Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings vừa công bố hạ định mức tín nhiệm của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (VCB) từ mức D xuống D/E.Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB, để làm rõ hơn vấn đề này.
Thưa ông, mức D/E là như thế nào? Đâu là lý do để Fitch Ratings hạ mức tín nhiệm của VCB và ACB?
Cần phải nhận thức rằng có một quy luật: Định mức tín nhiệm của một doanh nghiệp không bao giờ cao hơn định mức tín nhiệm của quốc gia nơi doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, sau khi nhận được thông tin Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm tín dụng dài hạn của VN (từ BB xuống B+), chúng tôi đã dự báo trước là các ngân hàng Việt Nam sẽ bị đánh tụt hạng và không bất ngờ với thông tin Fitch Ratings hạ định mức tín nhiệm của ACB và VCB. Trong bảng xếp hạng tín nhiệm của Fitch Ratings, xếp hạng D/E còn có các ngân hàng lớn hàng đầu thế giới khác. Như vậy mức xếp hạng D/E cũng không phải là xấu.
Đơn giản là các ngân hàng này cần nâng cao năng lực tài chính để bảo đảm sự tăng trưởng và hoạt động được an toàn và đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý. Không phải các ngân hàng “có vấn đề nghiêm trọng, cần sự trợ giúp từ bên ngoài” như một số phương tiện thông tin đại chúng dịch ra làm một số người hiểu là ngân hàng đang gặp rủi ro hay đang gặp vấn đề. Nhưng cũng phải thừa nhận, thực tế Việt Nam có chuẩn mực kế toán nói chung và các quy định về hoạt động ngân hàng cần được điều chỉnh dần trong quá trình hội nhập. Chuẩn mực về phân loại nợ xấu cũng như quy định về vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro còn bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp thông lệ...
Nhưng ít ra Fitch Ratings cũng phải có những thông số cụ thể để đánh giá định mức tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Với trường hợp ACB, Fitch Ratings lấy số liệu từ đâu? Họ có trao đổi trực tiếp với ACB?
Họ không đề nghị ACB cung cấp thông tin phục vụ thẩm định chi tiết, mà lấy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cách làm này thiếu tính chính xác và hiển nhiên chưa thể đánh giá đầy đủ, chính xác chất lượng hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và ACB nói riêng.
Cần nhìn lại 8 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt gần 30% và mục tiêu là 50% vào cuối năm. Nếu tính đến yếu tố mùa vụ (Tết) rất đặc thù của VN khi đánh giá tăng trưởng tín dụng (hầu như quý I không tăng tín dụng) thì việc 4 tháng cuối năm tăng trưởng 20% còn lại là không quá cao và không quá nóng.
Trong bảng đánh giá, Fitch Ratings tỏ ra e ngại tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ ảnh hưởng đến an toàn vốn của ACB. Ông có thể giải thích?
Fitch Ratings dự báo rằng tăng trưởng tín dụng cao sẽ có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chứ chưa khẳng định chất lượng tín dụng của ACB nói riêng và của ngành ngân hàng Việt Nam nói chung đã thực sự giảm sút. Chúng tôi cũng xin chia sẻ thông tin hiện nay tỉ lệ an toàn vốn của ACB đang trên mức 9%. Fitch Ratings e ngại tín dụng bằng ngoại tệ sẽ rủi ro nếu lạm phát tăng cao và tỉ giá bất ổn sẽ làm khách hàng khó trả nợ. Song họ đâu có biết rằng ACB cho vay ngoại tệ chủ yếu cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc khách hàng đã có các biện pháp bảo hiểm nên rủi ro này hầu như không có.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc các tổ chức định mức tín nhiệm như Fitch Ratings, Moody’s, S&P... nâng hay hạ mức tín nhiệm là chuyện bình thường. Việc nâng hay hạ định mức tín nhiệm hoàn toàn không hề ảnh hưởng gì đến người gửi tiền. Đây chỉ là những thông tin có giá trị tham khảo. Vấn đề là mọi người cần rất thận trọng khi đọc và hiểu báo cáo của họ.
(NDHMoney)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com