Phó tổng kiểm toán nhà nước Lê Hoàng Quân - Ảnh: Từ Nguyên. |
Dù chưa thể công bố số liệu cụ thể nhưng có thể nói rằng, đã kiểm tra, kiểm toán ở đơn vị nào thì ở đó đều có sai phạm, kê khai thiếu thuế.
Đó là khẳng định của Phó tổng Kiểm toán nhà nước Lê Hoàng Quân, khi nói về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tập đoàn, tổng công ty, nhất là trong lĩnh vực đóng thuế, nộp ngân sách nhà nước.
Trao đổi với VnEconomy, ông Quân nói:
- Hiện nay mặc dù có cả cơ quan thanh tra thuế lẫn Kiểm toán Nhà nước. Song qua hoạt động kiểm toán hằng năm, đúng là có tình trạng để xảy ra sai sót, kê khai thuế tại nhiều đơn vị là doanh nghiệp nhà nước.
Nguyên nhân thì đến từ nhiều phía, trong đó có cả chủ quan, cả khách quan.
Về trách nhiệm của các bên thì chúng tôi đã làm hết khả năng và nhiệm vụ được giao, hiện chúng tôi đã có quy chế phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước và Bộ Tài chính trong việc kiểm toán ngân sách nhà nước.
Trong suốt 17 năm qua, dù chưa có một văn bản mang tính pháp lý nào quy định sự phối hợp nhưng đối với công tác quản lý thuế cũng như kiểm toán, chúng tôi cũng đã có nhiều phối hợp chặt chẽ, góp phần hạn chế tối đa thất thu cho ngân sách nhà nước.
Chẳng hạn như, Kiểm toán nhà nước hàng năm vẫn kiểm toán báo cáo quyết toán thuế và báo cáo các cơ quan của ngành thuế, giúp ngành thuế xác định được số phải thu, đã thu để cân đối ngân sách.
Tôi cũng lưu ý rằng, hiện nay có khá nhiều chính sách thuế không còn phù hợp với cuộc sống. Trong việc điều hành thuế hiện nay còn có nhiều chính sách bất cập, không theo kịp sự phát triển đi lên của sản xuất, kinh doanh. Đó cũng là vấn đề buộc các cơ quan kiểm toán và cơ quan thuế cần phải phối hợp nhiều hơn.
Vậy, qua các cuộc kiểm toán, tỷ lệ sai phạm của các doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế có cao không, thưa ông?
Nếu nói về tỷ lệ để so sánh trong tổng thể các doanh nghiệp nhà nước thì cũng khó bởi chúng tôi là kiểm toán chọn mẫu. Do vậy, chúng tôi chỉ có thể so sánh tỷ lệ sai so với chọn mẫu, thường khoảng từ 10 – 15%.
Qua mỗi năm thì tỷ lệ đó có giảm nhưng giảm chưa được nhiều.
Nhưng đại diện Kiểm toán nhà nước khu vực IV cho rằng, tỷ lệ sai phạm trong các cuộc kiểm toán cao hơn con số 15% nhiều?
Điều đó là chính xác vì khu vực IV là đơn vị có mẫu chọn quy mô thu ngân sách rất lớn, nhất là Tp.HCM, nên việc sai phạm bao giờ cũng lớn hơn các vùng miền, các khu vực khác.
Vậy theo ông, các sai phạm của doanh nghiệp chủ yếu là do cố tình hay do chính sách còn nhiều kẽ hở?
Sai phạm thì đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó đương nhiên là có cả nguyên nhân chủ quan, cố tình sai phạm. Nhưng khách quan mà nói, cũng có nguyên nhân từ chính sách không rõ ràng, gây khó hiểu cho người vận dụng. Do đó, tùy theo cách hiểu của nhiều đối tượng khác nhau nên họ có những vận dụng và cách làm khác nhau.
Tất nhiên, bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ công tác quản lý, chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ dẫn đến sai phạm.
Hiện nay, hàng năm qua kiểm toán, dù chưa có điều kiện công bố số liệu cụ thể, nhưng tôi có thể khẳng định số thuế phải thu còn nằm đọng lại trong các tổ chức, doanh nghiệp là khá nhiều. Nếu cơ quan quản lý, kiểm tra kiểm toán mà phối hợp tốt thì khả năng thu cho ngân sách sẽ lớn hơn.
Nếu định lượng thì con số sai phạm, trốn thuế trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay có nhiều lắm không, thưa ông?
Cũng nhiều đấy, nhưng cụ thể là bao nhiêu và nằm ở các đối tượng nào thì chúng tôi sẽ công bố khi nào có dịp. Chẳng hạn như các cuộc công bố kết quả kiểm toán các doanh nghiệp.
Vậy các tập đoàn kinh tế nhà nước có tình trạng sai phạm, trốn thuế không, thưa ông?
Nói chung mỗi khi chúng tôi kiểm tra, kiểm toán ở đâu thì đều có sai phạm, chỉ có là mức độ, quy mô và nguyên nhân từ đâu mà thôi. Chúng tôi hứa là sẽ công bố trong một hai tháng tới về các sai phạm, nguyên nhân và mức độ sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com