Ông Nguyễn Đình Cung. |
Chủ trương tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm năm tới. Chuyên đề tuần này của TBKTSG giới thiệu ý kiến của Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung về xu hướng đầu tư của Nhà nước trong thời gian tới.
TBKTSG: Theo ông, thông điệp chính của hai kịch bản phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2015 mà Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là gì?
- Ông Nguyễn Đình Cung: Hai kịch bản này về bản chất là tương tự nhau và tinh thần chính là phân bố lại và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, đặc biệt là của Nhà nước. Thực tế là Việt Nam không thể phát triển theo mô hình hiện tại được nữa bởi nếu còn tiếp tục, chúng ta còn bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn kinh tế vĩ mô không có lối thoát. Đó là yêu cầu tất yếu khách quan mà các nhà hoạch định chính sách đã nhận thức rõ, dù có thể nhóm này nhóm kia không đồng tình.
TBKTSG: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, theo kế hoạch, dự kiến được giảm xuống dưới 35% GDP, trong khi nhiều năm qua con số này luôn trên 40%. Ông bình luận ra sao về con số này?
- Nên nhớ là tỷ lệ 35% không hề xa lạ. Trước đây chúng ta đã từng đầu tư như thế, thậm chí thấp hơn mà vẫn đạt tăng trưởng cao hơn.
Hệ số ICOR trung bình chỉ vào khoảng 3-3,2 trong thời kỳ 1990-2000, và dưới 5 trong giai đoạn 2001-2006. Thời kỳ đó đầu tư toàn xã hội ở mức dưới 35% GDP. Tỷ trọng đầu tư mới tăng lên trên 40-42% GDP từ năm 2007, làm hệ số ICOR tăng vọt lên theo.
Người ta kỳ vọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong năm năm tới thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội dù dưới 35% GDP nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng 7% và giảm ICOR xuống dưới 5.
Thực sự là nền kinh tế không còn khả năng tăng tín dụng một cách dễ dãi như mấy năm vừa rồi. Thời kỳ đó đã qua rồi. Các nhà hoạch định chính sách đã rút ra bài học là tăng trưởng dựa trên mở rộng đầu tư và cung tiền sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế vĩ mô. Tư tưởng xuyên suốt của cả hai phương án phát triển đó là Việt Nam không còn con đường nào khác, không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc thay đổi cách thức phát triển.
TBKTSG: Khi đặt mục tiêu giảm tỷ lệ đầu tư xuống còn dưới 35% GDP, làm sao Nhà nước có thể điều chỉnh được các dòng vốn của Nhà nước, của tư nhân trong nước và của nước ngoài?
- Đầu tư nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng giảm đều cho đến trước năm 2007, rồi tăng lên. Đầu tư nh à nước tăng lên, thì đầu tư tư nhân trong nước giảm xuống. Nó chèn ép rất rõ ràng.
Muốn giảm đầu tư xuống dưới 35% GDP, trước hết phải cắt đầu tư của Nhà nước. Chính đầu tư nhà nước với quy mô lớn, kém hiệu quả, dàn trải, phân tán đã gây nên hệ lụy như hiện nay. Nếu tiếp tục như thế thì không những các bất cân đối vĩ mô vẫn còn mà các khoản nợ sẽ tiếp tục gia tăng.
Với đầu tư tư nhân trong nước, Nhà nước phải khuyến khích họ bỏ vốn đầu tư. Tuy nhiên, khả năng đầu tư của người dân và doanh nghiệp không nhiều trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt.
Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đã bước vào giai đoạn chọn lọc. Không chỉ trung ương, các địa phương cũng đã “ngấm đòn” với cái gọi là trải thảm đỏ mời FDI thời gian qua. Giờ đây chính quyền địa phương đã cảm nhận được cái giá phải trả. Hiện nay, tư duy phải lựa chọn FDI đã phổ biến ở các tỉnh. Có lẽ, sắp tới lượng FDI sẽ giảm.
Hiện nay, tỷ lệ tiết kiệm nội địa khoảng hơn 30% GDP cộng với vốn FDI hơn 5%, tương ứng với lượng đầu tư khoảng 35% GDP. Đó là tỷ lệ hợp lý. ODA chưa giải ngân còn một nửa, FDI cam kết còn hai phần ba. Vấn đề là khơi ra như thế nào để nó chảy vào.
TBKTSG: Cắt đầu tư công là chuyện khó. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay các địa phương tiếp tục khởi công mấy trăm dự án, trái với yêu cầu của Nghị quyết 11, nhưng họ cũng có lý do chính đáng?
- Ai cũng muốn đầu tư và đều cấp bách cả. Nhưng hãy nhìn vào điểm rất mới của kế hoạch, mà Thủ tướng cũng đã khẳng định, là phải ưu tiên của ưu tiên lựa chọn những dự án cấp thiết nhất, hiệu quả nhất, có khả năng hoàn thành sớm nhất để triển khai nhằm giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế.
Bản kế hoạch này cũng nói rất rõ: chỉ khởi công dự án khi đã bố trí đủ vốn. Không có chuyện anh triển khai rồi bỏ đó. Như vậy, người ta nhìn quá trình dài hơi hơn, trung ương sẽ quản đầu tư gì, ở đâu, như thế nào. Cách tiếp cận đó cho thấy, Nhà nước sẽ hạn chế đầu tư công dàn trải, tràn lan như vừa rồi. Chắc chắn câu chuyện đầu tư tràn lan kiểu như hàng chục cảng nước sâu sẽ phải xem lại.
Theo tôi, điểm khó nhất là có mấy ngàn dự án đang triển khai sẽ buộc phải cắt vốn. Với quan điểm như trên thì các dự án này không thể tiếp tục được đầu tư nữa. Chính phủ muốn thành công thì không thể không rà soát và cắt giảm nhiều trong số dự án này. Đó sẽ là quyết định rất khó khăn.
TBKTSG: Làm sao làm được chuyện đó, khi nhiều công trình lớn nhỏ đã khởi công rồi?
- Chắc chắn sẽ có kêu ca, tôi đầu tư 50% rồi mà không cho đầu tư nữa thì phí 50% còn lại. Ta phải đặt câu hỏi: giá của việc hoãn và giá của tiếp tục làm, cái nào lớn hơn? Chi phí vốn, chi phí cơ hội là sự đánh đổi rất khắc nghiệt. Xây dựng một cảng to mà một năm chỉ đón vài con tàu, thì giá của việc hoàn thiện sẽ lớn hơn nhiều so với giá dừng dự án. Tôi tin rằng, những công trình như thế cần phải hoãn lại.
Tuy nhiên, để làm được điều đó cần thay đổi nền tảng cơ chế quản lý đầu tư nhà nước và chế độ phân cấp đầu tư nhà nước hiện nay. Chính quyền trung ương, mà trước hết là cơ quan quản lý đầu tư ở trung ương có vai trò quyết định với việc này.
Giới chuyên gia, học giả đã nói rất nhiều, nhưng đầu tư công vẫn nở rộ trong nhiều năm nay, nào chợ, sân bay, bến cảng, viện bảo tàng, trụ sở… Đây là câu chuyện của ai?
Chúng ta đã quen với định đề là đầu tư là tốt, vay để đầu tư là tốt, càng đầu tư nhiều càng tốt. Tư duy chính sách của ta về cách thức phát triển, là vậy. Chẳng hạn trong các hội nghị tư vấn các nhà tài trợ mà các đối tác nước ngoài cam kết cho vay nhiều ODA là chúng ta rất phấn khởi, coi như thành tích, mà quên mất tính hiệu quả. Tư duy của các nhà hoạch định chính sách, của xã hội là như vậy.
Trong nhiệm kỳ, người ta chỉ quan tâm xây được viện bảo tàng, con đường chứ không quan tâm về giá phải trả cho những công trình ấy. Đó là tư duy chi phối trong giai đoạn vừa rồi.
Hơn nữa, cơ chế phân cấp cũng là vấn đề, khi quá nhiều người có quyền quyết định đầu tư. Lẽ ra, khi có nhiều dự án nhà nước được khởi công mà chưa được bố trí vốn, chính những quan chức liên quan phải bị khiển trách, thậm chí bãi nhiệm. Nhưng ở ta chưa có. Kỷ luật ngân sách, trách nhiệm giải trình về đầu tư công còn kém và lỏng lẻo.
TBKTSG: Cũng có ý kiến là làm sao cắt giảm đầu tư công được nữa khi mà phần lớn chỉ còn tập trung vào điện, đường, trường, trạm, những lĩnh vực Nhà nước không thể không làm.
- Nhà nước hãy chọn những dự án ưu tiên của ưu tiên trong những lĩnh vực ấy và cần có đội ngũ thẩm định đánh giá khách quan và khoa học. Hiện nay chúng ta đang bị nghẽn về giao thông để kết nối nền kinh tế với bên ngoài, thì phải tập trung vào đấy.
Thực ra, với việc tăng thu liên tục qua từng năm dù nền kinh tế rất khó khăn, không thể nói Nhà nước không có tiền được. Vấn đề là cách thức chi tiêu. Ví dụ, quỹ bình ổn giá mất hàng ngàn tỉ đồng mà chẳng mấy tác dụng. Nếu dành để giải quyết trường học cho khu vực nông thôn thì sẽ tác động rất lớn.
Cần giảm bội chi xuống 3% GDP Thực tế mấy năm vừa rồi chúng ta hoàn toàn có khả năng giảm được thâm hụt ngân sách. Nhà nước vẫn tăng thu ngân sách ngay trong lúc kinh tế rất khó khăn. Năm ngoái tăng thu hơn 96.000 tỉ đồng so với kế hoạch, còn năm nay dự kiến tăng 80.000 tỉ đồng, tức gần 4% GDP. Thu như thế và không tăng chi, thì chúng ta có đủ khả năng giảm thâm hụt ngân sách xuống. Hơn nữa, theo tiêu chuẩn quốc tế, thâm hụt ngân sách của Việt Nam phải cao hơn 3-4% so với cách tính hiện tại của Chính phủ. Tôi vẫn duy trì quan điểm Việt Nam cần giảm bội chi xuống 3% GDP. |
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com