![]() |
Ông Vũ Tiến Lộc |
“Văn hóa kinh doanh, năng lực quản trị tiếp tục là thách thức nội tại lớn nhất đối với các doanh nhân Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói khi nhấn mạnh về Đề án Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Lần đầu tiên Vinamilk có tên trong 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất sắc nhất châu Á do Tạp chí Forbes bình chọn. Là Chủ tịch VCCI, tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông có thể nói điều gì?
Đây là một thành công đáng ghi nhận của Vinamilk. Sau một thời gian hình thành và phát triển, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã lớn lên, đã bắt đầu có mặt trong câu lạc bộ các doanh nghiệp tỷ đô.
Tuy nhiên, sự góp mặt đơn lẻ của Vinamilk cũng đáng suy nghĩ. Theo tôi, với tiềm năng, điều kiện phát triển, cũng như ước vọng lớn của các doanh nhân Việt Nam, đáng ra, chúng ta có thể có nhiều hơn những thương hiệu xếp hàng được với thương hiệu lớn của khu vực.
Những bảng xếp hạng doanh nghiệp trong nước trong thời gian gầy đây cho thấy một bức tranh khá rõ nét là quy mô vốn của các doanh nghiệp tư nhân tăng lên khá mạnh mẽ?
Đó là quy luật. Sự hình thành và phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân là một trong những thành quả và động lực quan trọng của công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta trong những năm qua.
Nếu tính về số lượng, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam có gần 500.000 doanh nghiệp, hơn 1 triệu hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 133.000 hợp tác xã, trang trại. Như vậy, đội ngũ doanh nhân lên tới vài triệu người, đó là chưa kể 3 triệu hộ kinh doanh hoạt động trong khu vực phi chính thức. Sự dẻo dai, linh hoạt của khu vực kinh tế này sau biến động bất lợi của thị trường 2 năm vừa qua tiếp tục được rèn luyện, sàng lọc.
Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn đang xuất hiện ngày một đông đảo, dần bổ sung vào phần thiếu hụt của khu doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về quy mô vừa và lớn. Chính tầng lớp này trong trung hạn sẽ tạo dựng những thương hiệu doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở quy mô quốc gia và đa quốc gia theo đúng nghĩa.
Như vậy, có thể nói, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang lớn mạnh?
Theo khảo sát của VCCI, tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân đã tăng 17 lần, tăng từ khoảng 38.700 tỷ đồng (năm 2000) lên tới 657.000 tỷ đồng (năm 2008). Cũng trong giai đoạn 2000-2008, doanh thu thuần của doanh nghiệp tư nhân tăng 15 lần, lợi nhuận tăng 27 lần, tổng tài sản tăng 24 lần. Chỉ trong 3 năm, 2005-2008, quy mô vốn chủ sở hữu trung bình của một doanh nghiệp khu vực tư nhân tăng gấp 3 lần.
Sự tăng trưởng về quy mô rất rõ, nhưng có thực tế, sự tích tụ vốn của khá nhiều doanh nghiệp lại nhờ sự phát triển nóng của các thị trường bất động sản, chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân giàu lên, to lên rất nhanh, nhưng không phải tất cả đều lớn lên.
Trở lại vấn đề làm sao để doanh nghiệp Việt Nam thực sự lớn và mạnh, ông có bình luận gì?
Nền kinh tế Việt Nam cần nhiều hơn những thương hiệu lớn và mạnh. Đề án Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng tỷ trọng doanh nghiệp lớn và vừa, có một số doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới vào năm 2020.
Có nghĩa là, doanh nghiệp cần sự lớn mạnh, chuyên nghiệp của đội ngũ doanh nhân. Chính lực lượng này quyết định khả năng bứt phá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, văn hoá kinh doanh và năng lực quản trị của doanh nhân Việt Nam vẫn là thách thức lớn khi sự tăng quá nhanh về quy mô vượt quá khả năng thích ứng của một số doanh nhân. Sự bất ổn trong khá nhiều doanh nghiệp nhiều khi do sự bất tương xứng giữa tốc độ và năng lực.
Đây là vấn đề của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, nhưng đòi hỏi các doanh nhân phải chủ động tìm cách hoá giải.
Còn những tác động từ môi trường kinh doanh thì sao, thưa ông?
Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Một nền kinh tế định hướng phát triển ổn định, bền vững với chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực rõ ràng sẽ dẫn hướng cho doanh nghiệp, doanh nhân chọn con đường phát triển, chuyển mình theo. Chính vì vậy, trong các kế hoạch, đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đội ngũ doanh nhân cần được coi là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
(Theo Tuyết Ánh // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com