Nhằm hạn chế nhập siêu, Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu kiểm soát chặt nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng. Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói:
- Nhập siêu năm 2009 là 13 tỉ USD. Trong đó chiếm tỉ trọng lớn là hàng tiêu dùng như điện thoại di động lên đến 1 tỉ USD, nhiều loại thực phẩm cũng nhập vô tội vạ dù trong nước có thể sản xuất được như ngô, khoai, cà rốt, thậm chí cả tăm tre... Trước tình trạng nhập khẩu như vậy, Bộ Tài chính phải thiết lập hàng rào kỹ thuật để hạn chế. Cụ thể Bộ Tài chính rà soát trong cam kết WTO mặt hàng nào được tăng thuế thì đưa thuế lên cao.
Ví dụ thịt heo, thịt bò đưa lên mức 20-30%. Điện thoại VN sản xuất được cũng có thể đưa thuế lên. Trừ một số mặt hàng, như điều hòa nhiệt độ chẳng hạn, thuế nhập đã kịch trần thì phải dùng các biện pháp mà thế giới cho phép, không vi phạm cam kết là sử dụng các hàng rào kỹ thuật, thủ tục hải quan để kiểm soát.
Ngành công thương sử dụng hình thức cấp phép tự động. Ngành y tế kiểm tra chặt chẽ chất lượng và yêu cầu về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngành tài chính cũng không cho doanh nghiệp đưa hàng về kho ngoại quan mà yêu cầu phải để tại cảng sau khi đã hoàn thành việc kiểm tra chất lượng và đóng thuế... Qua những quy định này, chi phí đầu vào đối với hàng nhập khẩu sẽ bị tăng lên, từ đó cũng góp phần hạn chế. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Về lâu dài, phải làm sao nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
* Với hàng nông sản nhập từ Trung Quốc tăng nhanh thời gian gần đây, vậy hàng rào kỹ thuật đối với mặt hàng này được thực hiện ra sao?
- Đối với hàng nông sản nhập chính ngạch về VN qua các cảng, Bộ Tài chính chỉ cho thông quan khi lô hàng đã có đủ giấy chứng nhận kiểm định thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành y tế, nông nghiệp. Còn đối với hàng về qua các cửa khẩu đúng ra phải có đầu tư cho ngành y tế, nông nghiệp để họ có thể kiểm tra hàng hóa ngay tại cửa khẩu. Hàng nào đạt chất lượng mới cho vào, nhằm hạn chế hàng nông sản Trung Quốc không đảm bảo chất lượng vào VN.
Tuy nhiên, còn vấn đề nữa là hiện nay giữa hai nước VN và Trung Quốc có quy định về biên mậu - tức buôn bán của người dân biên giới. Một số người đã lợi dụng cư dân biên giới (mỗi người được mua 2 triệu đồng) để thu gom, đưa hàng vào trong nước. Do đó, giải pháp trước mắt là các bộ ngành phải cùng phối hợp đấu tranh với lực lượng gom hàng từ dân. Về lâu dài, phải tạo việc làm ổn định cho người dân khu vực biên giới để họ không phải thu gom hàng cho những người vận chuyển hàng vào trong nước nữa.
* Bộ Tài chính vừa tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nhằm khai thông vướng mắc chính sách cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng vướng mắc nhiều mà giải quyết chẳng được bao nhiêu, có chăng chỉ doanh nghiệp lớn được giải quyết?
- Bộ Tài chính mỗi năm đều tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc về chính sách thuế, hải quan. Tất nhiên trong khuôn khổ buổi đối thoại không thể thỏa mãn tất cả doanh nghiệp, những vấn đề còn chưa trả lời được Bộ Tài chính sẽ ghi nhận lại và giải đáp sau. Liên quan đến phản ảnh hầu hết chỉ doanh nghiệp lớn giải quyết được vướng mắc trong khi doanh nghiệp nhỏ “đâu lại vào đấy”, tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên quan điểm của Bộ Tài chính là không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều được nêu vướng mắc trước hội nghị để được giải đáp.
Có doanh nghiệp than phiền văn bản quá xa thực tế nên khi vận hành phát sinh vướng mắc. Thực tế là một số văn bản ban hành chưa bao quát hết nên sau đó Bộ Tài chính phải hướng dẫn thêm. Tuy nhiên, câu chuyện văn bản ban hành có nhiều cách hiểu dẫn đến vận dụng có lợi cho cán bộ thuế và doanh nghiệp, ngoài chuyện “cố tình” hiểu sai còn có nguyên nhân trình độ cán bộ thuế hạn chế, nhất là tại các chi cục.
(Tuổi trẻ online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com