Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cựu Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên bàn về bang giao với Mỹ

"Hết sức tranh thủ Mỹ, nhưng cũng phải nhìn các giới hạn của Mỹ. Họ là nước lớn, nhìn vấn đề theo kiểu nước lớn, toàn cầu. Không thể hi vọng họ làm gì nghĩ đến lợi ích của ta" - Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trò chuyện nhân 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

LTS: Gặp gỡ& Đối thoại thứ Năm tuần này là cuộc trò chuyện với cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Dy Niên về những cơ hội bị bỏ lỡ trong mối quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và định vị mối quan hệ đặc thù này trong thời điểm hiện tại, sau 15 năm bình thường hóa, từ cựu thù trở thành đối tác.


15 năm đã qua kể từ khi hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nhìn lại lịch sử, quan hệ hai nước đã gặp không ít chông gai, gập ghềnh nhất là hai nước đã nhiều lần lỡ cơ hội thiết lập rồi bình thường hóa quan hệ. Là người trong ngành, ông lí giải như thế nào về điều này?

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Gập ghềnh là tất yếu của lịch sử.

Từ năm 1945, Bác Hồ đã viết cho Tổng thống Mỹ đề nghị Mỹ bắt tay với Việt Nam, nhưng lúc đó, tên Việt Nam làm gì có trên bản đồ thế giới. Họ không quan tâm. Thời đó, ngay cả Liên Xô cũng chưa hiểu Việt Nam, chưa hiểu cách mạng Việt Nam là bao. Lịch sử chưa hiểu biết nhau thì chưa thể bắt tay.

Đến năm 1950, cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương bước sang giai đoạn khó khăn cho Pháp, người Mỹ lại bị ám ảnh bởi chủ nghĩa cộng sản và học thuyết đôminô... nên nhảy vào Đông Dương. Họ là người cung cấp viện trợ, tài chính chủ yếu cho Pháp. Theo thuyết đó, sau này, đến 1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về Việt Nam triển khai đường lối chống Cộng, chống Hồ Chí Minh.

Thời đó, nước Mỹ không vượt ra khỏi tư duy ý thức hệ.

"Quan hệ Việt - Mỹ gập ghềnh là tất yếu của lịch sử". Ảnh do nhân vật cung cấp.
Năm 1975, chiến tranh kết thúc. Hai năm sau, Tổng thống Jimmy Carter lên, họ nhìn ở tầm lớn hơn, muốn đặt quan hệ với Việt Nam để củng cố vai trò, vị trí ở Đông Nam Á  và ngay ở Việt Nam. Nếu 2 bên bình thường hóa, người Mỹ sẽ được lợi nhiều: để quá khứ đau thương sang một bên, trở lại khu vực...

Thế nhưng làm thế nào để hai bên gặp nhau, đi đến bình thường hóa là rất khó. Những hậu quả nặng nề của cuộc chiến vẫn còn đó, hiển hiện. Hội chứng chiến tranh Việt Nam vẫn rất nặng nề ở phía Mỹ. Không như các tượng đài chiến tranh khác, tượng đài chiến tranh Việt Nam chìm sâu xuống lòng đất, như nỗi đau trong lòng nước Mỹ.

Những nhà ngoại giao Washington - Hà Nội gặp gỡ, bàn thảo, muốn thúc đẩy tiến trình ấy, nhưng những lực lượng khác, nhất là những người can dự và bị tổn thương nhiều trong chiến tranh, tâm lý vẫn còn nặng nề lắm.

Vào thời điểm đó, Việt Nam chưa sẵn sàng. Ta đưa ra điều kiện bồi thường chiến tranh và kiên quyết buộc Mỹ phải cam kết, điều mà họ khó có thể làm được.

Khi Việt Nam giúp Campuchia năm 1979 thoát khỏi nạn diệt chủng, vấn đề Campuchia trở thành nổi cộm. Năm 1980, Mỹ ra hai điều kiện bình thường hóa: Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia và vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Một vấn đề thứ 3 không được nói ra là vấn đề nhân quyền.

Họ dùng bình thường hóa để tạo sức ép buộc Việt Nam rút quân, thay thế bằng lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Với nội bộ mình, việc quyết định lúc nào rút, rút bao nhiêu không dễ. Có nhiều ý kiến khác nhau. Ngoại giao thì muốn mình rút nhiều, để tạo điều kiện thoát khỏi bao vây cấm vận và bình thường hóa. Nói như cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, phải tạo quả đấm đủ mạnh mới có được bước chuyển, nhưng nhiều người không nghĩ thế.

Chưa nhìn thấy nhân tố thứ 3

Bên cnh lí do nhng h qu tàn khc ca cuc chiến vn còn hin hin, điều gì thực sự khiến Việt Nam chưa sn sàng bắt tay với Mỹ những năm 1977 - 1978, để lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào thời điểm đó, thưa ông?

Thời điểm đó, ta không thể nào bắt tay với Mỹ được. Tội ác chiến tranh của Mỹ quá lớn, và ngọn cờ chống đế quốc của ta cũng được giương quyết liệt lắm.

Ta xác định Mỹ là kẻ thù cơ bản, lâu dài. Ta đấu tranh chống đế quốc, làm sứ mệnh không chỉ cho dân tộc mình. Tâm lý Việt Nam vào thời điểm đó là như vậy. Ngay cả giải thưởng Nobel cho Lê Đức Thọ và Kissinger, Việt Nam cũng từ chối, vì cho rằng như thế là đánh đồng kẻ xâm lược và người bị xâm lược.

"Phải nghiên cứu, hiểu ở tầm chiến lược thì không lo bị lỡ cơ hội, bị hố". Ảnh do nhân vật cung cấp.
Nghĩa là ra khi chiến tranh, nhưng chúng ta vn đang mang nng tư duy thi chiến và vn ng x đphòng vi k thù?

Vẫn hoàn toàn thời chiến. Ta không cưỡng ra được.

Ta lại chưa nhìn thấy nhân tố thứ ba trong vấn đề này, tác động đến an ninh của Việt Nam. Ngay cả vấn đề Polpot, họ có ý đồ chống Việt Nam từ những năm 1960, nhưng ta vẫn chưa sớm nhận diện được rõ ràng nên không đề phòng từ xa.

Đến khi nhìn ra thì tình hình đã khác đi, Mỹ không còn tha thiết, vì họ coi trọng nhân tố khác hơn Việt Nam. Đến năm 1995, hai nước đi đến bình thường hóa đã là rất cố gắng.

Đến lúc nào Việt Nam mi nhn ra nhân tố thứ ba?

Ngay lập tức. Năm 1978, ta nhận ra nhưng đã muộn, cơ hội bình thường hóa với Mỹ không còn nữa.

Làm đối ngoại, vấn đề thời cơ rất quan trọng.

Cần có tầm tư duy chiến lược

Bài học nào cần rút ra từ những cơ hội bị bỏ lỡ này trong quan hệ với Mỹ, thưa ông?

Bài học lớn nhất của Việt Nam cho quá khứ, hiện tại và cho cả tương lai là phải nghiên cứu, phải hiểu ở tầm chiến lược, thì không bao giờ bỏ lỡ, bị hố... Ta phải ở tầm nghiên cứu ấy. Không có cách nào khác phải đầu tư, có người làm.

Hồi tôi là Bộ trưởng Ngoại giao, có vấn đề tôi giao hẳn cho một người không làm việc gì cả, chỉ tập trung suy nghĩ cho thấu đáo, cho ra một vấn đề. Họ cần thời gian để tĩnh tại, nhìn, so sánh, lật đi lật lại vấn đề.

Vấn đề nghiên cứu chiến lược về đối ngoại, với nhiều trường phái, người lãnh đạo phải chọn được cái gần đúng nhất để hoạch định đường lối của mình.

Hai là, khi có chủ trương rồi, phải có được sự đồng thuận nội bộ mới thực hiện được. Phải làm thế nào người ta ủng hộ. Có sự đồng thuận có mấy yếu tố: uy tín của người lãnh đạo cao nhất, thuyết phục mọi người. Đưa ra bàn thì có nhiều ý kiến, có khi trái ngược nhau. Không có đồng thuận nội bộ thì không làm được. Không phải răm rắp đồng ý thì mới làm, vì nhiều khi, thiểu số lại nắm lẽ phải. Vì thế, phải có thuyết phục để người ta hiểu.

Ví dụ, những bước đi ngoại giao phải được các bên, nhất là an ninh, quân đội ủng hộ thì mới làm được. Nếu không, có cố gắng mấy thì cũng chịu. Không cương quyết, quyết đoán thì khó.

Ba là, phải đoàn kết. Mỗi chủ trương bao giờ có cái nghịch. Thuốc uống còn có phản ứng phụ. Đừng để vấn đề chia rẽ nội bộ, không để bên ngoài kích vào. Độc lập tự chủ là ở đó.

Đơn cử, trong quan hệ với Mỹ, ngay cả khi hai nước bình thường hóa quan hệ rồi, những bước đi tiếp theo cũng không đơn giản. Ta vốn lo Mỹ không ưa gì chế độ XHCN, lại có vấn đề đa nguyên đa đảng... Sau Liên Xô sụp đổ, vấn đề sợ chủ nghĩa cộng sản của Mỹ khác nhiều rồi. Học thuyết đôminô không còn là nỗi ám ảnh. Nhưng hai bên vẫn chưa tin nhau, còn nhiều nghi kị.

Ngay cả năm 2000, khi Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam, nội bộ ta cũng có 2 chiều: hoan nghênh và dè dặt. Cách nói của ta với Clinton vẫn cứng. Phát biểu của ta vẫn cho "tiêu thụ nội bộ", cho dân mình nhiều hơn là cho phía Mỹ. Đi ra chợ Đồng Xuân, có người còn gọi tôi lại bảo, sao Mỹ phát biểu văn hoa, mà ta thì cứ "văn bia" cứng nhắc.

Nói chung, trong ứng xử, ta cần mềm dẻo và khôn khéo. Phải học Bác Hồ.

Không có đối trọng

Quan trọng nhất trong quan hệ ngoại giao là phải nhìn trong tầm chiến lược, dài hạn, trên cơ sở định vị Việt Nam ở đâu và muốn đi tới đâu. Trong quan hệ với Mỹ ngày nay, chúng ta nên định vị mình ở đâu, nước Mỹ ở đâu trong khu vực và vị trí của Việt Nam ở đâu trong tính toán chiến lược của Mỹ?

Trong chiến lược của Mỹ, Việt Nam chỉ là một nhân tố, không phải nhân tố quan trọng, nhưng cũng không mờ nhạt. Việt Nam là một nhân tố tác động vào các nhân tố khác trong mối quan hệ của Mỹ ở khu vực. Ví dụ, Việt Nam không phải là nhân tố quyết định quan hệ Mỹ - Trung hay vai trò của Mỹ ở khu vực. Nhưng Việt Nam cũng có vai trò đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở Đông Nam Á. Việt Nam lại là nhân tố đang lên trong ASEAN.

Phải hiểu rõ vị thế đó.

Với Việt Nam, Mỹ phải được xem là nước lớn, nước có vai trò rất lớn trên thế giới. Các vấn đề quốc tế, không có Mỹ nhúng vào thì không xong.

Mỹ là nhân tố rất quan trọng, nhưng không phải duy nhất, là không phải dùng Mỹ là nhân tố đối trọng với các nước khác.

Ta rõ ràng, đàng hoàng, minh bạch quan hệ với Mỹ, xây dựng mối quan hệ tôn trọng nhau. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Ta cũng phải nhìn các giới hạn của Mỹ. Họ là nước lớn, nhìn vấn đề theo kiểu nước lớn, toàn cầu. Không thể hi vọng họ làm gì nghĩ đến lợi ích của ta.... Như vấn đề Biển Đông, họ chỉ quan tâm đến an ninh hàng hải, không có ý định đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền. Đặt lên bàn cân, Trung Quốc nặng lắm.

Việt Nam có quá nhiều kinh nghiệm khi chơi với các nước lớn như vậy rồi. Vì thế, với Mỹ, ta phải rất coi trọng, nhưng không bao giờ nghĩ họ làm đối trọng. Ta không đủ lực để xoay chuyển cả cái thế như vậy.

Ta phải làm sao để mình có sức hút. Đó là cái tài của người lãnh đạo Việt Nam, đưa Việt Nam có sức hấp dẫn với các nước. Làm sao tranh thủ phần lợi nhất cho dân tộc mình. Thực tế, chúng ta đang thực hiện điều đó ngày một tốt hơn.

Quan hệ với Mỹ lên, vị thế của VN trên thế giới sẽ cao

Xác định và hiểu rõ vị trí của mỗi bên như vậy, để đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam, ta nên ứng xử ra sao với Mỹ, thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt - Mỹ theo hướng nào?

Muốn chơi với Mỹ, phải hiểu Mỹ, tâm lý của người Mỹ. Người Mỹ vốn sòng phẳng, thực dụng. Hợp tác với Mỹ, cái gì ta chấp nhận được thì làm, cái gì không được thì phải nói cho rõ để phía Mỹ hiểu. Mỹ là đối tượng có lúc khó, có lúc dễ, nhưng vẫn làm việc được, kể cả lúc khó. Ngay cả lúc gay gắt, mình vẫn ứng xử được.

Mình phải tranh thủ, hết sức tranh thủ Mỹ, để phát triển kinh tế, nâng nội lực lên. Trong dân mình bây giờ tương đối thuận để tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại - khoa học kĩ thuật - văn hóa, kể cả một số lĩnh vực về quốc phòng an ninh với Mỹ.

Càng đẩy quan hệ với Mỹ lên, vị thế của Việt Nam trên thế giới sẽ cao, các nước nể trọng mình.

Nhiều nước xem quan hệ với Mỹ là thước đo về sự tín nhiệm của các mối quan hệ với các nước trên thế giới.

Trong quan hệ với Mỹ, có những vấn đề gì, đụng đến vấn đề của mình, họ can thiệp mình đấu tranh có lý lẽ. Mình rõ ràng, đàng hoàng, minh bạch. Xây dựng mối quan hệ tôn trọng nhau.

Đẩy quan hệ với Mỹ quan trọng lắm nhưng cũng hết sức coi trọng thúc đẩy quan hệ với các nước lớn khác. Việt Nam đang đi theo hướng đó.

 

(Tác giả: PHƯƠNG LOAN // Theo TuanVietNam)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Ngành giáo dục chính thức có “tư lệnh” mới
  • Cần xử lý dứt điểm các dự án thép “vượt rào”
  • Nguyên đại diện Thương mại Mỹ và câu chuyện WTO với Việt Nam
  • Chủ động để thành công khi AEC thành lập
  • Giá thép chạm đáy do nhà đầu cơ xả hàng tồn
  • Sau 1-7 doanh nghiệp Nhà nước chưa chuyển đổi: Nhiều rủi ro
  • Gắn con người với xây dựng thương hiệu quốc gia
  • Chính phủ không ưu ái Vinashin
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi