![]() |
Ông Vũ Huy Hoàng |
Thưa Bộ trưởng, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng nhập siêu của nước ta quá lớn?
Trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì phải tăng cường đầu tư nên buộc phải nhập khẩu máy móc, thiết bị để phát triển sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, chúng ta không thể không nhập khẩu nguyên vật liệu để chế biến, gia công hàng xuất khẩu. Theo thông lệ quốc tế, với những nước đang phát triển thì nhập siêu vào khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu là chấp nhận được.
Đối với Việt Nam, chúng ta đang tập trung mọi nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế để xây dựng các dự án, công trình kết cấu hạ tầng xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế như xây dựng các nhà máy điện, hệ thống hạ tầng giao thông, bệnh viện… Trong những dự án, công trình này có nhiều loại máy móc, thiết bị chúng ta chưa sản xuất được, đơn cử như Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất hay các nhà máy nhiệt điện có công suất 1.000 MW trở lên có rất nhiều thiết bị, máy móc chúng ta chưa sản xuất được nên buộc phải nhập khẩu.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng chúng ta có nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu như chế biến hạt điều, da giày, dệt may, đồ gỗ… nhưng nguồn nguyên liệu trong nước không đủ nên phải nhập khẩu nguyên liệu để gia công hàng xuất khẩu nên nhập siêu cũng là điều bình thường.
Nhưng sẽ là không bình thường khi mà tỷ trọng nhập siêu so với kim ngạch quá cao như hiện nay?
Đúng là nếu nhập siêu quá cao sẽ là bất bình thường, nhưng điều đáng mừng là tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần.
Cụ thể, năm 2007, nhập siêu của Việt Nam tương đương 29% kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ này năm 2008 giảm xuống còn 28%; năm 2009 còn 21,6% và 5 tháng đầu năm 2010 chỉ còn 20,8%. Năm 2010, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải quyết tâm giảm tỷ lệ nhập siêu xuống còn khoảng 20%.
Bộ trưởng có nghĩ rằng, nhập siêu năm 2010 sẽ giảm mạnh?
Chưa thể nói trước được điều gì, nhưng với diễn biến của tình hình xuất - nhập khẩu 5 tháng đầu năm, nếu thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Tôi xin thông tin thêm rằng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 5 đạt 6,1 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay lên 25,83 tỷ USD; tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2009. Đặc biệt, nhập siêu trong tháng 5 chỉ ở mức 750 triệu USD; bằng 12,3% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó nhập siêu của 4 tháng đầu năm lên tới 4,63 tỷ USD (nhập siêu bình quân đạt trên 1,15 tỷ USD), bằng 23,4% kim ngạch xuất khẩu. Nhờ nhập siêu tháng 5 giảm mạnh nên nhập siêu 5 tháng đầu năm mới giảm xuống còn 20,8% (ước vào khoảng 5,37 tỷ USD).
Đà nhập siêu tháng 5 giảm rất mạnh, vậy vì sao không đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nhập siêu xuống còn 10 - 15% mà vẫn đặt mục tiêu là 20%?
Chúng ta khó có thể giảm nhập siêu mạnh hơn nữa, vì như tôi đã nói, trong bối cảnh chúng ta phải tiếp tục đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tiếp tục phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nếu giảm nhập siêu quá mạnh sẽ tác động xấu tới tốc độ tăng trưởng kinh tế không chỉ của năm 2010 mà còn tác động tới cả nhiều năm tiếp theo.
Tôi nhắc lại rằng, với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ nhập siêu ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu là có thể chấp nhận được. Và Bộ Công thương cũng như các bộ ngành đang quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện bằng được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là nhập siêu vào khoảng 20%.
Thưa Bộ trưởng, vấn đề là điều hành cơ cấu nhập khẩu thế nào để vừa bảo đảm duy trì đà tăng trưởng kinh tế, vừa tránh được nhập khẩu hàng hoá xa xỉ không thiết yếu?
Chúng tôi chia hàng hoá nhập khẩu thành 3 nhóm. Nhóm hàng hoá hết sức cần thiết để phục vụ cho nền kinh tế (nhóm 1), không thể không nhập khẩu gồm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu tối cần thiết mà trong nước chưa sản xuất được. Nhóm này chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu.
Nhóm hàng hoá cần thiết phải nhập khẩu (nhóm 2), nhưng cũng có thể giảm bớt một chút và khi nhập khẩu phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Nhóm hàng hoá này (chiếm trên 20%) gồm những loại hàng hoá trong nước sản xuất được nhưng chưa đủ để sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu. Mục tiêu của chúng tôi là giảm nhập khẩu những loại hàng hoá này, tuy nhiên phải có lộ trình, bởi để làm được cần phải phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Nhóm hàng hoá thực sự không cần thiết (nhóm 3), gồm hàng tiêu dùng như ôtô, xe máy, điện thoại di động… Mặc dù nhóm hàng này chỉ chiếm 7% kim ngạch nhập khẩu nhưng vẫn cần phải hạn chế, khống chế nhập khẩu bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Như vậy là những lo ngại về việc gia tăng nhập khẩu hàng hoá xa xỉ, không thực sự thiết yếu là không có cơ sở?
Nếu nhìn vào số liệu thống kê thì thấy một nước nghèo như Việt Nam mà bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu ôtô, xe máy, điện thoại thì đúng là đáng ngại. Tuy nhiên, trên thực tế là trong cơ cấu nhập khẩu những loại hàng hoá được xếp vào nhóm 3 bao gồm cả nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho ngành sản xuất ôtô, xe máy, điện thoại trong nước chứ không phải chỉ có nhập khẩu ôtô, xe máy, điện thoại nguyên chiếc.
Nhân đây tôi cũng nói thêm rằng, mặt hàng ôtô tải, xe khách, xe bus nói chung đã đạt tỷ lệ nội địa hoá 50-60%; hiện tại phần lớn xe khách và xe tải xe tải dưới 5 tấn được lắp ráp trong nước. Linh kiện, phụ tùng ôtô (những mặt hàng được xếp vào nhóm 3) không phải chỉ để phục vụ cho việc lắp ráp xe du lịch (mặt hàng hạn chế) mà còn phục vụ cho việc lắp ráp ôtô tải, xe khách, xe bus (những mặt hàng cần thiết - nhóm 2).
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com