Việc một số ý kiến cho rằng nhiều khoản vay của Việt Nam chưa tính đến khả năng trả nợ là hoàn toàn không chính xác và thiếu cơ sở.
Đó là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển với phóng viên
Theo ông Hiển, các khoản vay của Chính phủ luôn được Quốc hội kiểm soát chặt chẽ và có những tính toán kỹ lưỡng trước khi thông qua.
Thưa ông, gần đây một số ý kiến cho rằng, việc chi đầu tư nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ của Việt Nam vừa không đúng đối tượng, vừa để xảy ra nhiều thất thoát trong quá trình giải ngân?
Thực tế, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ dùng để làm gì đều được các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng trước khi quyết định phát hành. Thông thường là dành cho những công trình cấp bách và cần thiết nhất, nhưng phải luôn tính tới khả năng trả nợ và an ninh quốc phòng quốc gia.
Thực tế, nếu không có trái phiếu Chính phủ thì các địa phương rất khó khăn trong việc cấp vốn cho các công trình giao thông, thủy lợi... tất nhiên, trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng cơ bản thì không thể tránh khỏi những vấn đề về lãng phí, thậm chí là thất thoát ngân sách.
Vậy Ủy ban Tài chính - Ngân sách có lượng hóa được tỷ lệ thất thoát đó không, thưa ông?
Để thực hiện được việc này thì rất khó vì phải có tổng kết đánh giá với sự vào cuộc của các cơ quan kiểm toán, thanh tra. Hiện nay, theo yêu cầu của chúng tôi thì Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành kiểm toán tất cả các công trình sử dụng trái phiếu Chính phủ.
Ông lý giải thế nào bởi ngay cả thành viên trong Ủy ban cũng tỏ ra bức xúc trước việc giải ngân chậm các nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ?
Chuyện đó chỉ diễn ra đối với các nguồn trái phiếu Chính phủ trước năm 2008. Nhưng 2 năm trở lại đây, tình hình đã cải thiện rất nhiều. Có nhiều nguồn vốn đã giải ngân 90% chỉ sau một thời gian đưa về.
Tuy nhiên, việc giải ngân nhanh cũng phải hết sức thận trọng vì phải gắn với chất lượng và hiệu quả.
Nhưng thực tế, tại sao gần đây việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ hầu hết đều thất bại hoặc gặp khó khăn?
Huy động vốn bao giờ cũng khó bởi các nhà đầu tư luôn phải nhìn thấy lợi tức. Trong khi chúng ta vẫn phải căn cứ trên mặt bằng thị trường. Nếu thấp thì hơn thì không ai đầu tư, nhưng nếu cao quá thì sẽ trở thành gánh nặng lâu dài cho ngân sách, đặc biệt là nếu vốn vay lớn.
Cho nên, có những cuộc đấu thầu thất bại thì cũng là lẽ thường tình, song điều đó cũng thể hiện sự thận trọng của Chính phủ khi huy động vốn.
Tại sao Chính phủ gần đây lại có chủ trương huy động vốn thông qua các tổ chức mà không qua nhân dân?
Quan điểm của chúng tôi vẫn là đa dạng hóa. Có những công trình thì cần huy động từ tổ chức, nhưng có những dự án vẫn phải cần sự tham gia của người dân. Nếu chỉ có một kênh thì chính bản thân chúng ta tự làm khó mình.
Liên quan đến các khoản nợ công, tại sao đến nay vẫn có nhiều con số khác nhau, thưa ông?
Nợ công hiện đã có luật rồi, bao gồm nợ của Chính phủ, địa phương và của các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh. Có một số tổ chức họ vẫn đưa nợ của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh vào nợ công, nhưng thực chất, nếu có nợ thì đó là nợ quốc gia, chứ không phải nợ công. Từ đó, dẫn tới việc sai lệch nhau về con số, do cách tính khác nhau.
Gần đây, có ý kiến cho rằng, Quốc hội và Chính phủ có phần “dễ tính” khi quyết định thông qua khá nhiều dự án lớn dùng vốn vay trong và ngoài nước mà chưa tính đến khả năng trả nợ?
Quốc hội chưa bao giờ “dễ tính” đối với các khoản vay của Chính phủ. Đây là vấn đề liên quan đến an ninh tài chính quốc gia nên Quốc hội luôn luôn tính toán kỹ lưỡng.
Chẳng hạn, khi bàn về vấn đề bội chi của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, ngay sau khi Chính phủ đề xuất 6,5% GDP, nhưng Quốc hội chỉ quyết 6,2%. Đặc biệt hiện nay đã có Luật Quản lý nợ công rồi thì tất cả phải theo luật. Không thể có chuyện dễ dàng, châm chước được.
Hiện các khoản nợ công của chúng ta đã vượt ngưỡng an toàn chưa, thưa ông?
Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định là nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn. Bởi, nếu tính theo các khoản Quốc hội cho phép đi vay như trái phiếu Chính phủ, vay bù đắp bội chi... thì dự kiến đến cuối năm nay chỉ ở mức 44,7% GDP, vẫn thấp hơn mức cảnh báo của các định chế tài chính trên thế giới.
Vậy tại sao vừa qua, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại có cảnh báo với Chính phủ về ngưỡng an toàn nợ?
Cảnh báo của chúng tôi là cảnh báo về mặt trung và dài hạn. Nếu trong dài hạn mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục đi vay, vẫn bội chi, không siết chặt lại thì việc nợ công vượt quá ngưỡng an toàn là tất yếu xảy ra.
Sắp tới chúng ta sẽ phải thực hiện nhiều dự án lớn, sẽ phải vay nợ liệu có vượt ngưỡng an toàn không, thưa ông?
Chúng ta đang trong quá trình phát triển nên những đòi hỏi cho phát triển như giao thông, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế là bức thiết, không thể không giải quyết.
Nếu chúng ta làm cùng một lúc thì tài chính không cho phép. Do đó, Quốc hội chỉ đồng ý những dự án nào thật thiết yếu, cấp bách cho phát triển kinh tế xã hội thì phải ưu tiên giải quyết.
Còn những dự án nào có thể xã hội hóa được thì sẽ kêu gọi các nhà đầu tư. Chúng ta phải cơ cấu lại đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để bỏ gánh nặng cho ngân sách. Chỉ những công trình phục vụ lợi ích công cộng, không có khả năng thu hồi vốn thì Nhà nước mới ưu tiên đầu tư.
Nhưng liệu chúng ta đã tính đủ và đúng các khoản nợ công?
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh vừa qua cũng đã khẳng định là phải tính đúng, bởi bây giờ đã có Luật Quản lý nợ công rồi. Chúng ta không việc gì phải giấu nợ vì có giấu cũng không giải quyết được gì cả.
(NDHMoney)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com