Từ nay đến tết sẽ không tăng giá xăng dầu nhưng ông Nguyễn Tiến Thỏa - cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết người tiêu dùng và Nhà nước sẽ phải chi khoảng 8.000-9.000 tỉ đồng nữa. Trao đổi với PV, ông Thỏa nói:
- Trong năm 2010, chúng ta đã sử dụng khoảng 3.000 tỉ đồng từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ được giá xăng dầu ở mức như hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải giảm thuế, con số khoảng 7.000 tỉ đồng nữa.
Như vậy, Nhà nước và người dân đã phải bỏ ra khoảng 10.000 tỉ đồng để giá xăng dầu được giữ ở mức như hiện nay. Nhà nước và người dân đã như vậy, doanh nghiệp cũng có lỗ nhưng họ sẽ phải chia sẻ. Từ nay đến Tết Nguyên đán, giá xăng dầu ở VN sẽ được giữ nguyên.
Và dự kiến để giữ giá đến tết, chúng ta cần 8.000-9.000 tỉ đồng nữa. Tiền này được lấy qua việc Nhà nước không thu thuế và tiếp tục trích tiền từ quỹ bình ổn do người dân đóng (300 đồng/ lít xăng).
* Doanh nghiệp nói quỹ sắp hết, vậy hiện quỹ bình ổn còn bao nhiêu, liệu có đủ bình ổn đến tết? Nhiều quan điểm cho rằng không nên duy trì quỹ bình ổn nữa, vì giá tăng giảm thì vẫn phải đóng quỹ?
- Theo tôi, phải giữ quỹ. Đây là khoản “bảo hiểm” mà chúng ta tự đóng và sẽ được chi trả cho chính lợi ích của người dân. Bình ổn giá là cho chính người tiêu dùng, tránh biến động quá mức. Còn quản lý thế nào để doanh nghiệp không làm sai là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Chúng tôi sẽ công khai thông tin về quỹ, đảm bảo minh bạch.
Năm 2010, chúng ta trích được khoảng 4.400 tỉ đồng vào quỹ, đã sử dụng khoảng 3.500 tỉ. Nếu chỉ dùng quỹ thì đúng là không đủ để bình ổn nên Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế tất cả các loại xăng dầu về 0%. Điều này đảm bảo bình ổn được đến sau tết.
* Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến như hiện nay, liệu sau tết giá xăng dầu trong nước có tăng?
- Sau tết sẽ tùy tình hình, chúng ta có số tồn mấy trăm tỉ đồng từ năm 2009 chuyển sang và doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục trích quỹ. Năm qua chúng tôi điều hành đúng theo nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Do tình hình cụ thể, vì mục tiêu chung, chúng ta phải giữ giá xăng dầu. Nếu cho hoàn toàn thị trường, giá sẽ phải cao hơn hiện tại không ít. Giá xăng dầu phải phù hợp khả năng chịu đựng của nền kinh tế, không thể muốn tăng là tăng.
* Cục Quản lý giá mới đây khẳng định Công ty Petrolimex dùng sai 1.200 tỉ đồng từ quỹ bình ổn, nhưng đơn vị này cho rằng do bộ hướng dẫn không rõ. Tại sao có tình trạng này?
- Trước những ý kiến khác nhau về quỹ, Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành kiểm tra. Kết quả về cơ bản các doanh nghiệp khác trích và dùng quỹ bình ổn đúng, riêng Petrolimex trích đúng nhưng dùng sai mục đích. Quỹ này chỉ được trích theo mức mà Bộ Tài chính cho phép nhưng Petrolimex trích quá mức, đem bù lỗ trong kinh doanh của họ. Chính xác là dùng sai 1.242 tỉ đồng.
Bộ Tài chính đã có ngay công văn yêu cầu Petrolimex phải hoàn trả đúng số tiền trên vào quỹ bình ổn. Các doanh nghiệp khác làm đúng cả, nói khó hiểu là không đúng.
* Quy định nêu rất rõ sử dụng sai quỹ bình ổn sẽ bị xử lý, vì đây là quỹ do người dân đóng. Liệu có xem xét trách nhiệm cá nhân ở Petrolimex không, thưa ông?
- Trong quy định có nêu phải sử dụng đúng mục đích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nếu không sẽ có các hình thức xử lý. Hình thức xử lý đầu tiên là yêu cầu làm đúng, hạch toán hoàn trả quỹ số tiền đã dùng sai. Chúng tôi đã thực hiện việc này.
Nếu Petrolimex không chấp hành thì sẽ có biện pháp khác, như phạt hành chính, lấy trực tiếp số tiền 1.242 tỉ đồng từ tài khoản của Petrolimex, xem xét giấy phép kinh doanh, cuối cùng là xem xét trách nhiệm hình sự cá nhân liên quan...
Tuy nhiên, chúng tôi thấy tiền đó vẫn nằm trong Petrolimex, không phải sử dụng sai vào chứng khoán, bất động sản... Có thể lãnh đạo Petrolimex không hiểu đúng quy định và mục đích cũng là để thực hiện chủ trương không tăng giá xăng dầu nên mới dừng lại ở biện pháp xử lý là yêu cầu làm đúng.
Lần xử lý này chủ yếu là uốn nắn, nếu tái phạm hoặc không hoàn trả quỹ theo quy định sẽ bị xử lý nặng hơn.
Giá điện chỉ tăng ở mức hợp lý
Theo quy trình, sau khi Tập đoàn Điện lực (EVN) trình phương án giá, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công thương thẩm định, có ý kiến điều chỉnh thì phương án sẽ được chuyển sang Bộ Tài chính. Cục Quản lý giá với chức năng về giá sẽ tham mưu và có ý kiến về mức tăng giá điện năm 2011. Năm 2010, các cơ quan có nhiều đề xuất khác nhau, có phương án đề nghị tăng trên 10% nhưng sau khi tính toán tác động nhiều vòng của giá điện, Bộ Tài chính đề nghị mức tăng 6,8% và Chính phủ đã chấp nhận mức này.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, giá điện có thể theo giá thị trường nhưng vấn đề là thời điểm và mức độ thế nào cho hợp lý. EVN sẽ phải đưa nhiều phương án và Cục Quản lý giá sẽ tính toán mức tăng giá nào để phù hợp sức chịu đựng của nền kinh tế.
(Tuổi trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com