẩy nhanh đầu tư và gia nhập thị trường ASEAN và ASEAN mở rộng sẽ nâng được năng lực cạnh tranh lên rất nhiều.

Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được thị trường rất tốt, như thị trường dệt may, thủy hải sản và nông sản, ngược lại nhiều thị trường khác do chưa phát triển được sản xuất nên chưa tận dụng được nhiều nhưng bù lại nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại đang có khả năng thay thế.

Đơn cử những doanh nghiệp về điện tử họ sản xuất ở Việt Nam nhưng không phải bán ở thị trường Việt Nam mà tranh thủ những lợi thế của Việt Nam về nhân công, ưu đãi thuế trong nội khối ASEAN để xuất khẩu.

Do vậy, để có một chiến lược dài hơi, theo tôi cần xây dựng được lộ trình để phấn đấu 5-10 năm nữa phải xuất siêu, có một chiến lược rõ ràng đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhằm tăng giá trị thay vì số lượng.

Tiếp đến, cần phải đa dạng hóa “rổ ngoại tệ" với các thị trường có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, các nước ASEAN.

Đó là việc làm không dễ nhưng hãy nhìn các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Bruney để mạnh dạn có chiến lược và bước đi phù hợp cho đồng tiền Việt Nam trong quá trình nâng cao vị thế và khả năng chuyển đổi sang đồng tiền khác thì vấn đề đô la hóa sẽ giảm và vị thế tài chính của đồng tiền Việt Nam sẽ tăng lên.

Xin cảm ơn ông.
Đức Duy (Vietnam+)

 

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi