Tình trạng khai thác khoáng sản (KS) một cách bừa bãi thời gian qua không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên của đất nước mà còn gây không ít hệ lụy cho môi trường sống của con người. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Ngọc Sơn cho rằng công bố quy hoạch nguồn tài nguyên KS sẽ bảo vệ được nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả.
Nhiều nguyên nhân khiến tài nguyên KS của Việt Nam bị thất thoát trong đó có lý do chúng ta chưa có bản quy hoạch tổng thể về khoáng sản. Thưa ông bao giờ Bộ Tài Nguyên - Môi trường ( Bộ TN&MT) có thể công bố bản quy hoạch tổng thể hoạch định tài nguyên KS?.
Ông Phạm Ngọc Sơn: Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với hoạt động khai khoáng, đặc biệt khi Luật khai thác hiệu quả tài nguyên KS có hiệu lực từ 1-7-2011, chúng ta cần phải ban hành bản quy hoạch tổng thể về vùng tài nguyên. Quy hoạch tổng thể này sẽ bao gồm quy hoạch chi tiết của bốn loại quy hoạch: quy hoạch điều tra địa chất về KS; quy hoạch thăm dò KS nói chung; quy hoạch khai thác sử dụng KS trên phạm vi cả nước với các khoáng sản còn lại và quy hoạch KS của từng địa phương. Bao giờ mới công bố quy hoạch hoạch này, chúng tôi chưa thể đưa ra một câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên Bộ TN&MT đang làm rốt ráo việc này. Tôi cũng được biết, Quốc hội cũng chỉ đạo quyết liệt vấn đề này.
Khi công bố quy hoạch tổng thể tài nguyên KS mà trên cả nước vẫn còn rất nhiều giấy phép của các địa phương vừa cấp cho doanh nghiệp khai thác KS, vậy đối với doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác KS mà chưa hết hạn sẽ xử lý thế nào?
Quy hoạch chỉ là một điều kiện để cấp phép thăm dò thôi. Điều 84 Luật KS cũng đã quy định rõ, giấy phép cấp trước Luật khai thác hiệu quả tài nguyên KS sửa đổi có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện hết thời hạn ghi trong giấy phép, do đó các doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm.
Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này có đưa ra một số quy định khắc phục tình trạng cấp phép theo cơ chế xin - cho, trong đó có việc thực hiện đấu giá để cấp phép quyền khai thác KS. Theo ông, quy định như vậy liệu có giải quyết căn bản tình trạng quản lý tài nguyên KS yếu kém như thời gian vừa qua?
Quy định đấu giá thăm dò - khai thác KS, đấu giá quyền khai thác KS là một trong những giải pháp để minh bạch việc khai thác KS. Hy vọng quy định này sẽ góp phần quản lý tài nguyên hiệu quả hơn. Nhưng đó chỉ là một biện pháp, chưa phải là một “phép màu”. Để việc đấu giá thực sự phát huy tác dụng tích cực chúng tôi đang hoàn thiện cơ sở pháp lý và bảo đảm điều kiện thực hiện. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về nguyên tắc, cơ sở định giá; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên hữu quan sao cho bảo đảm lợi ích hài hòa, thỏa đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về đấu giá quyền khai thác KS mà Bộ TN&MT đang soạn thảo có quy định quá chặt, chặt tới mức doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn có thể trắng tay bởi trong nghị định nêu rõ, có thể đấu giá quyền khai thác KS ở những vùng chưa được thăm dò, vậy theo ông nếu chưa có thăm dò thì dựa vào đâu để định giá?
Theo quy định hiện hành, đấu giá quyền khai thác gồm hai trường hợp, đó là đấu giá quyền khai thác ở địa điểm có kết quả thăm dò và đấu giá ở khu vực chưa có kết quả thăm dò. Luật cũng quy định rõ là quyền khai thác chứ không phải đấu giá KS. Trước đây, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện của luật, Nhà nước cấp mà không thu khoản tiền nào. Quy định luật mới này nêu rõ, nếu đủ điều kiện khai thác KS phải trả một khoản tiền là tiền cấp quyền khai thác KS. Đối với vùng chưa có thăm dò trữ lượng KS khi tiến hành đấu giá, tổ chức, cá nhân phải tổ chức thăm dò xác định trữ lượng KS. Trữ lượng này sẽ được phê duyệt, giám sát bởi cơ quan có thẩm quyền. Nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả này để định giá mức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Có thể nói, để dẫn tới tình trạng thất thoát tài nguyên KS là do quy trình cấp phép. Năm 2005 chúng ta có luật sửa đổi về phân cấp phân quyền cấp phép khai thác KS cho các địa phương, chỉ trong vòng 3 năm từ 2005-2008 các địa phương đã cấp khoảng 4.000 giấy phép (gấp 12 lần cơ quan TƯ). Theo ông luật mới này có khắc phục tình trạng cấp phép bừa bãi?
Luật mới quy định khá chặt chẽ. Trước đây luật sửa đổi bổ sung 1 số điều có quy định đối với các KS nằm ngoài quy hoạch đã được điều tra, đánh giá, thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, nằm ngoài quy hoạch, nhưng đối với tài nguyên KS đã được điều tra đánh giá mới được cấp phép. Thực tiễn cấp giấy phép vừa qua cũng có trường hợp địa phương chưa tuân thủ đúng Luật. Để khắc phục tình trạng này theo luật KS, thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền cấp phép một số KS như than bùn và một số KS ở khu vực phân tán nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch chung.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com