Dự án nhà ở cho người TNT tại Đà Nẵng do Cty Vicoland xây dựng. |
Có ý tưởng và cũng là người đầu tiên đầu tư xây nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) tại Việt Nam. Ở tuổi 36, anh Bùi Đức Long, Tổng giám đốc Cty cổ phần tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland (trước đây là Cty Vincon) đang điều hành tập đoàn gồm 7 Cty thành viên chuyên đầu tư, xây dựng & kinh doanh bất động sản (BĐS). Anh chia sẻ với Tiền Phong chuyện làm ăn thời bất động sản đóng băng.
Làm nhà thu nhập thấp vẫn lãi lớn
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thì anh là người có đề xuất để Bộ Xây dựng hoàn thiện và trình Chính phủ về chủ trương xây nhà ở cho người TNT. Điều gì khiến anh đề xuất ý tưởng này?
Trước đây, Chính phủ ban hành Nghị định 11 về nhà ở xã hội, nhưng sau 10 năm chương trình đó không thực hiện được (trong 10 năm đó, ở TPHCM mới xây được hơn 200 căn, Hà Nội không xây được căn nào). Ngay từ ngày đầu thành lập Vincon, tôi đã tuyên bố trước các cổ đông là DN làm BĐS nhưng phải gắn với trách nhiệm xã hội.
Nhưng làm nhà ở xã hội mà DN bỏ tiền túi ra mua đất thì không làm được. Từ đó, dựa trên những chính sách cơ bản về nhà ở xã hội trước đây, Cty tôi làm văn bản khung gửi lên Bộ Xây dựng, đề xuất làm “Nhà thu nhập thấp dành cho người ở khu vực đô thị”. Các anh bên Cục Quản lý nhà rất tán thành. Sau đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 67/2009, về chính sách phát triển nhà ở cho người TNT tại khu vực đô thị.
Và anh cũng là người đầu tiên làm nhà ở cho người TNT?
Khi Quyết định 67 của Thủ tướng có hiệu lực ngày 10-6-2009, thì ngày 29-5, Vincon đã khởi công 1.000 căn hộ cho người TNT ở Đà Nẵng. Tôi chọn Đà Nẵng làm trước vì đó là quê hương mình, thứ hai ở Đà Nẵng có quỹ đất, quy hoạch tốt và chính sách thông thoáng.
Chúng tôi đề xuất, chính quyền TP Đà Nẵng thấy mô hình tốt, hợp lòng dân nên quyết định ngay. Thủ tục, giấy phép xây dựng làm 1.000 căn hộ chỉ trong vòng 45 ngày. Đây là dự án nhà ở cho người TNT có tốc độ làm hồ sơ pháp lý nhanh nhất.
Để làm được điều này, Cty tôi đã chuẩn bị trước đó 2 năm trong chiến lược phát triển của công ty. Hiện dự án nhà ở cho người TNT tại Đà Nẵng do Vicoland làm, có giá rẻ nhất, chưa đến 6 triệu đồng/m2.
Làm nhà ở thương mại với nhà cho người TNT thì làm gì lãi hơn?
Theo quy định thì DN làm nhà ở cho người TNT chỉ được lợi nhuận 10%, nhưng lợi nhuận cao hay thấp phụ thuộc mô hình kinh doanh và quản trị của mỗi DN. Cty tôi có tới 30% doanh thu từ xây lắp, nên khi làm nhà ở cho người TNT thì mình vừa là chủ đầu tư vừa xây lắp luôn. Lợi nhuận 10%, cộng với lợi nhuận từ xây lắp, thì tổng lợi nhuận tôi nghĩ không thấp hơn làm nhà ở thương mại.
Trong khi làm nhà ở cho người TNT, được chính quyền ủng hộ, cơ quan truyền thông và người dân cũng ủng hộ, không sợ xảy ra tranh chấp. Sản phẩm của mình làm ra bán đúng đối tượng cần nhà ở. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng làm được như vậy. Nếu chủ đầu tư đi thuê nhà thầu làm thì lãi không đáng kể.
Không sợ hậu vận xấu
Làm ông chủ đầu tư, kinh doanh BĐS như anh thì sợ nhất điều gì?
Sợ nhất thị trường ảm đạm như bây giờ. Nếu Chính phủ không can thiệp từ giờ đến cuối năm thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp BĐS sẽ phá sản, kéo theo hệ lụy là các nhà máy sắt thép, xi măng sẽ đình đốn vì không bán được hàng, công nhân mất việc làm…
Ngày trước DN nào vay được nhiều là DN đó biết làm ăn, còn bây giờ DN nào vay nhiều là chết luôn. Tôi biết có doanh nghiệp BĐS nợ hơn chục nghìn tỷ đồng, mỗi sáng mở mắt ra mất 10 tỷ đồng trả lãi ngân hàng. Hiện tất cả dự án BĐS ở Hà Nội và TPHCM đang ngừng giao dịch vì tâm lý người dân có tiền đều đợi giá xuống nữa mới mua.
Người ta bình phẩm những người làm BĐS lớn thường đụng tới đất đai, mồ mả nên có hậu vận không tốt. Anh có sợ điều đó không?
"Vicoland là DN đầu tiên trong cả nước có ý tưởng làm nhà ở cho người TNT và là DN triển khai sớm nhất. Không phải DN nào cũng mặn mà và tâm huyết với chính sách nhà ở cho người TNT như vậy. Tôi đánh giá rất cao các dự án mà Vicoland đã làm được” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. |
Những ông phá rừng, làm vàng, làm đất bị coi là có hậu vận không tốt. Xuất thân gia đình tôi là gia đình cách mạng. Tôi cũng chưa nghiên cứu sâu vấn đề này, nên cũng chẳng biết thế nào. Tôi quan niệm, ở đời, dù làm gì cũng phải có tâm. Mình làm BĐS thì gắng làm ra sản phẩm tốt, giữ gìn đạo đức kinh doanh...
Bản thân tôi từng biết những người phá rừng, đào vàng rất giàu, bằng mọi cách đào mồ mả người ta lên để xây dựng tòa nhà, có hậu vận không tốt. Ở Thái Lan, có ông chủ người Ả rập san lấp cả một nghĩa địa để lấy mặt bằng xây khách sạn tại Băng Cốc. Nhưng sau khi xây xong, ông chủ đó không thể làm được gì nữa, khách sạn bỏ hoang. Bản thân Cty tôi kiêng đụng chạm mồ mả. Làm được như vậy, tôi nghĩ hậu vận của mình cũng tốt thôi.
Lâu nay, những ông chủ kinh doanh BĐS thường khá mạnh tay khi chi tiền làm từ thiện, phải chăng đó cũng là cách để cân bằng tâm lý sợ hậu vận không tốt?
Ở miền Nam, các ông chủ BĐS làm từ thiện nhiều hơn ở miền Bắc. Ở Sài Gòn có những ông chủ người Hoa người ta quan niệm làm ra tiền phải đi tán lộc, thì lộc mới đến với mình. Tôi nghĩ, đây là một cách hay nên làm. Nhưng làm từ thiện cũng phải có văn hóa, không phải nhiều tiền mới làm từ thiện.
Ở mình có người làm từ thiện để làm thương hiệu. Còn Cty tôi, ngay khi định hướng kinh doanh, sản phẩm của Cty phải gắn liền với trách nhiệm xã hội, mà việc xây nhà ở cho người TNT là một ví dụ. Ngoài ra, ba năm trở lại đây, mỗi năm Cty tôi dành 10 tỷ đồng để làm từ thiện.
Anh Bùi Đức Long. |
Tai tiếng và danh tiếng
Có một sự thật, nhiều người biết đến Cty của anh khi có một phó tổng giám đốc bị bắt quả tang đánh bạc?
Chuyện đó chẳng hay ho gì và đó cũng là sự cố lớn nhất mà chúng tôi gặp, kể từ khi thành lập. Thực ra, bản chất là bắt vụ đánh phỏm ngoài giờ làm việc, trên chiếu phỏm cũng chỉ có vài trăm ngàn đồng.
Còn số tiền thu được mà cơ quan công an công bố hơn chục triệu đồng, đó là tiền họ để trong ví. Vì thế, sau đó, những người này chỉ bị phạt hành chính. Điều tôi đau lòng nhất trong vụ này, người bị bắt lại là thầy giáo tôi. Khi ông nghỉ hưu, bị ung thư, tôi mời ông ra làm phó tổng giám đốc. Nên khi phải cách chức và sa thải ông, tôi rất đau lòng, nhưng không còn cách nào khác.
Nhưng nhờ sự tai tiếng ấy, mà nhiều người biết đến cái tên Vincon?
(Cười!). Nhưng cũng vì thế mà chúng tôi bị làm rùm beng rằng chúng tôi vi phạm về thương hiệu đối với Cty Vincom. Nói thật, năm 2007, khi chúng tôi thành lập Cty Vincon, thì Vincom cũng chưa nổi, mới chỉ có toà tháp đôi ở Hà Nội. Nên bảo chúng tôi lấy tên Vincon dễ gây nhầm lẫn, làm ảnh hưởng đến họ là không đúng.
Sinh năm 1975, tại Đà Nẵng, Bùi Đức Long đang học quản trị kinh doanh tại Mỹ. Anh cũng vừa học xong lớp cảm tình Đảng. Tuy là Cty tư nhân nhưng Vicoland hiện có một chi bộ Đảng, với hơn chục đảng viên. |
Nhưng Vincon vẫn phải đổi tên thành Vicoland đấy thôi?
Ở đây, thực ra nếu kiện tới cùng chúng tôi không ngại. Thực tế, Vincom cũng chưa hề gửi đơn ra toà kiện chúng tôi. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng xử phạt, chúng tôi vẫn chấp hành. Còn chuyện Cty đổi tên thành Vicoland là tự nguyện, đây là thời điểm chín muồi chúng tôi xây dựng tập đoàn, nên đổi tên là cần thiết. Và nay, chúng tôi là đối tác của nhau. Hôm họp báo đổi tên Cty, chúng tôi có mời và anh Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom cũng đến dự rất vui vẻ.
Ra đường bây giờ, người đi xe sang phần lớn kinh doanh BĐS. Còn ông chủ Vicoland đi xe gì?
Tôi quan niệm xe chỉ là phương tiện đi lại, hỗ trợ công việc làm ăn. Tôi thích chơi ô tô. Hiện tôi có 5 xe (Porsche và Lexus 470) phục vụ riêng, mỗi tỉnh mà Cty mở chi nhánh có 1 xe, ở Hà Nội có 2 xe.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com