Câu chuyện sữa liên tục tăng giá khiến cả người tiêu dùng lẫn cơ quan quản lý đau đầu từ nhiều năm nay. Thế nhưng, khi thời điểm thực hiện Thông tư 112 của Bộ Tài chính về quản lý giá sữa đang đến gần (ngày 1-10-2010) thì người tiêu dùng lại phải chấp nhận một đợt tăng giá của nhiều hãng sữa. Phóng viên Thời Nay đã có cuộc trao đổi ý kiến với ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội về nguyên nhân tăng giá cũng như những bất cập trong quản lý giá sữa hiện nay.
PV: Chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa Thông tư 112 sẽ có hiệu lực. Song đầu tháng 9 vừa qua, một số hãng sữa đã tăng 10% giá sữa. Liệu đây có phải là đợt tăng giá nhằm “chạy” thông tư?
Ông Vũ Vinh Phú: Cũng có thể hiểu một phần như vậy. Còn để lý giải cho việc tăng giá vừa qua, các hãng sản xuất hay nhập khẩu sữa vẫn đưa ra những lý do muôn thủơ, từ việc tăng tỷ giá, nguyên liệu đầu vào tăng, mẫu mã thay đổi...
Tuy nhiên, ngay cả khi Thông tư 112 có hiệu lực thì các hãng sữa vẫn có thể “lách luật”, bởi thông tư chỉ quy định sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi. Còn sữa nước, sữa bột cho người lớn, người gầy, bà bầu vẫn không thuộc diện điều chỉnh. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, vừa qua, các doanh nghiệp nhập khẩu đã chủ động tăng giá nhằm tăng lượng sữa bán ra, bởi trước khi tăng giá, các đại lý chắc chắn gom hàng vào.
PV: Vậy không lẽ các chính sách quản lý chưa đủ sức bảo vệ người tiêu dùng, hay chưa có sự nghiên cứu thấu đáo, chưa sát thực tế nên vẫn có những kẽ hở khiến doanh nghiệp lách luật, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Việc ban hành thông tư là vấn đề kiểm soát hành chính. Nhưng việc kiểm soát này liệu có kịp thời không. Nếu chậm thì người tiêu dùng khó mua được sữa vì giá sẽ tăng cao, nhưng nếu muốn nhanh thì liệu có đảm nhận được không vì doanh nghiệp phân phối hàng trăm loại sữa, khó có thể tiến hành kiểm tra, giám sát cùng một lúc.
Tâm lý tiêu dùng cũng tác động rất lớn. Người tiêu dùng sẽ khó mà tẩy chay sữa vì tâm lý khi đã dùng sữa của một hãng nào đấy thì không ai muốn thay sữa cho con. Đã có một số ý kiến đề xuất hệ thống siêu thị Hà Nội không nhập sữa của hãng nào tăng giá nữa. Tuy nhiên, vấn đề này luôn có hai mặt. Nếu tẩy chay, có thể công ty sữa sẽ ít nhiều “rúng động”, nhưng mặt khác có thể siêu thị không có sữa, người tiêu dùng không có sữa vì họ sẽ ngừng cung cấp.
Vấn đề là câu chuyện cung - cầu và đầu mối nhập khẩu, phân phối sữa. Hiện cả nước có hơn 100 công ty nhập khẩu và phân phối sữa. Nhưng lấy làm lạ là trong số đó không thấy bất kỳ một tổng công ty thương mại nhà nước nào. Câu chuyện ghìm giá sữa vữa dễ vừa khó nếu không có sự vào cuộc của các tổng công ty nhà nước.
PV: Có nghĩa ông cho rằng, nếu có doanh nghiệp nhà nước tham gia nhập khẩu sữa thì sẽ không có chuyện giá sữa tăng liên tục?
Ông Vũ Vinh Phú: Đúng vậy, lúc này xã hội mới cần vai trò của các tổng công ty nhà nước. Tôi vẫn đặt câu hỏi, tại sao một mặt hàng có lãi cao, nhiều doanh nghiệp tư nhân làm được, nhưng các tổng công ty thương mại nhà nước lại không làm được. Nếu công ty nhà nước có mạng lưới bán sữa rộng rãi thì chắc chắn các công ty phân phối kia không có chuyện muốn làm gì thì làm. Do đó, dư luận, người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi cần phải xem lại vai trò của các tổng công ty thương mại nhà nước. Lực lượng này có chức năng xuất nhập khẩu, có mạng lưới, có vốn... nhưng tại sao không làm.
PV: Nhưng ngoài việc nhập khẩu, liệu chúng ta có thể giải bài toán giá bằng việc gia tăng các sản phẩm sữa sản xuất trong nước?
Ông Vũ Vinh Phú: Vấn đề này có cái khó là nếu kêu gọi trong nước sản xuất thì cũng không khả thi vì sữa trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20%, còn đến 80% là sữa bột nhập ngoại, đó là chưa kể đến tâm lý, thói quen sính hàng ngoại.
Trên thực tế, dùng biện pháp hành chính vẫn cần thiết, nhưng tôi thiên về biện pháp cung - cầu hàng hóa bằng việc thêm đối tượng nhập hàng, đưa cạnh tranh vào thì mới giải quyết được gốc vấn đề. Nếu chỉ dùng biện pháp hành chính thì sẽ chỉ là giải quyết ngắn hạn, phần ngọn.
PV: Cũng có ý kiến cho rằng, siêu thị khó tẩy chay các hãng sữa liên tục tăng giá vì sẽ ảnh hưởng đến doanh thu?
Ông Vũ Vinh Phú: Hiện có đến 80 - 85% các cửa hàng, địa điểm bán sữa là tư nhân, các siêu thị và đại lý lớn chỉ chiếm phần nhỏ, nên không ảnh hưởng đến doanh thu. Tôi có thể khẳng định, hệ thống siêu thị Hà Nội sẵn sàng tẩy chay (đúng luật) các hãng sữa tăng giá nếu không có lý do chính đáng.
PV: Vậy, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã và sẽ có kiến nghị gì để giá sữa không còn có tình trạng tăng giá bất hợp lý?
Ông Vũ Vinh Phú: Trước mắt, chúng tôi cũng chỉ đấu tranh với nhà cung cấp về mức tăng giá cụ thể, 10% hay 7%. Nhưng với cách thức phân phối hiện nay thì chỉ có một số ít siêu thị lớn mua thẳng hàng hóa, sản phẩm thì mới có quyền lên tiếng với nhà cung ứng. Còn siêu thị nhỏ thì luôn bị nhà phân phối ép vì hàng hóa chủ yếu là hàng ký gửi. Hội siêu thị không có quyền yêu cầu siêu thị nào đó nhập hay không nhập, chúng tôi chỉ có lời khuyên hay khuyến cáo nhất định.
PV: Các siêu thị Việt Nam có thể trực tiếp nhập sữa bột và bán, bảo đảm mức giá chênh lệch không quá lớn với giá sữa ở nước ngoài mà vẫn có lãi không?
Ông Vũ Vinh Phú: Tất nhiên là nếu xin phép và được cơ quan thẩm quyền cấp phép thì đơn vị nào cũng có thể trực tiếp nhập khẩu. Nhưng vấn đề là để có thể nhập và bán trực tiếp thì phải tìm được nguồn hàng giá gốc, còn nếu nhập qua 2 - 3 nhà phân phối thì sẽ không có lãi. Muốn vậy, các siêu thị phải tự bỏ công, ra nước ngoài tìm hiểu các nguồn hàng... Hơn nữa, muốn làm được việc này thì các siêu thị phải có sự phối hợp, hợp tác với nhau để tạo thành một chuỗi phân phối thống nhất.
(Theo Bảo Anh // Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com