"Tái cơ cấu kinh tế là để làm ra tiền mới chứ không phải là cái cần đến tiền, không phải là cái để đi xin bao cấp tiền", tác giả của đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế - TS Nguyễn Đình Cung nói.
Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế đang được mổ xẻ với nhiều ý kiến đa chiều. Các chuyên gia kinh tế và Ủy ban kinh tế của Quốc hội đều đặt câu hỏi về chi phí thực hiện đề án ở đâu ra, lực cản nào cho tái cơ cấu? TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với tư cách là tác giả soạn thảo đề án đã chia sẻ với Diễn đàn kinh tế Việt Nam về câu chuyện này.
Chưa cần đặt vấn đề chi phí
- Thưa ông,như ý kiến của nhiều chuyên gia khác còn cho rằng, các nước sẽ thường dùng 5-15% GDP để triển khai tái cơ cấu, nếu vậy ở Việt Nam sẽ lấy đâu ra nguồn lực đó. Ông có diễn giải thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Đình Cung: Nói cần phải 5-10%GDP để tái cơ cấu kinh tế, tôi không hiểu ý kiến này là như thế nào? Chúng ta cứ lấy cái trường hợp của nước khác áp vào đây tôi nghĩ là không phù hợp lắm.
Vì tái cơ cấu nền kinh này không phải là để đối phó với khủng hoảng nào đó ập đến từ bên ngoài. Ở các nước, khi khủng hoảng, kinh tế nó suy thoái, họ phải bơm tiền vào tăng chỗ này cứu chỗ kia để phục hồi. Nhưng ở đây, tái cơ cấu kinh tế của chúng ta là khắc phục những cái yếu kém nội tại của nền kinh tế.
Một trong những nguyên tắc để thực hiện tái cơ cấu kinh tế là giảm thiểu tối đa chi phí kinh tế xã hội.
- Ủy ban kinh tếQuốc hộinêu ý kiến đề án tái cơ cấu kinh tế không rõ vấn đề chi phí, ông nói sao về điều này?
Tôi không hiểu các ý kiến đặt vấn đề cần có chi phí tái cơ cấu là gì, là cần có tiền, 4-5 tỷ USD để tái cơ cấu chăng? Một số bộ, tập đoàn hay đưa ra việc tôi cần từng nay tiền để tái cơ cấu, nhưng đề án tái cơ cấu tổng thể này không tư duy như vậy.
Tái cơ cấu kinh tế là để làm ra tiền mới chứ không phải là cái cần đến tiền, không phải là cái để đi xin bao cấp tiền.
Tôi cho rằng, không có tiền là điều kiện thuân lợi để tái cơ cấu kinh tế, chính là động lực thúc đẩy tái cơ cấu.
TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. (ảnh: P. Huyền) |
Ví dụ sống động hiện nay là đầu tư công. Vì không có tiền, chúng ta buộc phải cắt giảm, thế mới giải quyết tạm thời được vấn đề tồn tại nhiều năm đã nói là đầu tư dàn trải, phân tán, không đồng bộ. Giờ, giả sử ta vẫn có 5- 7 tỷ ở đâu đó mà cơ chế phân bổ nguồn lực chưa thay đổi thì nguy cơ là, đầu tư công vẫn dàn trải là rất lớn.
Thực ra mà nói, chúng ta đang rất cần tiền để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Nhưng nhìn ở góc độ tái cơ cấu cơ chế phân bố nguồn lực thì chính tình thế không có tiền này sẽ buộc ta phải thay đổi nội tại, không còn con đường nào khác.
Trong 100 giải pháp để cải cách kinh tế thì tôi cho rằng, phần lớn các giải pháp không cần tiền vẫn thực hiện được. Nghĩa là, không cần bổ sung thêm tiền, bộ máy Nhà nước vẫn vận hành chi tiêu như thể để thực hiện công vụ. Giống như chúng tôi làm đề án này là một hoạt động bình thường của Viện nghiên cứu.
Cho nên, không cần thiết phải đặt vấn đề chi phí tái cơ cấu kinh tế ở đây.
- Ông có thể ví dụ, giải pháp không cần tiền mà hiệu quả?
Ví dụ như cải cách DNNN, cổ phần hóa ai cũng đồng ý là càng nhanh, càng tốt và thứ hai là nâng cao hiệu lựcquản trị.
Một trong các giải pháp là ban hành một quy chế công khai hóa, công bố thông tin về tập đoàn, tổng công ty nhà nước tương tự như là cách thức công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tôi cho rằng đó là những giải pháp đột phá cục bộ, mà không ảnh hưởng gì đến hệ thống quan điểm hiện nay, lại hướng đến nâng cao hiệu quả.
Đẩy nhanh cổ phần hóa những ngành nghề mà nhà nước xác định không nắm giữ như nhà hàng, khách sạn, du lịch...thì cũng là giải pháp không đụng chạm gì đến hệ thống quan điểm hiện hành nhưng lại nâng cao hiệu quả DNNN.
Ví dụ, các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải nhanh chóng thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành và tập trung vào cách ngành kinh doanh cốt lõi.
Thoái vốn, cổ phần hóa, minh bạch hóa, lên sàn đối với DNNN là giải pháp rất đột phá, nâng cao hiệu quả mà không cần tiền. Hoặc nếu có, tốn kém rất ít chi phí như thuê chuyên gia này, tư vấn kia...
- Tuy nhiên khi tái cơ cấu, chúng ta có thể sẽ mất đi một nguồn chi phí nào đó. Đơn cử như trong tái cơ cấu ngân hàng vừa rồi, 3 ngân hàng yếu thanh khoản phải sát nhập, Ngân hàng Nhà nước phải bơm tiền ra ứng cứu, vậy nghĩa là tốn một khoản chi phí cho tái cơ cấu không, thưa ông?
Trong việc này, Ngân sách chưa phải bỏ ra một đồng nào. Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ra và Ngân hàng Nhà nước lại thu tiền về, không mất gì cả.
Vì rõ ràng, chức năng của Ngân hàng Nhà nước là nguồn tiền cuối cùng bơm ra thị trường để điều hòa lưu thông tiền tệ ở thị trường này. Chỗ nào thiếu, họ vẫn bơm ra. Chỉ khác là trong trường hợp này, nguồn tiền bơm ra là giải quyết thanh khoản cho các ngân hàng yếu thì người ta tưởng đó là mất. Chỉ khi nào ngân sách phải bỏ ra thì mới gọi là mất.
Trong điều hành kinh tế hiện nay, có những cái đã mất rồi chứ không phải vì tái cơ cấu mà mất đi, như một phần nợ xấu ngân hàng, những bộ phận kém hiệu quả trong DNNN , những cái đầu tư sai của DNNN.
Ví dụ trước đây, Tập đoàn kinh tế đầu tư ra ngoài ngành, mua cổ phần cổ phiếu ở đâu 5 "chấm", 6 "chấm" thậm chí là 10 "chấm" nhưng nếu mà bây giờ bán đi thì được khoảng một "chấm" hay là 1 "chấm" rưỡi, thậm chí không được 1 "chấm" thì cái đó là đã mất rồi.
Tái cơ cấu làm bộc lộ rõ nhưng khoản đã mất như thế, chứ không làm phát sinh cái mất đó.
Quan trọng là tính khả thi
- Thưa ông, với thể chế hiện hành, tư duy cũ thì liệu, đề án tái cơ cấu có khả thi? Hầu hết, các ý kiến đều đòi hỏi phải cải cách thể chế trước tiên, phải thay đổi tư duy. Thậm chí, nhiều ý kiến nói đề án na ná kế hoạch 5 năm?
Nói vấn đề thể chế thì mênh mông lắm. Chúng ta vẫn đang vận hành nền kinh tế trong thể chế này, đằng sau đó là một hệ quan điểm về xây dựng kinh tế xã hội, đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng.
Nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước sẽ hiệu quả hơn (ảnh: Phạm Huyền) |
Đòi hỏi thay đổi tư duy, đưa ra quan điểm mới, để xây dựng thể chế mới thì những thay đổi mang tính chất tầm cao như vậy, một đề án như thế này không thể vươn tới. Muốn vậy, chúng ta sẽ phải chờ tới những sự kiện lớn như Đại hội Đảng...
Là tác giả soạn thảo, tư duy của tôi là đặt đề án tái cơ cấu kinh tế vận hành trong thể chế hiện nay, với hệ quan điểm chính trị kinh tế đã có.
Quả là có những giải pháp rất hay rất đúng nhưng nó không khả thi trong nền thể chế hiện hay, trong hệ tư duy hiện nay thì cuối cùng sẽ là vô nghĩa. Ví dụ, quan điểm nói là kinh tế Nhà nước là chủ đạo, kết luận đó nằm ở Nghị quyết của Đảng, được ghi vào trong Hiến pháp. Giờ bảo đề án tái cơ cấu kinh tế phải thay đổi điều đó thì không thể một sớm một chiều làm được.
Nếu bây giờ cứ bàn cãi với nhau là vai trò của Nhà nước thế nào, Chính phủ làm đến đâu,doanh nghiệp làm đến đâu , dân làm đến đâu rồi thì, vai trò của DNNN là cái gì,làm chỗ nào, rút chân chỗ nào... Nếu mà thống nhất được và đi đến kết luận thì tôi e là kéo dài nhiều năm nữa cũng chưa kết thúc.
Tái cơ cấu kinh tế không phải là tất cả. Đó chỉ là một bộ phận vận hành trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, một bộ phận để triển khai kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm chứ không hề bao trùm lên những kế hoạch, chiến lược này.
Đề án tái cơ cấu sẽ phải thực tế hơn, gắn với bối cảnh xã hội kinh tế hiện hành.
Vì thế, mục tiêu đề án là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, trong đó có nguồn lực Nhà nước, của tư nhân thì sẽ dễ được chấp nhận, chứ đề án không bàn tới việc kinh tế Nhà nước hay tư nhân, cái nào là chủ đạo, không chủ đạo.
- Theo ông, thách thức lớn nhất cho tiến trình tái cơ cấu kinh tế là gì?
Tạm thời, tôi mới mường tượng 3 thách thức cụ thể. Thứ nhất, quá trình tái cơ cấu này là sẽ là một quá trình đảo lộn về phân bố nguồn lực. Khả năng tăng trưởng về mặt ngắn hạn và trung hạn sẽ không đạt được như kế hoạch 5 năm đặt ra. Việc này cần phải chấp nhận..
Nhưng vấn đề là, các kế hoạch này nằm ở Nghị quyết, Quốc hội đánh giá cũng cũng dựa vào Nghị quyết. Sự đánh đổi này phải được chấp nhận đối với cả hệ thống chính trị.
Nếu chỉ nhắm vào mục tiêu cụ thể như tăng trưởng... thì ta lại đề ra giải pháp ngắn hạn, bỏ tiền ra trong một cơ chế phân bố nguồn lực như cũ. Thế thì không cần đến tái cơ cấu.
Thách thức thứ hai, đó chính là sự thay đổi lợi ích. Có người sẽ được, có người sẽ bị mất lợi ích. Những người bị mất lợi ích này chính là những người đang gắn với thể chế phân bố nguồn lực hiện hành. Thường bằng cách này, cách kia, họ sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu này, có thể phản ứng như không ủng hộ, chống lại, làm chậm trễ chương trình. Tôi cho là số người này không phải là ít.
Thứ ba, khi tái cơ cấu, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi lại chiến lược phát triển kinh doanh. Có những ngành đang được khuyến khích thì giờ, sẽ không được khuyến khích nữa. Một bộ phận người lao động sẽ tạm thời bị mất việc làm hoặc phải thay đổi lại kỹ năng làm việc.
Như vậy để khắc phục được những thách thức này, cần một quyết tâm chính trị rất lớn và sự đồng thuận chính trị rất lớn trong toàn hệ thống để thực hiện. Cùng đó, cần một bộ phận trung lập có thẩm quyền giám sát, chỉ đạo, thúc đẩy thực hiện. Cũng rất nhiều ý kiến kiến nghị lập Ủy ban giám sát, ban chỉ đạo tái cơ cấu...
Hiện nay chúng ta cũng đang thành lập Ủy ban quốc gia về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, Chính phủ có thể tăng cường năng lực và thẩm quyền giám sát tái cơ cấu kinh tế.
(Theo VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com