Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Muốn tỷ giá phải ổn định thì làm sao hạ lãi suất được”

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chia sẻ về chủ đề lãi suất và tỷ giá.

Trong ý kiến bình luận về một số nội dung trong Thông tư 13/2010/ NHNN, ông Lê Xuân Nghĩa có nói đến quy định tỷ lệ cho vay không quá 80% tổng vốn huy động sẽ làm giảm cung tín dụng và gây khó khăn cho việc giảm mặt bằng lãi suất.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng, quy định về khống chế tỉ lệ vốn ngân hàng huy động trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) không vượt quá 20% tỷ lệ huy động vốn trên thị trường 1 (thị trường doanh nghiệp, dân cư), cũng làm hạn chế khả năng cung cấp tín dụng của ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp.

Vậy còn có khó khăn gì đối với các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện chủ trương hạ mặt bằng lãi suất tại thời điểm này?

Ông Nghĩa nói:

Việc hạ mặt bằng lãi suất cần có sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương khi tăng cung ứng tiền, đặc biệt là tiền dự trữ, hay còn gọi là tiền cơ sở.

Tính đến tháng 7, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng lên khoảng 12,7%, nhưng tiền cơ sở so với cuối năm 2009 không tăng. Điều đó cho thấy M2  tăng lên là do tiền gửi.

Điều này có thể hiểu có một bộ phận dân cư trước đây sử dụng tiền các khu vực khác, như bất động sản, chứng khoán... quay sang gửi tiết kiệm. Tổng cung ứng tiền tăng lên ít hơn so với mong muốn của Chính phủ kéo lãi suất xuống vài %.

Tôi nghĩ vấn đề đầu tiên Ngân hàng Trung ương nên xem xét là khả năng cần phải mở rộng hơn nữa cung tiền tệ ra thị trường và trong trường hợp cần thiết Ngân hàng Trung ương cần áp dụng các biện pháp khác như các nghiệp vụ thị trường mở để rút tiền về khi thấy cần thiết.

Một vấn đề khác là sự liên thông với nhau giữa lãi suất và tỷ giá hối đoái. Ngân hàng Trung ương muốn tỷ giá hối đoái phải ổn định thì làm sao hạ lãi suất được.

Vì trên thực tế, muốn hạ lãi suất thì tỷ giá phải tăng lên và ngược lại, nó liên minh chặt chẽ với nhau giữa cung ứng tiền và lãi suất đồng nội tệ và tỷ giá hối đoái. Trong “bộ ba bất khả thi” thì không thể nào điều chỉnh cái này mà không điều chỉnh cái khác.

Tôi nghĩ các chuyên gia của Ngân hàng Trung ương và Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ Quốc gia cần nghiên cứu, xem xét để có những kiến nghị cụ thể về phương án tính toán chi tiết về việc có thể cung ứng tiền hay không và tăng lên bao nhiêu để không ảnh hưởng đến lạm phát, từ nay đến cuối năm.

Thưa ông, bên cạnh việc tăng cung ứng tiền thì còn biện pháp nào nữa để có thể hạ mặt bằng lãi suất?

Tôi nghĩ tăng cung tiền là biện pháp quan trọng nhất. Ngoài ra, biện pháp giảm bớt các tỉ lệ qui định về rủi ro tín dụng quá chặt chẽ. Nó có thể tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại - có tài sản lớn, huy động vốn lớn - đẩy mạnh cho vay, giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn hơn.

Các doanh nghiệp Việt Nam trụ được qua năm 2009 đã là cố gắng lắm rồi. Họ trụ được đến bây giờ và cũng đã quá mệt mỏi chờ đợi Ngân hàng Trung ương có các hành động giảm áp lực về chi phí vốn.

Như chúng ta nhận thấy thị trường chứng khoán mấy ngày hôm nay xuống một cách thảm hại. Nó phản ánh các nhà đầu tư bắt đầu chán chường, nản lòng với những rủi ro chính sách.

Nhà đầu tư lo ngại rằng trong tương lai gần, lãi suất khó có thể giảm đáng kể và lãi suất không giảm thì doanh nghiệp không đầu tư, mà doanh nghiệp không đầu tư thì lợi nhuận rất thấp và sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Ông có bình luận gì về mối liên hệ giữa tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mạnh và hiện tượng USD trên thị trường tự do gần đây tăng lên?

Đến ngày 22/7, cho vay ngoại tệ tăng trưởng lên tới 34-35% trong khi tăng trưởng tín dụng nội tệ chỉ khoảng hơn 5%. Đó là điều chúng ta cần phải lưu ý. Nếu không tác động của các khoản vay ngoại tệ này đến tỉ giá hối đoái trong những tháng tới là rất lớn.

Trong lịch sử Việt Nam có hai thời điểm mà tỉ giá hối đoái của thị  trường “chợ đen” bằng hoặc thấp hơn tỉ giá hối đoái thị trường ngân hàng. Đó là tháng 3 năm 2008 khi tiền bên ngoài lãnh thổ Việt Nam vào rất nhiều và Ngân hàng Trung ương mua quá nhiều và tuyên bố không mua nữa. Thế là tỉ giá thị trường “chợ đen” rơi xuống mức rất thấp.

Đó là một hiện tượng có thật do cung ngoại tệ vượt quá cầu ngoại tệ, đây là hiện tượng đặc biệt.

Lần này tương tự như vậy, tỷ giá thị trường “chợ đen” có mức thấp hơn hoặc bằng tỉ giá thị trường ngân hàng nhưng cung lần này là cung ảo từ nguồn tín dụng ngoại tệ, chứ không phải cung ngoại tệ từ bên ngoài vào Việt Nam. Đó cũng là một hiện tượng đặc biệt và không bình thường.

Đã là cung ảo thì nó phải nhanh chóng đổi lại thành thật. Khi các khoản vay ngoại tệ bắt đầu giảm hay các khoản vay các tháng trước bắt đầu đáo hạn thì cầu ngoại tệ sẽ tăng lên rất lớn. Có thể tạo ra những khó khăn nhất định trên thị trường hối đoái.

Hiện tượng bây giờ chúng ta có thể thấy, thị trường chợ đen và tự do, mặc dù ngoại tệ chưa phải quá mức khan hiếm nhưng tỉ giá bắt đầu có xu hướng doãn ra, có thể tăng 200 hoặc trên 200 đồng.

Một hiện tượng thứ hai cần phải chú ý trên thị trường ngân hàng là giá mua và giá bán rất gần nhau và thậm chí ngang nhau. Hiện tượng này có xuất hiện hiện tượng thu phụ phí và khi có hiện tượng thu phụ phí thì cung cầu ngoại tệ bắt đầu có vấn đề.

Đó là cái điều mà các nhà hoạt động chính sách cần phải nghiên cứu để có các động tác chính sách kịp thời.

Mặc dù diễn biến như vậy mới chỉ xuất hiện thời gian gần đây nhưng nên nhớ rằng thành công ổn định tỉ giá hối đoái thời gian vừa qua một phần do điều chỉnh tỉ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước hồi tháng 3, một  phần do các nguyên tắc nhất định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng phần lớn do lượng cung ảo các khoản vay ngoại tệ vào thị trường hối đoái.

Nếu chúng ta không tỉnh táo chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới khi điều hành tỉ giá hối đoái.

Còn một hiện tượng đặc biệt nữa là nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng lớn, đã tăng lãi suất huy động ngoại tệ lên tới 5,5%/năm. Điều này có phải là tín hiệu về xu thế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đang tiếp tục?

Khi kéo lãi suất đồng Việt Nam giảm xuống không như kỳ vọng, thì dân chúng và các doanh nghiệp lao vào vay ngoại tệ đương nhiên làm cho tiền gửi bằng ngoại tệ giảm đi, buộc ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên để huy động.

Xu thế khó có thể nói trước được vì với tốc độ tăng hiện nay của cho vay ngoại tệ vẫn cứ tiếp tục kéo dài thì càng đáng lo ngại. Chứng tỏ ta xử lí lãi suất nội tệ chưa đủ “đô”, còn nếu lãi suất nội tệ giảm xuống mức dự kiến cho lạm phát chỉ 7%, ở mức khoảng 9 hay 10%/năm, cho vay 11 - 12 %/năm chẳng hạn, thì tình hình đã khác.

(NDHMoney)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi